Bóng hình Trung Cổ trong thế chiến thứ Nhất

Tác giả Đông Nguyễn
Bóng hình Trung Cổ trong thế chiến thứ Nhất

Thế chiến thứ Nhất chứng kiến một loạt những vũ khí tối tân được triển khai: súng tiểu liên, xe tank, chiến đấu cơ, thiết giáp hạm, hỏa tiễn… Nhưng bên cạnh đó, những thứ vũ khí thời trung cổ cũng xuất hiện trở lại trên chiến trường. Dưới đây là ví dụ về một số thứ vũ khí tưởng chừng lỗi thời đó.

Thế chiến thứ Nhất có lẽ là giai đoạn hoàng kim cuối cùng của những thiết kế áo giáp thép dành cho cá nhân. Trước hỏa lực càng ngày càng ác liệt, tất cả các phe tham chiến đều tham khảo áo giáp hiệp sĩ trung cổ để đưa ra những mẫu áo giáp bằng thép, nhằm nâng cao sĩ khí của binh sĩ. Các thiết kế này đều mang tham vọng có thể chống mọi loại đạn từ đạn súng ngắn đến súng trường, súng máy.

Tuy nhiên qua thử nghiệm, chúng đều gặp phải một trong hai vấn đề: Hoặc chống đạn hiệu quả nhưng quá nặng để mặc, hoặc đủ nhẹ để mặc nhưng quá mỏng để chống đạn. Bởi vậy, áo giáp cá nhân không bao giờ được trang bị rộng rãi. Dẫu vậy, đây cũng là tiền đề cho những bộ giáp của Thế chiến thứ Hai và thời hiện đại. Dĩ nhiên, người ta phải hạ thấp yêu cầu đối với chúng: Hoặc bộ giáp che tương đối kín người nhưng chỉ chống được đạn súng ngắn từ cự ly trăm mét, hoặc chống được đạn súng trường thông thường nhưng chỉ gồm một tấm thép nhỏ vừa đủ che ngực.

Một dạng “áo giáp trung cổ” khác là tấm khiên cũng tái xuất tại Châu Âu sau 400 năm. Những tấm khiên này cơ bản là những tấm thép cực dày. Các nhà thiết kế kỳ vọng binh sĩ sẽ vác khiên này khi xung phong để chống đạn súng máy bắn trực diện, đặng bảo toàn quân số trong những cuộc xung phong chiếm chiến hào. Tuy nhiên họ không lường tới rất nhiều cản trở hay nguy hiểm khác như đạn pháo, bom từ máy bay, dây thép gai, hố đạn pháo… khiến tấm khiên trở nên vô dụng.

Mũ trụ cho lính gác và giáp cánh tay của Mỹ
Khiên tay của lính Pháp

Thế chiến thứ Nhất là cuộc chiến “hầm, hào”. Để chống súng máy và đạn pháo, các phe đều đào các hào sâu để binh sĩ ẩn nấp. Và chính các hầm, hào cũng được trang bị súng pháo phòng thủ, biến chúng thành những điểm kiên cố khó có thể hạ bằng chiến thuật thông dụng. 

Để chiếm các điểm “cứng” này, các phe tham chiến tổ chức các tổ đội xâm nhập bí mật ban đêm. Khi đó, các loại tiểu liên vẫn còn sơ khai, chưa phổ dụng. Súng trung liên, đại liên thì quá nặng để binh sĩ vác theo. Còn súng trường thì nhịp bắn quá chậm và quá cồng kềnh, không phù hợp với các cuộc cận chiến chớp nhoáng trong không gian chật hẹp. Bởi vậy, những thứ vũ khí lạnh đánh gần như chùy, rìu chiến lại một lần nữa trở thành trang bị cực kỳ hữu hiệu. 

Cũng như áo giáp, thiết kế của các loại vũ khí này mang hơi hướng trung cổ đậm đặc. Đa số chúng còn không phải trang bị được cấp phát, mà do binh sĩ tự chế tạo từ chính nguyên liệu sẵn có trong chiến hào. Chẳng hạn, một thanh gỗ đặc cắm các đinh sắt ở đầu là đã đủ để sử dụng như một chiếc chùy công hiệu.

Bên cạnh đó, những thứ vũ khí cận chiến như lưỡi lê, đao kỵ binh được phát tiêu chuẩn cũng trở nên cực kỳ lợi hại trong chiến hào.

Chùy chiến hào của Đức, lấy cảm hứng từ chùy “Sao Mai” thời trung cổ

Chiến hào hai phe đôi khi chỉ cách nhau vài chục mét. Ở cự ly đó, pháo binh không thể phát huy vì dễ bắn trúng quân mình. Để pháo kích chiến hào đối phương, binh sĩ tại tiền tuyến tự chế tạo các máy phóng bom và lựu đạn cơ học theo nguyên lý máy bắn tên, máy bắn đá trung cổ. 

Các máy này có thể là dạng nỏ khổng lồ, bắn đi bằng dây đàn hồi, hoặc dạng đòn bẩy, và có cần ném níu bằng lò xo. Nguyên vật liệu đều là các thứ sẵn có tại chiến trường. Tầm bắn cũng không cao, chỉ vài chục mét, nhưng như vậy là đủ cho nhu cầu tại chỗ của họ. 

Tuy nhiên thời hạn phục vụ của các loại máy này không cao, bởi các quân đội nhanh chóng nhận thấy lợi ích của các hệ phóng tầm ngắn và đã nghiêm túc thiết kế các loại súng phóng tiêu chuẩn. Đó chính là sự ra đời của “súng cối chiến hào” – tiền thân của súng cối di động hiện đại, và các loại súng phóng lựu. So với các máy ném cơ học, bệ phóng dạng súng ít bộ phận di chuyển hơn, tức là ít hao mòn hơn, lắp ráp và vận hành cũng đơn giản hơn.

Các loại máy ném lựu đạn dùng cần bật lò xo của quân Pháp
Máy ném lựu đạn dạng ná cao su của quân Anh
Máy ném lựu đạn dạng nỏ của quân Pháp

Chiến tranh hầm, hào trong Thế chiến thứ Nhất thực sự là một cảnh tượng thú vị, đan xen những thứ khí cụ tân tiến và những vũ khí Trung Cổ. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất. Chẳng hạn, trong phong trào biểu tình Maidan Ukraine năm 2014, hay trong nội chiến Syria 2011, các phe cũng tự chế tạo các máy bắn đá trebuchet kiểu Trung Cổ để ném bom, lựu đạn trong nội đô – nơi pháo binh không hiệu quả. 

Như vậy, khi đối mặt với tình huống mới và điều kiện hạn chế, con người có xu hướng lấy những ý tưởng xưa ra để thử giải quyết những thách thức trước mắt. Do đó, có lẽ trong tương lai chúng ta vẫn còn cơ hội thấy lại những “hàng nóng” cổ đại tung hoành chiến trường.

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế: Gia Thuần

Share