Phiêu dực Kỵ binh Ba Lan – Kỳ 2: Thiên thần Chết chóc

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Phiêu dực Kỵ binh Ba Lan – Kỳ 2: Thiên thần Chết chóc

Chúng tôi dõi theo những Phiêu dực Kỵ binh Ba Lan càn quét chiến trường. Lạy chúa, thật là một sức mạnh bạt sơn cử đỉnh. Họ băng qua muôn trùng khói lửa, tạo ra thanh âm chấn động như hàng ngàn thợ rèn cùng đập lên đe một lúc. Chúng tôi chứng kiến từ đầu tới cuối… Lạy Chúa Jesus, lạy Đức mẹ Maria! Những ngọn trường thương giương lên uy dũng như cánh đồng hắc mạch trong cơn cuồng phong! Đạn bay như sao sa! Họ phi nước đại thẳng về hướng quân thù Thụy Điển! Đâm sầm vào cánh quân thứ nhất! Áp đảo chúng! Tiếp tục va chạm với cánh quân thứ hai! Đè bẹp hoàn toàn! Thụy Điển vỡ trận, binh bại như núi đổ. Phiêu dực Kỵ binh tung hoành như chốn không người, lách sâu vào đội hình kẻ thù như mũi dao nhọn. Họ nhắm đến mục tiêu tối thượng: Vua Carol, kẻ được toán kỵ sĩ Thụy Điển hộ vệ. Có điều tinh thần chúng cũng dao động lắm rồi


- Trích tiểu thuyết Đại hồng thủy, Henryk Sienkewicz.

Nhìn thấy kỵ binh Ba Lan trên chiến trường chắc sẽ như thế này: Những đôi cánh rít lên trong tiếng gió khi đoàn kỵ binh thực hiện một cú xung phong tàn khốc. Cảnh tượng ngoạn mục này sẽ gieo rắc nỗi kinh hoàng cho bất cứ kẻ thù nào dám đối mặt. Giờ chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích tường tận về họ.

A. Ngựa

Chiến mã: Kỹ năng đầu tiên và then chốt mà một cậu bé phải thành thục nếu muốn gia nhập lực lượng Phiêu dực Kỵ binh chính là cưỡi ngựa. Ngựa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong văn hóa Ba Lan, như câu thành ngữ:

“Người Ba Lan thiếu ngựa
Như nhục thể không hồn”

Để làm quen dần, các lãnh chúa quý tộc thường đặt con trai mình lên yên ngựa khi chúng chưa đầy hai tuổi. Ngựa của Phiêu dực Kỵ binh cũng không thể tầm thường. Ngựa Ba Lan phối giống cùng một giống ngựa phương Đông khác. Nhiều thế hệ như vậy và ta có một siêu phẩm. Đứa con lai này sẽ mang đầy đủ các đặc điểm tuyệt vời để trở thành cỗ máy chiến tranh hoàn hảo:

– Khỏe mạnh, có thể mang một kỵ sĩ nặng 100kg với đầy đủ trang bị mà vẫn chạy nhanh.

– Bền bỉ và hồi sức nhanh. Vác được khối lượng như trên và di chuyển hàng trăm cây số.

– Linh hoạt và cơ động.

– Chịu lạnh tốt.

– Không sợ âm thanh của súng và đại bác.

Trung bình ngựa cần ít nhất lên năm tuổi để huấn luyện và bảy tuổi để phục vụ. Tuy nhiên, giống như chó nghiệp vụ, không phải con nào cũng đủ phẩm chất sau quá trình sàng lọc. Những tuấn mã vượt qua kỳ sát hạch thì chúng là tài sản vô giá. Thậm chí, kẻ dám bán chúng ra ngoài Thịnh vượng chung sẽ bị xử tử.

Dân Ba Lan rất can đảm và hiếu chiến, nhưng toàn bộ sức mạnh của họ phụ thuộc vào ngựa. Các kỵ sĩ Hussar sử dụng một ngọn thương dài, một tấm khiên, một súng trường hoặc súng ngắn, và hai thanh đoản kiếm, một thanh giắt bên hông kỵ sĩ, thanh còn lại buộc chặt bên trái yên ngựa


- Fynes Moryson ghi chép lại trong lần ghé Ba Lan năm 1593.

Tùy theo phẩm chất, giá ngựa có thể dao động rất kinh khủng. Ví dụ:

Không tính các khoản thu nhập khác, lương kỵ sĩ tầm 15 zloty mỗi quý, vị chi mỗi năm nhận 60 zloty (tiền Ba Lan). Ngựa bình thường có giá khoảng 10 zloty. Trong khi đó, ngựa chiến rơi vào tầm 100 zloty. Con số này vẫn chưa thấm vào đâu với mức giá từ 200 đến 800 zloty của ngựa tuyển. Thậm chí, những con đỉnh nhất có thể đến tận 1500 zloty. 

Ước tính, một con ngựa xịn có thể đắt gấp 5 tới 10 lần lương năm của một Phiêu dực Kỵ binh. Giống kiểu bạn đăng ký đi bộ đội nhưng mua Ducati, Triumph, BMW hay Harley Davidson để phục vụ cho công việc vậy. Không tính đám ngựa thồ hàng, tùy vào mức độ “đại gia”, Phiêu dực Kỵ binh có thể sở hữu từ 3 đến 6 chiến mã. Họ quý ngựa đến mức ra trận còn gắn đủ thứ trang sức lên mình chúng.

– Yên ngựa: Yên ngựa phủ da hoặc nhung, gắn thêm đồng và bạc, được thiết kế hõm sâu xuống để đỡ lấy lưng Phiêu dực Kỵ binh. Kiểu dáng này giúp kỵ sĩ ngồi vững vàng trên lưng chiến mã, không bị hất văng khi gặp chấn động mạnh.

B. Vũ khí

– Kopia: Món đồ duy nhất được nhà vua tài trợ cho các Phiêu dực Kỵ binh. Kopia là ngọn trường thương siêu dài được làm từ gỗ thông, đặc biệt hiệu quả khi thực hiện những pha xung phong. 

Các Phiêu dực Kỵ binh sử dụng một ngọn trường thương tối tân, đó là thứ đưa họ lên tột đỉnh vinh quang

Trong bộ vũ trang của Phiêu dực Kỵ binh, cây thương này là thứ ta cần bàn kỹ một chút. Kỵ binh rén nhất là nhóm bộ binh sử dụng vũ khí dài. Tưởng tượng bạn lao lên chưa kịp làm gì đã bị xiên rớt xuống ngựa, rất thốn phải không? 

Kỵ sĩ thời Trung cổ sử dụng thương đặc ruột nên nó rất nặng. Làm sao vác nổi một cây thương đã nguyên khối mà lại còn dài lê thê nữa chứ? Kopia được cải tiến để giải quyết triệt để vấn đề này. Ngoại trừ một núm hình cầu trên thân làm tay cầm, cấu tạo của kopia dài rỗng. Điều này giúp trọng lượng nó nhẹ hơn, dẫn đến kích thước cũng dài hơn. Đây là điểm mấu chốt cho sự lợi hại của kopia. Một cây như vậy dài tận 6m, vượt qua 5m của cây thương bộ binh vốn có, từ đó khắc chế được kẻ tử thù này. Thậm chí, lúc kopia gãy đôi sau đợt xung phong, nó vẫn có thể dài đến 2-3m, đủ để Phiêu dực Kỵ binh tiếp tục dùng như một cây thương ngắn.

“Ngọn trường thương của họ là một món binh khí tuyệt hảo. Trong trận Polonka, một cú đâm của kỵ binh Ba Lan xuyên thấu sáu bộ binh Nga. Còn trong trận Chocim, họ cũng xiên được ba bốn lính Thổ một lúc”


- Tiến sĩ lịch sử Radosław Sikora chia sẻ.

– Szabla: Khi kopia gãy, họ sẽ vòng lại lấy cây khác và xung phong thêm lần nữa, hoặc rút thanh gươm cong szabla ra đánh cận chiến. Szabla là một trong những binh khí tuyệt hảo nhất mọi thời đại. Cây này tuy bình dân, ai cũng dùng được, nhưng một khi đính kèm kim cương châu báu thì lại trở thành một món trang sức đắt tiền. Các anh quý tộc Ba Lan nhà giàu nên cây szabla cũng chất lượng hơn hẳn lính quèn. 

– Súng lục: Trước đó, các kỵ sĩ dùng cung để đánh tầm xa. Đến thời vua Stephen Bathory, ông ra lệnh họ bắt buộc phải mang theo súng. Đây là vũ khí phụ nhưng sát thương lớn. Chẳng chiến binh nào lại đi chê súng cả. Một cú headshot đủ sức tiễn kẻ địch phiêu diêu miền địa phủ. Họ sẽ trang bị khoảng bốn đến sáu khẩu. 

– Palasz: Gươm thẳng được thiết kế cho những cú chém mạnh rất lực. 

– Karabela: Gươm cong có chuôi hình đầu chim.

– Koncerz: Gươm mảnh dài đến 1,6m để đối phó với những đối thủ trang bị giáp dày, dùng như một phương án thay thế cây thương kopia. Lợi dụng gia tốc phi nước đại của chiến mã, kỵ sĩ sẽ đưa koncerz ra thẳng phía trước để đâm xuyên giáp địch. Nếu không rút ra được, kỵ sĩ tiếp tục dùng szabla, karabela hoặc palasz để tung hoành.   

– Nadziak: Cuốc chiến dùng để bổ đối phương. Một cú quật từ nadziak sẽ xuyên vào mũ trụ địch như lấy dao cắt vào bơ.

– Bandolet: Súng hỏa mai có tầm bắn hiệu quả 20m. Thường kỵ sĩ dùng thương kopia sẽ không vác theo những khẩu súng dài như vậy vì nó vướng víu. Thay vào đó, đội hậu cần sẽ mang giùm chủ nhân. 

Không phải lúc nào kỵ sĩ cũng ngồi lì trên lưng chiến mã. Họ sẽ xuống ngựa khi hết đợt xung phong hoặc lúc phục kích, hãm thành, đánh đêm. Lúc ấy cây kopia sẽ thành phế vật và cây súng lại thành báu vật.

– Trang bị khác: Ngay từ nhỏ các “Thiên thần tương lai” đã phải cày đến mức độ tinh thông các loại vũ khí khác nhau trên lưng ngựa. Vì thế bộ vũ khí của họ rất đa dạng như rìu chiến, dao găm, vân vân. Khi đã đủ độ “chín”, họ trở thành những dũng sĩ võ công cao cường, không hề ngán đánh nhau tay đôi, nhạc nào cũng nhảy được.

C. Trang phục:

– Zupans: Khi ra trận, Phiêu dực Kỵ binh nào cũng muốn trông mình thật sang chảnh và nổi bật trên chiến trường. Họ mặc một chiếc żupans đỏ thẫm. Đây là loại áo dài phổ biến của giới nhà giàu Ba Lan. Chân kỵ sĩ mang những đôi ủng vàng hoặc đỏ. Còn áo choàng làm từ da động vật lót lụa. 

– Giáp thân: Bên ngoài żupans là lớp giáp lấy cảm hứng từ La Mã. Bộ giáp của Phiêu dực Kỵ binh là những tác phẩm nghệ thuật thực sự, chúng che phủ ngực, lưng, vai, tay, chân, đùi, và đầu gối. Sang thời vua Sobieski, giáp karacena trở nên phổ biến. Loại giáp này gồm nhiều tấm sắt nhỏ như vảy rồng và chỉ nặng 15kg. Nhờ giáp nhẹ nên cả người và ngựa đều đỡ cực. Chiến mã phi nước đại cũng khỏe hơn. Nó độc đáo ở chỗ được đánh bóng thay vì nhuộm đen để chống rỉ sét. Một nhược điểm duy nhất là tiền giáp đắt, thành ra mỗi sĩ quan chỉ huy đội Phiêu dực Kỵ binh mới mặc.

– Szyszak: Mũ trụ được thiết kế gồm một hộp sọ hình bán cầu, trên đó các mỏ được gắn bằng đinh tán, phần phía sau như đuôi tôm hùm. Kỵ sĩ có thể điều chỉnh miếng bảo vệ mũi và tai. Nếu nhìn từ xa, ta thấy gương mặt họ thật sự giống đầu lâu. Có lẽ vì thế nên Phiêu dực Kỵ binh cũng mang biệt danh Thiên thần Chết chóc (Angel of Death) chăng?

– Lông thú: Phiêu dực Kỵ binh là lực lượng tình nguyện tinh nhuệ nên không cần tuân thủ việc mặc đồng phục. Thích da gấu, da hổ hay da báo? Cứ việc khoác lên ra trận. Không chỉ đẹp mà còn ngầu. Không ít kẻ hâm mộ đã bắt chước lối ăn mặc này khiến Phiêu dực Kỵ binh trở thành một biểu tượng thời trang.

Trong chiến tranh, người Ba Lan sẽ làm mọi cách để hư trương thanh thế, khiến cho địch quân tưởng họ đông hơn gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, họ còn trang bị thêm đôi cánh đại bàng và khoác lên mình bộ da mãnh thú để dọa đối phương

 

- Sứ giả Venice Hieronimo Lippomano viết năm 1575.

– Hiệu kỳ: Tùy theo đơn vị mà thiết kế trên lá cờ sẽ khác nhau. Với chiều dài lên từ 2,5 đến 3,5m, một rừng cờ quạt rực rỡ bay phần phật khi Phiêu dực Kỵ binh xuất hiện là cảnh tượng vô cùng ngoạn mục, đồng thời nó cũng khiến ngựa đối phương hoảng hốt. Thường hiệu kỳ sẽ được gắn trên ngọn thương, trong khi cán thương được đút vào một đế kim loại gọi là tuleja, giúp kỵ sĩ đỡ mỏi vì mang vác. Trong những chuyến hành quân đường dài, hiệu kỳ sẽ được cuốn lại và giao cho đội hậu cần mang theo.

– Đôi cánh: Điểm độc đáo giúp Phiêu dực Kỵ binh nổi bật so với các đơn vị kỵ binh khác trong lịch sử. Đôi cánh được tạo thành từ một khung gỗ uốn cong, gắn lông đại bàng hoặc các loài cầm điểu khác. Họ đeo chúng đằng sau yên ngựa hoặc trên lưng áo giáp.

Vậy đôi cánh Thiên thần có tác dụng gì ngoài trang trí không? Đây là câu được nhiều người hỏi nhất tìm hiểu về những hiệp sĩ Ba Lan. Ngoài yếu tố thẩm mỹ xứng tầm với lực lượng tinh nhuệ của Thịnh vượng chung, những đôi cánh có tác dụng thực chiến.

Phiêu dực Kỵ binh là quân chủng xung kích (shock troop). Nhiệm vụ của họ là trong khoảng thời gian ngắn nhất phải đánh tan vỡ đội hình địch trước khi chúng kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Những đôi cánh có tác dụng áp đảo tâm lý quân thù. Khi chạy những đôi cánh này khiến kỵ binh to lớn hơn và còn phát ra âm thanh gây hoảng sợ cho kỵ binh đối phương. 

Trong thời đại dân cư thưa thớt, hiếm khi thấy được những làng mạc lân cận, thì việc đột ngột từ thinh không xuất hiện một đoàn Thiên thần, với hiệu kỳ cùng đôi cánh giương cao rít lên trong tiếng gió, rầm rập xung phong đủ sức gây hoảng loạn cho bất kỳ kẻ thù nào. Ngoài ra phần khung gỗ tạo nên đôi cánh còn đỡ được những nhát chém của đối phương từ phía sau, giảm thiểu thương vong cho kỵ sĩ.

Ngoài ra đôi cánh cũng như một kiểu “thương hiệu” đặc trưng của Phiêu dực Kỵ binh, bảo chứng cho uy tín trên chiến trường. Giả sử bạn sắp phải đánh nhau với Ba Lan và tưởng tượng ra chuyện phải đối đầu với đoàn “thiên binh thần tướng” này. Bạn biết chiến tích đáng gờm của họ. Tinh thần bạn dao động dữ dội dù còn chưa chạm trán họ. Bất thình lình những đôi cánh ấy xuất hiện và bạn hiểu mọi thứ gần như đã an bài. Winged Hussar mới thật sự là quân Thánh dực Dũng nghĩa.

Phiêu dực Kỵ binh không bao giờ ngừng bước. Họ càn quét mọi thứ trong lúc phi nước đại tiên phong

 

- Trích quyển Les Anecdotes de Pologne, xuất bản 1699, tác giả François Paulin Dalerac.

Một lực lượng được trang bị tân tiến nhưng chiến thuật lôm côm thì cũng chỉ là bao cát cho người ta đấm thôi. Phiêu dực Kỵ binh không như vậy. Họ được trang bị tới tận răng và cũng là những cỗ máy chiến đấu thượng thặng bên cạnh vẻ đẹp hoàn mỹ. Bí quyết áp đảo của họ là những cú xung phong trứ danh. Chúng được thực hiện theo các bước sau:

– Dàn trận:  Tùy vào địa hình và quân số, Phiêu dực Kỵ binh sẽ xếp thành hàng 3 hoặc 4. Đội kỵ binh ở phía cuối có thể tách lẻ nhằm khắc chế kẻ địch lăm le đánh tạt sườn. Sang đến cuối thế kỷ 17, đội hình chỉ giới hạn ở 2 hàng mà thôi. 

Khi bắt đầu di chuyển, các chiến mã sẽ kéo giãn đội hình ra, giữ khoảng cách nhất định để né tránh chướng ngại vật. Thỉnh thoảng hàng đi sau sẽ vượt lên để bù đắp cho thương vong của hàng đi trước. Làm gì thì làm, nhất định đảm bảo được “độ dày” của đội hình khi thực hiện cú xung phong. Kẻ địch của họ thường là từ 6 đến 10 hàng bộ binh. Đội hình quá mỏng đồng nghĩa với việc đâm đầu vào chỗ chết.

– Tiến quân: Phim ảnh khiến chúng ta nghĩ kỵ binh luôn chạy hùng hục. Thực tế, ngựa thì đúng là rất bền bỉ, nhưng cái gì cũng có giới hạn thôi. Chúng cũng biết kiệt sức. Chính vì vậy, chuyện giữ sức cho chiến mã là vô cùng quan trọng, tránh tình trạng chưa ra đến chợ đã tiêu hết tiền. 

Trong 75m đầu tiên, Phiêu dực Kỵ binh chỉ đi bộ bình thường. 150m tiếp theo, ngựa sẽ phi nước kiệu, dần tăng tốc lên nước đại, từ 13km/h đến 48km/h, để chuyển tiếp sang giai đoạn tiếp theo. Họ di chuyển rất nhịp nhàng và có thể đổi hướng thanh thoát như một vũ điệu uyển chuyển.

– Xung phong: 30m cuối cùng là hành trình quyết định: Quãng đường thực hiện một cú xung phong trời long đất lở. Bấy giờ, ngựa đã đạt vận tốc tuyệt hảo để giáng xuống đòn trừng phạt. Khi đến gần địch thủ, họ sẽ thống nhất đội hình lại thành một khối chặt chẽ, cùng nâng cao trường thương và càn tới như sóng thần. Giai đoạn gắn kết hàng ngàn chiến kỵ này khiến đội hình của Phiêu dực Kỵ binh trở nên vô cùng uy lực. Dưới sức nặng khối kỵ binh được gia tốc bởi bầy chiến mã sung sức, kẻ thù sẽ bị nghiền nát. Một đến hai cú đột phá bất ngờ như vậy đủ sức khiến chúng vỡ trận. Như ở trận Kircholm, Phiêu dực Kỵ binh Ba Lan đánh tan nát quân Thuỵ Điển trong vỏn vẹn 20 phút.

Nhìn chung vào thời điểm hoàng kim, Phiêu dực Kỵ binh không ngán một đối thủ nào cả, chấp luôn quân dùng súng hỏa mai. Súng thời ấy bắn không trúng trật gì cả và xạ thủ coi như xác định nếu chưa đốn ngã chiến kỵ Ba Lan từ xa. Những chàng trai cầm súng xấu số sẽ không còn cơ hội cho lần nạp đạn kế tiếp. Nhiều đợt xung phong liên tục nối nhau như sóng vỗ sẽ san bằng họ.

Một trong những yếu tố tiên quyết đóng góp cho thành công của 
Phiêu dực Kỵ binh nằm ở khu vực đồng bằng. Loại chiến trường trống trải này giúp chiến mã tận dụng tối đa ưu thế địa lợi, giúp kỵ sĩ như hổ mọc thêm cánh. Khi đánh nhau ở đồng bằng, các chiến binh Thịnh vượng chung mở khóa được toàn bộ sức mạnh tối thượng của mình.

Tất nhiên, trên đời này không tồn tại binh chủng toàn thắng 100% mọi trận đánh. Vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn. Đến trận đánh Kliszow với kỵ binh Thụy Điển cưỡi ngựa Friesian, cộng với sự chính xác của các loại súng đạn tối tân, thời đại hùng bá võ lâm của 
Phiêu dực Kỵ binh Ba Lan mới chấm dứt sau 130 năm.

Chia sẻ câu chuyện này

Minh họa nguồn: Krzysztof Piasek, Aleksander Karcz, Mariusz Kozik Tomasz Jedruszek
Họa sĩ 3D: Emre Ekmekci và Pierre Seigne 
Và một số minh họa nguồn: internet
Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Thiết kế và dàn trang Trần Văn Hậu

Share