[Tiểu thuyết] Án Sát Tầm Hồ – Kỳ 3: Chân tướng kẻ thủ ác

[Tiểu thuyết] Án Sát Tầm Hồ – Kỳ 3: Chân tướng kẻ thủ ác

Hung thủ vẫn tiếp tục gây án một cách tàn bạo, xác không toàn thây, máu thịt vương vãi. Ác giả ác bảo, có phải đã đến lúc oan gia trái chủ quay về đòi nợ?

Hai vụ trọng án xảy ra liên tiếp khiến nhà Hội đồng Sung trở thành tâm điểm bàn tán. Thiên hạ đều lấy đó làm chuyện phiếm khi gặp nhau ngoài chợ hoặc đương lúc trà dư tửu hậu. Ai ai cũng đều đồng ý rằng chỉ có cô hồn dã quỷ mới gây ra được những điều man rợ như vậy. Bà Hội đồng thất kinh, hồn vía mười phần xiêu lạc hết bảy, tám phần. Tuy nhiên, nhìn điền sản bạc vạn, bà sanh tâm xót của không muốn chia chác cho ai, thành thử ra cũng cấm ông Tuấn đi nhờ Cửu. 

Cửu thì vẫn ung dung thưởng rượu, còn sai thằng hầu đi tìm mấy cô đào về ca hát mua vui, thích chí vô cùng. Bà Hội đồng muốn tăng cường an ninh nên đút tiền cho sĩ quan Pháp rất hậu hĩnh. Chỉ mới hai giờ sau, một xe chở gần trăm lính khố xanh, khố đỏ cùng lính Pháp trang bị súng ống rất hăng máu, đứng đầy cả phủ, tưởng chừng như con ruồi cũng khó bay vô lọt.

Đêm hôm đó, vừa mới canh hai, Tuấn bỗng thấy bồn chồn trong dạ, lóng ngóng đi tới đi lui. Trong nhà đèn đuốc sáng trưng khiến ông ta thấy vững dạ thêm phần nào. Vừa định trở lại phòng, ông Tuấn bỗng kinh hoàng cực độ khi thấy trên nóc nhà là một sinh vật màu đen, lông bạc ánh kim dài đến vài tấc, cặp mắt đỏ như máu đứng nhìn mình chằm chằm, ông thất kinh kêu lên. Lính tráng lúc này mới lùng sục khắp nơi thì chẳng thấy sự gì lạ, ngoại trừ dấu tay máu in trên trần nhà, dẫn tới phòng của mấy người bà con nhà ông Hội đồng, bên trong không có gì khác ngoài hai cái xác bị lột da mổ bụng.

Khỏi phải nói cũng biết bà Hội đồng với ông Tuấn sợ hãi tới nhường nào, phen này điền sản cần đánh đổi bao nhiêu cũng đặng, giữ được cái mạng là mừng. Trong đêm bà Hội đồng cử người đến quán trọ tìm Cửu, thấy y đang say khướt, nằm gục trên bàn. Gia nhân đem lời thỉnh cầu của bà Hội đồng thuật lại hết, Cửu chỉ cười rồi đáp: “Ba phần tư!”, xong rồi gục xuống tiếp.

Thấy bà Hội cứ chần chừ không dám quyết, lão Tuấn cùng một số người bà con trong nhà sợ quá, bèn về phòng thu dọn đồ đạc rồi chuồn đi ngay. Chiếc xe của họ vừa mới đi chưa xa lắm, trong nhà bỗng nghe vang lại một tràng tiếng la hét từ hướng xe đi. Mọi người đổ tới xem thì thấy tất cả đều đã nhận phải kết cục y hệt mấy người trước. Bà Hội đồng quỳ sụp xuống như người mất hồn, lập tức nhờ người rước Cửu về hết sức trịnh trọng, đem hết lời lẽ ăn năn hối cải ra van xin. Cửu không nói không rằng, viết sẵn khế ước rồi bắt bà Hội ký tên điểm chỉ: Chia cho Cửu ba phần tư gia sản ông Hội đồng để lại. Xong xuôi y gửi lại cho bà Hội giữ một bản, bảo trong đêm nay mọi chuyện sẽ êm xuôi.

Dứt lời thì Cửu đứng dậy đi vào từng căn phòng hiện trường, tìm kiếm thứ gì đó. Rốt cuộc trong ngóc ngách và kẹt tủ cũng kiếm ra “vật chứng”, nhưng thực chất chỉ là mấy sợi lông màu bạc. Cửu xem qua rất kỹ, dùng tay cảm nhận rồi sau đó còn đưa lên mũi ngửi. 

Án Sát Khẩu Quyết có nói, phàm là sinh vật sống, cơ thể sẽ có bốn loại mùi: mùi tỏa ra từ da, mùi phát ra từ lông tóc, mùi bốc ra từ máu thịt và mùi của chất thải. Bốn loại mùi ấy tượng trưng cho bốn yếu tố: mùi da nhờ môi trường, mùi lông tóc từ xương tủy, mùi máu thịt tại ăn uống, mùi chất thải phát ra do bệnh tật.

Dựa vào bốn thứ mùi ấy phần nào suy đoán được nơi ở, điều kiện sống: thức ăn hàng ngày sẽ biết được giàu nghèo; bệnh tật nói lên nếp sinh hoạt, suy luận thêm nữa dĩ nhiên chân tướng càng lộ rõ. Phương thức dùng mùi này được gọi là Trực trong Án Sát Khẩu Quyết. Tuy nhiên, có một điểm lạ ở hiện trường này là không thấy dấu chân để lại. 

Đã là Án Sát Sứ, những loại án liêu trai ma quái vốn dĩ gặp không ít, hồ tinh hay xà tinh dùng ma thuật mê hoặc lòng người cho đến thời hạn thì hút hết sinh khí, nạn nhân chết đen như xác khô, hiện trường dĩ nhiên cũng không để lại dấu chân, tương tự vụ này. Nhưng rõ ràng hung thủ mấy vụ thảm sát tại nhà ông Hội đồng Sung là một sinh vật sống chứ nào phải yêu hồ, những sợi lông tại hiện trường là bằng chứng, cho thấy ắt hẳn kẻ đó phải đứng được, mà đứng thì làm sao không có dấu chân? Ngoại trừ vết máu kéo lê ra thì không còn thứ gì in lên mặt đất nữa.

Vậy gặp trường hợp này, Án Sát Tiên Sinh sẽ làm những gì? 

Thực ra từ lúc bị bà Hội đồng đuổi hôm trước, Cửu về mướn phòng trọ bắt tay điều tra liền. Khi trong tay đã hòm hòm chứng cứ chỉ cần đợi kết luận, y mới giả vờ “trưng” ra vẻ ăn chơi say khướt nhằm qua mắt “hung thủ”. Lại nói về lúc điều tra, sau khi mướn phòng thì Cửu đi qua làng bên đặng hỏi thăm về thân thế cô Tú, tới nơi thì cha mẹ cổ đều đã ra ruộng hết rồi. Thấy vậy, Cửu bèn đến ngồi ở quán rượu đầu làng nghe ngóng chốc lát rồi về. Từ thông tin gom được, Cửu đi vô rừng chuối. Hồi lâu trở ra thì dường như mọi thứ đều đã thông tỏ, y về phòng mà say xỉn cho tới lúc được khiêng kiệu về nhà ông Hội đồng. 

Quay lại hiện tại, khế ước đã ký xong. Cửu sai gia nhân chuẩn bị một thau máu gà thật lớn, tạt lên tường, chỗ nào cũng loang lổ vết máu kể cả phòng riêng của từng người trong nhà, xong thì tắt hết đèn đuốc để Cửu một mình tản bộ trong hoa viên. Ai nấy cũng vừa tò mò vừa lo sợ, coi cái người thư sinh này làm sao để vừa phá án vừa “bắt ma”.

Chưa đầy nửa canh giờ, đám chó mấy đêm trước còn im như thóc nay đột nhiên sủa vang động, tiếng sủa hướng về phía phòng bà Hội. Cửu lập tức phi tới nơi, đạp tung cửa vô phòng, thấy một bóng đen đang cấu xé gì đó chỗ giường ngủ. Cửu liền châm lửa thì thấy một bóng người cao to lực lưỡng, khắp người nó phủ lông bạc. Thứ đó thấy Cửu vào thì ngó chừng biết sợ, phóng ra cửa sổ chạy mất, nhìn xuống giường mới biết nó chỉ xé được cái hình nhân đang mặc đồ của bà Hội mà thôi. 

Thì ra Cửu sai người tạt máu gà vào là để át mùi. Nhà này nuôi toàn chó dữ, vậy làm sao mà kẻ thủ ác có thể ra vào thoải mái mà không có tiếng chó sủa cho được? Có hai khả năng, một là do người nhà làm, và hai là do “thứ” đó là một giống mà lũ chó rất sợ. Ngẫm lại những cái chết tàn bạo vừa qua, Cửu thiên về hướng thứ hai.

Cửu sau khi ngửi mùi từ lông thì đoán được đây có thể là dã nhân, chó cảm giác được sát khí sẽ không dám sủa cho nên y dùng máu gà để át mùi đi, chó lúc này chỉ nghe động là sủa. Cửu còn gom người trong nhà lại một căn phòng lớn, dặn đóng chặt cửa cho đến sáng. Hễ trong đêm thấy bóng đen lại gần cứ việc cho lính dùng súng bắn riết ra là được. Lại cho hình nhân mặc áo của bà hội, mục đích làm con quái thú kia không phân biệt được thật giả mà bị dẫn dụ vào nơi Cửu sắp đặt.

Bóng đen đó phóng ra cửa, Cửu tức tốc lao mình theo, rượt đuổi rất sát khoảng cách chỉ chừng vài thước. Rừng chuối ban đêm âm u tịch mịch, ánh trăng trên cao chỉ soi được mờ mờ như phủ một tấm thảm vàng nhạt lên vạn vật, vậy mà kẻ chạy người đuổi lao đi như không. Bỗng nhiên, Cửu chạy chậm lại, khoảng cách càng lúc càng xa hơn cho tới khi con quái có ngoái ra sau cũng không thấy được y. 

Nó chạy thẳng về gò đất nhỏ nằm sâu trong rừng chuối rồi nhổ một cái cây già lên, để lộ ra cửa vào của một thông đạo, dòm không giống như người đào mà là do thú hoang tạo nên. Phía cuối thông đạo là căn hầm xập xệ và ẩm thấp, bốc mùi hôi thối, nhờ có mấy lỗ trên trần thông lên mặt đất mà ánh trăng rọi xuống được dưới này. Trong góc phòng, trên đống rơm là cô Tú đang nằm thở dốc, có lẽ đang sốt cao. Bóng đen khổng lồ ấy vừa vào đã chạy ngay đến kế bên, hắn ta chỉ ú ớ không nói được tiếng người, ra chiều lo lắng cho Tú lắm.

Bỗng đâu cả căn phòng sáng lên bởi ánh đuốc bập bùng, Cửu đã đứng ở lối vào tự lúc nào, trên tay cầm theo kim lệnh. Ánh đuốc soi rõ hình thù kỳ dị đang đứng kế bên Tú, nhìn xa trông như loài vượn nhưng có mõm dài, hai mắt đỏ ngầu, tay dài ngoằng, lông phủ kín toàn thân màu trông như ánh bạc. Thấy đúng như suy nghĩ của mình, kẻ thủ ác là loài dị nhân, có thể sẽ không hiểu tiếng người nên Cửu vẫn chưa động thủ, y điềm tĩnh bước đến gần con vật đang tỏ ra hoang mang tột độ kia. 

Dòng họ Dương lưu truyền kim lệnh theo mỗi đời Án Sát, chỉ nghe tương truyền nó là vật quý của âm giới, pháp lực lưu hành trong ba cõi, chỉ cần là kẻ có tội thì bất kể là loại linh hồn nào cũng sẽ bị trấn áp. Nhờ vậy, tuy Cửu chỉ mang thân hình thư sinh mảnh mai nhưng đứng trước quái thú vẫn khiến nó run lên tột độ, vẻ mặt lo sợ đầy khó hiểu.

Vậy Cửu đã điều tra vụ án này ra sao?

Lại nói về Cửu lúc mướn phòng xong, sau khi qua làng bên tìm nhà cô Tú, y quay về làng bắt đầu điều tra thân thế Trương thị, điểm mấu chốt trong vụ án. Sở dĩ nói vậy, đó là vì Tú trở nên thơ thẩn như mất hồn là khi cô từ mả của người đàn bà này trở về. Nếu chỉ với sức của Tú, lúc cô trèo rào trốn khỏi nhà Hội đồng Sung sẽ rất khó để có thể đi đến được tận đây. Thay vào đó sao không theo con sông của rừng chuối, vốn có nhiều thân cây đổ ngã, kết cái bè nhỏ thì chỉ trong một đêm có thể đi vài chục dặm xa khỏi nơi này? Câu hỏi là tại sao Tú lại phải vô đây, hay là cô bị thứ gì đó đem vô? 

Cửu đoán được có thứ chi đó trong khu rừng hấp dẫn cô Tú, suy tính thì chỉ có cái mả này mà thôi, để điều tra về nó thì chỉ còn cách tìm hiểu về người nằm dưới đó cái đã.

Tiếp theo Cửu vô làng, hỏi về thân thế của Trương thị. Chỉ có những người cao niên là còn nhớ, chuyện xảy ra đã lâu cho nên khi nhắc lại ít nhiều có sai sót, nhưng bằng nhãn quan của Án Sát, chỉ cần có thông tin là y sẽ tự chắp nối lại được. Cửu hỏi một hương chức ngoài sáu mươi, người này kể: Trương thị từ ngày về nhà chồng sống hết sức hiếu thuận và cung kính, ai cũng khen là dâu hiền, cha mẹ chồng rất thương yêu, nhưng khổ nỗi lâu năm chưa có con. Người chồng đợi khi cha mẹ mất liền có ý định cưới vợ hai, không lâu sau dẫn về một người con gái nhan sắc tuyệt trần, lời nói tựa như chuông ngân, hương thơm như trăm hoa trong vườn, ai nhìn cũng mê mẩn.

Từ ngày cưới vợ hai, người chồng cư xử tệ bạc hẳn với Trương thị, thậm chí coi vợ như người ở trong nhà, khi say xỉn còn lôi chuyện không có con ra để đánh đập mắng nhiếc vợ thậm tệ. Chẳng bao lâu sau, vợ hai có con trai, Trương thị càng lâm vào cảnh sống không bằng chết. Một hôm, thị đi về nhà mẹ ruột, trên đường đi ngang rừng chuối thì có người thấy thị bị một tên lạ mặt lông lá đầy mình tấn công cưỡng bức bèn hô hoán lên, khi tới đuổi đánh thì chỉ thấy có con chó lớn bỏ chạy, nghi là chó thành tinh.

Về nhà, Trương thị có mang. Người chồng cho đó là nỗi nhục không thể chịu được, bèn đuổi ra chuồng heo mà ở. Không lâu sau, bụng Trương thị càng ngày càng to ra, chồng thị  cho uống thuốc để phá cái thai nhưng mãi vẫn không được, đành để vậy đến khi thai lớn gần sanh. Một lần, người chồng về trong cơn say, xăm xăm đi thẳng qua nhà người ở, đem Trương thị ra đánh một trận như trời giáng, thị bị đập đầu vào bàn, máu tươi tuôn ra, chốc sau thì tắt thở chết. Người chồng sợ quá, vội nói với hàng xóm rằng vợ bị bệnh nên chết đột ngột, đám ma diễn ra sơ sài qua quýt rồi đem vô vườn chuối chôn gấp. Huyệt hạ chưa khô đất thì nhiều người trông thấy có con sói lớn đến ngay mả cào cào vài cái rồi biến mất.

Đêm vừa chôn Trương thị xong, cả làng bị đánh thức bởi tiếng la thất thanh từ nhà tên chồng vũ phu của bà ta. Hàng xóm xách gậy gộc kéo tới coi có chuyện gì, lúc xông vào thì thấy người chồng đã bị xé ruột chết tươi, trên giường thấy một con chồn lông đỏ bị cắn đứt cổ. Thấy xác con chồn, ai cũng nghi người vợ hai là hồ ly. Có người chắp nối tình tiết, cho rằng người chồng rước con vợ hai là yêu tinh về nên mới xa lánh và giết hại bà Trương, còn kẻ trả thù cho bả có khi lại chính là con chó lớn thành tinh trong rừng chuối. Từ đó về sau chuyện dần trôi vào quên lãng, cũng như cách người ta quên Trương thị và con chó lớn kia vậy.

Người hương chức kể đến đó thì bảo là chuyện chỉ có vậy, Cửu liền cảm tạ rồi đi về, kỳ thực là vô rừng chuối tìm mả của bà họ Trương. Lúc đến nơi thì trời đã ngả chiều, Cửu đi một vòng xem xét, sơ qua thấy nấm mồ đất đắp sơ sài, lâu ngày dài tháng đất đã gần bằng phẳng, chỉ có tấm ván khắc vài dòng chữ: “Hiền thê Trương Tuyết Liên chi mộ”. Một bên mộ sụp xuống khiến Cửu chú ý, đưa mắt nhìn thì thấy một dấu vết khả nghi. Xung quanh mộ có lót mấy phiến đá xanh, có một phiến bị lệch ra, nằm bên phần mộ bị sụp, Cửu liền trưng kim lệnh, lầm rầm khấn vái người nằm bên dưới xin mạo phạm mộ phần để phá án. Đoạn, lấy cây bới đất lên, đào tới đụng cái hòm.

Hòm hết sức sơ sài, đóng bằng bốn tấm ván gỗ xoài, tới giờ đã mục ra như bùn đất. Cửu thấy từ chỗ y đào có thể ba mươi năm trước cũng có người theo hướng đó mà đào xuống, đâm thủng quan tài lấy một thứ gì từ trong đó ra, thứ đó Cửu đoán khá nhỏ vì lỗ hổng còn để lại trên quan tài không lớn, có dấu cào tuy đã rất mờ và khó nhìn ra. Cửu đốt đèn soi  bên trong, xương thịt và y phục của Trương thị đã phân huỷ, chỗ quần thị có dính vết ố đen, nghi là máu khô lại mà thành. Cảm thấy chỉ còn một điều khó hiểu, Cửu bèn khấn với Trương thị rằng xin mượn đầu lâu, sẽ đền đáp xứng đáng. Nói đoạn, Cửu bới rộng cái lỗ đào hồi nãy ra, cạy nắp quan rồi đem đầu lâu đặt lên vải, đoạn dùng đất sét phủ kín mặt, lấy da vùng bụng heo con đắp lên, loay hoay chốc sau đã phục dựng lại được khuôn mặt của Trương thị khi còn sống. 

So sánh đầu lâu và mô tả của người khác về mặt mũi cô Tú thì giống nhau đến tám, chín phần!

Chia sẻ câu chuyện này

Tác giả Lâm Gia – Thái Bảo
Minh họa Bảo Huyên
Thiết kế và dàn trang TRẦN VĂN HẬU

Share