Ngôi nhà ấy sẽ có một khu vườn nhỏ ở phía trước với hàng rào dựng lên từ tre tách biệt với phố thị. Cái hàng rào cao chưa tới ngực, có hoa râm bụt phủ cành phủ lá, kín từng mắt rào con thoi nho nhỏ. Bên trong vườn sẽ là thảm cỏ thảm hoa nằm ở hai bên của con đường rải đá cuội nối từ cổng rào đến cửa nhà. Trên đầu cửa chính gắn một cái chuông sứ nhỏ, kêu vang leng keng mỗi khi chủ nhân của nó đẩy cửa bước vào bên trong. Đón chào tôi sẽ là một căn phòng khách tuy không lớn nhưng ngọt ngào hương kẹo. Tôi ngả lưng lên chiếc sô pha vải hoa trước tiên, rồi thả Cục Vàng vào trong bể cá tròn xinh xinh. Bể cá tròn đặt trên cái bàn trà thấp hình chữ nhật, lệch sang bên phải, đối xứng với một cái bể khác chứa đầy kẹo được tôi đặt ngay ngắn ở phía bên trái. Sau khi đã nằm chán chê trên chiếc sô pha êm ái, tôi sẽ đi ra sau nhà, rẽ trái hoặc rẽ phải tùy theo tâm trạng. Bên trái là phòng bếp, bên phải là phòng tắm.
Thật ra thì cả ma lẫn quỷ đều không cần đắn đo chuyện bài tiết đâu, nhưng mà khổ nỗi chúng tôi không rời bỏ được cảm giác thanh khiết, thoải mái sau khi tắm gội, cho nên nhà nào cũng mọc ra thêm một cái phòng tắm. Dù sao thì chúng tôi đều đã từng là con người, ai cũng từng có một thời đam mê vọc nước đó mà.
Đứng trên làn khói mỏng, tôi tươi cười nói lời chào hỏi những người hàng xóm thân quen. Sống ở đây hơn bảy mươi năm, tôi gần như đã quen biết hết cả khu phố. Thân quen nhất chính là hai vị ký lục già. Họ sống trong ngôi nhà sơn tường màu trắng, ở phía bên trái, sát cạnh nhà tôi. Ở nơi ấy, luôn có một cụ bà đặt ghế ở ngay trước cổng rào, ngồi ngắm phố phường rồi cười rất hiền mỗi khi nhìn thấy tôi trở về sau một ngày vất vả. Bà sẽ ngoắc tôi lại gần, tựa vào hàng rào leo rất nhiều dây đậu biếc, dúi vào tay tôi vài cây kẹo bà tự tay làm. Có ngày là kẹo dừa, có hôm là kẹo chuối, hoặc đến những lúc quả bơ đã vào mùa, bà sẽ đổi thành kẹo bơ. Kẹo của bà cho, tôi luyến tiếc lắm. Bởi vì thế, chúng đã chất đầy trong cái bồn cá đặt ở phòng khách, mỗi ngày đều diễu hành trước ánh mắt thèm thuồng của Cục Vàng.
– Chị Đan Thanh ơi, em nhớ ông và bà ghê.
Đứng ở trước cổng rào, khi tôi đang lọ mọ mở cổng thì đột nhiên Cục Vàng ngọng nghịu cất tiếng. Tôi chớp mắt vài cái, thầm nghĩ cũng phải. Ông bà cũng quý Cục Vàng lắm. Ông đã nhờ người khi đi sứ ở Đông Hải sẵn tiện lấy về một bể cá nhỏ chứa đầy nước Bản nguyên. Bởi vì mỗi ngày Cục Vàng đều phải nuốt vào một lượng lớn ánh mặt trời nên cơ thể của em ấy bị tổn thương rất nhiều, đặc biệt là nội tạng. Và đối với loài cá, nước Bản nguyên chính là thứ thuốc hay, không thể thay thế, quý giá và hữu hiệu nhất trần đời.
– Ngoan. – Tôi dùng ngón trỏ gãi nhẹ cái đầu tròn của cá nóc nhỏ. – Cục Vàng có thương ông bà không?
– Có chứ ạ.
Cục Vàng ngoe nguẩy cái đuôi ngắn, trả lời bập bẹ, bộ dáng trông rất đáng yêu.
– Ừ. Vậy thì Cục Vàng nhớ phải chúc phúc cho ông bà nhe. Chúc ông bà đầu thai thuận buồm xuôi gió, nguyện kiếp này một đời đẹp tươi.
– Vâng ạ. – Cá nóc nhỏ ủ rũ gật đầu bảo vâng. Rồi sau đó nó lại ngẩng đầu nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe chứa đầy nghi hoặc. – Nhưng mà chị ơi, ở Âm phủ không tốt hả? Hay là ông bà không muốn làm ma nữa? Quay lại trần gian chịu khổ làm chi?
Trong cái đầu nhỏ của Cục Vàng, ánh mặt trời của trần gian chẳng có gì tốt lành, nóng rát, còn làm nó bị bỏng. Huống chi đầu thai một lần, may mắn thì được làm người, không may lại thành súc sinh; tốt số thì sống một đời vinh hoa, xấu số thì chịu suốt kiếp bần hàn; chẳng những thế còn phải trải qua đủ loại khổ đau của trăm năm làm người; sinh, lão, bệnh, tử, đến cuối cùng, trăm mối tơ vò chẳng phải đều quy kết lại bên dưới ba tấc đất bùn hay sao?
– Cục Vàng biết món cà phê không?
Tôi mở ra cổng rào, đầu óc lại cố gắng tìm ra một ví dụ về cái tính yêu thích sự trái khoáy của loài người.
– Em biết á. Uống dở xỉu.
– Đúng rồi. Cục Vàng không thấy cà phê ngon, nhưng mà có rất nhiều người lại thích thứ thức uống ấy. Họ mê đắm cái vị chua chát, đậm đà thoang thoảng hương thơm, uống vào lại đắng ngắt khoang miệng của cà phê. Nhưng chỉ cần nuốt xuống được một ngụm nước đen đắng đó rồi, thứ còn lưu lại chỉ toàn là hương cùng vị ngọt rất nhẹ vương nơi đầu lưỡi, dư vị in sâu trong trí óc người, nhớ mãi không quên.
Sống ở Vong Đô nhưng không thể vong bản. Ma của Vong Đô mãi chẳng thể vong tình. Bởi vậy mà có người lưu luyến mây khói hồng trần mãi không thôi. Bởi vậy mà cầu Nại Hà chưa bao giờ vắng bóng người qua. Há chăng phải đến là thánh nhân mới có thể bình tâm tách mình ra khỏi vô số nhiễu sự của cõi trần.