Dấu xưa – Kỳ 4: Thành Gia Định, từ di tích Óc Eo đến tòa thành kiểu châu Âu

Tác giả Wong Trần
Dấu xưa – Kỳ 4: Thành Gia Định, từ di tích Óc Eo đến tòa thành kiểu châu Âu

Gia Định kim thành áp khấu phân

Môn khai Bát quái lệ thiên văn

(Thành vàng Gia Định trấn áp khí của giặc

Cửa mở theo Bát quái như thiên văn đẹp đẽ)

Nhà thơ Trịnh Hoài Đức đã viết như thế về thành Gia Định. Trong mắt ông, đó là một trong 30 cảnh đẹp của toàn cõi miền Nam. Tòa thành mà ông ngâm vịnh ngày nay đã không còn trên thực địa. Nhưng ở trên phần đất đó ta còn thấy hai con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Pasteur tới chỗ giao cắt đường Lý Tự Trọng thì đột nhiên bẻ gập theo cùng một hướng. Đó là dấu vết hướng đường cổ thời xây thành Bát Quái.

Những dấu vết cư trú trước thời chúa Nguyễn

Việc điều tra khảo cổ học ở thành phố Hồ Chí Minh đã giúp xác định một số dấu vết định cư cổ. Ở Phụng Sơn tự hay còn gọi là chùa Gò tại góc đường 3 Tháng 2 (quận 11), trong các đợt nghiên cứu năm 1938, 1988 và 1991, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều gạch cổ, đồ gốm, tượng Vishnu bốn tay bằng đá sa thạch, linga và nhiều đầu tượng, mảnh tượng người bằng đất nung. Khu vực này bao gồm cấu trúc của đền thờ và mộ táng. Di chỉ được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 5.  

Chùa Cây Mai (trên) và xứ Sài Gòn (dưới) trong bản đồ Trần Văn Học phiên bản Malleret

Cách đó không xa, ở di tích gò Cây Mai (quận 11), từ thời Trịnh Hoài Đức đã có những phát hiện khảo cổ. Trịnh Hoài Đức cho biết chỗ này:

Xưa là đất chùa tháp của Cao Miên, nền cũ còn nhận thấy. Năm Bính Tý Gia Long thứ 15 (1816), nhà sư sửa lại ngôi chùa, đào lấy được những gạch lớn và ngói cổ rất nhiều, được 2 tấm vàng lá to đến 1 tấc, nặng 3 đồng cân, ngoài mặt chạm hình Bụt cổ cưỡi voi.

Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, quyển 2

Malleret cho rằng đó là tượng thần Indra (thần Sấm) cưỡi voi Aivarata. Bằng nghiên cứu không ảnh, nhà khảo cổ Louis Malleret cũng phát hiện khu vực trường đua Phú Thọ (quận 6) vết tích các đường thẳng đan chéo như hình bàn cờ. Malleret nhận định rằng đó là dấu vết của một khu cư trú cổ. Ngoài ra, ở góc đường Lê Hồng Phong – Trần Hưng Đạo còn có nhiều dấu tích bằng đá sa thạch. Năm 1940, Malleret khai quật vị trí này đã phát hiện một tường gạch lớn và một tượng người bằng đồng, đầu đội mũ chóp, mặc y phục ngắn có sọc theo phong cách thế kỷ thứ 9 và nhiều hiện vật khác.

Những dấu vết khảo cổ này cho thấy có một phức hợp các địa điểm cư trú, công trình tôn giáo xung quanh vùng Chợ Lớn. Khu vực Chợ Lớn xưa chính là vùng đất mang tên Sài Gòn, trong khi vùng trung tâm quận 1 là một cụm dân cư tách biệt và được gọi là Bến Nghé. 

Trong số các đầu tượng tìm thấy ở Phụng Sơn tự, có hai đầu có “sống mũi lõm, cánh mũi rộng, mắt hai mí, đuôi mắt không xếch, môi hơi dày, cằm không nhọn, má bầu, miệng mỉm cười tươi, … trên đầu chít khăn – loại khăn có múi nhỏ ở giữa, có phong cách Indo-Persique”. Đó hẳn là hình bóng những cư dân cổ đã từng định cư ở vùng đất này.

Những đồn lũy đầu tiên thời chúa Nguyễn và Tây Sơn

Khu vực thềm đất cao ở Đông Nam Bộ là vùng tranh chấp giữa hai vương quốc Champa và Chân Lạp. Nửa đầu thế kỷ thứ 14, vua Champa là Jaya Simhavarman đã cho dựng ở Biên Hòa (Đồng Nai) một tượng thần Vishnu kèm bia ký để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Khi Champa dần suy yếu, nhiều nhóm người Việt đã tới định cư ở vùng này. Theo biên niên sử Cao Miên, năm 1623, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gửi sứ thần sang Cao Miên, yêu cầu được lập một đồn thu thuế ở Sài Gòn và được vua Cao Miên đồng ý.

Năm 1674, chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm đem quân dẹp loạn Nặc Đài của Cao Miên. Nguyễn Dương Lâm đánh phá chiến lũy của Nặc Đài ở Sài Gòn rồi tiến thẳng đến Nam Vang. Sau khi khải hoàn, chúa phong Nặc Thu làm Chánh quốc vương, đóng ở thành Vũng Long; Nặc Nộn được phong làm Phó quốc vương, đóng ở thành Sài Gòn. Chúa Nguyễn còn để một số “thuyền” lính ở đóng lại để bảo vệ. Năm 1679, chúa cho dựng đồn dinh ở lân Tân Mỹ. Các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng đồn dinh này nằm ở gần khu vực ngã tư đường Cống Quỳnh và Nguyễn Trãi (quận 1) ngày nay.

Năm 1698, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Kính vào lập phủ Gia Định, đặt dinh Phan Trấn ở phần đất lân Tân Thuận sau này. Năm 1753, Thống suất Thiện Chính hầu, Tham mưu Nguyễn Cư Trinh điều khiển tướng sĩ 5 dinh: Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phan Trấn, Long Hồ, đóng quân ở xứ Bến Nghé, dựng dinh trại gọi là Đồn Dinh. Chỗ các quan Điều khiển trú đóng dần dần hình thành ngôi chợ, lấy tên là chợ Điều Khiển. Theo Nguyễn Đình Đầu, chợ Điều Khiển nằm ở ngã ba đường Nguyễn Trãi và Nam Quốc Cang (quận 1); còn lân Tân Thuận cũng nằm trên đường Nguyễn Trãi, gần Chợ Đũi.

Vị trí chợ Điều Khiển do Nguyễn Đình Đầu chỉ định

Đến năm 1775, chúa Nguyễn Phúc Thuần bỏ Phú Xuân chạy vào Gia Định. Chúa trú đóng ở thôn Tân Khai. Năm 1776, khi quân Hòa Nghĩa từ núi Chiêu Thái kéo về Sài Gòn đã kéo tới trước “lũy” của chúa Nguyễn. 

Sau khi Tây Sơn chiếm được Gia Định, Đô đốc Nguyễn Văn Trấn lo rằng địa điểm hiện tại “đất bằng nhà ở liền nhau, mà không có thành hào ngăn giữ”. Nguyễn Văn Trấn bèn xúc tiến việc dời đồn về Cầu Sơn (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh ngày nay). Khách buôn phố Sài Gòn (Chợ Lớn) cũng được di dời về đó.

Năm 1788, Nguyễn vương Ánh thu phục lại toàn cõi Gia Định, vẫn “tạm đóng ở đồn cũ Tây Sơn ở phía Đông sông Bình Dương”. Trịnh Hoài Đức gọi đó là đồn Bình Dương. Đến năm 1790, Nguyễn Ánh mới dời lại về thôn Tân Khai và đắp lên tòa thành nổi tiếng mang tên thành Bát Quái. 

Hành tại Gia Định năm 1790. Nguồn: Thư viện Quốc Gia Pháp

Vào thời điểm đó, thôn Tân Khai có một bảo nhỏ. Có lẽ nó được xây lúc chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định để làm chỗ trú đóng. Đại Nam thực lục bản Duy Minh Thị chép: “Đế thấy bảo cũ Tân Khai (tên thôn) nhỏ hẹp, sai đắp rộng thêm ra làm thành Bát Quái”.

Tòa thành kiểu Tây phương trên đất Đông Nam Á

Các học giả phương Tây cho rằng thành Bát Quái là do Théodore Le Brun và Olivier de Puymanel (1768 – 1799) thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Điều này bị nhà nghiên cứu Thụy Khuê cực lực bác bỏ trong cuốn Vua Gia Long và người Pháp. Vai trò của Le Brun và Puymanel được điệp viên Pháp ở Quảng Đông là de Guignes nhắc trong thư gửi về bộ Ngoại Giao ngày 29-12-1791:

Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta [Nguyễn vương Ánh] một cái bản đồ thành đài. Nhà vua muốn xây ngay, mặc dù cần phải có thời gian thuận lợi. Vì vậy phải sách nhiễu dân chúng, phá nhà cửa, bắt 30.000 dân công làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận. Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình để tránh nạn. Tuy nhiên, tình hình đã yên tĩnh trở lại, nhà vua cho giải binh để mọi người về cày cấy.

Thụy Khuê, Vua Gia Long và người Pháp, Nxb. Hồng Đức, 2017

Thụy Khuê đã bắt bẻ nhiều chi tiết trong câu chuyện của de Guignes. Le Brun chỉ mới ghé Macao vào ngày 3-1-1790, rồi mới tìm cách đi Gia Định. Bằng Khâm sai Cai đội được cấp cho Le Brun đề ngày 15 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 51 (27-6-1790). Khi đó thì thành Bát Quái đã xây xong. Về phần de Puymanel, bà chê ông này vốn “chỉ là cậu công tử ăn chơi, không chịu học hành gì cả, chữ Pháp viết chưa thông, nói chi đến chuyện “kỹ sư”, hiểu gì về thành quách, mà đến Việt Nam “xây thành Vauban””.

Mặc dù vậy, có bằng chứng cho thấy Olivier de Puymanel đã hợp tác với một trí thức Tây học người Việt, và bản thân vị trí thức này đóng vai trò rõ ràng trong việc xây thành Bát Quái. Đó là Trần Văn Học. Trần Văn Học người huyện Bình Dương, phủ Gia Định, đi theo Giám mục Bá Đa Lộc. Sau khi Nguyễn vương Ánh thu phục Gia Định, Học “lưu lại phụng hầu, quản lý thông ngôn Tây Dương, cùng Ô Li Vi (người [Tây] Dương) phiên dịch ngôn ngữ, văn tự Tây Dương và chế tạo các loại hỏa xa, chấn địa lôi, binh khí. Năm Canh Tuất [1790], đắp thành Gia Định. Học nêu đo phần đất và các con đường”

Ô Li Vi mà sử triều Nguyễn chép rõ ràng chỉ Olivier de Puymanel. Olivier cùng 8 lính khác đào ngũ ở Côn Đảo ngày 19-9-1788 để đi theo Nguyễn Ánh. Olivier và Le Brun tới Gia Định vào hai thời điểm khác nhau. Vì vậy, khó mà có chuyện cả hai cùng cho Nguyễn Ánh một cái bản đồ thành đài như de Guignes thuật lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nguyễn Ánh không tham khảo sách vở Tây phương – đặc biệt là về kỹ thuật quân sự. Giáo sĩ Le Labousse viết trong thư ngày 1-5-1800:

Trong cung có nhiều sách về kiến trúc, thành đài. Nhà vua thường dở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước, khỏi cần đọc những lời giải thích bằng tiếng Pháp vì ông không hiểu được.

Thụy Khuê, Vua Gia Long và người Pháp, Nxb. Hồng Đức, 2017

Trên thực tế, đã có một số văn bản được chú dịch sang chữ Hán – Nôm. Năm 1922, Cadière trưng ra một bản đồ “được giữ trong Nội Các”. Đó là bản đồ các cấu trúc thành trì và vũ khí của J. E. Duhamel vẽ năm 1773. Bản đồ bằng chữ Hán thỉnh thoảng có một vài chữ Nôm. Thư viện Quốc Gia Pháp hiện nay có lưu trữ một bản đồ tương tự của J. E. Duhamel. Bên cạnh chữ Pháp còn có chữ Hán hoặc chữ Nôm đúng như Cadière tả. Cũng bản đồ này nhưng trong các lưu trữ châu Âu chỉ có chữ Pháp. Rõ ràng việc chú thích chữ Hán và Nôm đã được thực hiện ở Việt Nam, nhằm phục vụ cho một độc giả người Việt. Mặc dù vậy, đúng như Thụy Khuê đã nói, chúng ta không biết bản đồ này đóng vai trò thế nào trong việc xây thành Bát Quái.

Thụy Khuê cũng muốn bác bỏ việc thành Bát Quái xây theo kiểu Vauban, mà chuyển sang chứng minh đó là một tòa thành theo kiểu phương Đông. Bà nhấn mạnh nhiều đến chất liệu đắp thành (bằng đất) và nhắc đi nhắc lại rằng người châu Âu không biết đắp thành đất. Sự thật thì thế nào?

Tác Giả Wong Trần
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share