[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 33: Na Long Hội

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 33: Na Long Hội

Kỳ trướcViễn Từ đại sư kể về sự tích của Vách Ma Giấu, năm xưa ông đã phá hủy quan tài bị trấn yểm ở trung tâm Hòn Chông Chênh để giúp tiểu đoàn công binh.

Thấy vậy kỹ sư trưởng cám ơn rối rít. Đột nhiên, đại sư huynh của họ có việc, hai người phải từ núi két chạy lên Chợ Lớn ngay để giải quyết. Mười ngày sau họ về, khu vực Hòn Chông Chênh trở nên hoang vu lạ thường, không còn công nhân lẫn máy móc nào ở đó nữa, chính xác thì nó đã biến thành một tử địa đầy mùi âm khí. Tử khí bốc lên đến độ, từ Châu Đốc cách gần ba mươi cây, họ còn có thể cảm nhận được. 

Bảy Săm hỏi chuyện khắp nơi, mới hay là ngay ngày họ đi, công nhân tiếp tục khai thác khu vực giữa núi bỗng nhiên nền đá sụp xuống, để lộ ra một cái hang nhỏ, miệng hang có một cái quan tài bằng thép quấn xích sắt chéo, chính giữa có ghim một cây đinh tán rất to. Kỹ sư trưởng thấy bình thường, bèn kêu mở nắp quan ra thiêu xác. Bỗng đâu trời kéo mây đen kịt, người dân trong khu vực chỉ nghe tiếng động rất lớn như nổ mìn, làm xung quanh rung chuyển dữ dội. Mọi người kéo đến xem. 

Khi thấy cảnh tượng trước mắt, họ không thể không rùng mình kinh sợ: hơn hai trăm công nhân đều tử vong. Cả nửa vách núi bỗng đổ sập xuống, đè hết cả những người dân gần đó. Những người không bị đá đè chết thì thi thể cũng bị vặn vẹo hết sức khó coi. Vị kỹ sư kia thì không hiểu sao lại mắc kẹt tít ở đỉnh vách, cả người bị gập ngược  lại. Vụ việc xảy ra quá kinh hoàng, thế là người ta ém nhẹm vụ việc, dẹp luôn công trường khai thác đá.

Bảy Săm hết sức bàng hoàng. Ông nghĩ là do lỗi của mình khi không khảo sát kỹ lưỡng khu vực, cứ tưởng đã trừ được yêu ma chính, không ngờ việc đó lại mở ra cánh cổng, đánh thức ác ma kia dậy. Căn nguyên ở chỗ, địa thế Hòn Chông Chênh tròn, phần đã khai thác đá gặp quan tài là phần dương, phần bên kia là phần âm. Quan tài gỗ trong quách đá kia là dương trong âm, chồng lên quan tài sắt quấn xích là âm trong dươngViệc hủy thi thể người đàn ông cũng như giọt nước làm tràn ly, phá vỡ sự cân bằng. Việc cả công trường bị vật chết, chẳng qua là do âm khí bộc phát khiến yêu ma trong vùng được bổ sung ma lực, làm hại người, còn thứ bị trấn yểm chính vẫn chưa thoát ra được, khi nào chưa tháo nắp quan. 

Bảy Săm lập tức tìm đến hang nông có quan tài sắt. Dọn mấy tảng đá đó đối với ông không có gì khó cả. Sự thật được tìm ra trong đó khiến ông không khỏi ngỡ ngàng. Đó chính là truyền thuyết về Hồ Ly Bảy Núi như đã biết. 

Lúc ấy, ông cũng định trừ hại một lần cho xong, nhưng lần đó Bảy Săm suýt chết. Ma pháp của hồ ly quá cao cường. Bên cạnh nó còn có Đại Ma Thiên Sư Thù, một loại oán linh kết hợp từ oán khí và âm mạch. Điều này làm ông hết sức khó hiểu. Ai là người đã nguyền Đại Ma Thiên Sư vào cái quan tài Hồ Ly? 

Lo sợ có người tò mò vào làm nó thoát ra, ông ta tạo nên Vách Ma Giấu bằng Tiêu Đồ Hống ấn chú, mục đích chỉ là ngăn chặn phòng hờ mà thôi. Sau đó, để tiện bề tìm cách trừ ma, ông ta dựng một cái nhà trên triền dốc gần đó, còn Chín Danh thì bế quan thiền định. 

Sự thật chẳng bao lâu sau được phơi bày, đó là câu chuyện về Hồ Ly Bảy Núi. Cô gái nọ kỳ thực không phải là hồ ly hóa thân gì cả, cô ấy là hậu duệ của Nữ Tu Phù Nam, là một vương quốc cổ ở miền Nam, hồi thế kỷ thứ hai, ba. Dòng máu trong người cô ta được đồng hóa với long mạch Bảy Núi, hết sức quý hiếm. Có một thế lực là Na Long Hội, nguồn gốc thần bí, xuất phát từ vùng Miến Điện, Vân Nam, chuyên đi gom long mạch rồi cất giấu, như nhà giàu chôn tiền, đợi khi nào “bán” được sẽ kiếm chác. 

Tuy nhiên vào khoảng giữa thế kỷ 19, Na Long Hội đột nhiên biến mất khỏi giang hồ. Quay lại câu chuyện hồ ly, vị trưởng quan vì nghe lời xàm tấu, quy chụp cô gái là hồ ly, tất cả đều là âm mưu của Na Long Hội. Sau khi chôn cất cô gái, thuộc phần âm trong đồ trấn yểm, họ thủ tiêu cả vị trưởng quan, đặt vào phần dương, thảm sát cả thành để làm vật táng cho trọn bộ. Mục đích chỉ để ươm mầm cho một long mạch mới, mà kẻ nào làm chủ được mạch này, có thể điều khiển mạch của cả vùng Thất Sơn, chuyện đó kể ra dài dòng, Bảy Săm bảo khi có dịp, Hùng có thể hỏi Chín Danh.

Sau khi biết được thế lực đứng sau vụ trấn yểm Hòn Chông Chênh, Bảy Săm hết sức lo ngại. Phần vì đây là tổ chức hết sức hung ác, phần vì tuy cô gái kia không phải là hồ ly nhưng thực tế trong mộ huyệt lại có vong hồ ly. Sức lực bản thân ông không trừ được, ông bèn bịa chuyện với Chín Danh, rồi phong ấn khu vực đó lại, ngày đêm canh gác tàn dư Na Long Hội làm chuyện xấu. 

Nhưng cái chết của biết bao công nhân vô tội làm ông hết sức đau buồn. Ngày này qua tháng nọ, ông tìm đến cửa Phật để thanh thản tâm hồn. Từ đó tới nay, người của Na Long Hội không thấy xuất hiện, cũng chẳng ai vượt qua được Vách Ma giấu, Viễn Từ cảm thấy đã an tâm phần nào, cũng như nguôi ngoai chuyện xưa. Nay bọn Hùng tìm đường vào được khiến ông bối rối ngăn chặn. 

Vừa kể xong, Viễn Từ ngồi trút ra những hơi thở nặng trịch. Hùng cảm thấy ông đang mang suy nghĩ tiêu cực, gánh nặng trên vai rất lớn. Nhưng thực tế anh không đồng ý cách làm của ông, còn chưa kịp nói gì thì Thông đã lên tiếng: 

– Sư phụ, con nói nãy rồi, ơn cứu mạng của sư phụ con khắc cốt ghi tâm, thề mãi không quên, nhưng sư phụ làm vậy liệu có xứng làm người tu hành không?

Cả Hùng và Viễn Từ đại sư quay sang nhìn Thông, anh có chút bối rối rồi nói tiếp: 

– Con nói thiệt, như đợt mới đây tụi con cùng thằng Sinh diệt Kumanthong. Nó có đạo hạnh được bao nhiêu đâu, mà nó vẫn quyết chí làm, vì nó không trốn tránh trách nhiệm. Đúng vậy, con thấy việc thầy làm chẳng qua thầy chỉ ráng che giấu lỗi lầm quá khứ chứ có giải quyết được quái gì đâu? Chi bằng hồi đó, thầy liều một phen sống mái với nó, có chết thì mười tám năm sau cũng là hảo hán anh hùng. Con nói thẳng, giờ một là thầy giết hai thằng con, rồi lôi xác ra ngoài. Còn không thì cùng lắm hai thằng con thí mạng với bọn cô hồn yêu tinh đó rồi lấy ngọc rết đi ra!

Nói xong, Thông liếc mắt sang Hùng, sợ mình nói sai gì đó, chỉ thấy Hùng khẽ cười rồi gật đầu, ra bộ hài lòng lắm. 

Không đợi Viễn Từ trả lời, Hùng và Thông đi đến giữa vách núi tìm dấu vết của hang động. Chỉ thấy Viễn Từ vẫn nhìn xa xăm rồi trút những tiếng thở dài sầu não. Hai người căn cứ lời kể của Viễn Từ đại sư. Đến giữa núi, thấy sát vách núi là một tảng đá to, bên dưới có một khe nứt, gõ lên đá nghe tiếng vang dội ra bên trong, chắc kèo là đúng nơi. Họ loay hoay nghĩ cách đẩy tảng đá qua một bên. Thế nhưng thử sức đẩy, đòn bẩy, nâng, dùng đủ thế vẫn không được gì cả. Bỗng từ sau, Viễn Từ sừng sững đi tới. Ông cởi áo sòng đang mặc. Tấm thân già nua hằn lên dấu vết thời gian nhưng trên lưng là hình xăm bốn con rồng kết thành hình chữ Vạn hết sức sinh động. 

Viễn Từ đặt áo xuống, mình trần, một tay ông bắt ấn, đồng thời tay kia đấm vào chính giữa tảng đá. Dưới sự kinh ngạc của Thông và Hùng, tảng đá nát ra thành cả ngàn cục to nhỏ. Thông lắp bắp: 

– Viễn Từ đại sư đúng là danh bất hư truyền, con xin lạy một lạy…

Viễn Từ đứng thẳng người, ánh trăng rọi vào khuôn mặt ông lạnh tanh, ông nói: 

– Đừng gọi tôi là Viễn Từ nữa, hãy gọi tôi là Bảy Săm!

Sau khi nghe xong chuyện, Hùng và Thông không đồng tình với cách che giấu tội lỗi năm xưa của Viễn Từ đại sư. Cả hai quyết liều mạng với bọn yêu tinh chứ nhất quyết không chịu rời đi. Quyết tâm đó của cả hai dường như đã kích thích được cái tâm tưởng như đã nguội lạnh của Viễn Từ đại sư. Chuyện gì sẽ xảy ra ở Vách Ma Giấu? Mời các bạn đón đọc kỳ sau. 

Nếu yêu thích các câu chuyện tâm linh và kỳ bí, mời bạn tham gia Xóm Sợ Ma.

Chia sẻ câu chuyện này

Minh họa : Minh Thảo Võ

Thiết kế : Trần Văn Hậu

Share