Tôi thấy Ca Lâu Vương suy nghĩ khá lâu, lý do thì chắc là: nếu đuổi hắn đi thì sinh hiềm khích, lưu hắn lại thì sợ kế hoạch bại lộ, dù gì chuyện hắn ở lại cũng rất đáng ngờ. Sau cùng, Ca Lâu Vương quyết định ban cho Khoái một dinh thự ngoài thành, ba ngày cho nhập cung một lần để đọc kinh thư. Khoái cúi lạy rồi lui ngay. Vừa lúc đó, Tỳ Giả và Giản Độ xuất hiện.
Lớp khói xanh lại dâng lên, khi nó tan đi, tôi lại thấy cảnh phòng của công chúa hiện lên: Từ Khoái bước vào. Điều tôi hết sức bất ngờ là phản ứng của Mật La, nàng ra lệnh cho người hầu lui ra, lập tức lao đến ôm chầm lấy Từ Khoái. Tôi cười thầm, thính nặng thế này thì dù công chúa có là quỷ thì Từ Khoái cũng chẳng màng. Gã lau nước mắt công chúa rồi nói:
– Ta đợi nàng ở bến thuyền, sao nàng lại lỗi hẹn?
Tôi vỡ lẽ, thì ra lúc nãy ở bến thuyền, Từ Khoái chần chừ rồi gieo quẻ là vì không thấy Mật La xuất hiện.
Mật La thút thít:
– Ta không đi với chàng được, còn phụ vương và cơ đồ Ca Lâu Thành…
Từ Khoái nắm chặt vai cô, nói:
– Nàng còn chưa thấy được dã tâm của Quốc vương hay sao? Ông ta vốn dĩ chỉ xem nàng và Mật Lan là con cờ mà thôi. Ngày xưa tiên đế Tỳ Khâu Chất Đà vốn chẳng ưu ái ông ta do không sinh được hoàng tử nên để cho Hoàng thúc nàng lên ngôi. Ngày ấy, nàng còn nhỏ thì đã bị đem ra luyện Nhân Quỷ, hồn phách bất định. Ngay khi vừa lật đổ em trai, Quốc Vương dùng Thiên Lôi mưu hại nàng. Nay đại nạn Ca Lâu Thành sắp đến, ông ta lại chần chừ chưa muốn vãng sinh cho nàng. Trước sau gì cũng vì lợi ích của ông ấy mà thôi!
Mật La nghẹn ngào:
– Ta không màng chuyện đó, ta chỉ mong chàng đừng để bản thân mình bị liên lụy, nhỡ phụ vương nghe thấy thi…
Từ Khoái gạt tay, khẳng khái nói:
– Vài loại yêu thuật vớ vẩn của Giản Độ và Tỳ Giả, Khoái ta vốn chẳng để trong mắt. Chỉ cần nàng chịu cao bay xa chạy cùng ta, bọn họ chẳng thể làm gì được bọn mình!
Mật Lan nãy giờ nép sau rèm bèn bước ra, có vẻ nàng cũng đã nghe hết cuộc nói chuyện, khuôn mặt không có chút sinh khí, nói:
– Tỷ hãy đi theo Từ Đại phu, dù gì Ca Lâu Thành từ lâu đã chỉ còn cái xác không hồn mà thôi.
Mật La nghe vậy, nhưng trong lòng đang dâng lên những cơn sóng khó tả. Nàng quay ra cửa, nhìn xuống kinh thành bên dưới, rồi nói:
– Nếu đại nạn ấy không đến, ta và chàng nhất định sẽ đi. Chỉ xin chàng đợi ta thêm chút ít nữa.
Từ Khoái vừa định nói gì đó, Mật Lan bèn ngăn lại, bảo:
– Từ Đại phu đường đột quay về, phụ vương ắt hẳn sinh nghi và cho người kiểm soát chặt chẽ. Trốn chạy lúc này e là lành ít dữ nhiều, chi bằng ngài hãy lấy lòng tin phụ vương ít lâu, người lơ là cảnh giác thì khi ấy trốn chạy cũng không muộn. Với lại, tử hạn của tỷ muội tôi còn hai năm nữa, chớ nên bứt dây động rừng.
Từ Khoái cho là lời ấy có lý, bèn lui ra ngoài. Trước khi đi không quên gửi cho Mật La một gói bột màu vàng, bảo rằng pha với nước ấm rồi uống sẽ kiềm chế quỷ hóa. Lúc Từ Khoái quay ra thành, đâu biết rằng bên trong, Tỳ Giả cùng Giản Độ sau khi gặp Ca Lâu Vương xong, bèn đến hậu thất của Hoàng hậu, bắt giam bà ta.
Không gian sau đó như một cuốn phim được chiếu với nhịp độ rất nhanh, chỉ thấy sự vật hiện lên rồi thay đổi không ngừng. Từ Khoái hàng ngày vùi mình bên những cuộn da, ghi chép công đức của Ca Lâu Vương. Việc làm này tỏ ra rất hữu hiệu. Số lính gác tư dinh của Từ Khoái, thực chất là bọn lính canh là tai mắt của Tỳ Giả và Giản Độ, thưa dần. Viết nên những điều hư cấu về Ca Lâu Vương, Từ Khoái xấu hổ vô cùng. Anh Hùng xem đến đây, bèn quay sang nói với bọn tôi:
– Thì ra tất cả những chuyện này đều là âm mưu của hắn…
Tôi ngơ ngác, thật ra thì ai cũng ngơ ngác cả. Anh Hùng có lẽ như định thì thầm, ai ngờ nói lớn quá nên cả bọn nghe hết. Thấy bọn tôi mất tập trung, anh khua tay, bảo cứ xem tiếp đi, sắp đến đoạn giải mật.
Làn khói mờ ảo hiện lên ngoại ô Ca Lâu Thành một đêm mưa âm u, sấm giật đầy trời. Tư dinh của Từ Khoái chợt vang lên tiếng động cửa đóng lại, một nhóm người mặc áo choàng tiến vào. Từ Khoái đã đứng đợi sẵn. Khi tất cả vào rồi, gã ta mới nhẹ nhàng khép cửa. Dưới ánh đèn hiu hắt, tựa hồ tất cả chỉ là những cái xác vô hồn, họ bàn bạc gì đó rất gãy gọn. Từ Khoái đứng quay lưng lại, tay chắp phía sau, nghiêm nghị nói:
– Tử hạn của công chúa đã đến, điểm yếu của Ca Lâu Thành xuất hiện, Khoái tôi hy vọng các vị thực hiện theo những gì đã bàn bạc.
Một bóng đen trong nhóm người kia lên tiếng:
– Được Từ Đại phu giúp đỡ, ơn này tôi và chúa công không bao giờ quên.
Từ Khoái ra dấu cho họ lui ra. Nhóm người đó vừa đánh ngựa đi khuất đã nghe chúng thì thầm âm mưu trừ khử Từ Khoái khi mọi chuyện xong xuôi. Tôi cảm thấy quan trường sao mà rối ren, thật giả lẫn lộn. Với lại nhóm người đó là ai? Xuất hiện ở đó làm gì? Thế là thắc mắc nối tiếp thắc mắc. Ngay cả từ đầu cuộc hành trình này, vốn dĩ Ca Lâu Thành đã là một thắc mắc khổng lồ. Câu trả lời làm tôi đợi không lâu.
Khi làn khói dâng lên rồi tan đi, chúng tôi bất giác hốt hoảng bởi một âm thanh kinh hoàng của chiến trận. Quang cảnh bi hùng còn hoành tráng hơn cả những bộ phim tôi coi. Cảm giác máu nóng và mùi hôi dâng tràn trong không khí. Từ trên cao, những rặng núi đồi xung quanh Ca Lâu Thành, hàng trăm ngàn người đang lao vào chém giết nhau. Tú Linh kêu lên khi nhìn cờ hiệu:
– Là quân của Tỳ Khâu Sa Thác, em trai của Ca Lâu Vương!
Tôi ngỡ ngàng: nói vậy thì nhóm người kia lẽ nào của Sa Thác, vậy thì Từ Khoái giúp cho quân của Sa Thác âm mưu lật đổ Ca Lâu Vương, chỉ để gã ta cứu người tình thôi sao? Sử chỉ chép lại mười bảy năm trước, Đạt Bà dấy quân lật đổ Chất Đà cùng Sa Thác, Sa Thác chạy loạn về Phù Nam, được vua Hỗn Bàn Huống (Vua Kaundinya III của Phù Nam) giúp đỡ với lời hứa của Sa Thác là Ca Lâu Thành sẽ quy thuận Phù Nam. Trên các cờ hiệu của liên quân bên cạnh Sa Thác, Tú Linh chỉ ra quân của Phù Nam. Tất Đà, Phổ Cáp, Phạn Sơn… đều là những thành bang lân cận, trải dài theo khu vực từ Hồng Ngự, Châu Đốc, Long Xuyên, Trà Vinh ngày nay, thấy Ca Lâu Thành sắp bị đánh gục bèn kéo đến định ăn hôi.
Quân Ca Lâu Thành đông đảo và thiện chiến, uy lực ngất trời, tuy nhiên binh lính của Sa Thác tựa như âm binh đao thương bất nhập, thân thể dù bị đâm chém thế nào cũng không chết được. Đoàn quân âm binh ấy tiến lên như chẻ tre, những phòng tuyến Ca Lâu quân lập ra đều vô hiệu. Trống trận vang lên liên hồi, khói lửa mù mịt cả một phương, Ca Lâu quân chống đỡ yếu ớt dần. Cứ đà này thì chỉ còn hai mươi dặm nữa là loạn quân của Sa Thác tiến vào thành chủ.
Lúc này, Ca Lâu Vương và bộ tướng đang họp bàn, tình thế hết sức căng thẳng. Bỗng một bộ tướng vào báo cáo về đặc tính quỷ dị của quân địch. Ca Lâu Vương đập bàn quát:
– Thằng khốn, dám dùng tà thuật đối đầu với Tỳ Khâu Đạt Bà này!
Dĩ nhiên, ông ta biết tà thuật Sa Thác đang dùng là gì. Dù vậy, thắc mắc vẫn là ai đã giúp sức cho hắn? Lập tức, ông cử Tỳ Giả lãnh hữu quân, Thập Bát Tư tế lãnh tả quân, Giản Độ cầm trung quân ra nghênh địch, lệnh giữ chân địch tại đồi Én cách thành chủ mười lăm dặm.
Tỳ Giả và Giản Độ nhận lệnh lập tức lên ngựa phóng như bay đến chiến trường. Lúc nãy tôi có nghe Từ Khoái xem thường đạo pháp hai người bọn họ, cứ nghĩ Tỳ Giả và Giản Độ cũng chỉ như hạng lôm côm, đánh đấm chẳng bao nhiêu rồi họ cũng cúp vòi chạy về mà thôi. Nhưng không ngờ, hai người họ pháp lực tuyệt nhiên không phải loại xoàng, vung tay múa chân, thi triển nhiều loại phép thuật tà dị khó tả, đám âm binh bị đẩy lui nhanh chóng. Quân Ca Lâu Thành phối hợp ngăn cản, làm chậm quân Sa Thác. Lúc này bọn Tỳ Giả, Giản Độ cùng Thập bát Tư tế thi triển thuật, chỉ một thoáng đã thấy quân địch rút chạy sau một hồi trống dài.
Tin thắng trận lập tức vang về thành chủ, Ca Lâu Vương còn chưa dứt câu cười thì lại nhận thêm hung tin: pháp bảo trấn thành phía Bắc bị vỡ. Như đã biết, Ca Lâu Vương đời thứ nhất xây dựng vương quốc trên một nền đất yếu có thể sụp lún bất cứ lúc nào, chỉ vì vùng này có vượng khí nên ông ta lập ra trận đồ trấn yểm, gồm hai mươi pháp bảo là các viên ngọc tự nhiên. Trải qua trăm năm, đặc tính các pháp bảo này dĩ nhiên có suy giảm tuy nhiên chưa tới mức tự hủy, ắt hẳn có bàn tay người khác nhúng vào. Ca Lâu Vương tức điên người, cho rằng chỉ có Sa Thác biết chuyện, y đang định đi nước bài cuối cùng, hủy hoại hoàn toàn Ca Lâu Thành rồi xây dựng lại, nói vậy thì trong thành có nội gián, nhưng là ai mới được? Vừa mới nói đến đó, Ca Lâu Vương còn chưa biết sao thì đã nghe từ ngoài có tiếng nói vọng vào:
– Tấn Quốc Phiêu Nam Hầu Từ Khoái xin được yết kiến Ca Lâu Vương.
Ca Lâu Vương ngạc nhiên, không biết Từ Khoái có ý định gì nhưng vẫn cho y vào. Tuy nhiên, Quốc Vương do dự chưa biết Khoái định làm gì nên cho người vời y vào phòng riêng. Từ Khoái vừa vào liền nói một cách chắc chắn:
– Tại hạ có cách để phục hồi nguyên khí Ca Lâu Thành!
Ca Lâu Vương hết sức ngạc nhiên, liền hỏi Từ Khoái xem cách đó ra sao. Y từ tốn trả lời:
– Dùng người thay pháp bảo!
Đạt Bà không giấu nổi sự khó hiểu trong mắt, bản thân ông ta cũng có một bụng pháp thuật, nghiên cứu nhiều, tuyệt nhiên chưa nghe đến chuyện dùng người thay pháp bảo trấn địa. Từ Khoái giải thích:
– Tại nước của tôi, chuyện này không hiếm. Về cơ bản, những bảo vật trấn Ca Lâu Thành lúc bấy giờ chỉ là tạm bợ. Ngọc thì chỉ mang một đặc tính duy nhất, hoặc Thái Dương hoặc Thái Âm. Từ lúc chúng hình thành đến khi tan biến cũng không tài nào thay đổi được. Họa chăng chỉ có loại ngọc của loài rết thì còn may ra, nhưng tìm được nó còn khó hơn lên trời. Lại nói về xác người, là Thi, thì ngược lại. Con người còn sống là dương, chết đi là âm, cơ bản mang hai Thái trong bát quái, muốn thay đổi qua lại không phải là việc khó. Khó ở chỗ…
Ca Lâu Vương nghe đến đó liền đổi tư thế ngồi, như nghiệm ra một chuyện tày trời vậy, mắt ông hơi trợn, ông phán:
– Từ Đại phu cứ nói, tình hình đã đến nước này không cần phải giấu giếm!
Từ Khoái chắp tay, cúi người rồi đưa ra thỉnh cầu:
– Khó ở chỗ tìm ra những Thi phù hợp cho việc trấn thành, điều này chỉ còn trông cậy vào Quốc Vương, hai vị công chúa Tỳ Sa và mười tám vị Tư tế!
Lúc này, tự dưng tôi nghe một tiếng nấc, là Tú Linh. Nhìn sang anh Hùng cũng thấy anh trợn mắt, hiếm khi anh có phản ứng như vậy. Chẳng lẽ lời thỉnh cầu của Từ Khoái ẩn chứa sự kiện ghê gớm gì lắm sao? Tôi hỏi, chỉ nghe anh Hùng đặt ngón trỏ lên môi, bảo tôi im lặng mà theo dõi.
Ca Lâu Vương gào lên:
– Ngươi muốn… muốn lấy mạng trẫm? Khi quân!