[Truyện ngắn] Giấc mơ của bướm – Kỳ 3

Tác giả Huyết Vy
[Truyện ngắn] Giấc mơ của bướm – Kỳ 3

Truyện ngắn phóng tác, lấy cảm hứng từ truyện Duyên Lạ Ở Hoa Quốc –
Thánh Tông Di Thảo.

Giấc mơ của bướm

Hồi 3. Mộng Điệp

14.

Chu Sinh mồ côi cha mẹ, từ nhỏ theo chú thím sống nhờ. Trời sinh voi sinh cỏ, thiếu thốn tình thân, càng không ai quan tâm định hướng anh phải sống thế nào, trở thành người ra sao. Đến tuổi, được chú cho đến trường, cùng những đứa trẻ khác nhét vào đầu chữ Nho đạo Khổng, không cách nào tìm được hứng thú với những tam cương ngũ thường trong sách. Hứng thú duy nhất là vào sâu núi rừng nghiên cứu cỏ cây và côn trùng, những sinh mệnh nhỏ bé mà sức sống mãnh liệt. Lúc mỏi mệt sẽ thả mình trên phiến cổ thạch, cảm nhận độ mát lạnh của mặt đất và hơi thở tinh khiết của núi rừng. Trở về nhà như một kẻ không tiền đồ đón nhận những ánh mắt thất vọng và khinh khi của chú thím. Những năm đầu đời chỉ có vậy, sinh trưởng khô cằn hoang hoải như cỏ dại. Không ai thưởng thức, không ai vun vén.

Chu Sinh năm 19 tuổi, khiếm khuyết lý tưởng và tình yêu, có ngàn vạn thắc mắc về thế giới này nhưng đáp lại anh chỉ có thinh không tĩnh mịch. Rời khỏi nhà chú thím, cả ngày lang thang trong rừng rồi về ngủ vùi trong căn nhà hoang cha mẹ để lại bên bìa rừng. Một ngày mưa lâm râm, anh lại vào rừng. Khu rừng trầm mình trong ẩm thấp, sương mù trắng xóa lan tràn bốc hơi. Chốn sâu thẳm bị cây cối che kín, chẳng thấy được một tia nắng xuyên qua. Nước mưa rơi xuống, ngấm vào lòng đất ẩm mục lá cây, chẳng vang tiếng. Đi mãi đi mãi đến khi mưa ngưng nắng rớt, đến khi trái tim thâm u của rừng động lòng mở ra. Anh thấy bươm bướm, một đàn hàng ngàn hàng vạn con.

Chúng đậu kín thân cây, rải chi chít trên mặt đất. Hàng vạn đôi cánh mấp máy dưới nắng vàng sau mưa, phát tiếng ù ù như vọng âm của rừng. Dưới chùm nắng, phấn bướm bãng lãng thinh không, tỏa hương nồng đượm, động phách kinh tâm. Đó là phong quang nơi sinh mệnh hiện hữu mạnh mẽ, sinh trưởng sống động. Kẻ lầm đường lạc lối bắt gặp, ngỡ trước mắt là một lễ tế, nơi đàn bướm phô diễn và hiến dâng sinh mệnh thiêng liêng cho đất trời. Anh bị mê hoặc, bước vào tâm đàn, cẩn thận áp sát cổ thụ. 

Ở đó, anh gặp được kỳ ngộ suốt kiếp không quên.

Người con gái ấy nằm lọt thỏm giữa gốc đại thụ phủ rêu, dương xỉ xanh rì phủ thân, lộ ra mảnh eo ngọc ngà trắng muốt, trong tranh sáng tranh tối tàn ngày phát quang như bạch ngọc. Trên eo, vết bớt đỏ như máu đọng ấn vào tim anh một nhát khắc cả đời không phai. Nàng chỉ đeo một miếng ngọc luồn chỉ đỏ hình quản bút, trần trụi nằm đó, yêu mị mềm mại, ngơ ngác bơ vơ như loài bướm vừa thoát kén, đang cần thời gian để da thịt bình phục cứng cáp. Nàng khẽ khàng mở mặt, đôi mắt ấy, như giọt nước từ trời rớt xuống, không tan vào hồng trần mà đọng lại trên lá sen, trong veo bất nhiễm, lóng lánh lay động. 

Giây khắc soi rọi nhau, người trong mắt như thể người đầu tiên bắt gặp trong sinh mệnh. Họ nhanh chóng bước vào đường tình. Mộng Trang dường như là lời hồi đáp mà đất trời gửi đến cho anh, là phần hồn phách thất lạc suốt 19 năm qua. Nàng là tấm gương, nơi anh soi thấy linh hồn ẩn ức trong thân mình. Một linh hồn ái mỹ bị cô lập trong nhân gian nhuốm tràn dục niệm.

15.

Mộng Trang nói, Chu Sinh, anh sinh trưởng trong một thế giới, mà giá trị của một con người được định nghĩa bằng nỗ lực, hữu dụng, thắng bại, thành tựu. Nhưng không ai nỗ lực để được sinh ra, để thở và để chết cả, vậy tại sao nhân sinh lại cần nhiều nỗ lực và chứng tích đến thế. Quá nhiều điều kỳ diệu đẹp đẽ xảy ra trong trời đất này mà không cần đến nỗ lực. Mây trắng bồng bềnh, tụ tán không hẹn, trôi nổi không đích. Đến khi nặng trĩu không thể mang vác sẽ hóa thành mưa nhảy nhót dưới nhân gian, rồi lại nhẹ bẫng hóa hơi bay lên trời. Một đóa hoa đến độ xuân thì không cần nỗ lực mà vẫn bung nở rực rỡ, nở đến cạn kiệt sinh mệnh mà không hề e ngại úa tàn. Đến khi rơi rụng, lại đem thân tàn bón cho cây, mùa sau, trên cành cây ấy, những đóa hoa mới lại nồng nhiệt nở tàn.

Tay ve vuốt lồng ngực đang căng tràn, nàng nói, Chu Sinh, anh không cần phải tranh đấu, không cần phải tìm cách lội ngược dòng, thậm chí không cần phải bơi. Chúng ta chỉ cần thả trôi trong dòng nước, và để trời đất này đưa anh đến bất kỳ. Con đường của trời đất mới là con đường tuyệt đối, sinh linh không thể nỗ lực để hoàn thiện hơn trời đất. Nàng nói, Chu Sinh, buông hết nỗ lực, hữu dụng, thắng bại và thành tựu. Bên em, lấp đầy nhau, quất quýt không rời, cùng nhau kiệt quệ và héo mòn. Đó mới là sự bung nở tối thượng.  

Hồ điệp uyên ương, thần tiên quyến lữ. Hai người tự định ước hôn lễ. Dắt nàng qua cửa, tháo nón cho nàng, nhìn nàng say sưa. Qua ánh mắt hạnh phúc của nàng nhìn thấy khuôn mặt hạnh phúc của chính mình, qua yêu và được yêu, Chu Sinh biết đóa hoa sinh mệnh của mình đang đến kỳ nở rộ, bất chấp úa tàn.

Giấc mơ của bướm

16.

Một năm sau, Mộng Trang sinh con trai, sinh linh bé bỏng khi ê a khóc, khi ngơ ngác cười. Chu Sinh dành cả ngày chăm bẵm ngắm nhìn con không chán. Tình yêu đối với đứa bé vừa chào đời khiến anh sinh lòng bảo bọc và kỳ vọng với nó. Lo âu và mong mỏi nảy nở, chọc một lỗ thủng trên niềm hạnh phúc mơ hồ bấy lâu. Không lâu sau, lỗ thủng đó bị ngoại lực thọc tay vào xé toạc khi đại nạn ập đến. Đàn bướm và tộc nhân của Mộng Trang bị giặc Ô Thước tấn công. 

Giặc Ô hung hãn càn quét, xác cao thành núi, tử khí ngút trời. Những sinh linh sống hiền hòa thả trôi trong trời đất không có khả năng phản kháng cũng không hề sinh lòng phản kháng. Với họ, bị giết hại, trở thành con mồi trong miệng thiên địch cũng là một lẽ của trời đất. Chấp nhận yếu ớt và chạy trốn cũng là đạo trời, là dòng chảy sinh tồn. Họ quyết định sẽ chạy xa lánh dấu, bảo toàn quân dân.

– Chu Sinh, cùng em cao chạy xa bay.

– Vậy còn con của chúng ta thì sao, Mộng Trang. Nó còn quá nhỏ để có thể hành tẩu đường trường. Thậm chí tộc nhân nhỏ bé và yếu ớt của em không thể bảo vệ nó nếu giặc Ô truy cùng giết tận.

Giờ phút sinh tử quyết định, Chu Sinh phát hiện mình chỉ là một kẻ đứng giữa dòng, một kẻ tu tập chưa có khả năng đến bờ bên kia. Anh nhận được niềm thư thái và xoa dịu khi buông xuôi hết thảy danh vọng, nhưng khi đối diện với biến cố vô thường, tận sâu đáy lòng vẫn trào lên những khổ đau bất lực, giận dữ chống đối. Anh được giáo dưỡng trong 19 năm để trở thành một đấng nam nhi ở đời. Cái tôi trong nhân tính trỗi dậy, khiến anh không thể bất kể sinh tử, chấp nhận yếu ớt, buông xuôi đấu tranh. 

Anh nói, Mộng Trang, anh biết anh đã yêu em trước khi anh gặp em, anh yêu em kể cả khi em chẳng mảy may động tình, anh nghĩ anh đã mơ về em trong cuộc đời, anh đã chờ đợi cả cuộc đời mình cho giờ phút ta hội ngộ. Anh đã sống những ngày hạnh phúc nhất kiếp người khi cùng em tri kiến. Nhưng có lẽ đã có gì đó sai lầm ở anh, một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên mười chín năm trong vòng nhân sinh. Nó tham lam và cho rằng chỉ có tình yêu thì không đủ để sống đời. 

Anh từng nhìn thấy giọt nước mắt bất lực của chú khi nuôi ra một đứa cháu bàng quang không chí tiến thủ, không có khả năng chứng tỏ bản thân và vực dậy dòng tộc. Còn giờ đây chính anh bị nhấn chìm trong nỗi bất lực khi phát hiện mình chỉ là một gã yếu nhược không cách nào bảo vệ vợ con trong cơn nguy biến. Giờ phút này anh chỉ hận mình không thể trở nên hùng mạnh để lội ngược dòng, xây thành cao, đắp lũy sâu, ngăn cơn sóng dữ, che chắn cho thân nhân. 

Anh đã nói, anh phải ở lại đây, trên mảnh đất cho anh niềm vui và nỗi đau tột cùng này để gầy dựng những điều đó. Anh sẽ không chạy trốn. Hãy gửi con cho anh nếu em và tộc nhân không thể bảo toàn sinh mệnh đứa bé.

Anh nghe người con gái như thiên tiên đó nói. Thôi được, Chu Sinh. Tình yêu và năm tháng hạnh phúc em dành cho không thể xóa nhòa nhân tính và cái tôi trong anh. Anh vẫn chưa thể bước ra khỏi chiếc hộp cẩm thạch của văn minh và định kiến, vẫn còn nghi hoặc với đạo sinh diệt của đất trời và sẽ còn phải kinh qua khổ ải mới có thể cùng em cập bờ. Nhưng em sẽ không ép buộc anh, nếu không sẽ là nhân danh tình yêu nhốt anh vào một chiếc hộp khác. Đi theo bản tâm cũng là thuận theo tự nhiên, ngày sau thế nào đều do tự thân lĩnh hội. 

– Hãy cho anh cơ hội được gặp lại khi đã đủ tư cách bảo vệ cho em.

– Chu Sinh, với em anh luôn có tư cách. Anh là cá em là nước, anh là mây em là mưa. Sinh mệnh của chúng ta gắn liền một thể, đó là huyền cơ của đất trời. Nên nhanh thôi chúng ta sẽ gặp lại.

Nàng đi. Bóng dáng mờ lấp sau làn sương mù thâm u. Lòng anh quặn đau, mất đi tri giác.

Giấc mơ của bướm

17.

Chu Sinh tỉnh lại, thấy mình nằm lọt thỏm trong gốc cổ thụ phủ rêu, dương xỉ ôm thân, nước mắt khô kiệt trên má. Đàn bướm vạn con đã thiên di về phương Nam an toàn ấm áp, để lại một khoảng rừng hoang liêu tiêu điều. Mộng Trang, con trai, đền đài lầu các cùng những tộc nhân xôn xao chạy loạn mất hút như chưa từng tồn tại.

Dưới gốc cổ thụ, xác bướm lả tả nát tan. Trên cành, quạ đen rợp trời, tiếng kêu thê lương rùng rợn. Anh moi được từ dưới gốc cây nơi mình nằm một hũ vàng ròng và miếng bạch ngọc hình quán bút. Lẩn thẩn xuống núi, trở về căn nhà hoang xiêu bạt bên bìa rừng, nghe từ làng vọng lên tiếng khóc than não lòng.

Về thăm, hóa ra người thím vẫn hay khinh khi mắng chửi mình đã mất. Nhìn chú, thấy ông như già đi thêm cả chục tuổi, tóc mai bạc trắng, mắt hằn nếp nhăn. Thấy anh, đôi mắt đã bạc phai sắc đổ của chú đột nhiên có thêm sinh khí và hy vọng, ông bật khóc:

– Hai năm đã qua rồi, cháu đã đi đâu, sao giờ mới chịu về với chú?

Giờ khắc tử biệt sinh ly, cửa nhà heo hút mới thấy được sức nặng của tình thân. Lòng Chu Sinh nặng trĩu tang thương, mũi cay nồng chua xót, nước mắt chực chờ rơi rớt. Anh nói lảng với chú, hai năm qua bỏ ra ngoài tìm cách sinh nhai. Nay tích góp được ít vàng, liền trở lại quê tiếp tục tu thân, chăm chỉ sách đèn, quyết chí công danh.

Sau khi ổn thỏa lễ tang cho thím, Chu Sinh ở lại với chú, sớm tối ăn học, nghiêm túc chưa từng. Cuộc hội ngộ với Mộng Trang dẫu thực hay mơ thì cũng đã đánh thức tâm cảnh trong lòng Chu Sinh. Anh đã biết mình là ai, đồng thời cũng biết hiện tại mình phải trở thành ai. Sĩ, nông, công, thương, rõ ràng con đường nhanh nhất để trở nên vững mạnh không thể nằm ngoài vòng danh lợi. Nếu buộc phải mạnh hơn, thì phải bất chấp yêu ghét, một đường nghiêm khắc hướng tới. 

Sau đó thì Đồng Nhân về nhà, cùng anh chia sẻ hồi ức trong những đoạn đường tiếp theo. Thi Hương thành tựu bước đầu, lập thiếp, sinh con, báo hiếu, phấn đấu công danh, một đường thăng tiến như diều gặp gió đến tận bây giờ. Nhưng, một ngày, anh nhận ra, tất cả những mình gầy dựng mười lăm năm qua chỉ là một thành trì giả tạo, chỉ có thể chắp vá những lỗ hổng của đời người, không thể lấp đầy bản tâm. Lòng anh chưa từng an tịnh.

– Hơn nửa đời nhìn lại, tất cả những gì anh có được bây giờ đều không phải là mong mỏi tận sâu trong lòng. Nên anh chẳng khác nào kẻ trắng tay.

Trong vườn nhà một sớm cuối đông lạnh lẽo, Chu Sinh đã đem hết tâm can ra mà bộc bạch như thế. Tâm hồn anh sáng trong, dù dấn thân vào quan trường nhưng không thể hòa vào quan trường mưu ma chước quỷ. Ở đó, ngày qua tháng lại chỉ có quyền lực đi đôi với lợi ích nhóm cùng những chiêu trò thanh trừng hãm hại lẫn nhau. Bàn cờ đã định sẵn quy tắc nghiệt ngã, chỉ cần một chốc lỡ lầm sẽ là vạn kiếp bất phục.

Chàng thanh niên từng không nỡ dẫm lên một con bướm nào trong rừng, nay vì đường công danh mà ngồi lên tướng vị, bất kể đúng sai, tay cũng đã nhuốm máu người. Những binh tàn tướng bại dưới tay anh, những ánh mắt uất hận bất cam trước khi ngã khuỵu, đằng sau họ phải chăng cũng có một gia đình đang cần được bảo bọc? Có trách là chẳng chọn chung đường? Nhưng điều đó có thể bao biện cho sự sống và cái chết đã luân chuyển dưới bàn tay nhuốm máu của mình? Cơ đồ chẳng qua cũng chỉ là dẫm đạp lên thành bại sinh tử của kẻ khác khiến anh nản lòng thoái chí. Ước mộng của anh không phù hợp với thế giới này, cõi lòng đã bị bóng đêm u uất đào sâu thành động.

Anh nói, anh cần phải bước ra khỏi hang sâu u uất này, tìm một vùng trời sáng trong cho tâm hồn. Nay anh đã không còn là thiếu niên yếu nhược, bất lực trước những lựa chọn của ngày trước. Anh đã có thể cho chú an hưởng tuổi già, tự hào nhắm mắt. Anh dưỡng dục con trai 15 năm qua thành một thiếu niên thông minh có nghị lực và chủ kiến. Cũng đã cho người thiếp sửa túi nâng khăn một mái nhà ấm êm che mưa chắn bão. Hiếu nghĩa với chú, bảo bọc vợ con, tâm nguyện thế tục đã thành toàn, anh không còn lý do gì ở lại cõi trần ô trọc này nữa. Anh phải tìm về nơi linh hồn mình thuộc về. 

– Bổng lộc và tài sản ta tích góp hơn mười năm nay đủ để hai mẹ con em một đời no đủ sung túc. Một ngày không thấy ta nữa, đừng lo lắng, cũng đừng tìm kiếm. Ta đã buông bỏ nỗ lực, thuận theo bản tâm mà xuôi dòng, đã được sống với nguyện ước thuở thiếu thời, thành toàn chính mình. 

Một lời dứt tình, Chu Thiếp chưa thể hiểu hết những tâm tư xuất thế của chồng, chỉ thấy lòng mình còn lạnh lẽo hơn sương giá ngoài kia.

Tách!

Giọt nước năm nhẫn nhục 15 năm cuối cùng cũng rơi.

Giấc mơ của bướm

“Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau. Cái đó gọi là “vật hoá”

Chia sẻ câu chuyện này
Giấc mơ của bướm
Giấc mơ của bướm
Share