Gen Z và Gen “hồi xưa” đi thi: Ai mệt hơn?

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Gen Z và Gen “hồi xưa” đi thi: Ai mệt hơn?

Hồi xưa với hồi nay, đi thi lúc nào thì sướng hơn? Nói thiệt đây là câu hỏi không có đáp án vì thời nào đi thi cũng… khổ hết. Chủ yếu khổ ít hay khổ nhiều hơn. Vietales sẽ cùng các bạn đi qua 3 điểm khác biệt giữa Gen Z và gen hồi đó, tạm gọi là gen A.

Học hành

Thời nào học cũng căng, không có thời nào học sướng cả. 

Các môn học ngày xưa ít hơn ngày nay nhiều. Còn bé thì học đạo đức, lớn lên thì bình giải sách vở kinh điển Trung Hoa. Chủ yếu là các môn đòi hỏi trí nhớ học trò. Học thuộc, học thuộc và học thuộc. Ai nhớ dai hơn thì giỏi hơn. Tuy ít môn hơn nhưng sách vở thiếu thốn, sĩ tử lại bị phân tâm nhiều thứ. Thường những người chọn con đường thi cử vốn đã không có điều kiện rồi, nên ước mơ của họ là phải thi đậu để đổi đời. Trong thời gian đó, nếu không có ai nuôi hay nhà tài trợ thiên thần thì cũng phải vừa mưu sinh vừa ôn luyện thôi. Chưa kể, thời chưa có đèn điện thì chuyện ôn bài ban đêm rất bất tiện.

Gen Z ngày nay tuy điều kiện sống ổn áp hơn, dinh dưỡng đầy đủ hơn, nhưng chưa chắc việc học đã ít áp lực hơn. Gen Z học đủ thứ từ Toán Lý Hoá, đến Văn Sử Địa, chưa kể còn tiếng Anh, Sinh học, là những môn không chỉ đòi trí nhớ mà còn cả tính toán nữa. Khối lượng kiến thức đồ sộ khiến gen Z ngoài việc học trên trường, còn phải vác cặp đi học thêm.

Đi thi

Là gen A, bạn phải tự lặn lội đi thi. Nếu nhà xa kinh thành, bạn càng stress. Đường sá giao thông ngày xưa đúng nghĩa là ba chấm, đoạn nào đẹp thì còn đỡ vất vả, chứ còn lại thì không dám nghĩ tới. Hết đi bộ lại tới đi đò, tay xách nách mang lều chõng lết vào trường thi. Gen Z chúng ta ngược lại: có đủ phương tiện để đi, chỉ sợ nhất là kẹt xe hay quên giấy tờ trong ngày vào thi thôi.

Về số lượng thì ngày xưa thi cử rất cồng kềnh. Gen A có 3 kỳ thi quan trọng nhất là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Mỗi cái phải qua ba bốn vòng gọi là tam trường, tứ trường để vào tiếp kỳ thi cao cấp hơn. Gen Z vào năm 2023 chỉ cần thi trung học phổ thông và xét điểm vào đại học thôi.

Xin nói thêm là ngày đó chỉ nam giới mới có quyền đi thi. Nữ giới thông minh đến đâu cũng đành chịu. Nếu thèm thi quá, họ buộc phải cải trang như trường hợp nàng Nguyễn Thị Duệ thời Mạc. Cách này không khuyến khích vì nó vi phạm quy chế thi cử. Nói chung người con gái ngày xưa không có cửa tiến thân trên đường công danh, rất thiệt thòi cho họ.

Nếu bây giờ gen Z chúng ta thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội; thì người xưa họ chủ yếu thi thơ phú, soạn thảo văn bản triều đình, nghị luận xã hội, vân vân. Đại khái là giống như thi Ngữ Văn mở rộng vậy. Qua thời Hồ thì có thêm thi Toán. Mà bởi vì là thi Ngữ Văn mở rộng nên nó mang nhiều tính hên xui. Bài thơ mình tâm đắc nhưng giám khảo thấy dở thì sao? Tạch tạch tạch…

Đỗ đạt

Đây là phần hồi hộp nhất vì mỗi khoa thi ngày xưa phải mất 3 năm mới tổ chức lại, xui xẻo thì có khi lên đến 12 năm như nhà Lý hoặc 7 năm như nhà Trần. Ông nào toang là xác định khăn gói về quê cày ruộng chăn trâu. Như đã nói, nếu đã theo đường thi cử thì một là cuộc đời nở hoa, hai là cuộc sống bế tắc.

Tỷ lệ chọi ngày xưa chắc cũng ngang đường lên đỉnh Olympia. Người đỗ đại khoa rất ít và tên họ được trang trọng khắc trên bia cả rồi. Số còn lại thì xin hẹn gặp lại lần sau vào một ngày đẹp trời hơn. Khoa thi đầu tiên của nhà Lý chỉ lấy… 10 người thôi.

Người thi đậu gen A sẽ được vua ban một bữa yến, giống như giờ gen Z mình được chủ tịch nước khoản đãi vì đạt thành tích cấp quốc gia vậy. Xong rồi mỗi người được nhận y phục và phù hiệu dựa trên cấp bậc của mình. Cuối cùng là đến tiết mục vinh quy bái tổ cho bà con xóm giềng mở mày mở mặt.

Tuy nhiên, đây là lợi thế tuyệt đối của Gen Z. Không những chúng ta có các kỳ thi tổ chức hàng năm, mà tỷ lệ chọi cũng dễ thở hơn nhiều. Sau tất cả, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Trượt đại học không phải dấu chấm hết. Bạn có thể trở thành người thiết kế đồ hoạ, thành đầu bếp, người pha chế, hoặc mở một cửa tiệm cho riêng mình. Chúng ta vẫn có muôn vàn lựa chọn khác để tiếp tục hành trình cuộc đời. 

Share