Từ đây, những cục bột hoàn mỹ sắc màu và độ dẻo sẽ theo chân nghệ nhân vượt khỏi lũy tre làng, tỏa ra trăm phương trên những chiếc xe đạp. Trong chuyến du hành kỳ thú ấy, người nghệ nhân rong ruổi khắp đầu làng cuối xóm để đến các phiên chợ quê, hội hè,… Họ nắm trong tay một cuốn sổ ghi lại các ngày lễ tết ở hết thảy mọi cùng miền đất nước, tinh thông cả thời tiết, nhiệt độ – những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cũng như số lượng tò he bán được.
Những chiếc xe đạp tò he ấy chở theo hành trang chỉ gồm những mẩu bột, hộp sáp ong, chiếc lược, mà lại có sức hấp dẫn vô biên với lũ trẻ. Để khoản đãi sự mong ngóng ấy, người nghệ nhân hóa phép thần thông biến những mẩu bột cục mịch thành đủ loại hình hài.
Đôi tay khẳng khiu sao khéo vân vê, bồi đắp, tỉa cắt, khiến thế giới muôn hình vạn trạng trong tâm tưởng ấu thơ được hóa hình hài. Này đây những vị anh hùng, dũng tướng đến từ truyền kỳ; bốn thầy trò Đường Tăng bước ra khỏi màn ảnh nhỏ; tiên nữ lụa là xiêm y cưỡi mây giáng trần. Này đây đóa hồng còn nụ trong vườn đã bung hương trên bàn tay chú thợ; trâu, hổ không còn khổng lồ đáng sợ mà hóa đáng yêu; chú tễu phá cười trước những câu chuyện trẻ thơ ngộ nghĩnh.
Cứ thế, những khối bột đượm hương đồng cỏ nội, mang trong mình sinh khí và năng lượng đất trời đã hóa ra “ba nghìn thế giới”, cất lên tiếng nói của tâm hồn và trí tuệ Việt.
Nhìn lại hành trình từ ruộng vườn đến khi trở thành một món quà xinh đẹp, mới biết nghề chơi cũng lắm công phu. Mà chính sự chỉn chu, sáng tạo không ngừng đó đã tôn vinh một thức chơi quê mùa thành nét đẹp văn hóa Việt, hình thành nên các làng nghề mang nét đặc sắc riêng. Nặn tò he tạo nên một khoản thu nhập đáng kể, an ủi những ngày đồng áng nặng nhọc và những năm thiên tai mất mùa, nuôi sống nhiều thế hệ gia đình.
Người dân làng Xuân La, Hà Nội có câu ca lưu truyền: “Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò” – chim cò ở đây là chỉ nghề nặn tò he. Cái nghề chỉ được xếp thứ 3 ở làng đã giúp cho người dân Xuân La vang danh cả nước. Hà Nội còn có dòng con bột phố Khách của những người gốc Hoa tập trung ở phố Mã Mây, Hàng Buồm; hay con bột Đồng Xuân do các bà các cô nặn vào dịp lễ tết, tái hiện lục súc với theo nguyên tắc sắc màu ngũ hành (gồm trắng, xanh lam hoặc tím – thay cho màu đen vì kiêng kỵ, xanh lục, đỏ và vàng).