Khi nhắc tới chiến trận châu Âu Trung cổ, chúng ta thường nghĩ ngay tới những trận đánh trên bộ với những hiệp sĩ mặc áo giáp sáng lòa trên các chiến mã vạm vỡ. Thế nhưng, hải chiến cũng chiếm một phần quan trọng, bao gồm các hoạt động đổ bộ tập kích ven bờ và những trận đối đầu giữa thuyền với thuyền trên biển.
Hoạt động đầu tiên là sở trường khiến những Viking (“cướp biển”) Bắc Âu trở nên nổi danh. Các nhóm Viking dựa trên hiểu biết về địa hình, tình hình xã hội và quân sự từng vùng thông qua buôn bán với người dân địa phương nhiều năm. Sau đó, họ tập kích những vùng sơ hở để cướp đoạt của cải và con người rồi rời đi nhanh chóng trước khi đối phương kịp trở tay.
Để phục vụ hoạt động đó, những chiếc thuyền Drakkar là loại phương tiện cực kỳ phù hợp. Chúng rất dài và hẹp (thường dài 30 m hoặc hơn, trong khi chỉ rộng nhất khoảng 4 m), cho phép lướt nhanh trên biển. Đáy thuyền cũng rất nông, giúp chúng có thể cập vào mọi bãi biển, vùng nước cạn hay sông ngòi.
Thuyền vừa có buồm để đi biển dài ngày, vừa có hơn 60 tay chèo để tăng vận tốc và linh hoạt xoay trở trong chiến trận. Đặc biệt, thuyền không phân làm đầu hay đuôi, mà khi cần rút lui, các thủy thủ chỉ cần ngồi xoay ngược lại và chèo thuyền về phía đó chứ không cần phải quay đầu thuyền.
Những lợi thế này khiến không chỉ người Bắc Âu, mà cư dân đảo Anh và một số vùng ven biển Đông Bắc Âu cũng như Đông Âu tín nhiệm sử dụng Drakkar làm loại thuyền chiến chủ lực trong suốt gần 300 năm, từ thế kỷ 9 đến 12. Không chỉ sử dụng trong tập kích, họ cải biên thiết kế thuyền để làm thêm nhiều nhiệm vụ khác. Chẳng hạn dựng các lầu bắn trên thuyền để nhòm hay bắn được vào thành trì trong các cuộc vây hãm từ biển và sông. Hay thêm hệ thống dây chằng buộc để có thể vận chuyển ngựa qua biển.
Nhưng không có thiết kế nào là hoàn hảo. Mọi ưu thế đều có những nhược điểm song hành. Độ nông của boong thuyền Drakkar lại chính là điểm chí mạng trong hải chiến. Lợi dụng điều đó, từ thế kỷ 12, cư dân ven biển Bắc và biển Baltic đã thiết kế thuyền Cog với mạn thuyền rất cao, đáy rất sâu để chế ngự cướp biển Viking.
Do mạn cao, họ có thể an toàn trút tên đạn xuống đầu những tên cướp biển, trong khi đám Viking buộc phải tìm cách trèo lên được thuyền Cog mới có thể tấn công được thủy thủ trên đó. Tất nhiên đây không phải nhiệm vụ dễ dàng. Bù lại, thuyền Cog phải hy sinh mái chèo và độ cơ động, và dựa hoàn toàn vào sức đẩy của buồm. Nhưng đây chính là thủy tổ của những chiếc thuyền tròn Galleon hay Fluyt thống trị đại dương của thời đại Thuyền Buồm sau này.
Tại vùng Địa Trung Hải, người ta không sử dụng Drakkar hay Cog, mà vẫn tín nhiệm sử dụng thiết kế kiểu Galley có từ thời Đồ Đồng (tức thời kỳ Ai Cập hay Hy Lạp cổ đại). Thuyền Galley kết hợp giữa mái chèo và buồm để có độ linh hoạt cao. Tuy nhiên, số tay chèo lên đến hàng trăm chứ không phải chỉ vài mươi như Drakkar.
Thuyền có mạn nông nhưng được chế tạo rất vững chắc. Đặc biệt phần sống thuyền được gia cố để chịu đựng được xung chấn từ việc húc mũi vào sườn thuyền đối thủ. Đó là điều cả Drakkar và Cog không thể làm được. Những cú húc của Galley nhằm đánh đắm thuyền đối phương và nếu chúng không chìm, chiến binh từ thuyền này có thể nhảy sang thuyền kia để tiếp tục chiến đấu như trên bộ.
Bởi sự lợi hại đó, thuyền Galley vẫn tung hoành khắp Địa Trung Hải trong suốt thế kỷ 17, nhưng đó là “vũ đài” duy nhất của Galley. Bởi lệ thuộc vào động cơ sức người và phải chở theo rất nhiều tay chèo, Galley không có chỗ cho nhu yếu phẩm, kéo theo hệ quả chúng không được sử dụng cho hải trình dài ngày đến châu Mỹ hay châu Á.
Trên đây là ba loại thuyền chiến phổ biến nhất thời Trung cổ ở châu Âu. Mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với điều kiện hoặc mục đích này nhưng lại bất lợi đối với điều kiện hoặc mục đích khác. Điểm chung là tới thế kỷ 17, chúng đều dần dần biến mất, nhường lại “sân chơi” cho những thiết kế tàu lớn hơn, kiên cố hơn và chở được nhiều hỏa lực hơn.
Tuy nhiên, chúng vẫn là thủy tổ trực tiếp của những thiết kế về sau và xứng đáng được dành một vị trí danh dự hơn trong văn hóa đại chúng, sánh ngang với những hiệp sĩ trên lưng ngựa.
Art Director Lê Minh Artist Đình Khiêm Designer Lê Nhi Researcher Hồ Đức Editor Lê Minh Thư Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc