Ngày đó, ngoại vội thu gom mớ chuối khô đang phơi ngoài vườn. Chiếc nón trên đầu trông như tả tơi thêm dưới mưa rào chiều hạ. Tôi quen biết chiếc nón này đã lâu. Nó che chắn cho ngoại khắp mọi nẻo trần gian, đựng đầy quả chim chim, dủ dẻ cho tôi những buổi cùng ngoại thăm đồng. Nó đã ố vàng xâm kim, tơi đi một góc sau bao bận nắng mưa, nhưng vẫn nằm lại ngôi nhà cũ của ngoại như một “chiến tướng” hữu dụng. Tôi biết ngoại còn có một chiếc nón khác, được trân trọng để trên nóc tủ và chỉ được lấy ra đội những khi đi giỗ, tiệc. “Nàng mỹ nữ” ấy mới mẻ, trắng phau, được mắc quai nhung huyền. Tôi yêu thích không rời vẻ xinh đẹp ấy và đã lén lấy đội đầu soi gương từ những ngày chưa biết làm duyên là gì.
Từ niềm mến yêu vẻ đẹp chiếc nón, tôi nghĩ về nó nhiều hơn, rồi mày mò lần theo hành trình của nó trong suốt chiều dài không và thời gian của đất nước. Theo dấu chân người Việt, chiếc nón cũng viết nên cho mình một lịch sử riêng với những biến dời từ dáng hình, nguyên liệu, đến công năng.
Mưu sinh ngàn đời trên dải đất nắng lắm mưa nhiều cùng công việc đồng áng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, từ xa xưa người Việt đã biết ứng phó với thời tiết bằng chiếc nón được làm từ nhành cây ngọn cỏ quanh mình. Việc khởi nguồn từ đời sống nông nghiệp được thi vị hóa bằng truyền thuyết ra đời của nón lá. Theo truyền thuyết, chiếc nón con người sử dụng là được được mô phỏng theo chiếc nón của thần nữ chỉ dạy canh nông. (1)
Đến giờ vẫn chưa có tư liệu lịch sử xác định chính xác thời gian ra đời của nón. Nhưng ta đã có thể tìm thấy được tiền thân mang dáng dấp thô sơ của nó trên trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh cách đây 2.500 – 3.000 năm. “Truyền thuyết Thánh Gióng đội nón sắt đánh giặc Ân cho phép ta tin rằng nón có từ lâu đời trên đất Việt cổ và từ xa xưa, có thể bằng tàu lá, bằng lông chim kết lại“. (2)
Từ sau thời Lý, sách sử đã bắt đầu ghi nhận chiếc nón lá như một “item” trong trang phục dân gian Việt. Bấy giờ nón lá khá dày và nặng, được dùng làm phụ kiện cho cung tần mỹ nữ nhà Trần. Ðến thời Lê Mạt, nó đã được cải tiến trong việc chọn thứ lá nhỏ làm nguyên liệu. Việc tiện dụng hơn khiến nón lá trở thành “khách quen” trong phục sức thường nhật của chúng dân và binh lính thời Nguyễn.