Châu Âu thời Cận đại (thế kỷ 17 – 19) được mường tượng là giai đoạn có nhiều phát minh và cải tiến súng ống sôi động nhất. Nhưng thực tế, thời kỳ “sơ sinh” của hỏa khí, từ thế kỷ 12 đến 15, mới là lúc rất nhiều loại hình vũ khí sử dụng thuốc súng kỳ khôi được thiết kế và thử nghiệm ở cả phương Đông và phương Tây. Bài viết này sẽ điểm qua một số phát minh kỳ lạ nhất.
Thần Thương Tiễn
Thần Thương Tiễn được mô tả trong sách Hỏa Long Kinh thời Minh (Trung Quốc). Tương truyền đây chính là thứ hỏa khí quân Minh thu được tại An Nam (Việt Nam). Súng không bắn đạn mà bắn mũi tên. Sau mũi tên nhồi đạn chì nhỏ và còn gắn miếng gỗ gọi là Mộc Tống Tử để bịt kín buồng đốt, tăng áp suất của thuốc nổ. Khi bắn ra, mũi tên có thể bay xa đến 300 bộ (khoảng 400 m).
Tương tự với Thần Thương Tiễn, cùng thời (thế kỷ 14) ở Châu Âu có Pot-de-fer (Bình lửa), một dạng đại pháo có nòng bầu như cái bình, và cũng bắn mũi tên cùng các viên đạn nhỏ nhồi bên trong. Nhưng nếu Thần Thương Tiễn là loại súng cầm tay thì Pot-de-fer là súng lớn đặt trên giá gỗ.
Thái Cực Tổng Pháo
Thái Cực Tổng Pháo là dạng súng nhiều nòng mô tả trong Hỏa Long Kinh đời Minh. Pháo gồm Thái cực– là một nồi bằng thép luyện kỹ (thục thiết) hoặc gỗ cứng, hình tròn. Một nửa nồi đục 8 lỗ, xếp thành 2 hàng trên dưới, để xuyên 8 khẩu Bát quái súng qua. Nòng súng chĩa về phía địch, lỗ châm ngòi nằm trong nồi. Nồi chứa đầy thuốc súng. Khi châm lửa, thuốc súng trong nồi cháy, kích hoạt cả 8 khẩu đồng loạt bắn. Thái cực chia làm 2 nửa trên, dưới, có thể mở ra để đổ thuốc súng vào, và dùng châm sắt để cố định 2 nửa.
Về nguyên lý, châu Âu cũng có dạng súng nhiều nòng tương tự, gọi là Organ Gun, hay Ribauldequin. Loại này cũng gồm một hộp thép chứa thuốc súng để kích hoạt các nòng đồng loạt, và chúng cũng chĩa ra nhiều hướng y như Thái Cực Tổng Pháo, nhưng thường đặt trên cỗ xe để tiện mang ra chiến trường.
Đại pháo lắp ghép
Thế kỷ 15 là thời kỳ hoàng kim của pháo đài đá tại Châu Âu. Để đánh sập các công trình vĩ đại này, người ta cần những cỗ đại bác vĩ đại không kém. Tuy nhiên, một cỗ pháo khổng lồ rất khó vận chuyển. Bởi vậy, những kỹ sư của quân đội Ottoman đã nghĩ ra cách đúc rời từng phần của nòng pháo để tải đến chiến trường, nhưng có ren xoắn để có thể lắp ghép lại một khi pháo đã vào vị trí. Thứ vũ khí Ottoman với uy lực kinh hồn này được gọi là súng Dardanelles.
Súng nạp hậu
Súng nạp hậu tưởng chừng là sản phẩm của thế kỷ 19, tuy nhiên rất nhiều thiết kế nạp hậu đã ra đời từ thế kỷ 14, 15. Súng có buồng đạn rời, trong nhồi sẵn thuốc súng và đạn, có thể tháo ra lắp vào nòng để tăng tốc độ bắn, mà không cần phải di chuyển ra trước mũi để nạp đạn từ miệng nòng như đại bác thế kỷ 18, 19 sau này. Ở cuối buồng đạn có lỗ để xuyên một cái nêm thép qua, nhằm giữ cho buồng đạn không bị bật ra khi khai hỏa. Thiết kế này được sử dụng cho cả pháo lớn lẫn súng cầm tay từ thế kỷ 15. Sau đó theo chân người Bồ Đào Nha và du nhập vào châu Á dưới cái tên Phật Lang Cơ (nghĩa là súng người Frank).
Tuy nhiên, do quy trình sản xuất phức tạp, cộng thêm công nghệ hạn chế, chưa có cách nào phong kín buồng đạn để tránh thất thoát áp suất. Loại súng này không trở nên phổ biến, mãi đến khi các quy trình công nghiệp thế kỷ 19 cho ra đời những thiết kế nạp hậu ưu việt hơn.
Lôi Hỏa Tiên
Lôi Hỏa Tiên là một dạng “súng – chùy kết hợp” mô tả trong Hỏa Long Kinh thời Minh. Thiết kế này tận dụng sức nặng của nòng súng đồng, sắt để làm chùy hộ thân trong trường hợp súng không bắn được, hoặc để ngụy trang khẩu súng bắn xa như một thứ vũ khí cận chiến nhằm làm đối phương mất cảnh giác. Cây chùy – súng có ngọn nhỏ, gần chuôi to hơn, dài chừng 90cm, đầu chùy đục rỗng, sâu 15 cm, trên có đục lỗ châm ngòi, trong nhồi thuốc súng và 3 viên đạn chì. Tương tự, ở châu Âu thế kỷ 15 cũng có những dạng súng tay kết hợp chùy như vậy.
Tổng kết lại, ta thấy sức sáng tạo của con người thời Trung đại đối với súng ống là vô biên, không hề thua kém những kỹ sư có đào tạo bài bản của thế kỷ 18, 19. Có chăng, hạn chế của họ là phương pháp sản xuất thủ công, không cho phép chế tạo hàng loạt và còn chừa ra nhiều bài toán hóc búa về kỹ thuật. Tuy nhiên, ngay từ buổi sơ khai của súng ống, số lượng các phát minh và cải tiến đối với loại vũ khí này đã thực sự đồ sộ, và nhiều trong số đó là tiền đề cho các loại súng hiện đại sau này.
Art Director Lê Minh Artist & Designer Tai Phan Researcher Hồ Đức Editor Lê Minh Thư Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc