Gia tộc nhà Trần có một lịch sử mở đầu hết sức phức tạp. Sự hạn chế về nguồn tư liệu khiến cho nhiều nhánh gia phả của dòng họ này rất thiếu sự kết nối. Chẳng hạn, về mối quan hệ giữa Trần Thủ Độ trong cây gia phả thời kỳ đầu vẫn còn là một ẩn số. Thậm chí, một vài nhánh họ Trần quan trọng của thời kỳ khai quốc đã biến mất trong những biến động thời cuộc.
Khi nhắc đến chiến dịch quân sự năm 1285, Tô Thiên Tước (1294-1352) thời nhà Nguyên có viết:
[Quân Nguyên] đuổi tới phủ Thiên Trường. Nhật Huyên [tức Trần Thánh Tông] lại thua chạy. [Quân Nguyên] bắt sống Kiến Đức hầu của nước đó là Trần Trọng [tức Trần Bình Trọng], đuổi tới cửa biển Giao Hải, không biết Nhật Huyên ở đâu. Người trong tộc [của Trần Thánh Tông] là Chiêu Quốc vương, Văn Nghĩa hầu, Vũ Đạo hầu, Minh Trí hầu, Minh Thành hầu, Chương Hoài hầu, Chương Hiến hầu, Nghĩa Quốc hầu đều đầu hàng
Chiêu Quốc vương tức Trần Ích Tắc – con trai thứ năm của Trần Thái Tông. Chương Hoài hầu tức Trần Văn Lộng – theo Lê Tắc – là con trai của Nhân Thành hầu Duyệt, cháu của Quốc thúc Thống Quốc vương Thái sư Trần Độ (tức Trần Thủ Độ). Chương Hiến hầu tức Trần Kiện, con trai của Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang. Quốc Khang vốn là con trai An Sinh vương Trần Liễu, bị chuyển sang làm con trưởng của Trần Thái Tông. Vậy bốn người Văn Nghĩa hầu, Vũ Đạo hầu, Minh Trí hầu, Minh Thành hầu là ai, có mối liên hệ thế nào trong thế phả nhà Trần?
Gia phả nhà Trần dòng An Quốc vương qua tư liệu của nhân sĩ thời Nguyên
An Nam chí lược của Lê Tắc cho biết Văn Nghĩa hầu là Trần Tú Tuấn 陳秀峻 (có bản chép là Trần Tú Viên 陳秀爰). Lê Tắc cũng chép lại tiểu sử tóm tắt của ông này:
Trần Tú Tuấn là cháu của An Nam quốc vương, con trai Vũ Đạo hầu, được nước ấy phong là Văn Thiệu hầu, rồi đổi thành Văn Nghĩa hầu, đẹp đẽ, lại có văn học. Mùa đông năm Chí Nguyên Giáp Thân [1284], đại binh [nhà Nguyên] kéo tới. Mùa xuân năm sau [1285], Tú Tuấn khuyên cha mẹ mình quy thuận. Tháng Tư, vào triều kiến. Trên đường rời nước có tám người chết. Có thơ điếu rằng:
“Tam thế bát tang thiên cổ thống, Nhất thân vạn lý bách niên cô” (Ba đời tám người chết, nỗi đau ngàn thuở. Một mình đi vạn dặm, cô độc trăm năm). Tháng Chín, đến kinh đô. [Nguyên] đế khen ngợi, phong Tú Tuấn làm Phụ Nghĩa công, Tư Thiện đại phu, cấp cho Hổ phù, ban năm ngàn xâu tiền; con trai là Đức Tiệm dao thụ An Nam phủ lộ Tuyên vũ sứ, Gia Nghị đại phu.
Các tập tuyển thơ thời Nguyên cũng cho ta biết thêm một số thông tin về Trần Tú Tuấn. Trần Tú Tuấn tự là Toái Sơn 粹山 (có sách ghi là Tụy Sơn 萃山, có lẽ nhầm), có tập Toái Sơn ngâm cảo.
Lê Tắc không cho ta biết gì thêm về lai lịch của Vũ Đạo hầu – cha của Trần Tú Tuấn. Nhưng Hứa Hữu Nhâm (1287 – 1365) từng được cháu họ của Văn Nghĩa hầu Trần Tú Tuấn là Trần Đức Nhuận nhờ viết văn bia thần đạo cho Trần Tú Tuấn, nhân dịp Đức Nhuận cải táng Tú Tuấn sang chỗ đất khác. Hứa Hữu Nhâm cũng là người đề tựa cho An Nam chí lược của Lê Tắc. Bài văn bia của Hứa Hữu Nhâm viết có tiêu đề Cố Tư Thiện đại phu Phụ Nghĩa công Trần công thần đạo bi minh được chép lại trong Chí Chính tập của chính ông.
Đây là một tư liệu quý giúp soi sáng thêm lịch sử một nhánh khác trong thế phả họ Trần. Hứa Hữu Nhâm giúp chúng ta đính chính hai việc: Thứ nhất, tên của Văn Nghĩa hầu là Trần Tú Hoãn 陳秀嵈 ; Thứ hai, cha của ông ta không phải Vũ đạo hầu mà là Vũ Đạo vương. Bài bia thần đạo của Hứa Hữu Nhâm viết:
“Phụ Nghĩa công người An Nam là Trần công hoăng [chết] đã năm mươi năm. Cháu họ là Chính Nghị đại phu, Thanh Hóa phủ lộ Tuyên phủ sứ Đức Nhuận 德潤 thấy mộ của ông ở đất Mã Hồ phía tây thành Hán Dương vừa ẩm thấp lại hẹp, chọn được một chỗ đất tốt ở núi Phượng Lâu. Năm Mậu Dần [1338] niên hiệu Chí Nguyên sau, tháng Mười Một, ngày tốt, bèn cải táng. Rồi chép lại hành trạng của ông, xin với tôi rằng:
“Bác của tôi xuất thân ở An Nam, dốc lòng thành nội phụ. Thế Tổ hoàng đế soi xét lòng trung, ban tước hiệu thượng công, gia nhiều lộc thưởng. Chưa kịp báo đền thì trời đã dứt thọ, mà lại không có con trai. Ghi lại điều thiện của ông ta để cho người ta được nghe, việc ấy không phải là trách nhiệm của Đức Nhuận sao?”
Lời xin tha thiết. Tôi bèn cầm bút viết rằng:
An Nam thấy chép lần đầu ở Ngu thư. Thời Hán, Đường đều là quận ấp. Cuối thời Đường, bị Khúc Hạo chiếm cứ, đổi họ mấy lần mới đến họ Lý, truyền được hơi lâu, đến Long Cán không chấn hưng được, bị mọi người phản bội, bao vây, phải chạy ra Quy Hóa giang. Ngoại thích Trần Thắng 陳勝 cùng em họ là Thẩm 審 cất hương binh bình loạn. Long Cán phục quốc. Thắng có công, được làm quan Thái úy. Thẩm được phong Khoái Lộ hầu 快路侯. Long Cán chết, con trai là Hạo Sảm nối ngôi, đem con gái là Chiêu Thánh gả cho con trai Thắng là Nhật Chiếu. Hạo Sảm chết, Chiêu Thánh nối ngôi. Qua năm sau thì nhường ngôi cho chồng mình. Họ Trần bèn được nước, truy hiệu cho Thắng làm Thái Tổ, Thẩm làm An Quốc vương. Con trai Thẩm là Túc Kính 肅敬 làm Vũ Đạo vương. Vũ Đạo cưới Trình thị, sinh ba con trai. Con trưởng tức là ông vậy, húy Tú Hoãn 秀嵈. Nước ấy phong cho làm Văn Nghĩa hầu 文義侯.
Thế hoàng [Hốt Tất Liệt] đã bình Vân Nam. Đại soái Ngột Lương Hợp Đãi [bản Tứ khố toàn thư ghi là Ô Lan Cáp Đạt 烏蘭哈逹, tức Ngột Lương Hợp Thai] dẫn quân ra Ung, Quế, đường đi qua An Nam, để hội với đại binh ở Ngạc. Nhật Chiếu sợ, đổi tên thành Quang Bính, nạp khoản với triều ta. Quang Bính chết, con là Nhật Huyên không xin phép mà tự lập, triệu vào triều cận thì lấy cớ bệnh để từ chối. Triệu đến lần thứ hai mới cho chú họ là Di Ái đi chầu thay. Có chế phong Di Ái làm An Nam quốc vương, sai Trang Xuân dẫn quân đưa về nước. Nhật Huyên không vâng chiếu, phế Di Ái làm dân thường. Triều đình có việc ở Chiêm Thành, mượn đường An Nam, dụ bảo sai cấp lương thực; lại không nghe. Trấn Nam vương đem đại quân áp cõi. Nhật Huyên giữ nơi yếu hại chống đánh, thua mấy trận. [Trấn Nam] vương vượt sông, nhận tù binh ở cung điện nước ấy. Em trai của ông xin với Vũ Đạo rằng:
“Thánh Nguyên dấy lên tượng rồng, vạn nước đều làm bề tôi. Nhà ta mờ mịt về cái nghĩa sợ trời, kháng cự vương sư. So với việc tông xã lật nhào, dân chúng tan nát, chi bằng chuyển họa thành phước, ôm đồ tế lễ để bảo tồn việc thờ cúng tổ tiên chứ?”
Vũ Đạo nghe theo, bèn ra hàng, dâng con gái họ Lý [nguyên văn: Lý nữ, nghi là chữ “quý nữ” (con gái út) viết sai] cho vương . Về sau sinh ra tông vương. Em trai Nhật Chiếu là Ích Tắc cũng dẫn thuộc hạ ra hàng. Ông hầu cha mẹ dời lên bắc. Tới Ung Châu, Vũ Đạo chết. Ông theo Ích Tắc vào diện kiến. Phong Ích Tắc làm An Nam quốc vương, phong ông làm Phụ Nghĩa công, chức quan Tư Thiện đại phu, đeo Kim Hổ phù. Bọn thuộc hạ được đề bạt có khác biệt.
Về sau có việc với An Nam, nên ban cho ông cung, tên, đi theo Trấn Nam vương về nước. Ông vì có bệnh nên ở lại làm khách. Quân ta phá La Thành. Nhật Huyên chạy trốn. Vương thấy trời nóng bức, bèn thu quân. Con trai ông là Gia Nghị đại phu Nghĩa An phủ lộ Tuyên phủ sứ Đức Tiệm 德漸 đi theo quân đội, chết ở Toàn Châu. Có chiếu sai ông sống ở Hán Dương. Năm Chí Nguyên thứ 24 [1287], tháng Năm, ông bệnh chết, hưởng thọ …, có vợ là Điền thị. Ông có hai người em trai: Hiến 巘, được nước ấy phong Minh Thành hầu 明誠侯, cưới vợ là Lê thị, sinh ra Đức Nhuận; Tượng 嶑, được phong Minh Trí hầu 明智侯, đều chết trước ông”.
Lê Tắc biên soạn An Nam chí lược trong khoảng 1307-1335 (sớm hơn bài văn bia của Hứa Hữu Nhâm) thì khẳng định Trần Tú Hoãn chết ở Hán Dương vào “mùa hạ tháng Năm năm Chí Nguyên Kỷ Sửu [1289]”. Gia phả dòng họ này như vậy có thể tra ngược lên đến An Quốc vương Trần Thẩm. Trần Thẩm ngang thế hệ với Thái úy “Trần Thắng” – mà ta biết chắc là Thái Tổ Trần Thừa. Nhưng ta không biết rõ mối quan hệ giữa Trần Thẩm và Trần Thừa cụ thể là như thế nào. Đại Việt sử ký toàn thư có kể chuyện Trần Thái Tông từng muốn dùng anh trai của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. An Quốc trong câu chuyện này phải chăng chính là An Quốc vương Trần Thẩm? Chúng ta không biết chắc.
Nữ nhân họ Trần làm vợ của Thoát Hoan
Có lẽ chúng ta đã quen thuộc với câu chuyện Trần Thái Tông đưa An Tư công chúa sang chỗ Thoát Hoan để làm kế hoãn binh. Cho đến nay, chúng ta chưa tìm thấy tài liệu nào của phía nhà Nguyên giúp làm rõ hành trạng và số phận của An Tư công chúa. Nhưng tư liệu của nhà Nguyên lại nói đến một người em gái của Trần Tú Hoãn làm thứ phi của Trấn Nam vương Thoát Hoan. Trong An Nam chí lược, Lê Tắc có viết:
Trấn Nam vương lúc đầu nạp em gái ông (Trần Tú Hoãn) là Trần thị làm thứ phi, sinh hai tông tử.
Bia mộ Trần Tú Hoãn cũng nói lúc Hoãn cùng cha là Vũ Đạo vương đầu hàng, có dâng một người con gái để làm vợ Thoát Hoan.
Vũ Đạo nghe theo, bèn ra hàng, dâng con gái họ Lý [nguyên văn: Lý nữ, nghi là chữ “quý nữ” (con gái út) viết sai] cho [Trấn Nam] vương. Về sau sinh ra tông vương.
Thông tin của Hứa Hữu Nhâm rất khớp với Lê Tắc. Cả hai đều là nhân chứng đương thời, có quen biết với các đương sự trong vụ việc. Vì thế có thể khẳng định có một người em gái út của Trần Tú Hoãn làm thứ phi và đã sinh hai con trai cho Thoát Hoan. Để so sánh, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết An Tư công chúa là em gái út của vua Trần Thánh Tông. Thời điểm An Tư công chúa và em gái Trần Tú Hoãn được đưa sang chỗ Thoát Hoan cũng gần nhau – là vào lúc quân Nguyên vừa mới chiếm Thăng Long không lâu.