"Phép lạ của Đức sẽ khiến Tân thế giới phải ngạc nhiên! Khí cầu khổng lồ đã chinh phục châu Âu và chắc chắn sẽ chinh phục nước Mỹ. Bầu trời thuộc về chúng ta!"
Kỳ quan trên bầu trời
Khi quả khí cầu khổng lồ thoát khỏi dây néo và bắt đầu từ từ bay lên, đám đông bên dưới vui mừng vỗ tay, la hét. Rượu sâm banh tuôn như suối. Dàn kèn đồng trỗi quốc thiều Đức. Tiếng nhạc cùng lời reo hò chỉ dừng lại khi quả khí cầu hoành tráng – niềm tự hào của nhà nước Đức Quốc xã – đạt đến độ cao 90m và những cánh quạt lớn bằng gỗ do bốn động cơ diesel điều khiển bắt đầu quay. Mọi người nán lại rất lâu, dõi mắt theo ánh đèn nhấp nháy trên bầu trời đang dần tối.
Đó là quang cảnh buổi tiễn đưa diễn ra vào ngày 3/5/1937, khi khí cầu Hindenburg bắt đầu thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương từ Frankfurt (Đức) đến New York (Mỹ). Đây là quả khí cầu lớn nhất thế giới, một sáng tạo tuyệt vời của bàn tay con người, mang tên vị Tổng thống của Đệ tam Đế chế (Đức Quốc xã). Các báo Đức đồng loạt viết:
“Phép lạ của Đức sẽ khiến Tân thế giới phải ngạc nhiên! Khí cầu khổng lồ đã chinh phục châu âu và chắc chắn sẽ chinh phục nước Mỹ. Bầu trời thuộc về chúng ta!”
Công ty Zeppelin của nhà tư bản Ernst Lehmann đã hoàn toàn tin chắc vào thành công của Hindenburg, vốn được thiết kế và chế tạo cho các chuyến bay chở khách xuyên Đại Tây Dương. Chính công ty này từng chế tạo loại khí cầu Colossal được quân đội Đức sử dụng để ném bom và do thám trên không trong Thế chiến thứ Nhất.
Với những thành tựu của tiến bộ khoa học – kỹ thuật, Hindenburg khác xa so với các khinh khí cầu được sản xuất vào năm 1915. Khí cầu này có chiều dài 245 m; đường kính chỗ rộng nhất – 41,2 m, sử dụng 200.000 m3 khí hydro làm sức nâng, được trang bị 4 động cơ diezen hiệu Daimler, mỗi động cơ có công suất tối đa 1.200 sức ngựa. Với sức nâng 100 tấn, Hindenburg có thể đạt vận tốc tối đa khi lặng gió – 135km/h (150km/h nếu xuôi gió).
Phi hành đoàn gồm 55 người. Về phần nội thất, tổng cộng có 25 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi được thiết kế dành cho 50 hành khách. Nhà hàng phục vụ toàn các món ăn hạng nhất. Phòng sinh hoạt chung có cửa sổ rộng để nhìn bao quát toàn cảnh bên dưới. Vì khí cầu được nâng bởi mười sáu bình hydro nên mọi thứ trên tàu đều được điện hóa để bảo đảm an toàn cháy nổ. Không có bất cứ nguy cơ nào – tất cả mọi thứ được tính toán kỹ đến từng chi tiết!
Hindenburg bắt đầu thực hiện các chuyến bay chở khách từ tháng 5/1936. Một chuyến bay sang Mỹ và một chuyến đến Brazil đã diễn ra an toàn. Báo chí đăng tải ấn tượng của những người may mắn được bay trên Hindenburg. Tất cả đều dành những lời khen ngợi tốt đẹp nhất cho khí cầu, cũng như cho đội bay được đào tạo quy củ, có tác phong chuyên nghiệp và rất có tinh thần trách nhiệm.
Chuyến bay Frankfurt – New York lần này cũng hứa hẹn để lại rất nhiều ấn tượng khó quên. 42 hành khách từ lâu đã bàn luận về chuyến bay sắp tới, dự đoán niềm vui được bay bổng trong không trung. Họ chuẩn bị sẵn tâm thế để nhìn thế giới về đêm và vào ban ngày, dưới ánh nắng Mặt trời. Hẳn sẽ là những cảnh tượng không thể nào quên. Quả thực, cỗ máy cất lên nhẹ nhàng, êm ái đến nỗi hành khách hầu như không nhận thấy điều đó. Rồi những ánh đèn thành phố nhanh chóng lùi xa. Những cảnh tượng tuyệt vời từ độ cao 150 – 300 mét đang chờ đợi ở phía trước – các thành phố của châu Âu, sau đó là Đại Tây Dương, rồi Boston và cuối cùng là New York.
Chặng đường sau cùng
Trong cabin chỉ huy là Max Prous – một phi công giàu kinh nghiệm, cựu chiến binh Thế chiến thứ Nhất – từng điều khiển nhiều khí cầu của Zeppelin. Nhiệm vụ của ông là kiểm soát toàn bộ quá trình bay, trong đó quan trọng nhất là tuân thủ nghiêm ngặt chế độ bay theo phương nằm ngang. Bởi vì chỉ cần khí cầu nghiêng một góc rất nhỏ – như chỉ cần hai độ thôi – là chai rượu đắt tiền có thể rơi khỏi bàn và các đầu bếp không tài nào nấu nướng gì được.
Trong cabin chính là Ernst Lehmann – giám đốc Công ty Zeppelin chuyên chế tạo khí cầu ở Đức và đảm nhận phục vụ các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương của khinh khí cầu. Công ty lúc đó đang ăn nên làm ra. Vì vậy, vé cho các chuyến bay thường được đặt trước, có khi đến hàng năm.
Hindenburg long trọng khởi hành từ Đức, vượt Đại Tây Dương và sau ba ngày bay thì xuất hiện trên bầu trời New York. Trong suốt thời gian này không hề xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, khi bay trên đảo Newfoundland, Max Prous ra lệnh hạ độ cao một ít so với dự kiến. Ông muốn cho hành khách được chiêm ngưỡng các tảng băng sáng trắng chói lọi dưới ánh Mặt trời. Đó là một cảnh tượng đáng kinh ngạc: chưa có ai nhìn thấy hòn đảo này từ trên cao khi nó bị băng tuyết bao phủ.
Hindenburg đến New York vào ngày 6/5. “Điếu xì gà” khổng lồ có màu ánh bạc giảm độ cao và trôi chầm chậm qua các tòa nhà chọc trời. Khí cầu bay sát tòa nhà Empire State nổi tiếng, gần đến nỗi hành khách có thể nhìn thấy những người bên trong cửa sổ các căn hộ dùng máy ảnh cố gắng ghi hình “con quái vật khổng lồ” đang bay ngang qua. Bên dưới, trên đại lộ Broadway và các đường phố lân cận, từng đám đông ngước mặt nhìn lên trời. Mặc dù rất căm thù chế độ Quốc xã và căm ghét Hitler, người dân Mỹ vẫn hân hoan mỉm cười chào đón điều kỳ diệu của kỹ thuật Đức.
Sau khi khuấy động cư dân New York bằng sự xuất hiện của “quái vật trên không” và đáp ứng lòng mong mỏi phù phiếm của họ, Max Proust lái chiếc Hindenburg đến bãi đáp Lakehurst tại một vùng ngoại ô của thành phố. Ở đó đã có hàng trăm người đang chờ đón thân nhân và bạn bè hồi hương từ châu âu. Một trụ neo đặc biệt đã được dựng lên cho khí cầu, nhưng các cơn gió mạnh và một cơn giông chớm xuất hiện đã khiến việc đáp đỗ bị trì hoãn: sẽ rất nguy hiểm nếu neo khí cầu vào một cột kim loại khi trong không khí đã bắt đầu xuất hiện những tia sét.
Thật đáng tiếc, do không lường hết những tình huống xấu nên các kỹ sư thiết kế trụ neo đã không lắp đặt cột thu lôi ở trụ neo Lakehurst. Do thời tiết xấu, khí cầu phải bay vòng quanh trên Lakehurst hơn một giờ. Cuối cùng, sau khi lượn một vòng số 8 bên trên bãi đáp và vẫn còn phải vật lộn với cơn mưa, khí cầu hạ sát đến gần cột neo. Những sợi dây neo đã được thả xuống và Hindenburg chỉ còn cách mặt đất chừng 20m.
Trong số những người chờ đợi trên mặt đất có cả các nhà báo và phóng viên truyền thanh. Phóng viên Herb Morrison có nhiệm vụ truyền thanh trực tiếp tới thính giả đài phát thanh Chicago về cuộc đón tiếp Hindenburg. Anh phấn khích nói vào micro cho thính giả biết về hình dạng, kích thước của khí cầu, liên tục kèm theo những câu cảm thán đầy nhiệt tình và hào hứng, đại loại: Thưa quý vị, nó đã đến gần, rất gần với cột neo! Ôi, thật là một cảnh tượng huy hoàng! Tiếng gầm của động cơ mới mạnh mẽ làm sao!
Đột nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Ban đầu là một tiếng nổ trầm đục. Sau đó lửa bùng lên từ phía đuôi và chỉ trong vài giây đã bao trùm khắp khí cầu. Ngay tức khắc, khí cầu rơi xuống mặt đất theo phương thẳng đứng. Thảm kịch khủng khiếp này đã xảy ra quá đột ngột và diễn ra quá chóng vánh. Ai nấy hiện diện trên bãi đáp lúc đầu chỉ đơn giản cho rằng đây hẳn một sự nhầm lẫn nào đó. Quả thực, tất cả đều ngớ người, chết lặng, không ai có thể tin vào mắt mình. Sau đó, đám đông trở nên nhốn nháo và hoảng loạn, bỏ chạy tứ tán. Mỗi người cảm nhận sự cố này theo một kiểu khác nhau. Toàn bộ quả khí cầu khổng lồ đã cháy rụi chỉ trong vòng 4 phút.
Bằng giọng nói gấp gáp, đứt quãng, thất thần, Morrison tiếp tục gào vào micro:
“Lạy Chúa! Quả khí cầu phát nổ! Trời, nó cháy rực như một quả cầu lửa khổng lồ! Mọi người chạy ra xa, vâng, chạy rất xa! Một cảnh tượng khủng khiếp…! Tôi đang chứng kiến một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử! Ngọn lửa bốc cao ước chừng 150m…”
Số phận của khí cầu Hindenburg ra sao? Liệu các hành khách sẽ như thế nào khi bị khóa chặt trong cỗ quan tài bằng lửa này? Các bạn xem tiếp kỳ sau sẽ rõ.