Trường cung Anh vô địch: Huyền thoại và sự thật

Tác giả Đông Nguyễn
Trường cung Anh vô địch: Huyền thoại và sự thật

Trường cung – binh khí “thương hiệu” của Anh quốc thời Trung cổ – được vô vàn những huyền thoại dân gian lẫn sản phẩm đại chúng ngày nay ca ngợi. Tuy nhiên, do được “phủ sóng” quá mức, các quan niệm sai lệch về nó dần trở nên phổ biến và thậm chí còn được coi là hiện thực lịch sử. 

Trường cung có xuất xứ từ Anh

Tuy gắn liền với tên tuổi người Anh, thực tế những dân tộc cấu thành dân số nước Anh ngày nay, gồm người Anglo – Saxon, người Nords, người Norman – Pháp đều không có truyền thống bắn cung. Họ quen chiến đấu bằng khiên, rìu, giáo, và ở tầm xa thì họ sử dụng lao ném. Chỉ khi đối mặt với dân Celt xứ Wales với cây trường cung và chiến thuật du kích, sử dụng địa hình hiểm trở, thì người Anh mới nhận ra giá trị của thứ vũ khí này trên chiến trường và tiếp thu nó.

Vị trí xứ Wales.
Hiệp sĩ xứ Norman, dẫn từ series sách Osprey Men at Arms.

Chỉ người Anh sử dụng trường cung ở châu Âu thời Trung Cổ

Thiên hạ thường cho rằng người Anh là độc nhất vô nhị ở châu Âu thời Trung cổ vì họ chuộng dùng cung trong khi các nước khác thuần túy bắn nỏ. Tuy vậy, như đã nói ở trên, người Wales mới là những trường cung thủ sớm nhất. Và sau khi quân đi ngoài đảo quốc thể hiện uy lực của thứ vũ khí này trên chiến trường châu Âu trong Chiến tranh Trăm năm với nước Pháp, thì người Pháp, người Burgundy và người Đức đã dần xây dựng đội quân của riêng họ.

Trường cung thủ Đức thế kỷ 16 trong Binh Khí Phổ của hoàng đế La Mã Thần Thánh Maximilian đệ Nhất.

Trường cung dành cho những người lanh lẹ tháo vát

Trên phim ảnh và trò chơi điện tử, cung thủ thường là những người không quá cường tráng nhưng cần nhanh nhẹn, khéo léo, tinh mắt và thậm chí giỏi nhào lộn, leo trèo. Tuy nhiên thực tế lại ngược lại. 

Mỗi cây cung dài từ 180 cm đến 210 cm, với đường kính chỗ lớn nhất có thể đến 7cm – 8cm, và lực kéo từ 80 pound đến 200 pound (lực kéo tính bằng khối lượng quả nặng treo vào dây để cánh oằn đến cực đại. Lực kéo của vận động viên Olympic hiện đại vào khoảng 30 pounds đến 50 pound, và 50 pound là đủ để săn bắn thú lớn như hoẵng hay lợn rừng). Bởi vậy, để sử dụng chúngngười bắn phải tập luyện trong nhiều năm để có thể lực cũng như kỹ thuật tối ưu.

Ngoài ra, trên chiến trường, việc bắn tin và di chuyển lanh lẹ không đòi hỏi quan trọng do các đội quân thường đứng theo đội hình ken dày nên cung thủ chỉ cần đứng một chỗ và tập trung bắn về phía đám đông địch là đủ.

Mark Stretton kéo cây trường cung có lực kéo 200 pounds, đòi hỏi thể lực và kỹ thuật thượng thừa, thay vì sự khéo léo hay nhanh nhẹn.

Trường cung xuyên được giáp hiệp sĩ

Ở một thái cực khác, nhiều người lại tin rằng trường cung là một thứ vũ khí có sức mạnh vô song, có thể xuyên thấu được những bộ giáp bằng thép tấm của các hiệp sĩ ở cự ly rất xa. Theo sử gia Mike Loades và những thực nghiệm của Hiệp hội Trường cung Anh (the English Longbow Society), kể cả với những cây uy lực nhất và ở tầm gần (20m -30m), việc xuyên được giáp là hy hữu. Tuy nhiên, cung thủ không cần trông cậy vào việc đâm thấu áo giáp để đánh bại các hiệp sĩ. Những phát tên như búa giáng liên tục vào tay chân, vào đầu của kỵ sĩ là quá đủ để khiến họ gục ngã hoặc bất tỉnh.

Kết quả cho thấy tên không thể xuyên qua áo giáp. (Ảnh: @tods_workshop)
Dẫn từ series sách Osprey Men at Arms.

Trường cung thường bắn theo quỹ đạo vòng cung

Trên phim ảnh, các cung thủ sẽ rót tên lên đầu đối phương theo từng loạt bắn cầu vồng từ cự ly xa. Tuy nhiên như đã nói, kể cả ở cự ly bắn thẳng (cự ly gần: 20m- 30m), tên vẫn khó lòng xuyên giáp. Nếu bắn cầu vồng, lực của mũi tên khi tiếp xúc còn giảm đi rất nhiều. Các tranh vẽ thời Trung cổ cho thấy chiến thuật của binh chủng này thường là áp sát và bắn thẳng.

Trường cung thủ Anh quốc.

Trường cung có tầm xa nhất trong các loại cung

Trái ngược súng hay nỏ, với những phát tên đạn bắn ra đều như nhau và không phụ thuộc vào thể lực hay kỹ thuật của người bắn, ta rất khó so sánh loại cung nào mạnh hơn hay xa hơn loại nào. Chỉ có thể so người bắn nào mạnh hơn hay xa hơn. Ngoài ra, còn phải tính đến loại tên, bởi mỗi đầu mũi tên hay lông đuôi khác nhau lại mang tính chất khí động học khác nhau. Vậy nên không thể nói trường cung sở hữu tầm xa nhất hay mạnh nhất.

Trường cung không thể dùng trên ngựa

Bởi chiều dài ngoại cỡ, người ta không khỏi cho rằng chúng không phù hợp sử dụng trên lưng ngựa. Thực tế, trong Chiến tranh Trăm năm, người Anh và Burgundy tổ chức những đoàn kỵ xạ để di chuyển và cướp bóc, tàn sát khắp các vùng nông thôn nước Pháp, gọi là Chevauchée.

Kỵ xạ Chevauchée, dẫn từ series sách Osprey Men at Arms.

Cung thủ “kéo” dây cung

Với loại Olympic hiện đại, người bắn giơ cung ra trước mặt, tay cầm cung duỗi thẳng, sau đó lấy tay còn lại kéo dây  đến chạm mặt. Thế nhưng với cung cứng thời Trung cổ, kỹ thuật đó không phù hợp. Trường cung thủ không “kéo dây”, mà họ cố định tay giữ dây ở thái dương hoặc ngực. Sau đó, ấn tay còn lại vào cánh cung và đổ người về phía trước nhằm dồn toàn bộ trọng lực cơ thể để uốn chúng.

Joe Gibbs ấn tay trái vào cánh cung và đổ người nhằm dồn trọng lượng vào việc uốn cánh cung, trước khi xoay hông để chỉnh góc bắn.

Cung bị súng thay thế

Có phải súng ống ra đời đã khiến trường chúng biến mất? Không. Trường cung có 400 năm tồn tại song song với súng ống trên mặt trận, từ trận chiến Crecy và Portiers giữa thế kỷ 14 đến Nội chiến Anh giữa thế kỷ 17. Từ năm 1631 đến 1637, vua Charles đệ Nhất hai lần kêu gọi thần dân sở hữu và tập bắn tên để chuẩn bị cho chiến tranh, dù lúc này súng hỏa mai đã chiếm vị thế chủ đạo trên chiến trường.

Người hiện đại không thể kéo được trường cung

Tuy cung thủ Trung cổ phải tập luyện từ nhỏ để chuẩn bị cơ thể cho việc sử dụng chúng khi trưởng thành, nhưng ngày nay, với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, thể trạng to lớn và sẵn nhiều tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, đa số các cung thủ hiện đại hoàn toàn có thể kéo được những cây cung được coi là rất cứng so với tiêu chuẩn Trung cổ, mặc dù họ chỉ mới bắt đầu tập luyện khi đã trưởng thành. Sử gia Mike Loades tin rằng các trường cung thủ hiện đại sẽ càng ngày càng lập nhiều kỷ lục mới về sức kéo, vượt xa khả năng của con người thời Trung cổ. 

Như vậy, cây trường cung ngoài đời thật rất khác với phiên bản trong văn hóa đại chúng. Nó không phải là phát minh của người Anh hay thứ vũ khí độc quyền của nước họ. Nó cũng không phải loại cung mạnh nhất hay tầm xa nhất. Tuy nhiên, nó mãi mãi là một biểu tượng của thời Trung cổ với sức sống mãnh liệt và hắc chắn không ai có thể phủ nhận điều đó.

Art Director Lê Minh
Thiết kế và minh hoạ: Tai Phan

Chia sẻ câu chuyện này
Share