Độc lạ chiến cụ thổ dân Úc

Tác giả Đông Nguyễn
Độc lạ chiến cụ thổ dân Úc

Các nhóm dân bản địa Úc (“Aboriginal”) đã cư trú tại châu Úc liên tục trong hơn 40.000 năm và đã xây dựng những nền văn hóa độc đáo không thấy ở đâu khác trên thế giới, bao gồm cả văn hóa chiến tranh và săn bắn. Họ đã sáng tạo ra những thứ vũ khí cực kỳ độc đáo, phù hợp với điều kiện sống của mình. Hãy cùng điểm qua những thứ vũ khí chính của họ.

Cây giáo mũi thuỷ tinh

Giáo được sử dụng vào rất nhiều mục đích: xung đột, săn bắn, hái lượm, xiên cá, hàng hóa buôn bán hay vật phẩm tượng trưng địa vị. Cây giáo thường dài từ 2-3m, chế tạo từ các loại gỗ mềm, tre trúc, sậy… Mũi giáo thì chế tác từ đá, gỗ, xương, răng động vật, vỏ giáp xác… Đặc biệt, khi người châu Âu đến định cư và mang theo các loại thủy tinh, người bản địa đã nhặt lại các mảnh cửa kính, chai thủy tinh, miếng cách nhiệt thủy tinh… và ghè đẽo để làm đầu mũi giáo, do độ sắc và khả năng dễ ghè đẽo tạo hình không thua đá lửa của loại vật liệu này. Từ đó đã tạo ra một phong cách mũi giáo bằng thủy tinh châu Âu gọi là “mũi giáo Kimberley” (do hiện tượng này khởi phát từ vùng Kimberley). 

Hình dáng các mũi giáo cũng rất đa dạng, để sử dụng vào các mục đích khác nhau. Có những loại chỉ gồm mũi nhọn hình lá đơn giản, có những loại có mũi dài, có nhiều ngạnh, dùng trong săn bắn hay xiên cá. Lại có những loại có mũi rời ra được để có thể nhặt lại cán sau khi mũi đã găm sâu vào con mồi. 

Các chiến binh bản địa hiếm khi dùng giáo để đâm gần, mà mỗi người sẽ có vài mũi giáo để ném, tận dụng ưu thế tầm xa, do người bản địa Úc không biết đến cây cung (cung tên là phát minh ở Cựu Thế giới sau khi người bản địa đã định cư biệt lập ở châu Úc).

Gậy ném giáo (Woomera)

Để hỗ trợ ném giáo đi xa với lực mạnh, người bản địa sử dụng một loại gậy ném gọi là Woomera hoặc Miru. Chúng có hình dáng như chiếc lá thuôn dài, và khum lòng máng ở giữa để đặt thân cây giáo vào. Người ném nắm vào một đầu và đặt gốc của cây giáo vào một cái gờ ở phần cuối của Woomera. Sau đó, ngọn giáo có thể được phóng đi với một lực mạnh hơn ném tay không, dựa trên nguyên lý đòn bẩy. Đôi khi chiến binh cũng sử dụng Woomera như chùy hoặc để đánh chệch hướng các ngọn giáo bay tới trong trận chiến.

Với Woomera, tầm ném giáo có thể đạt tới cả trăm mét, tuy nhiên hiếm khi người ta ném xa vài mươi mét để có thể căn chỉnh đường ngắm chuẩn hơn. Đây là thứ vũ khí có tầm xa và chính xác nhất của người dân bản địa, bởi vậy khi người Châu Âu với súng ống xâm lược, các chiến binh bản địa hầu như chỉ có thể thúc thủ.

Khiên châu Úc

Khiên là thứ khí cụ phòng ngự chủ yếu ở châu Úc, thay cho áo giáp. Khiên thường chế tạo bằng gỗ hoặc vỏ cây, với đa dạng kiểu dáng và kích thước. Có những loại khiên chỉ vừa đủ che thân trên, nhưng cũng có những loại đủ để che toàn thân khi đứng. Phổ biến nhất là khiên hình oval dài, ngoài ra có khiên hình quả trám, hình con mắt, hình tròn, hình chữ nhật…

Chiếc khiên là vật hộ thân của người chiến binh, gắn liền với sinh mạng của anh ta. Bởi vậy mỗi người có một chiếc khiên của riêng mình, mà trên đó họ sẽ khắc và vẽ những ký hiệu độc đáo của riêng họ, bằng tro than, đất sét, các loại khoáng chất màu, thậm chí máu của chính mình. Motif trang trí thường là hình ảnh những vật totem của bộ lạc. Một số loại khiên như của nhóm dân Tawarrang được thiết kế đặc biệt để tạo ra âm thanh như nhạc cụ khi dùng chùy gỗ gõ vào.

Boomerang

Boomerang có thể được coi là một biểu tượng của nước Úc, và là một phát minh không đâu có ngoài châu Úc. Đó là những cây gậy bằng gỗ đặc, có hình chữ V hoặc trăng lưỡi liềm để có thể ném xa. Không như đa số tưởng tượng, Boomerang không thể quay trở lại vị trí ban đầu. Tuy nhiên đây cũng là một thứ vũ khí rất đắc lực, do tầm ném rất xa, và sức nặng của thanh gỗ đặc có thể gây chấn thương nghiêm trọng cho người và thú.

Cũng như mọi vật dụng khác của người bản địa, Boomerang cũng là công cụ rất đa năng của thổ dân. Công dụng của chúng bao gồm ném hoặc nện trong chiến tranh, săn bắn, nghi lễ, thậm chí tạo tiếng như nhạc cụ, gậy đào đất hoặc dùng như một cái búa. Do vậy, rất nhiều Boomerang được khắc, vẽ tinh xảo và nâng niu. Hiện vật Boomerang cổ nhất đào được ở đầm lầy Wyrie có tuổi đời khoảng 9.500 năm, tương đương với thời điểm người cổ đại lần đầu đặt chân tới Bắc Mỹ.

Kết

40.000 năm biệt lập đã tạo nên một nền văn hóa bản địa châu Úc rất khác, về lối sống cũng như cách cướp đi sự sống. Có những thứ vũ khí phổ dụng ở Cựu Thế giới lại vắng bóng ở đây, chẳng hạn cung tên. Có những thứ vũ khí ở đây sử dụng rộng khắp, nhưng Cựu Thế giới không tồn tại, như cây Boomerang. 

Những thứ vũ khí này là minh chứng cho sức sáng tạo của người thổ dân bản địa, đồng thời cũng là những hiện vật của nền nghệ thuật và óc thẩm mỹ tại một châu lục mà trong mắt nhiều người, là một nơi hoang dã, mông muội.

Chia sẻ câu chuyện này
Share