Trang sức Đông Sơn – Kỳ 2: Hàm súc như đồng thau

Tác giả Huyết Vy
Trang sức Đông Sơn – Kỳ 2: Hàm súc như đồng thau

 Đồng được rèn thành đầu tên mũi kiếm, cùng chiến binh Đông Sơn xông pha trùng dương, dùng thăng trầm sinh tử viết nên truyền kỳ anh hùng trên con thuyền độc mộc. Rồi đồng làm thành trang sức tùy thân, kiểu dáng hoa văn cầu kỳ, hàm súc sâu xa, hằn sâu những dài và rộng của ngày hôm qua cực thịnh.

Đồng thau Đồng Sơn

Thời đại của đồng thau xa xôi cách trở, có lẽ tiền kiếp ai đó đã từng băng qua, nhưng đến nay không còn người có thể đặt chân tới. Nó thuộc về nền văn minh huy hoàng, mạch nguồn thâm sâu, chảy dài hàng ngàn năm, bồi đắp nên nền văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc ngày nay. 

Đồng được dùng làm trống, rền vang trong những buổi lễ tế thần, yến tiệc mừng thắng, khắc nên nhân sinh huy hoàng. Đồng được đúc thành thạp, đong đầy lúa thóc và sung túc nhân gian, dung dưỡng người từ thuở lọt lòng, rồi táng thân người khi sinh cơ khô kiệt. 

Đồng được rèn thành đầu tên mũi kiếm, cùng chiến binh Đông Sơn xông pha trùng dương, dùng thăng trầm sinh tử viết nên truyền kỳ anh hùng trên con thuyền độc mộc. Rồi đồng làm thành trang sức tùy thân, kiểu dáng hoa văn cầu kỳ, hàm súc sâu xa, hằn sâu những dài và rộng của ngày hôm qua cực thịnh.

Cùng sự ra đời của thuật luyện kim, hợp kim đồng thiếc chì mềm dẻo cho phép đúc được những chi tiết tinh xảo sắc nét. Thời đại Đông Sơn đánh dấu sự ra đời của các loại hình trang sức mới bên cạnh những khuyên tai, vòng kiềng trước đó.

 Nhiều trâm cài tóc bằng đồng được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ, trở thành loại hình mang đặc trưng của cư dân thời đại. Có lẽ phát nguồn từ chức năng giữ cho tóc gọn gàng trong chiến đấu và lao động, dưới phong khí chuộng cái đẹp và phô trương tư hữu bấy giờ, trâm cài phát triển thành vật điểm tô đầu với đa dạng mẫu mã: trâm cài tóc hình búp sen(*), trâm mang họa tiết chim thú, hay chiếc trâm hình kinh điển hình chữ P tựa chiếc vợt cán dài mang ký hiệu LSb 24291 ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia,… 

Từng gắn lên mái đầu phụ nữ quý tộc hàng ngàn năm trước, những chiếc trâm cầu kỳ tinh xảo này đang dùng quang hoa le lói của chủ nhân, thì thầm những hình dung về đời sống văn hóa tín ngưỡng ẩn mình trong đồ đằng chim thú, hoa lá…

Nếu trâm cài gợi nhắc đến thân phận người phụ nữ thì thắt lưng được người đàn ông dùng để biểu trưng cho thân phận, thường là thủ lĩnh, quan lại và người giàu. Khóa thắt lưng được trang trí những đường cong uốn lượn, xoắn ốc, có chiếc được gắn lục lạc hoặc mang hình rùa, cá sấu,… 

Mượn những con vật hùng mạnh nơi sông nước để phô trương vẻ dũng mãnh của thủ lĩnh Đông Sơn, những người dùng phần lớn cuộc đời để chiến đấu rong ruổi, giành giật từng tấc tài nguyên cho bộ tộc. Nhưng để nói về vẻ đẹp thượng võ, lấy thẩm mỹ bạo lực trang hoàng cho con người, phải kể đến các loại vòng ống của người Đông Sơn.

Sinh ra trong một thời kỳ tồn tại dài lâu và thời vượng, khi mà số lượng trang sức có thể đại diện cho chất lượng thẩm mỹ, kiểu dáng và loại hình vòng cũng nở rộ trong những loại vòng ống, vòng trổ thủng, vòng hình sống trâu, vòng có mặt cắt ngang hình bầu dục, hình tròn, hình lòng máng,… 

Tạo tác vòng ống chiếm đa số cho thấy độ ưa chuộng một thời. Vòng ống thường có hình nón cụt hay hình trụ rỗng, trên thân có những đường gờ nổi song song với nhau, các đường chỉ chìm, đường tròn tiếp tuyến có chấm giữa, hoa văn sóng nước, ở một hay hai đầu thường được trang trí hoa văn hình bông lúa, hình chữ S… Vòng ống loại này thường có một rãnh hở để điều chỉnh độ rộng khi đeo. 

Hơn cả khả năng tô điểm, độ ưu ái của người Đông Sơn đối với các dạng vòng ống cho thấy công năng thực dụng của chúng trong lối sống thời đại. Chúng có thể phòng vắt đĩa khi đi rừng, đống đỡ những vật nhọn và nặng đâm vào cổ tay, cổ chân, đặc biệt là một thứ giáp chắn khi chiến đấu. Không dừng lại ở chức năng điểm trang hay làm giáp trụ bảo vệ bao cổ tay và cổ chân, một số vòng ống đồng còn được thiết kế với lục lạc gắn quanh. Tiếng leng keng rộn ràng theo từng chuyển động đưa món trang sức trở thành một loại nhạc khí.

Nhạc cụ đồng rền vang trong những hội hè, tế lễ, hồi vọng suốt mấy ngàn năm lịch sử. Để rồi trong âm vang của tiếng trống trầm, tiếng khèn bổng, trang sức lục lạc leng keng điểm xuyến, cô chợt mường tượng đến những những tín đồ vu giáo, sùng bái tự nhiên, cùng vạn vật sinh trưởng. 

Trong một nghi thức khiêu thần nguyên thủy, họ dùng âm thanh dồn dập để đạt được trạng thái xuất hồn nghinh thần trong buổi đảo vũ cầu mưa. Một anh chiến binh sau khi bước qua giây phút thiêng liêng huyền ảo đó, cảm thấy mình đã được thần thánh ban cho sức mạnh phi phàm, đang mạnh mẽ lưu chảy khắp thân thể. Anh ta khoác trang sức đồng hộ thân, tay cầm lao giáo, hông giắt dao găm, bước lên con thuyền độc mộc của mình, xông pha miên hải trùng dương, giành giật tài nguyên, phô trương sức mạnh.

Rồi anh ta sống sót trở về cùng của cải và vinh quang. Trong buổi lễ mừng công, quanh ánh lửa bập bùng, trong tiếng keng keng không dứt của trang sức đồng, anh cùng cô gái bộ lạc nhảy múa lãng quên đất trời. Ánh lửa lấp lóa trên trang sức kim khí, càng nổi bật vẻ đẹp hoàn mỹ của nhân dạng. 

Chàng chiến binh men theo đôi khuyên đồng lúng liếng, vuốt qua vòng cổ lạnh mát như nước biển khơi, tò mò chạm vào những thứ thân mình không có trên cơ thể đồng loại khác giới. Khi người và người hòa hợp, họ thấy thân cũng đang tan ra cùng đất trời. Cảm giác kỳ diệu đó càng cắm sâu vào lòng người một tín niệm về vạn vật sinh sôi vi diệu giữa đất trời.

Hàm súc như đồng thau Đông Sơn

Vạn vật thế gian đều trải qua quá trình cực thịnh tất suy, bao huy hoàng từng nhóm lên và vụt tắt trong lịch sử, trang sức đồng thau cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nó sống một đời bi hỉ cùng thất bại và vinh quang của chủ nhân, rồi trở thành vật tùy táng, theo sinh mệnh lụi tàn của họ vùi thân dưới hàng tấc đất. 

Trong đêm đen tĩnh mịch, dưới mưa gió vô biên, chúng lặng lẽ thâm ngấm khí thiêng trời đất, ghi khắc câu chuyện thuộc về dĩ vãng xa xôi, mê man không tỉnh cùng phù quang đã mất. Rồi một ngày hè của ba ngàn năm sau, một cơn mưa lớn xối trôi đất đá, chúng bàng hoàng tỉnh mộng, xuất lộ bên bờ sông Mã, không giấu nổi vẻ đẹp hàm súc sâu xa, thu hút người về dày công tìm hiểu.

Trên thây cốt rã rời của những người từng sở hữu và tạo tác ra mình, trang sức đồng thau vẫn bền bỉ định hình, uốn lượn nên dấu ấn thời đại, mỗi loại hình đều được chế tác thủ công, từng món đồ đều là độc nhất vô nhị trên đời. Một số món còn được thời gian vời vợi phủ lên một lớp oxi hóa xanh lam. Món trang sức thanh đồng ấy đong nặng trầm tích tháng năm, bóng loáng như đá ngọc, giá trị liên thành. 

Dù lưu lạc nhà dân, trở thành bảo vật gia truyền, im lìm nằm trong hộp báu nhà sưu tầm, hay phô trương phong vân ngày cũ trong phòng trưng bày bảo tàng, sau khi xuất lộ, chúng luôn được thế nhân chiêm ngưỡng nâng niu. Trang sức Đông Sơn tuy không thể đi ngược tự nhiên, thay đổi vận mệnh suy tàn của mình, nhưng dòng sông thời gian cũng không cách nào rửa trôi những phồn thịnh và vinh quang từng lưu chảy trong thân nó, cũng không cách nào xóa bỏ ngàn năm mưa gió mà nó từng kinh qua.

Giữa khu vực trưng bày trang sức Đông Sơn, cô chú ý đến một viên mã não cổ. Sắc đỏ thiếu số và bần bật giữa những món vòng đồng đá tông trầm là chứng tích về một nền giao thương sơ khai, giữa những cư dân Đông Sơn với xứ sở của trang sức đá, đặc biệt mã não. 

Các mỏ đá mã não được tìm thấy ở Việt Nam là trong các vùng đất đỏ bazan ở cao nguyên Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, nơi núi lửa hoạt động dữ dội và phun trào mạnh mẽ cách đây 13 triệu năm.

Khu vực này cũng từng chịu ảnh hưởng bởi một một nền văn hóa tráng lệ cổ xưa – văn hóa Sa Huỳnh. Những món trang sức đá của văn hóa Sa Huỳnh tinh tế rực rỡ, được tìm thấy trên khu vực mà hoạt động biển phát triển mạnh mẽ, khiến cô chợt nghĩ đến một nền giao thương thậm chí đã vượt xa tầm tưởng tượng và vòng cương thổ ngày nay. Bước chân cô hoang hoải bước về khu vực trưng bày hiện vật Sa Huỳnh của bảo tàng.

Sức nặng trong vẻ đẹp và chuyện cũ của trang sức cổ khiến cô gái trầm trong dòng miên tưởng vời vợi, tay vô thức sờ vào vòng cổ có viên dzi mã não đỏ giấu trong ngực áo. Cô nào hay, niềm đam mê và nội lực tự thân khiến cô cũng thâm sâu tuyệt mỹ như những món trang sức cổ ấy. Cũng nào hay, sau lưng cô, một người con trai cũng đang chăm chú ngắm nhìn. 

Anh đang nhìn cổ vật hay đang nhìn người đẹp như cổ vật. Hoặc chăng anh chỉ đơn thuần là người nặng lòng với cái đẹp, đang chìm đắm trong cái đẹp vô tình bắt gặp, chỉ e bản thân phàm phu nông cạn, không thể cảm hết vẻ hàm súc sâu xa trước mắt. Nhưng phong khí phóng khoáng và tự do của con người Đông Sơn khiến anh tin rằng, ấn tượng và cảm tình không cần quá nhiều lý lẽ, cũng không nên bị nguyên tắc và tôi tính ảo ảnh ngăn trở. Anh tiến đến bên cô, mở lời hào sảng như một chàng trai Đông Sơn 3000 năm trước.

Art Director Lê Minh
Designer Nhím
Editor Huyết Vy

Chia sẻ câu chuyện này
Share