Quả trời không phụ lòng người, hơn hai năm sau, mẹ tôi sinh cái Khoa. Cứ mỗi lần sinh nở, mẹ tôi được ăn cơm gạo trắng với giò, với chả quế rim nhạt. Chẳng rõ bà nội tôi kiếm được ở đâu ra. Mẹ tôi được ăn một mình một mâm, được ngồi ở nhà trên. Mỗi lần đến bữa cơm, mẹ tôi lại len lén tránh không để ông bà nội biết, xuống nhà dưới san cơm trắng, giò chả cho chúng tôi. Mẹ xoa đầu từng đứa, rồi bảo:
– Anh Khải chia đều cho các em nhé!
Mẹ tôi lại bưng bát toàn khoai độn.
Sáu anh em chúng tôi lăn lóc bờ ruộng, góc ao cứ thế lớn lên. Ông nội chiều chúng tôi lắm, chưa bao giờ mắng đứa nào. Chúng tôi cãi nhau chí choé suốt ngày. Mỗi lần có đứa mách tội nhau, bà nội tôi bảo ông nội:
– Kìa quan công sứ, mời ngài xử kiện đi.
Ông nội tôi cười khà khà:
– Thế mới vui nhà, vui cửa. Nhà này ba đời đã khi nào vui như bây giờ đâu.
Được thể, năm anh em tôi cãi nhau chán rồi nhảy bổ vào nhau đấm đá túi bụi, mặc bà nội tôi gào thét đến mỏi miệng. Ông nội tôi vẫn cười. Mẹ tôi ngồi võng cho cái Khoa bú. Cái Khoa nằm trong lòng mẹ, miệng ngậm vú nhay nhay. Chẳng hiểu sao mẹ tôi cứ xuýt xoa nơi đầu lưỡi, mặt hơi nhăn lại. Chắc mẹ đau lắm. Lúc bấy giờ ai cũng tưởng mẹ tôi đau vì cái Khoa ngứa lợi nên nhay vú. Sau này có vợ con rồi tôi mới biết do mẹ ít sữa quá.
Từ khi đủ trí tuệ để nhớ tôi chưa thấy mẹ cầm roi vụt đứa nào. Nhìn chúng tôi vật nhau, đánh nhau huỳnh huỵch cùng với tiếng khóc ré lên của tôi, của anh Khương lẫn vào tiếng ru của mẹ:
– À ơi… Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau… À… ơi…
Tiếng mẹ tôi ru buồn buồn, rầu rĩ. Bốn người anh trên tôi nem nép nơi cửa buồng. Tôi ngồi giữa sân đội nắng khóc hu hu. Mẹ gọi cả năm anh em tôi lại gần bảo:
– Anh em các con chung một bố mẹ, cùng chung giọt máu, là khúc ruột trên khúc ruột dưới. Nói nặng lời với nhau đã xót xa lắm rồi. Nay lại còn đánh nhau nữa, các con có thấy đau lòng không? Mẹ buồn lắm!
Rồi mẹ tôi nhắc anh Khải, anh Khuê, anh Khang từ nay không được đánh các em. Mẹ lại bảo anh Khương và tôi phải xin lỗi các anh. Năm anh em chúng tôi khoanh tay trước ngực xin lỗi mẹ và hứa lần sau không dám thế nữa. Mẹ tôi cười mãn nguyện, khen các con ngoan, biết vâng lời. Bà nội tôi quay mặt đi giấu niềm xúc động. Ông nội tôi không thể cười được nữa.
Trẻ con chúng tôi mau nhớ, mau quên. Mỗi sáng mẹ tôi đi chợ về là anh em chúng tôi lại một lần chí choé tranh giành nhau cái bánh, cái kẹo. Mẹ tôi lại phải an ủi mấy người anh lớn, vỗ về tôi và anh Khương. Về sau, mẹ tôi mua cái gì cũng bằng nhau chằn chặn, cùng loại, cùng số lượng.
Xong xuôi cho đàn con, mẹ tôi mới vào bếp làm cơm. Sáu anh em tôi lại đuổi nhau ầm ầm ngoài sân dưới trời nắng, giành nhau con dế mèn, dóng mía, hoặc cái kẹo vừng chợ quê. Ông bà nội thì chiều cháu. Bởi hai cụ coi chúng tôi là niềm tự hào của cả cái dòng họ ba đời độc đinh, luôn bị chèn ép giữa các dòng họ lớn trong làng. Ông nội tôi thường nói với chúng tôi:
– Ông bà chỉ mong sau này các cháu lớn lên làm rạng danh cho gia đình, cho ông bà, bố mẹ.
Rồi cụ quay sang mẹ tôi nói tiếp:
– Bố mẹ rất biết ơn con đã sinh cho bố mẹ một đàn cháu nội. Con hãy cố gắng bảo ban chúng trở thành người có ích.
Mẹ tôi cúi đầu, mặt đỏ bừng, giọng như hụt hơi:
– Con xin nghe lời dạy bảo của thầy u.
Anh em chúng tôi cứ thế lớn lên. Và chúng tôi đã có tuổi thơ êm đềm như thế trong một gia đình thôn quê không có nhiều ước vọng lớn lao.
Rồi chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ lan tới quê tôi. Bom thù dội xuống từng luỹ tre, mái rạ. Máu dân lành đã đổ. Rất nhiều vành khăn trắng thắt ngang trên mái đầu của những đứa trẻ lên ba. Đất nước lâm nguy. Tuổi trẻ náo nức lên đường tòng quân cứu nước. Vào đúng thời điểm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Bốn người anh trên tôi lần lượt lên đường nhập ngũ. Chỉ còn tôi lúc này chưa đầy 16 tuổi, đang học lớp 8/10 nên không đơn vị nào chịu nhận. Họ bảo nhận tôi là vi phạm chính sách nghĩa vụ quân sự. Có lần vui chuyện, tôi ướm hỏi:
– Mẹ cho con đi bộ đội nhé?
Mẹ tôi bảo:
– Mẹ không bao giờ cấm đoán những việc làm tốt đẹp của các con. Nhưng bốn anh con đã đi rồi, nay con lại đi nốt thì mẹ ở với ai?
Tôi cười xoà lấp liếm:
– Mẹ ơi! năm anh em con đi đánh giặc. Hòa bình năm anh em con lại về. Ở nhà đã có cô Khoa. Bây giờ nam nữ bình đẳng rồi, con nào chẳng là con.
Mẹ tôi im lặng.