Vai trò của chữ Quốc ngữ đối với các thừa sai Dòng Tên

Tác giả Omega+
Vai trò của chữ Quốc ngữ đối với các thừa sai Dòng Tên

Như đã đề cập ở các chương trước về quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ từ năm 1615 đến năm 1651, mục đích đầu tiên của các giáo sĩ Dòng Tên là để dễ dàng học ngôn ngữ địa phương. Do đó, chữ viết này trước tiên nhằm phục vụ cho các linh mục người Âu.

Đầu tiên, các linh mục Dòng Tên đã trực tiếp giảng giáo lý cho tân tòng, song song đó họ đào tạo thầy giảng để thầy giảng thay họ truyền giảng. Chúng ta có thể tưởng tượng cách thức mà các vị linh mục người Âu và người bản địa đã hợp tác như sau: 

Các Cha Dòng Tên học ngôn ngữ với sự trợ giúp của các thầy giảng do họ đào tạo; họ ghi lại những âm mà họ nghe thấy bằng chữ cái dạng La-tinh, trong khi các thầy giảng biết chữ Nho sẽ giúp họ chuyển ngữ từ chữ quốc ngữ sang chữ tượng hình. 

Chúng ta có thể giả định rằng các văn bản được tạo ra như vậy – hoặc ít nhất cũng là phần lớn văn bản – đã được viết bằng chữ Nôm. Quả thực có một báo cáo năm 1648 trong đó mười bốn giáo hữu khẳng định đồng ý cách chuyển ngữ văn bản nghi thức rửa tội. Văn bản này được soạn bằng ba loại chữ viết: chữ Nôm, mẫu tự La-tinh và chữ quốc ngữ. Chắc chắn rằng văn bản chữ Nôm được một người Việt soạn ra nhưng hai phiên bản chữ La-tinh còn lại có lẽ do một linh mục người Âu soạn. 

Chúng tôi đã so sánh chữ viết của báo cáo này với chữ viết của báo cáo được soạn vài năm sau đó, vào năm 1654, bởi Phelipo Marino: nét chữ giống nhau. Vì vậy có thể hoàn toàn suy đoán rằng chính giáo sĩ Dòng Tên người Ý này, đến Đàng Ngoài năm 1647, hẳn đã thông thạo ngôn ngữ một cách nhất định khi ông soạn báo cáo đầu tiên vào năm sau đó. Ngoài vai trò tôn giáo, văn bản nghi thức rửa tội còn quan trọng đối với việc học tiếng Việt của các nhà truyền giáo vì việc học này bắt đầu bằng việc ghi nhớ phần chuyển ngữ bằng tiếng Việt.

Sự tồn tại đồng thời của ba phiên bản của cùng một văn bản chắc chắn là do đối tượng phục vụ khác nhau: chữ La-tinh dành cho các giáo sĩ, chữ Nôm dành cho người bản địa và chữ quốc ngữ được coi là một phương thức giao tiếp giữa hai bộ phận người đọc và người viết. Cần phải nhớ rằng các Cha Dòng Tên từng có một chính sách rất chủ động trong hội nhập văn hóa và thích nghi văn hóa địa phương ở Viễn Đông, điều này đã dẫn đến một cuộc “tranh cãi về nghi thức” kéo dài suốt thế kỷ 17 và 18. Tranh cãi liên quan đến khả năng thích ứng của thực hành và giảng dạy Công giáo đối với tín ngưỡng và phong tục địa phương. Chúng ta sẽ không đề cập sâu đến vấn đề này ở đây vì nó đã được ghi chép rất rõ ràng.

Như vậy các giáo sĩ Dòng Tên đã cố gắng học chữ Nôm thay vì chữ Hán. Họ nhờ các thầy giảng bản địa làm người cung cấp thông tin và trung gian để dịch giáo lý sang cả hai chữ viết này. Phương pháp truyền giáo này cũng giống như ở các vùng đất truyền giáo khác thuộc châu Á. Trên thực tế nó đã được tiến hành ở tỉnh Dòng Nhật Bản hơn một thế kỷ trước đó. Các Cha Dòng Tên cũng đã tạo ra một văn bản nghi lễ bằng tiếng Trung theo cùng một phương thức.

Từ năm 1615 đến năm 1651, phương thức phiên âm tiếng Việt chỉ được các nhà truyền giáo nước ngoài coi là một cách học ngôn ngữ địa phương, một công cụ hàng đầu đối với chính họ. Hơn nữa, chừng nào chữ quốc ngữ chưa được chuẩn hóa theo các quy tắc được chấp nhận rộng rãi và chưa có một từ điển hay một giáo khoa thư đủ xác tín thì nó vẫn chưa được dạy cho người bản xứ, chứ chưa nói đến việc truyền bá sử dụng.

Dự án dạy chữ quốc ngữ cho người Việt gắn liền với việc đào tạo thầy giảng. Chúng ta hãy nhớ rằng việc đào tạo thầy giảng bản xứ ở Đàng Ngoài đã được Alexandre de Rhodes đặt nền móng vào năm 1630 và nỗ lực này được Gaspar do Amaral theo đuổi, dốc sức trong những năm 1631 – 1637. 

Khi trở lại Đàng Trong năm 1640, Alexandre de Rhodes lập một nhóm gồm mười thầy giảng người Việt chịu trách nhiệm về hoạt động truyền giáo. Các Cha Dòng Tên chỉ chọn những thầy giảng là các “nhà Nho” thông thạo “chữ Hán” và có khả năng trợ giúp soạn sách để dạy cho họ tiếng La-tinh. 

Chữ Hán ít được sử dụng trong các văn bȧn tôn giáo truyền thống ngay cả khi nó là chữ viết chính thống của triều đình và trong các kỳ thi tuyển quan lại. Vì theo truyền thống, chữ Nôm được dùng trong ghi chép văn bȧn Phật giáo hoặc Đạo giáo (hơn là chữ Hán), nên các giáo sĩ Dòng Tên đã quyết định cho dịch sách giáo lý sang chữ Nôm ngay từ thời của Girolamo Majorica, tức những năm 1630 – 1640.

Chắc chắn rằng ở thời kỳ của những giáo đoàn đầu tiên, chỉ có rất ít thầy giảng người Việt được các thừa sai Dòng Tên đào tạo được tiếp cận một vài khái niệm sơ đẳng của tiếng La-tinh và làm quen với chữ Quốc ngữ. Nhưng các báo cáo soạn năm 1659 bởi hai trong số họ là Bentô Thiện và Ignacio Văn Tín đã cho thấy ít nhất vào thời điểm đó, một số người đã đạt đến cấp độ thông thạo chữ viết mới. Quȧ thực, các báo cáo – gửi cho Bề trên G. P. de Marini – có ám chỉ tới việc học của các thầy giảng. Ignacio Văn Tín viết rằng Marini đã dạy ông “nhiều thứ” và rằng ông “rất đau khổ khi phải xa” thầy của mình. Biên niên sử Hội Thừa sai cho biết, một người tên Ignace khác, cũng là thầy giảng người Việt, “đã biết các mẫu tự châu Ȓu” vào năm 1672.

Dựa vào những văn bản ấy, chúng ta biết rằng các thầy giảng bản xứ sử dụng “mẫu tự của châu Ȓu” để soạn báo cáo gửi cho Bề trên. Điều này chứng tỏ chữ viết mới đã không còn bị hạn chế ở nhiệm vụ đầu tiên, cơ bản và duy nhất nữa. Ban đầu nó là phương tiện để các giáo sĩ dòng tên người Ȓu học tiếng, nhưng cuối cùng vào những năm 1650, nó đã trở thành phương tiện giao tiếp giữa các thầy giảng người Việt và các nhà truyền giáo, thậm chí ngay cả trước khi các linh mục của Hội Thừa sai xuất hiện.

Ngay khi các linh mục của Hội Thừa sai đặt chân đến Đại Việt thì các Cha Dòng Tên đã cố gắng bảo vệ thế độc quyền của họ trên vùng đất truyền giáo này bằng cách tăng cường liên kết với các thầy giảng và giáo hữu người Việt; vì mục đích này họ đã sử dụng chữ Quốc ngữ như một công cụ giao tiếp riêng. Chữ viết này đã giúp cho các thầy giảng không biết tiếng La-tinh lẫn tiếng Bồ, có thể trao đổi thư từ với các nhà truyền giáo Dòng Tên không biết chữ Hán và chữ Nôm.

Chúng tôi cũng đã phát hiện thủ bản gốc của hai chủng sinh là Jacinto Thiêu và Francisco Luấn đề cập đến ý nghĩa của chữ thủ tiết trong tiếng Việt. Văn bản đề ngày 30 tháng 9 năm 1678, được dịch sang tiếng Bồ Đào Nha. Một báo cáo muộn hơn bằng tiếng Bồ Đào Nha có tên Viagem de Quai To (Du hành tại Quai To), soạn năm 1708 và ký tên linh mục Bauloe Hồi, đã chứng thực cho việc các giáo hữu người Việt tiếp tục duy trì công cụ giao tiếp này: 

Báo cáo gồm một tóm tắt dài một trang bằng chữ quốc ngữ. Các văn bản thuộc loại này, tức có một phần là song ngữ, đã trợ giúp rất nhiều cho người Việt trong việc học tiếng La-tinh hoặc tiếng Bồ và ngược lại, giúp cho các nhà truyền giáo người Ȓu có thể dễ dàng đọc bȧn dịch bằng chữ quốc ngữ và truyền đạt cho giáo hữu bȧn địa. Hai thủ bản này do đó chứng tỏ vai trò của chữ quốc ngữ đã có sự thay đổi đáng kể.

Trong một bức thư năm 1685, viết bằng chữ quốc ngữ và gửi cho hai giáo hữu là Anton Thịnh và Miguel Chỉ, thừa sai dòng Tên Manuel Ferreira bày tỏ tình cảm của mình với các giáo hữu và khích lệ họ sùng đạo. Cha đảm bảo với họ về tính hợp pháp của các đại diện tông tòa đang đảm trách sứ vụ ở xứ An Nam.

Năm 1689, có một lá thư khác cũng gửi cho hai giáo hữu trên, ký tên Fuciti và cũng viết bằng chữ quốc ngữ với nội dung tương tự. Chúng ta biết rằng Fuciti được Giáo hoàng triệu hồi, đã phȧi về Rome; ông rời Đàng Ngoài ngày 29 tháng 10 năm 1684. Sau chặng dừng ở Java, ông đến Ayutthaya, Xiêm La và bị trục xuất khỏi đây vào tháng 11 năm 1686. Chỉ sau khi được Giáo hoàng tiếp kiến thì Ferreira và Fuciti mới gửi thư cho Anton Thịnh và Miguel Chỉ để động viên họ và giải thích với họ rằng các đại diện tông tòa thực thi quyền lực một cách hợp pháp theo lệnh của Giáo hoàng. Fuciti khuyên các giáo hữu nghe lời những nhà truyền giáo người Pháp.

Từ điển chữ quốc ngữ

Những tài liệu đó đã cho thấy chữ quốc ngữ tiếp tục được sử dụng như phương tiện giao tiếp giữa các giáo hữu bản xứ và các Cha dòng Tên người Ȓu khi các Cha bị buộc phȧi rời khỏi xứ sở vì xung đột với các linh mục của Hội Thừa sai.

Kể từ năm 1692, các linh mục dòng Tên được phép trở lại Đại Việt và nỗ lực tìm kiếm chủng sinh để đào tạo linh mục bản xứ. Song vì thiếu một trường học ở đây nên các chủng sinh được gửi đi Macao để học tập và thụ phong linh mục. Từ năm 1640 đến năm 1773, có ba mươi ba linh mục Dòng Tên đã được thụ phong nhưng chúng ta chỉ thấy có vài báo cáo do chính họ soạn trong giai đoạn này. 

Các Cha Dòng Tên quả thực từ lâu đã coi thầy giảng và linh mục bản xứ như những phụ tá đơn thuần thay vì là nhân tố chính của công cuộc truyền giáo. Họ đã không trao cho người bȧn xứ cơ hội báo cáo về các hoạt động hay viết báo cáo. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng các chủng sinh trẻ đã được học chữ quốc ngữ của tiếng Việt từ các thầy Dòng Tên Đàng Ngoài, như trường hợp của Filippe Bỉnh và các anh em đồng tu mà chúng ta sẽ thấy ở phần sau.

Đọc sâu hơn trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế Thành Phúc

Share