Thi là thầy, La là trò. Điều này đã trở thành định luận trong học giới. Nhưng bên cạnh dòng chảy chủ lưu, bên cạnh cách nói chính thức, chúng ta phải chú ý loài hoa kỳ lạ ở bên bờ, lưu ý tiếng nói khác biệt. Loại bỏ diễn ngôn của người khác, mà chỉ đi tìm La Quán Trung trong chính tác phẩm của La Quán Trung. Chúng ta lại đưa ra được một nhận định khác hẳn.
Bức màn tối của thị trường sách
Nhìn lại lịch sử in ấn Thủy hử truyện, chúng ta sẽ nhận ra rằng vào thời của Lang Anh (1487 – 1566) thì trên thị trường sách đã xuất hiện hai ấn bản. Một loại xem La Quán Trung là tác giả, loại kia xem Thi Nại Am là tác giả. Đây chính là nguồn cơn của vấn đề Thi là thầy, La là trò. Cách nói này dường như đã được đưa ra để giải thích sự xuất hiện của cả hai ấn bản. Nhưng nếu nhìn từ góc độ thị trường sách thì câu chuyện sẽ khác hẳn.
Người viết sách là để thỏa chí, nhưng nhà in sách chắc chắn là để kiếm tiền. Muốn kiếm được tiền, thì phải in sách của tác giả sách bán chạy. Danh tiếng của tác giả là bảo chứng cho chất lượng. Chất lượng được bảo đảm, người mua sẽ dễ dàng xuống tiền, và doanh thu sẽ tốt. Trên thực tế, có không ít tác phẩm tiểu thuyết chương hồi được ghi tên là của La Quán Trung. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta khó mà tìm ra được một văn phong chung nhất cho các tác phẩm. Dễ thấy nhất là khi so sánh giữa Tam quốc diễn nghĩa và Tàn Đường Ngũ đại sử diễn nghĩa (mà tác giả cũng được gắn với La Quán Trung). Chất lượng của chúng khác biệt một trời một vực. Điều này không phải do giai đoạn tàn Đường – Ngũ đại kém hấp dẫn hơn Tam Quốc. La Quán Trung viết rất tốt nhiều đoạn hư cấu không có trong lịch sử, thậm chí có nhiều giai đoạn ngòi bút ông tung hoành thoát khỏi ghi chép lịch sử thời Tam Quốc.
Vào thời đại công nghệ thông tin còn kém, vấn đề bản quyền tác giả còn không chặt chẽ, việc nhà in cho tác phẩm của mình đội tên một tác giả lớn đã quá cố là chuyện hết sức bình thường. Nói đến tác giả lớn thì phải nói đến La Quán Trung. Tất nhiên, vào thời Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa mới được khắc in lần đầu khoảng năm 1494, bài tựa vẫn nói về tác giả như một kẻ vô danh và vẫn đánh giá quyển sách một cách hết sức dè dặt. Nhưng thành công của tác phẩm đã khiến La Quán Trung thành một thương hiệu. Bản thân La Quán Trung có được hưởng lợi ích từ thành công này hay không? Ông có dựa vào đó phát triển sự nghiệp viết lách hay không? Chúng ta không biết. Nhưng các nhà in sách khai thác danh tiếng của ông để kinh doanh là điều có thể hiểu được.
Trong bối cảnh như vậy, Thủy hử truyện của một kẻ vô danh là Thi Nại Am được đội tên La Quán Trung để tăng doanh số cũng là điều có thể hiểu được. Khi Thủy hử truyện đã xác định được chỗ đứng, tranh chấp tác quyền xuất hiện, rồi từ đó sinh ra cách nói Thi là thầy, La là trò. Trên thực tế, tác phẩm của La Quán Trung phản ánh trình độ tiểu thuyết chương hồi ở giai đoạn sơ khởi, tác phẩm của Thi Nại Am phản ánh trình độ tiểu thuyết chương hồi ở giai đoạn chín muồi.
Dấu ấn thời đại của La Quán Trung trong văn bản Tam quốc diễn nghĩa
Muốn biết thời đại của La Quán Trung, ta có thể khảo sát văn bản cổ nhất của Tam quốc diễn nghĩa là bản in năm 1522. Chúng ta sẽ nhận ra rằng các thơ văn bình tán trong đó phần lớn chỉ dừng lại ở việc trích dẫn các tác giả thời Tống. Một số địa danh cổ có cước chú địa danh “hiện nay” theo tình hình thời Tống. Ví dụ, hồi 103 chú thích quận Vũ Lăng “nay thuộc Đỉnh Châu”. Nhưng phần lớn các chú thích địa danh trong đó phản ánh tình hình thời Nguyên. Ví dụ, hồi 20, địa danh Lang Da được chú là “nay thuộc Nghi Châu, lộ Ích Đô”. Nghi Châu thuộc lộ Ích Đô là tình hình thời Nguyên. Sang thời Minh, Nghi Châu thuộc về Duyện Châu, còn lộ Ích Đô đổi thành phủ Thanh Châu. Hồi 106 ghi Công An “nay là huyện trị thuộc quản hạt của Giang Lăng”. Đó là tình hình trước năm 1329 thời Nguyên Văn Tông, vì sau năm nay Giang Lăng đổi thành Trung Hưng. Nói cách khác, chí ít là một nửa tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa đã được định bản từ trước năm 1329. Đó cũng là thời đại của La Quán Trung sống và làm việc.
La Quán Trung có vẻ đã dừng sáng tác một thời gian trước khi viết tiếp tác phẩm. Bằng chứng là ở hồi 167, tướng Thục là Phùng Tập bị quân Ngô dùng loạn tên bắn chết. Nhưng đến hồi 168, Phùng Tập sống lại và chạy đi báo tin thua trận cho Trương Nam. Phùng Tập tử trận lần nữa cùng với Trương Nam. Có lẽ La Quán Trung đã quên chi tiết này do thời gian gián đoạn sáng tác khá lâu, và ông không đọc lại phần mình mới viết trước.
Từ năm 1392 đến năm 1494, một trăm năm đã trôi qua. La Quán Trung chắc là không biết đến thành công vang dội của tác phẩm. Đó cũng là số phận của những tác giả tiểu thuyết thời trung đại. Khi sách thành danh thì người đã hóa tro tàn. Dù sao đi nữa, La Quán Trung đã để lại một dấu ấn lớn lao trong văn học sử phương Đông. Tác phẩm của ông là nền tảng và là mạch nguồn nơi nhiều sáng tác khác về chủ đề này xuất hiện. Rốt cuộc ông đã viết tác phẩm ấy như thế nào?