Việt Nam bảo vật: Mạc triều kim sách

Tác giả Long Tự
Việt Nam bảo vật: Mạc triều kim sách

Kim sách là một loại thư tịch cổ, được chế tác từ kim loại quý như vàng, bạc và đồng. Chúng thường được sử dụng trong các sự kiện đặc biệt của hoàng gia, chẳng hạn như lễ đăng cơ của hoàng đế, tấn phong thái tử hay hoàng hậu, cũng như việc ban phong các tước vị, tôn hiệu và tôn thụy trong hoàng gia. Nội dung kim sách thường do các đại thần soạn thảo hoặc do chính hoàng đế ngự bút. Hiện nay, bên cạnh những kim sách nổi tiếng của nhà Nguyễn, một phần còn lại của kim sách thời Mạc mới được phát hiện tại Thạch Thất, Hà Nội. Đây có thể là hiện vật kim sách cổ nhất của Việt Nam.

Vào đầu thế kỷ 16, tình hình chính trị – xã hội Đại Việt lâm vào cảnh rối ren và khủng hoảng. Những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các thế lực chính trị đã khiến triều đình Lê sơ suy yếu nghiêm trọng. Lợi dụng tình thế khó khăn đó, một quyền thần nhà Lê là Mạc Đăng Dung đã tiến hành soán ngôi và lập ra triều Mạc. 

Trong thời gian đầu, nhà Mạc đã có những chính sách tiến bộ và dần khôi phục lại nguyên khí của quốc gia. Tuy nhiên, về sau, do sự trở lại của thế lực nhà Lê tại Thanh Hóa. Nhà Mạc dần bị lệch khỏi lộ trình phát triển và bị cuốn sâu vào cuộc chiến tranh Lê – Mạc. Kết quả, sau gần 60 năm chiến tranh, chính quyền nhà Mạc ở Thăng Long sụp đổ và phải bỏ chạy lên Cao Bằng. 

Nhà Mạc tính từ thời điểm Mạc Đăng Dung thành lập năm 1527 đến lúc bị đánh đuổi khỏi Thăng Long, tổng thời gian tồn tại chỉ có 65 năm. Điều này khiến cho nhà Mạc không được xem là một triều đại lớn của Việt Nam như Lý, Trần, Lê và Nguyễn. Dù rằng vương triều này cũng có những thành tựu và đóng góp quan trọng cho quốc gia. Bên cạnh đó, do khoảng thời gian tồn tại tương đối ngắn và đầy biến động, nên hiện vật của triều đại này thực sự là không nhiều. Hiện vật thuộc sở hữu của hoàng gia lại càng ít hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, những trang kim sách mới được phát hiện gần đây chính là những hiện vật hiếm hoi của hoàng gia nhà Mạc còn sót lại đến ngày nay. 

Kim sách nhà Mạc được phát hiện tại Thạch Thất, Hà Nội và có nội dung liên quan đến một trong những nhân vật lịch sử quan trọng nhất nhà Mạc. Theo đó, kim sách được ban vào năm Cảnh Lịch thứ 2 (1549), triều vua Mạc Tuyên Tông, với mục đích tấn phong Vương phi cho bà Mạc Ngọc Thanh – vợ của Hoàng thái thúc nhà vua, tức Khiêm Vương Mạc Kính Điển.

Đôi nét về cuộc đời của Mạc Kính Điển. Sinh thời, ông là một vị tông thất lỗi lạc của nhà Mạc khi cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp bảo vệ và gìn giữ cơ nghiệp của vương triều. Là con trai thứ ba của vua Mạc Thái Tông, ngay từ khi còn rất trẻ, ông đã thể hiện được tài năng xuất chúng thông qua vai trò nhiếp chính thay cho người cháu trai nhỏ tuổi (tức vua Mạc Tuyên Tông). Đến năm 1561, vua Mạc Tuyên Tông qua đời vì bệnh đậu mùa, người con trai 2 tuổi Mạc Mậu Hợp được chọn làm người kế vị. Mạc Kính Điển một lần nữa trở lại với vai trò nhiếp chính, tiếp tục phò tá ấu chúa gìn giữ cơ nghiệp.

Trong hơn 30 năm cuộc đời, Mạc Kính Điển đã gồng gánh giang sơn nhà Mạc chống lại sự nổi dậy của các thế lực trung hưng nhà Lê ở Thanh Hóa. Về mặt quân sự, tầm ảnh hưởng của Mạc Kính Điển được thể hiện rất rõ thông qua việc ông luôn giữ vai trò trung tâm trong hầu hết các chiến dịch quan trọng của triều đình thời chiến tranh Lê – Mạc. Năm 1580,  Khiêm Vương Mạc Kính Điển qua đời, cơ nghiệp nhà Mạc cũng bắt đầu suy bại từ đây. Sau khi chính quyền nhà Mạc sụp đổ ở Thăng Long, hậu duệ của Mạc Kính Điển trở thành những người lãnh đạo tiếp theo của họ Mạc cát cứ tại Cao Bằng. Và có thể những người này cũng là hậu duệ của bà Vương phi Mạc Ngọc Thanh. 

Nguyễn vương Ánh và các sĩ quan Châu Âu

Kim sách của Vương phi Mạc Ngọc Thanh được chế tạo bằng vàng pha đồng, nổi bật với phần bìa chạm hình rồng năm móng. Theo những khảo sát từ nhà nghiên cứu Nguyễn Doãn Minh thì hình tượng rồng trên kim sách là một minh chứng rõ ràng cho sự kế thừa trực tiếp của phong cách mỹ thuật thời Mạc đối với phong cách mỹ thuật thời Lê sơ. Rồng được bố trí theo kiểu thức thân trải theo trục dọc – mặt thể hiện một góc nghiêng, nhìn thấy cả hai mắt. Rồng mang nhiều đặc điểm của rồng thời Lê sơ như thân căng tròn, dẻo dai và dữ tợn. Điều này có thể xuất phát từ tư tưởng của Mạc Đăng Dung giai đoạn đầu thành lập vương triều.

Theo đó, nhà Mạc trên ra đời trên cơ sở Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Cho nên, để ổn định đất nước, Mạc Đăng Dung luôn phải tỏ ra thận trọng và trong các quyết định của mình. Vì vậy, trong giai đoạn đầu thành lập vương triều, Mạc Đăng Dung chủ động xây dựng và gìn giữ thể chế dựa trên mô hình đã có từ thời Lê Thánh Tông. Điều này được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại như sau: “Đăng Dung sợ lòng người nhớ vua cũ, để lâu lại sinh biến, nên phải tuân giữ pháp độ của triều Lê, không dám thay đổi, phủ dụ thần dân, trấn áp lòng người, che bịt tai mắt họ”. Có thể đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc hình tượng rồng trên kim sách nhà Mạc mang trên mình nhiều đặc điểm của rồng thời Lê sơ.

Có thể thấy rằng, kim sách nhà Mạc không chỉ đơn thuần là một vật phẩm hoàng gia hiếm hoi còn sót lại từ một vương triều “vắn số”. Bản thân nó còn mang trên nhiều giá trị khảo cứu khác như tư tưởng chính trị, phong cách mỹ thuật, điển chế hoàng cung, kỹ thuật chế tác,…Do đó, trong tương lai cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nhằm xác định giá trị văn hóa lịch sử của hiện vật này.

Kết bài, người viết xin gửi đến quý độc giả nội dung cụ thể kim sách này. Dưới đây là bản dịch 4 trang kim sách chữ Hán được trích từ công trình Văn khắc Hán Nôm thời Mạc của GS.TS Đinh Khắc Thuần:

Phiên âm: 

Duy Cảnh Lịch nhị niên tuế thứ Kỷ Dậu thập nhất nguyệt Bính Dần sóc việt cửu nhật Giáp Tuất, pháp thiên phủ vận Hoàng thượng nhược viết:

Tu ân kỳ dĩ chính bang phi, cẩn tự di chi hóa, công chu bính dĩ ngự quý tái, trưng tích lũng chỉ văn; xúc cốc du nghi, lũ kim tăng hoán. 

Hoàng Thái thúc Khiêm Vương phi Mạc Ngọc Thanh thiềm liên hoa phiệt, phấn tảo nhu nghi, tuân giáo ngôn giáo đức chi quy, môn mi ích hiển, trứ năng kiệm năng cần chi hạnh, gia đạo hữu thành. Tư suy đốc cận chi nhân, hạp phấn sớ phong chi mệnh, khả ban kim sách, phong vi Hoàng Thái thúc Khiêm Vương phi, thượng kì khâm, ưng hoán thưởng khác địch hằng trinh, duy khắc thuần đoan nhất chi thành, tư vĩnh bảo an vinh chi khánh. 

Khâm tai!

Dịch nghĩa:

Ngày Giáp Tuất mùng 9 tháng 11 Bính Dần năm Kỷ Dậu, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 2 (1549). Vâng theo phép trời để hưng vận nước, Hoàng đế ban chế sách rằng:

Tuân theo kỷ cương nhà Ân để chỉnh đốn phép nước, giữ nền trị hóa tốt đẹp; Sử dụng quyền bính nhà Chu để chế ngự lâu dài, xây nguồn văn vật rạng ngời. Gieo hạt giống phải hợp thời, rèn vàng bạc thêm lấp lánh.

Bà Vương phi của Hoàng Thái thúc Khiêm Vương là Mạc Ngọc Thanh vốn người dòng dõi phiệt duyệt, đẹp người đẹp nết, luôn tuân theo phép tắc, học ăn nói, tu dưỡng đạo đức, khiến gia thế thêm rạng rỡ; lại hay giữ đức hạnh, khéo cần khéo kiệm, làm cho đạo nhà thành nếp. Nay muốn để lòng nhân thêm dày, xứng với tước phong, đáng được ban kim sách, phong làm Vương phi của Hoàng Thái thúc Khiêm Vương. Ngươi hãy vâng nhận, kính cẩn giữ mãi lòng trung trinh, gắng làm trọn đức trinh thành thuần hậu đoan nhất, giữ mãi phúc khánh an vinh.

Kính thay! 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Doãn Minh (2022), “Nhận thức thêm về phong cách rồng thời Mạc – thế kỷ XVI”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 11 

2. Đinh Khắc Thuần (2017), Văn khắc Hán nôm thời Mạc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share