[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 43: Lối vào hang quỷ

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 43: Lối vào hang quỷ

Kỳ trước, được thằng bé dẫn tới huyệt mộ ở lưng chừng núi Ma Thiên Lãnh, bốn người tụi tôi đứng trước cửa hang và thấp thoáng thấy từng đồng xu lăn ra khỏi đó.

Tôi dụi mắt hai ba lần. Quả đúng là từ cái hốc đá nhỏ đó, chốc chốc lại có một đồng xu màu đen, lớn chừng cái nắp chai nước, lăn ra giống như có ai đang điều khiển chúng. Khuôn mặt ba người kia pha lẫn bình thản và phấn khởi. Thấy tôi cứ bồn chồn không yên, Tú Linh đang đứng gần có vẻ cũng hiểu sự bứt rứt mà tôi đang chịu. Cô ta đưa tay lên, nhẹ nhàng ấn vào đỉnh đầu, rồi từ đó hai ngón trỏ và giữa trượt dài xuống, nhấn mạnh vào mắt. Tôi kêu lên một tiếng nhưng khi đặt tay lên ướm thử thì không thấy đau. Từ từ mở mắt ra, thoạt đầu tôi vẫn có cảm giác mắt bị mờ đi như có một lớp khói che phía trước, nhưng khi tập trung thì nhìn rõ lại bình thường. 

Cái hốc đá nhỏ có một bàn tay trắng bệch đang thò ra, thả từng hòn đá lăn lăn trên đất, nhưng lúc nãy tôi nhìn ra là đồng xu. Bàn tay đó hẳn rất dài, nhìn sâu vào hang chẳng thể thấy được gì. Bỗng anh Hùng ngồi xuống châm điếu thuốc, nhìn sang Sinh kiểu như: 

– Đi đi, để anh coi mày làm sao.

Tú Linh thấy vậy cũng đặt ba lô xuống, lấy thuốc ra hút, chỉ còn tôi đứng lớ ngớ đó. Anh Hùng ra dấu ý bảo tôi đi theo Sinh vào trong. Tôi quay sang nhìn Sinh, mặt nó đanh lại theo kiểu: 

– Ờ, được thôi, để tôi làm cho mọi người sợ thằng Sinh này.

Sinh nói với Tú Linh: 

– Bà chị khai nhãn tạm thời cho “ông nội” này dùm tui được không? Chứ để ổng vô đó xớ rớ, ma xó bóp cổ chết thì tui không chịu trách nhiệm đâu à.

Tú Linh cười lớn, bảo: 

– Chế đâu để cưng nhắc. Nãy chế có làm rồi, đi vô đi, được cỡ nửa tiếng đó. Nếu chú em yếu quá, không xong trước nửa tiếng mà để nó bị ma xó vật, thì chế không biết cưng lên rừng xuống biển hay gì, phải lôi về cái Thiên Hổ Phù thứ hai cho chế. Nghe chưa!

Sinh có vẻ không thích kiểu xưng hô của Tú Linh, nhưng không nói ra, nhìn tôi theo kiểu đi đứng nhớ cẩn thận. Cậu ta đi đến kế cái hốc đá, cánh tay dài ngoẵng nhăn nheo kia thụt vào lại, chỉ thấy một màu đen âm u. Sinh đi vòng quanh xem xét địa thế hốc đá. Hốc quá nhỏ, không đủ chui lọt. Nhìn kỹ kết cấu các tảng đá xung quanh, Sinh phát hiện ra gì đó rồi kết ấn Đại Lực Hộ Pháp, một đấm phang thẳng vào phiến đá trên hốc. 

Trước sự kinh ngạc của tôi, cả khu vực mặt trước của hốc đá, vốn là những tảng đá to, dần nứt ra rồi đổ sang hai bên. Không có hòn đá nào kể cả hòn sỏi rớt trúng chỗ Sinh đứng. Lớp đá sạt ngang để lộ một bề mặt khá phẳng, như mặt tiền của một ngôi nhà. Chính giữa là cửa, xung quanh trang trí bằng chữ Phạn, vẻ như là kinh văn gì đó. Trên cửa ra vào vẽ một bàn tay rất to như đang che lấy lối đi. Theo tôi ước lượng, khoảng cách từ cửa hầm đến cái hốc đá lúc nãy cũng phải ba mét, vậy thì cái tay kia hẳn phải dài kinh khủng. Sinh nhìn kinh văn trên đấy một hồi, quay sang tôi hỏi: 

– Ông biết đây là gì không?

Tôi lắc đầu quầy quậy, Sinh phá lên cười, bảo: 

– Dễ gì biết, này là Kinh Đại Phạn Thiên, thần Vũ Trụ của Bà La Môn. Cái tay đó là tay Đại Phạn Thiên, không gì vượt qua được ổng đâu. Vẽ hình này là bên trong có Quỷ Reahu hàng thật rồi!

Trong một thoáng, tôi thấy mặt Sinh khác lạ, y hệt lúc sáng tôi gặp cậu ta đang lúc đứng tấn. Sinh nhét chai Gò Đen vào túi quần, xắn tay áo lên, quay sang tôi nói, vẻ mặt nghiêm túc lắm: 

– Ông đi sau lưng tôi. Thiên Hổ chủ về quan sát và kiềm tỏa. Khi tôi đang giao đấu, ông bắt ấn như này, như này, nhớ chưa. Khi đó hãy tập trung tinh thần để thử xem Thiên Hổ có nghe lời ông không.

Tôi ghi nhớ cách kết ấn đó, gật đầu nói: 

– Ô-kê, mày yên tâm, tao sẽ ráng không để vướng tay vướng chân mày.

Sinh đến bên cửa chính, cánh cửa bằng đá phiến rất to, trên đỉnh có một khe hở. Tôi hỏi Sinh giờ làm sao. Cậu ta kết một ấn khác – Khai Sát Thiên, đẩy mạnh đá phiến. Sinh nói: 

– Cửa này thuộc phạm vi của Đại Phạn Thiên, ấn Đại Lực Hộ Pháp không ăn thua đâu, không khéo còn bị nội thương. Ấn tôi vừa làm là Khai Sát Thiên, chuyên dùng để “xin đường”. 

Nói dứt lời, Sinh cầm đèn pin tiến vào cửa chính, tôi đi ngay phía sau. Bên trong có kết cấu khá chắc chắn, cửa hầm cao hơn đầu người, vẫn khắc rất nhiều kinh văn mà theo lời Thạch Sinh, không phải của Phật Giáo, mà là của đạo Hindu hoặc đại loại vậy. Điều này làm cậu lo lắng, kiểu khó hiểu không biết thiết kế hỗn tạp này đang trấn yểm điều gì. Tôi thì lúc này đã trấn tĩnh hơn nhiều lắm, đi sau Sinh, tay lúc nào cũng giữ ấn. Nó không làm tôi mỏi nhưng lại khá bứt rứt, vai có cảm giác như con gì bấu vào. 

Thông đạo không dài nhưng ngoằn ngoèo ăn sâu vào lòng núi. Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi chính của Hòn Sơn, nằm chính diện, quay mặt về hướng Bắc. Địa hình bên trong chủ yếu là đá vôi. Thỉnh thoảng chúng tôi lách mình qua những rễ cây ăn sâu vào hang động để tiến lên. Bên trong một số chỗ có binh khí rớt lại, đã hoen gỉ. 

Hang này dài chỉ chừng hai mươi mét thôi, nhưng địa thế khó đi nên cũng phải gần mười phút, tôi và Sinh mới đến một cánh cửa gỗ. Dường như sau nó là căn phòng mộ chính. Sinh dừng lại, lấy hai nhánh rễ cây rồi quấn vải đem theo trong ba lô, có lẽ nó là bùa vẽ trên vải chứ không phải là loại thường. Cậu ta quấn lên cây làm đuốc, lửa cháy lên màu xanh lơ. Sinh cầm một cây rồi hất hàm về tôi, ý là cầm một cây đi. Tôi nhìn cây đuốc rồi nhìn đèn pin, không hiểu có đèn pin rồi sao còn đốt đuốc làm gì. 

Sinh dường như hiểu ý tôi, dúi cây đuốc vào tay tôi rồi nói: 

– Đập miễu đừng dùng đèn pin. Quỷ nó liếm một phát là hư. Lúc đó, không chuẩn bị đuốc sẵn thì ba giây là bị nó vật. Đuốc này đốt bằng bùa phép, ông yên tâm. Con quỷ nào mà liếm tắt được cây này, thì anh Hùng có ở đây chắc cũng chết thôi. Nhớ cầm cây cho chắc.

Tôi hiểu ý, tắt cây đèn pin rồi cầm đuốc, nhìn Sinh nhẹ nhàng đẩy cánh cửa gỗ ra. Một âm thanh rợn người đè lên cánh cửa cũ kỹ, từ bên trong lùa ra một làn âm phong vừa thối vừa lạnh khiến tôi muốn nôn mửa. Tuy nhiên đúng như Sinh nói, cây đuốc không hề suy giảm uy lực. 

Chúng tôi bước vào trong, cuối cùng cũng đến căn phòng chính. Nó là một hang tự nhiên, hình trụ, cao chừng bốn năm mét, rộng phải hơn mười mét. Cuối căn phòng là quan tài bằng đồng thau, có lẽ là của Lạp Nel. Trên quan tài, dựa vào vách tường đối diện, là một bức tượng một người khổng lồ, tay dài, đang ngồi tựa đầu vào gối, hai chân kẹp quan tài lại. Bỗng vai tôi nhói lên, nhớ lại lời dặn của Sinh, tôi kết ấn, tập trung tinh thần nhìn về phía quan tài. Bỗng, phía đó có một làn sương màu xanh lơ đang tụ lại ở dưới chân tượng. Sinh quay sang tôi nói nhỏ: 

– Thấy Quỷ Reahu chưa?

Tôi lắc đầu, dĩ nhiên là chưa gặp bao giờ. Sinh đưa cây đuốc của cậu ta cho tôi cầm, bảo tôi đứng nép vào góc không thôi ăn đòn  oan. Tôi còn chưa định thần lại, thì phía cuối phòng, ánh đuốc lập lòe soi lên bức tượng. Tôi thấy nó ma mị đến lạ lùng, khác hẳn cảm giác lúc nãy. 

Tóc nó dài phủ cả lên gối, đầu nó ngẩng lên nhìn thẳng vào tôi. Cái đầu này rất to, hai hốc mắt đen ngòm không có gì cả, miệng nó há rộng chi chít nanh lởm chởm. Ánh đuốc soi những vết khô nháp, lở loét trên da sần sùi. Khi tôi còn chưa kịp bình tĩnh, nó hét lên tràng dài hết sức chói tai. Không khí như đặc nghẹt lại, tôi không thể thở như bình thường, nên vội cắm hai cây đuốc xuống đất, tay bắt ấn, tập trung lại ngay. 

Dù mất vài giây, nhưng vừa kết ấn xong, tôi có cảm giác trước mặt mình như có làn khói mỏng, nó che áp khí con quỷ tỏa ra. Thế là tôi đành ngồi đó chết trân nhìn Sinh. Cậu lấy tay che tai lại, khẽ nhăn mặt khó chịu rồi lao đến con quỷ. Nó vung cánh tay sần sùi, lởm chởm nhưng đầy gai nhọn. Tôi không chắc ngay lúc đó Sinh đã làm như thế nào, mọi việc diễn ra quá nhanh. Cậu ta băng đến, cánh tay con quỷ đứt lìa. Lần này nó cũng hét lên, nhưng do đau đớn và áp khí từ Sinh, đã quá trễ. 

Bụi trên trần hang rớt xuống làm tôi không nhìn rõ động tác của Sinh, chỉ thấy trong đám bụi lóe lên một tia sáng, rồi tiếng con quỷ tắt hẳn, không còn có dấu tích gì nữa. Sinh phủi tay, nhưng không phải là cái phủi tay thanh thản giống lúc trục vong cho thằng nhỏ. Cậu ta tiến đến gần tôi, nói: 

– Ông có cảm thấy hoặc nhìn thấy gì không?

Tôi lắc đầu, nói: 

– Nãy là Quỷ Reahu đó hả, cũng đâu ghê gớm gì đối với mày đúng hông?

Sinh lắc đầu, mặt cậu ta nghiêm túc lại: 

– Không, nó là ma xó thôi, con Reahu thật thì hơi mệt. 

Lần đầu ra trận, tôi tưởng mình đụng độ quỷ Reahu nhưng Sinh nói đó mới chỉ là ma xó bình thường. Vậy thực sự con quỷ Reahu mạnh tới cỡ nào? Mời các bạn theo dõi kỳ sau.

Nếu yêu thích các câu chuyện tâm linh và kỳ bí, mời bạn tham gia Xóm Sợ Ma.

Chia sẻ câu chuyện này

Minh họa : Minh Thảo Võ

Thiết kế : Trần Văn Hậu

Share