Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 15: Cái họa đảng cố

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 15: Cái họa đảng cố

Nền chính trị nhà Hán từ thời Hán Hòa đế trở về sau trở thành thế chia ba chân vạc: kẻ sĩ, ngoại thích và hoạn quan. Nhưng mâu thuẫn chủ yếu là cuộc đấu giữa hoạn quan và ngoại thích. Kẻ sĩ gần như bị gạt ra rìa. Nói đúng ra là bị phân hóa thành hai dòng. Dòng thứ nhất hợp tác với một trong hai bên ngoại thích hoặc hoạn quan và dòng thứ hai đứng lên phê phán hành động sai trái của hai phe đó. 

Kẻ sĩ vùng dậy

Những người thuộc phái phê phán tự gọi mình là thanh lưu (dòng nước trong), còn những người thỏa hiệp với hai phe kia nghiễm nhiên bị gọi là trọc lưu (dòng nước đục). Lực lượng thanh lưu có hai bộ phận:

– Bộ phận chưa ra làm quan gồm ba vạn học sinh nhà Thái Học do Quách Thái và Giả Bưu làm lãnh tụ, cùng với môn sinh ở các quận. 

– Bộ phận đã ra làm quan trong triều và ngoài quận. Trong số này có ba người nổi bật là Lý Ưng, Trần Phồn và Vương Sướng. 

Lý do là vì ba người bọn họ không chỉ nắm các chức vụ cao trong triều đình, mà còn có liên hệ chặt chẽ với lực lượng Thái Học sinh. Các học sinh này đặt ra cả ngạn ngữ để khen họ, nói Lý Ưng là khuôn mẫu thiên hạ, Trần Phồn thì chẳng sợ cường quyền, Vương Sướng là anh tài thiên hạ. Trong giới kẻ sĩ “đua nhau xem việc khen chê tốt xấu là thời thượng, từ công khanh trở xuống chẳng ai không sợ lời nghị bàn chê biếm của dư luận”.

Lý Ưng (? - 169)

Sở dĩ lời bàn có sức mạnh ghê gớm như vậy, là vì đó là chìa khóa của sự thăng quan tiến chức. Thời Hán tuyển chọn nhân sự thông qua hai phương thức chủ yếu: địa phương tiến cử và triều đình triệu gọi. Bất kể là tiến cử hay triệu gọi, điều kiện tiên quyết là phải được người ta biết đến. Muốn được người ta biết đến thì phải có danh tiếng. 

Kẻ sĩ có danh tiếng được gọi là danh sĩ. Muốn thành danh sĩ thì phải đạt một trong ba điều: có kiến thức sâu rộng, có phẩm hạnh cao vọi hoặc có hành vi phi thường. Nếu được giới sĩ lâm bàn luận về ba yếu tố đó của bản thân, kẻ sĩ sẽ nổi danh. Khi nổi danh rồi, quan viên châu quận mới biết đến mình để tiến cử lên trên, hoặc các cơ quan của triều đình sai người tới gọi mình đi để đảm nhiệm một chức vụ gì đó. Ngược lại, nếu danh tiếng có tì vết, con đường thăng tiến cũng sẽ trắc trở thậm chí kết thúc. Hoàng Doãn thời Hán Hoàn đế là một ví dụ như vậy. 

Hoàng Doãn người quận Tế Âm, nổi danh vì “tài”, “tuấn”. Doãn cùng người quận Hán Trung là Tấn Văn Kinh cùng nổi danh. Phủ quan triệu gọi họ ra làm quan. Hai người không tới. Sự từ chối như thế cũng là một cách tích lũy danh tiếng. Dù không đi làm quan, họ lại lấy cớ trị bệnh để tới kinh đô. Tới kinh đô rồi, họ lại không công khai gặp người khác. Nhưng ảnh hưởng của họ lại rất lớn, “Tam công trưng triệu người thì thường tới dò hỏi ý hai người trước, tùy theo phẩm bình tốt xấu của họ, lấy đấy làm ý để dùng hay bỏ”. 

Học trò của Lý Ưng lại cảm thấy hành vi của hai người Hoàng, Tấn có vấn đề. Lý Ưng cũng đồng tình. Tư đồ Viên Ngỗi muốn tìm chồng cho người cháu họ, gặp Hoàng Doãn thì bảo “được người rể như thế là đủ rồi”. Hoàng Doãn nghe tin liền bỏ vợ. Người vợ ở trong buổi họp tông tộc nói ra mười lăm việc xấu của Doãn mà ít người biết, rồi bỏ đi. Danh tiếng của Doãn từ đó suy bại, lại thêm Lý Ưng không tán thành họ. Hai người Hoàng, Tấn “danh tiếng dần suy, tân khách và môn đồ giảm bớt, trong vòng một tháng, hổ thẹn than thở rồi trốn đi”. 

"Giảng kinh đồ" - tranh khắc đá thời Hán

Kẻ sĩ lấy danh tiếng làm vốn. Danh tiếng đi liền với sinh mạng chính trị của họ. Muốn danh tiếng tốt ngoài việc phô bày kiến thức sách vở, phải thể hiện đạo đức tốt đẹp, phải thể hiện bản thân đứng về chính nghĩa, thực thi những hành vi phi thường. Ở trong bối cảnh quan trường bị hoạn quan lũng đoạn dưới thời Hán Hoàn đế, thế tất nhiên nảy sinh phong trào phê phán và đối đầu với hoạn quan, cũng như các cá nhân do họ chống lưng.

Sĩ - hoạn giao đấu

Trận chiến lớn giữa kẻ sĩ và hoạn quan nổ ra vào năm 165. Lúc này Ngũ hầu chỉ còn lại Tứ hầu: Từ Hoàng, Cụ Viện, Tả Quán, Đường Hành. Nhưng xung đột bắt đầu từ việc Thái úy Dương Bỉnh tấu hặc anh trai của Trung thường thị Hầu Lãm là Thứ sử Ích Châu Hầu Tham tội ăn hối lộ, nhân đó xin bãi chức của cả Hầu Lãm. Vì Hầu Tham thực sự có tội chứng rành rành, Hán Linh đế phải bãi chức Hầu Lãm. Kẻ sĩ liền thừa thế tấn công. Dùng chiêu cũ tố cáo tội trạng người nhà của hoạn quan, họ khiến cho Tả Quán phải tự sát, Cụ Viện bị giáng tước từ huyện hầu xuống Đô hương hầu, những người tập tước phong từ Ngũ hầu cũng bị giáng tước phong, con em được phân phong ăn theo thì bị đoạt lại thực ấp. Có thể nói đó là một thắng lợi lớn của kẻ sĩ.

Cùng năm này, thế lực ngoại thích của Đặng hoàng hậu cũng suy bại. Đặng hoàng hậu tranh sủng với Quách quý nhân, gièm pha vu cáo nhau. Cuối cùng Đặng hoàng hậu bị phế rồi chết, ngoại thích họ Đặng kẻ chết người đi tù. Hán Hoàn đế muốn lập thái nữ Điền Thánh làm hoàng hậu. Nhưng Thái úy Trần Phồn ra sức tranh biện, nói họ Điền xuất thân thấp hèn, chi bằng lập con gái của Lang trung Đậu Vũ – dòng dõi công thần Đậu Dung thời Hán Quang Vũ. Cuối cùng Hán Hoàn đế phải bằng lòng, Đậu quý nhân lên ngôi hoàng hậu, còn Đậu Vũ nghiễm nhiên trở thành ngoại thích. Kẻ sĩ và ngoại thích lần đầu tiên liên thủ chặt chẽ với nhau qua hai đại biểu là Trần Phồn và Đậu Vũ. Nhưng hoạn quan sẽ nhanh chóng phản kích.

Tranh khắc đá tả cảnh một viên Thái thú thời Hán

Năm 166, hoạn quan tổng tấn công. Nguyên nhân là do một số nhân vật phái thanh lưu vì hăng hái trừ hoạn quan mà vi phạm pháp luật. Như Thái thú Nam Dương là Thành Tấn xử tử phú thương Trương Phiếm, Thái thú Thái Nguyên là Lưu Chất xử tử Tiểu hoàng môn Triệu Tân. Cả hai đều thi hành án sau khi hoàng đế đã ban lệnh đại xá thiên hạ, như vậy là vi phạm thánh chỉ. Thái thú Sơn Dương là Địch Siêu tố cáo Trung thường thị Hầu Lãm xây nhà vượt quy chế, nhưng tâu mấy lần đều bị Hầu Lãm dìm đi. Địch Siêu cho phá mộ phần và nhà cửa tiếm chế của Lãm. Đông Hải tướng Hoàng Phù cũng xử tử cháu của hoạn quan Từ Hoàng là Hạ Bi lệnh Từ Tuyên.

Hoạn quan đem bốn trường hợp này tố cáo với Hán Hoàn đế. Kết quả Thành Tấn, Lưu Chất bị đề nghị bị chém vứt xác ở chợ; Địch Siêu, Hoàng Phù bị cắt tóc, gông cổ, đi làm lao dịch. 

Thái úy Trần Phồn hai lần dâng sớ lên Hán Hoàn đế để cứu bốn người đó. Hoàn đế không bị lay động. Còn hoạn quan thì tích cực phản kích Trần Phồn. Tấu thư tiến cử người làm quan của ông này đều bị hoạn quan trả lại, thuộc hạ của Phồn mà đã làm quan thì bị phán tội. Một số kẻ sĩ khác cũng dâng sớ muốn cứu họ. Cuối cùng đều thất bại.

Phạm Bàng (137-169)

Kế đó lại xảy ra vụ Tư lệ Hiệu úy Lý Ưng xử tử Trương Thành. Thành giỏi xem khí gió để bói cát hung. Ông ta đoán sắp có lệnh ân xá nên bảo con trai mình đi giết người. Lý Ưng bắt giam ông ta, nhưng quả nhiên có lệnh đại xá thiên hạ. Lý Ưng vẫn kết án và xử tử Trương Thành. Thành có giao du với hoạn quan, lại nhiều lần chiêm bốc cho Hán Hoàn đế. Hoạn quan liền xui đệ tử của Trương Thành là Lao Tu dâng thư tố cáo Lý Ưng. Họ lập luận rằng “bọn Ưng nuôi dưỡng du sĩ ở nhà Thái Học, giao kết với môn sinh của các quận, thay nhau ruổi rong, cùng dựng lập bè đảng, chê bai phỉ báng triều đình, mê loạn phong tục”. 

Đối với kẻ sĩ mà nói, vượt quyền trừng ác chính là hạng mục “hành vi phi thường” trong ba yếu tố trở thành danh sĩ. Nhưng nói gì thì nói, đó vẫn là vi phạm luật lệ. Hán Hoàn đế hết sức nổi giận với việc kẻ sĩ kết thành bè đảng, giết mất thầy bói mà nhà vua tin cậy. Vì vậy Hán Hoàn đế ban lệnh cho toàn quốc phải điều tra toàn diện, để tìm bắt những kẻ sĩ kết thành bè đảng – mà thời đó gọi là đảng nhân. Lý Ưng và nhiều người thuộc diện “đảng nhân” bị bắt giam, bao gồm cả quan chuyên trách việc can gián là Ngự sử Trung thừa Trần Tường. Thái úy Trần Phồn dâng sớ can gián cũng bị cách chức.

Nhiều người thuộc diện bị bắt đã bỏ trốn trước. Nhưng cũng có kẻ sĩ tự nguyện xin vào ngục. Trần Thật, Phạm Bàng có hơn hai trăm môn đồ bị bắt, nên họ cũng tới xin giam để “làm chỗ cậy dựa” cho môn sinh. Độ Liêu tướng quân Hoàng Phủ Quy cho rằng đảng nhân bị giam “đều là danh thần của thiên hạ”, bản thân mình “là hào kiệt của tây châu, thẹn vì mình không được dự trong số ấy”. Ông ta bèn dâng sớ tự vạch tội mình là đảng nhân. Nhưng triều đình không thèm để ý. Vì hoạn quan chủ yếu muốn đánh tan thế lực kẻ sĩ trực tiếp nhắm vào mình mà thôi.

Giả Bưu thuyết phục Đậu Vũ

Dù Trần Phồn mất chức, nhưng ngoại thích Đậu Vũ cũng ủng hộ kẻ sĩ. Chính ông này cũng “nhiều lần triệu vời danh sĩ”. Đầu năm 167, kẻ sĩ Dĩnh Xuyên là Giả Bưu sang phía tây thuyết phục Đậu Vũ cùng Thượng thư Hoắc Tư lên tiếng cứu đảng nhân. Hai người Đậu, Hoắc bèn dâng sớ can. Bọn Lý Ưng lúc bị điều tra cũng khai ra nhiều con em của hoạn quan, để kéo họ chìm chung. Hoạn quan đành mượn cớ điềm trời, khuyên Hán Hoàn đế ban lệnh đại xá. Những người bị quy là đảng nhân được thả ra. Nhưng tên của họ bị ghi chép lại, “cấm cố suốt đời” – nghĩa là không bao giờ được bổ nhiệm bọn họ làm quan nữa. Sử sách gọi đó là cái họa đảng cố. Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó. Kết thúc trận lượt đi, tỷ số giữa hoạn quan với kẻ sĩ có thể xem là hòa. Nhưng còn trận lượt về thì sẽ thế nào?

Chia sẻ câu chuyện này
Share