Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 16: Trương Giác lập công

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 16: Trương Giác lập công

Kết thúc trận lượt đi giữa kẻ sĩ và hoạn quan, tỷ số tạm gọi là hòa. Nhưng cuộc đối đầu giữa hoạn quan và kẻ sĩ vẫn tiếp tục. Lần này là trên một sàn đấu mới. Hán Hoàn đế không còn. Vị vua trẻ con Hán Linh đế lên thay. Ba thế lực triều Hán lại tiếp tục đấu đá.

Sĩ - ngoại đánh hoạn quan

Cuối năm 167, Hán Hoàn đế băng hà, không có con nối dõi. Ngoại thích Đậu Vũ bèn đón Giải Độc đình hầu Lưu Hoành mới 12 tuổi về làm hoàng đế. Đó là Hán Linh đế. Lúc Linh đế còn chưa tới nơi thì Đậu Vũ đã tự lên chức Đại tướng quân, Trần Phồn trở lại triều đình làm Thái phó. Khi Linh đế đã lên ngôi, thì Đậu thái hậu vẫn lâm triều coi chính sự.

Hán Linh đế (156-189)

Đậu thái hậu tuy ủy thác chính trị cho Đậu Vũ và Trần Phồn, nhưng lại nghe lời nhũ mẫu Triệu Nhiêu, các nữ Thượng thư và bọn hoạn quan Tào Tiết, Vương Phủ. Những người này thường vận động Thái hậu ban lệnh trao chức cho người này người nọ. Điều này làm cho Trần Phồn và Đậu Vũ rất không hài lòng. Nhân lúc có nhật thực, Trần Phồn khuyên Đậu Vũ nên trừ hoạn quan. Đậu Vũ tán thành, đem việc đó bảo với Đậu thái hậu. Nhưng Đậu thái hậu cho rằng hoạn quan không thể trừ bỏ hoàn toàn, mà chỉ nên giết những kẻ có tội. Thái hậu đồng ý giết hai hoạn quan, nhưng lại do dự trong việc giết Tào Tiết, Vương Phủ. 

Đậu Vũ, Trần Phồn xoay ra dựng lên một vụ án, hòng làm liên lụy tới Tào Tiết và Vương Phủ. Nhưng Đậu Vũ hành sự cũng chậm trễ. Rốt cuộc án chưa thành thì ý đồ đã bị hoạn quan biết được. Tào Tiết, Vương Phủ một mặt khống chế thiên tử, một mặt phát binh đánh Đậu Vũ. Trần Phồn nghe tin có biến, đem tám chục thuộc hạ và môn sinh xông vào cung, nhưng thua trận, thân vong. Lại vừa may có mãnh tướng Trương Hoán ở Lương Châu được mời về kinh. Hoán không biết sự tình đầu đuôi ra sao, nhưng nhận được chế mệnh sai đi đánh dẹp Đậu Vũ nên cũng dẫn quân đi. Đậu Vũ tan quân, phải tự sát. Ngoại thích họ Đậu bị đánh tan. Đó là năm 168.

Trương Hoán

Chiến thắng này khiến thế lực hoạn quan mạnh lên hẳn. Hoạn quan Tào Tiết được thăng làm Trường Lạc hiệu úy, phong hầu; Vương Phủ thăng Trung thường thị, kiêm Hoàng môn lệnh. Hoạn quan Tào Tiết này trùng tên với Tào Tiết – ông nội Tào Tháo. Nhưng đó là hai người khác nhau. Ông nội của Tào Tháo chỉ ở nhà nuôi lợn, bị người ta tới giành vẫn không dám nói lại câu nào, không như viên Tào Tiết hầu Hán Linh đế.

Những kẻ đồng đảng với Tào Tiết, Vương Phủ có sáu người làm Liệt hầu, mười một người làm Quan nội hầu. Tình thế khi ấy có thể tóm gọn trong mấy chữ “lũ tiểu nhân đắc chí, sĩ đại phu đều mất vía”. Có điều sĩ đại phu là một tầng lớp. Có thể tiêu diệt một số cá nhân tiêu biểu chứ không thể dẹp tan hoàn toàn. 

Sĩ - hoạn tái chiến

Một năm sau khi tiêu diệt Trần Phồn, Đậu Vũ – tức năm 169, đột nhiên có con rắn xanh xuất hiện ở chỗ ngồi của Hán Linh đế. Kẻ sĩ lại được dịp tìm cách phản công. Họ thừa dịp đó muốn nhà vua rửa tội cho Trần Phồn, Đậu Vũ, đồng thời khôi phục lại ảnh hưởng cho Hoàng thái hậu họ Đậu. Nhưng Hán Linh đế còn bé, bị hoạn quan khống chế nên những kiến nghị này đều bị bỏ qua. Người dâng kiến nghị cũng bị trách phạt nhiều kiểu. Kẻ sĩ công kích không thắng thì đến lượt hoạn quan phản công.

Rắn xanh xuất hiện trên chỗ ngồi của Hán Linh đế. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610

Mùa đông năm đó, Tào Tiết, Vương Phủ lại tố cáo bảy người bọn Lý Ưng, Phạm Bàng là câu đảng. Hán Linh đế lúc đó mới 14 tuổi, không biết câu đảng là gì, có ăn được không, nên mới hỏi: “Câu đảng là cái gì?”. Tào Tiết nói: “Câu đảng, tức đảng nhân”. Linh đế hỏi tiếp: “Đảng nhân có tội ác gì mà muốn giết bọn họ?”. Tiết đáp: “Bọn họ đều suy cử lẫn nhau kết thành bè đảng, muốn làm việc không theo pháp độ”. Linh đế còn chưa rõ, lại hỏi: “Không theo pháp độ là muốn làm gì?”. Tiết đáp: “Họ muốn mưu diệt xã tắc”. Hán Linh đế nghe nói như vậy, thì đồng ý điều tra đảng nhân.

Lần này đòn giáng vào kẻ sĩ hết sức nặng nề. Lý Ưng và Phạm Bàng đều chết. Tổng cộng có hơn trăm người bị quy là đảng nhân, phải chịu chết. Vợ con họ bị đày ra biên ải. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp khác cũng bị vu cho là đảng nhân. Người bị chết, kẻ đi đày, hoặc bị truất chức, nhẹ thì bị cấm cố, lên đến sáu bảy trăm người. Đó là chưa kể những kẻ sĩ ẩn trốn để tránh họa. Thế lực kẻ sĩ bị đánh tan tác. Nhưng giống như đã nói, kẻ sĩ là một tầng lớp. Họ giống như nước, cuối cùng cũng sẽ hồi phục.

Năm 179, Tư lệ Hiệu úy Dương Cầu thừa cơ Vương Phủ về nhà nghỉ phép, liền tố cáo tội trạng của ông ta với Hán Linh đế. Linh đế liền cho bắt và trị tội Vương Phủ. Dương Cầu còn muốn tấn công Tào Tiết, nhưng cuối cùng lại bại dưới tay ông ta. Năm 181, Tào Tiết chết. Thế lực hoạn quan lại chuyển sang bọn Trương Nhượng, Triệu Trung. Hán Linh đế thậm chí còn ví Trương Nhượng là cha mình, Triệu Trung là mẹ mình. Hoạn quan càng được thời đắc thế, bành trướng thế lực. Đến khi Trương Giác nổi dậy, tình thế mới thay đổi.

Trương Giác dụ dân làm phản. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610

Trương Giác cứu kẻ sĩ

Câu chuyện đến đây đã đi trọn một vòng. Khởi đầu từ Trương Giác và cũng kết thúc ở Trương Giác. Cuộc nổi dậy Khăn Vàng đã đặt ngai vàng của Hán Linh đế vào tình thế tồn vong. Nhân dịp triều thần bàn bạc cách đối phó, Thái thú Bắc Địa là Hoàng Phủ Tung đã đề xướng nên giải trừ lệnh cấm cố đảng nhân. Hán Linh đế hỏi Trung thường thị Lã Cường. Lã Cường là hoạn quan, nhưng là người tốt. Ông ta cũng tán đồng. Lã Cường cho rằng việc cấm cố đảng nhân khiến “nhân tâm oán phẫn, nếu như chẳng tha miễn, họ khinh suất cùng Trương Giác hợp mưu, gây biến càng lớn”. Hán Linh đế bèn ban lệnh đại xá đảng nhân trong thiên hạ, cho phép những người bị lưu đày được trở về nhà.

Hán Linh đế còn phát hiện chuyện Trương Giác câu kết với một số hoạn quan. Ông ta cật vấn họ, nói họ vu cho đảng nhân “muốn làm việc không tuân phép tắc”, thế mà nay “đảng nhân lại vì nước ra sức, bọn bay thì cùng Trương Giác thông mưu, nên chém hay không?”. Vì việc này mà hoạn quan phải tạm thời rút bớt thế lực ở địa phương. Nhưng họ cũng tìm cách phản kích. Hoạn quan Triệu Trung gièm pha Lã Cường, khiến Cường phải tự sát. 

Hoàng Phủ Tung đánh bại Khăn Vàng. Bản in Tam quốc chí bình thoại thời Nguyên Anh Tông

Công lao lớn của Trương Giác chính là giúp cho phái thanh lưu trong giới kẻ sĩ được khôi phục lực lượng. Trong tiến trình đánh dẹp Trương Giác, hoạn quan và kẻ sĩ liên tục tấn công lẫn nhau. Thị trung Hướng Hủ dâng biểu chê trách bọn tả hữu của Hán Linh đế. Hoạn quan Trương Nhượng liền vu cho Hủ thông mưu với Trương Giác. Hướng Hủ phải mất mạng. Lang trung Trương Quân lại dâng sớ nói loạn Trương Giác là do Thập thường thị dung túng người nhà hoành hành các châu quận; nên chém Thập thường thị để tạ trăm họ. 

Bản tấu này khiến các Thường thị được một phen khiếp vía. Nhưng Hán Linh đế cũng không cho lời Trương Quân là đúng. Ông ta cho rằng “Thập thường thị cố nhiên phải có một người tốt chứ!”. Tất nhiên là có người tốt, ví dụ như Lã Cường. Thứ sử Dự Châu là Vương Doãn bắt được thư của quân Khăn Vàng gửi cho tân khách của hoạn quan Trương Nhượng. Hán Linh đế mắng Nhượng một trận, nhưng rốt cục cũng không trị tội. Trương Nhượng quay lại vu hại Vương Doãn. 

Dù kẻ sĩ thanh lưu đã bắt đầu trở lại, nhưng chẳng qua tình thế chính trị đã quay lại thế chân vạc như cũ. Hoạn quan có bọn Triệu Trung, Trương Nhượng. Ngoại thích lần này là họ Hà, có Hà Tiến làm Đại tướng quân. Điểm khác ở chỗ lần này kẻ sĩ yếu hơn vì họ chưa có nhiều đại biểu có chức vị cao trong triều đình. Tính liên kết của họ cũng chưa được khôi phục. Ngược lại, hoạn quan mạnh hơn vì trong tay họ giờ đây lại có binh lực. N

ăm 188, Hán Linh đế đặt ra Tây Viên bát Hiệu úy. Tám viên hiệu úy đều thuộc quyền của Tiểu hoàng môn Kiển Thạc, “dẫu là Đại tướng quân cũng phải chịu sự chỉ huy của Thạc”. Có điều, thời thế tạo ra anh hùng và người anh hùng lại tạo ra thời thế. Giữa lúc này, xuất hiện một đại biểu trong giới kẻ sĩ đã giáng một đòn dứt điểm hoạn quan, đồng thời tạo ra một tình thế chính trị hoàn toàn khác hẳn. Con người này nhiều năm về sau sẽ thành danh trong chiến dịch Quan Độ nổi tiếng. Bạn đang nghĩ tới Tào Tháo ư? Không phải là Tào Tháo. 

Chia sẻ câu chuyện này
Share