Di nguyện của Hán Linh đế tạo ra mâu thuẫn giữa ngoại thích họ Hà với một bộ phận hoạn quan. Trong cuộc chiến này, Kiển Thạc thất bại vì không được bộ phận hoạn quan còn lại ủng hộ. Nguyên nhân chủ yếu lại vì bộ phận hoạn quan nhận thấy đầu tư cho họ Hà mới là quyết định sáng suốt. Nếu để như thế, chẳng mấy chốc hoạn quan sẽ lại cùng câu kết với ngoại thích. Đây là điều Viên Thiệu cần phải giải quyết.
Viên Thiệu lần đầu xui Hà Tiến
Dù Kiển Thạc đã bị tiêu diệt, Hà Tiến vẫn lo lắng. Vào ngày đem Hán Linh đế đi chôn, Hà Tiến xưng bệnh không vào cung, cũng không đi theo xe tang của vua tới chỗ chôn. Sử sách giải thích rằng Hà Tiến “đề phòng mưu của Kiển Thạc”. Đó là việc rất kỳ lạ. Kiển Thạc đã chết thì còn có mưu gì nữa? Nhưng sự lo ngại đó là dịp để Viên Thiệu khai thác.
Viên Thiệu bàn diệt hoạn quan. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1591
Viên Thiệu nhân lúc này lại thuyết phục Hà Tiến tiêu diệt hoạn quan. Viên Thiệu vạch rõ thất bại lúc trước của Đậu Vũ là do không nắm quân đội. Nhưng hiện nay anh em Hà Tiến “đều lĩnh binh cứng khỏe”, “vui lòng dốc sức theo mệnh”. Đó là cơ hội rất tốt, phần thắng nắm chắc trong tay. Viên Thiệu thúc giục Hà Tiến “vì thiên hạ trừ hại, để truyền danh hậu thế”.
Hà Tiến nghe theo lời Viên Thiệu. Ông ta vào cung bàn với em gái là Hà thái hậu, đề xuất đuổi hết các hoạn quan từ Trung thường thị trở xuống, mà thay vào bằng quan lang ở Tam thự. Nhưng Hà thái hậu lại không bằng lòng. Bà nêu ra hai lý do. Một là, hoạn quan làm việc trong cung cấm là thông lệ cũ, không thể phế bỏ. Hai là, tiên đế mới mất, bà không thể cùng nam nhân làm việc. Sự việc cuối cùng không thể quyết định được.
Để hiểu được động lực chính trị của họ Hà, chúng ta phải nhắc lại xuất thân của họ. Họ Hà là nhà đồ tể, được một số hoạn quan nâng đỡ nên mới đạt được địa vị ở hậu cung. Sau vụ tiêu diệt ngoại thích họ Đổng, danh tiếng của họ càng kém. Nói như Tư Mã Quang: “Dân gian không theo dựa họ Hà”. Bảo họ Hà tiêu diệt hoạn quan, cũng bằng nói họ chặt đi cái cây mà họ đang dựa dẫm. Vì vậy, thái độ của họ Hà đối với việc này hết sức tiêu cực.
Hà thái hậu không đồng ý. Mẹ bà là Vũ Dương quân và anh trai khác cha là Chu Miêu nhận hối lộ của hoạn quan, cũng can Hà thái hậu. Cả hai nói rằng Hà Tiến “làm yếu xã tắc”. Trên thực tế, ý của họ là làm yếu nền tảng chính trị của họ Hà. Bản thân Hà Tiến cũng chần chừ. Một mặt ông này vừa “sợ trái ý Thái hậu”, vừa “kính sợ hoạn quan”, một mặt cũng chỉ muốn trừ bỏ một vài “kẻ phóng túng” trong số người đó. Người duy nhất hăng hái trong vụ này chỉ có mỗi Viên Thiệu. Viên Thiệu phải đặt Hà Tiến vào thế cung đã giương lên không thể không bắn.
Viên Thiệu hai lần xui Hà Tiến
Viên Thiệu lại đề xuất với Hà Tiến nên gọi quân ở bốn phương về kinh, để uy hiếp Thái hậu. Hà Tiến bằng lòng. Ở phía Tây, Hà Tiến cho gọi Tinh Châu mục Đổng Trác. Ở phía Bắc thì gọi Vũ Mãnh đô úy Đinh Nguyên. Ở phía Đông thì gọi Thái thú Đông Quận là Kiều Mạo. Hà Tiến còn phái quan Duyện của mình là Vương Khuông và Kỵ đô úy Bào Tín về quê nhà để mộ binh. Các đạo quân này đều hướng về kinh đô Lạc Dương.
Đổng Trác dâng thư về triều, nói rõ ý định muốn tiêu diệt bọn hoạn quan Trương Nhượng. Đinh Nguyên thì kéo quân đánh quận Hà Nội, đốt cháy bến đò Mạnh Tân. Ánh lửa sáng rọi cả vào kinh thành. Mục tiêu của họ là uy hiếp Thái hậu phải diệt hoạn quan.
Sứ giả mang chiếu thư gọi quân diệt hoạn quan. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605
Chủ trương của Viên Thiệu bị phản đối dữ dội. Thị ngự sử Trịnh Thái, Chủ bạ Trần Lâm đều cho rằng không nên dùng đến binh lực bên ngoài. Trần Lâm cho rằng muốn diệt hoạn quan thì dùng binh lực trong tay Hà Tiến là đủ, không cần mượn quân từ bên ngoài.
Trịnh Thái và Thượng thư Lư Thực đều nói không nên mượn sức Đổng Trác. Điển quân Hiệu úy Tào Tháo cũng không tán thành. Tào Tháo cũng chủ trương dùng pháp luật nhắm vào một số kẻ đầu sỏ, chứ không cần dùng binh lực bên ngoài. Chu Miêu cũng khuyên can Hà Tiến. Ông ta nói rằng sự phú quý của họ là do “người trong cung” đem đến, khuyên ông ta suy nghĩ kỹ.
Sử gia đời sau cho rằng Hà Tiến không nghe lời Trịnh Thái và Lư Thực. Trịnh Thái vì thế bỏ chức quan. Nhưng trên thực tế, Hà Tiến đã phái Gián nghị Đại phu Chủng Thiệu đi tuyên chiếu bảo Đổng Trác đừng tiến quân nữa. Đổng Trác phải tạm lui quân.
Trịnh Thái can Hà Tiến. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610
Viên Thiệu ba lần xui Hà Tiến
Sự việc lại có cơ đổ vỡ. Viên Thiệu phải lần nữa thúc giục Hà Tiến. Viên Thiệu nói rằng “hình thế đã lộ”, sao còn chần chừ làm gì. Viên Thiệu còn dọa rằng “việc để lâu sinh biến”, sẽ lại thành họ Đậu thứ hai.
Hà Tiến bị dọa, lại hành động thêm một tí. Ông ta bổ nhiệm Viên Thiệu làm Tư lệ Hiệu úy, nắm quyền điều động quân đội ở vùng kinh kỳ; lại ban thêm cho quyền Giả tiết – được chém trước tâu sau. Tòng sự Trung lang Vương Doãn – tức Vương tư đồ nổi tiếng sau này – được bổ nhiệm là Hà Nam doãn (tức quan lại đứng đầu địa phương kinh thành). Hà Tiến lại một mặt sai thuộc hạ đi dò xét hoạn quan, một mặt thúc giục Đổng Trác tiếp tục dọa tiến quân để uy hiếp Thái hậu.
Trương Nhượng hối lộ Hà Miêu (Chu Miêu). Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605
Hà thái hậu quả thực bị dọa cho sợ. Nhưng rốt cuộc tiêu diệt hoạn quan cũng không phải là chí nguyện và lợi ích của họ Hà. Đó là chí nguyện và lợi ích của Viên Thiệu – người thuộc phe đảng nhân. Vì vậy Hà thái hậu vẫn kiên trì thỏa hiệp. Bà bãi chức tất cả Trung thường thị và Tiểu hoàng môn, chỉ giữ lại người thân tín của Hà Tiến trong cung. Các Thường thị và Hoàng môn thì sang chỗ Hà Tiến tạ tội. Hà Tiến cũng xử lý rất nhẹ nhàng, chỉ khuyên họ quay trở về đất phong của họ. Viên Thiệu khuyên Hà Tiến nhân cơ hội này thanh toán hết hoạn quan. Nhưng Viên Thiệu khuyên hai ba lần, Hà Tiến đều bỏ ngoài tai. Viên Thiệu phải một lần nữa thúc đẩy kế hoạch.
Viên Thiệu bốn lần xui Hà Tiến
Để thúc đẩy mâu thuẫn hơn nữa, Viên Thiệu lại giả mệnh lệnh của Hà Tiến, yêu cầu các châu quận bắt giữ thân thuộc của hoạn quan. Điều này đã thúc ép hoạn quan vào đường cùng, không thể không đánh trả. Trung thường thị Trương Nhượng có con dâu là em gái Hà thái hậu. Thông qua con dâu, Trương Nhượng bày tỏ ý kiến muốn vào cung gặp Thái hậu lần cuối trước khi thoái lui hoàn toàn. Hà thái hậu đồng ý, ban chiếu cho các Thường thị trở lại cung cấm.
Thường thị xin Hà thái hậu giúp bảo toàn cho họ. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1664
Hà Tiến thấy các Thường thị trở lại thì chột dạ, lại vào cung khuyên Hà thái hậu diệt hoạn quan. Trung thường thị Trương Nhượng, Đoàn Khuê sai người rình nghe, biết được ý Hà Tiến. Họ đành phải liều chết phản kích.
Nhân lúc Hà Tiến đi ra, họ liền giả chiếu của Thái hậu, gọi Hà Tiến vào gặp. Bên ngoài có mấy chục thủ hạ của hoạn quan cầm binh khí phục sẵn. Bọn Trương Nhượng trách Hà Tiến. Họ nói thiên hạ đại loạn “không phải tội riêng của bọn ta”, đồng thời kể lể công lao cứu vớt họ Hà của họ. Các Thường thị cũng nói thẳng rằng họ “chỉ muốn làm người dưới cửa” của Hà Tiến, thế mà Hà Tiến lại muốn diệt tộc họ.
Không rõ Hà Tiến đối đáp lại thế nào. Nhưng sau đó Thượng phương giám Cừ Mục rút kiếm chém chết Hà Tiến ở trước cửa điện Gia Đức. Các hoạn quan liền lập chiếu chỉ giả, cho Phàn Lăng thay Viên Thiệu làm Tư lệ Hiệu úy, Hứa Tương thay Vương Doãn làm Hà Nam doãn. Mệnh lệnh được đưa tới chỗ Thượng thư (Thượng thư lúc này là Lư Thực – thầy của Lưu Bị). Vì nghi ngờ nên Thượng thư đòi gặp Hà Tiến. Trung hoàng môn liền ném đầu Hà Tiến ra cho họ gặp. Sự việc đã không còn cứu vãn được nữa. Toàn bộ đều là “công lao” thúc đẩy của Viên Thiệu. Nhưng Viên Thiệu lại bị hậu nhân mắng chửi thậm tệ, rốt cục là vì sao?