Nhàn thoại Tam Quốc – kỳ 24: Nửa đời bị tước bỏ của Đổng Trác

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – kỳ 24: Nửa đời bị tước bỏ của Đổng Trác

Nhắc đến Đổng Trác, chúng ta sẽ tưởng tượng ngay hình ảnh một gã phì nộn độc ác, cũng là người mở đầu loạn lạc, khiến cho nhà Hán suy tàn, Tam quốc hình thành. Có thể nói, hình tượng Đổng Trác đã được xây dựng hết sức điển hình, khắc sâu vào tim óc mọi người. Hình tượng đó hoàn toàn đáng ghét, đáng hận, không có chỗ nào khả thủ. Nhưng sự thực có đúng như vậy không?

Hai tiểu sử Đổng Trác

Người Việt Nam biết đến Đổng Trác phần lớn là từ hình tượng của Tam quốc diễn nghĩa. Phải đến gần đây, khi bộ sử Tam quốc chí của Trần Thọ được dịch, ta mới biết đến mô tả lịch sử về Đổng Trác. Sử gia thời Đông Tấn là Phạm Diệp khi viết Hậu Hán thư cũng có truyện về Đổng Trác. Phần viết của hai người về cơ bản là đại đồng tiểu dị. Học giả thời Thanh là Vương Minh Thạnh từng nhận xét rằng: 

“Đem các truyện về Đổng Trác, Viên Thiệu, Viên Thuật [do Trần Thọ viết] mà so với [Hậu Hán] thư của Phạm, thì Phạm đầy đủ gấp bội Trần Thọ. Phàm những điều mà Bùi Tùng Chi nhặt nhạnh cho vào phần chú thích, thì Phạm đều lấy làm chính văn. Sự tinh giản của Trần Thọ vốn hơn hẳn Phạm”

Tại sao lại nói như vậy?

Minh họa Đổng Trác trong bản in Tam quốc diễn nghĩa thời Thanh

Học giả thời Thanh là Chu Thọ Xương giải thích: 

“Đem truyện này của Trác [trong Tam quốc chí] so sánh với Hậu Hán thư thì hơi lược. Có lẽ nửa đầu của Trác lập công nơi biên thành, rồi chuyện hắn cường mạnh bạo ngược, tội trạng thí nghịch, đều xảy ra dưới triều Hán, vì thế sử của họ Phạm không thể không chép kỹ. Để cho thấy hắn là nguyên do làm nghiêng triều Hán, thì phải như Chí của họ Trần, chỉ chép kỹ từ lúc Hà Tiến gọi vào kinh trở về sau. Sự cắt xén bỏ chọn đó đủ chứng minh sử bút trong sạch”

Nói cách khác, Phạm Diệp viết Hậu Hán thư là viết tiểu sử các nhân vật thời Hán. Hành trạng của Đổng Trác hoàn toàn diễn ra vào thời Hán, nên cần thiết phải viết rõ từ đầu đến cuối. Ngược lại, từ góc độ của Tam quốc chí mà nói, Đổng Trác không phải là nhân vật Tam quốc. Chép truyện của ông ta là để làm rõ vì sao nhà Hán sụp đổ, nhà Ngụy ra đời mà thôi. Nói như Chu Thọ Xương, “chép về Trác, là chép nguồn gốc của loạn lạc”. Vì vậy chỉ cần nhấn mạnh Đổng Trác phá hoại nhà Hán như thế nào, tội ác ra sao. Còn nửa đời trước đó dù Đổng Trác có xả thân vì nước, lập công biên thành cũng không cần phải nhắc nhở chi tiết làm gì cho thêm rườm rà. Vì mục tiêu chép sử là để đấu tố Đổng Trác, chứ có phải kể công Đổng Trác đâu!

Chân dung Vương Minh Thạnh (1722-1797) trong Thanh đại học giả tượng truyện

Quán triệt tư tưởng này, Trần Thọ viết về phần lớn cuộc đời Đổng Trác hoàn toàn sơ lược, chỉ tập trung vào bốn năm cuối đời. Những chỗ nào Đổng Trác lập nhiều công lao rườm rà quá thì Trần Thọ thẳng tay cắt bỏ. Phải nhờ ghi chép của Phạm Diệp trong Hậu Hán thư, chúng ta mới biết được chỗ cắt đó. Trần Thọ làm việc này một cách có ý thức. Trong mắt Trần Thọ thì Đổng Trác là kẻ “lang sói nhẫn tâm, bạo ngược bất nhân, từ lúc có sách vở đến nay chưa từng có ai như vậy”. Ông ta chỉ cần cố gắng chứng minh những nhận xét đó là đủ. Nhưng bằng việc cắt xén bỏ chọn, Trần Thọ không đưa cho chúng ta sự thực với góc nhìn đa chiều, mà chỉ đưa cho ta những “sự thực” mà ông muốn người đời sau tiếp nhận. 

Người ta có nói: Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật há lại là sự thật! Huống hồ, cái mà Trần Thọ đưa ra còn chưa tới nửa ổ bánh mì, mà chỉ là một góc cùi chỏ bánh mì bị nướng cháy đen mà thôi. Liệu có thể đưa ra những phán xét công bằng về Đổng Trác qua mớ tư liệu đã bị kiểm duyệt đó? Liệu còn có một hình tượng Đổng Trác nào mà Trần Thọ cố tình che giấu?

Danh tướng - công thần Đổng Trác

Đổng Trác tự là Trọng Dĩnh, người huyện Lâm Thao quận Lũng Tây. Cha của Đổng Trác là Quân Nhã, lúc đi làm huyện úy Luân Thị thuộc quận Dĩnh Xuyên thì sinh ra Đổng Trác và em trai Trác là Đổng Mân. Vì vậy tên tự của hai người đều lấy chữ Dĩnh. Đổng Mân tự là Thúc Dĩnh. Đổng Trác còn một người anh trai là Đổng Trạc, tự Mạnh Cao, nhưng mất sớm.

Đổng Trác lúc trẻ thích hành hiệp, từng đi vào trong đất người Khương. Ông ta kết bạn với hết thảy hào soái ở đó. Lúc Đổng Trác trở về cày ruộng thì cũng có hào soái đi theo. Đổng Trác khảng khái thịt luôn con bò cày của mình để đãi. Các hào soái cảm động, khi trở về liền đưa tới hơn ngàn đầu gia súc các loại để tặng Trác. Phạm Diệp nhận xét rằng Trác “thô mãnh, có mưu”, lại “vì khỏe mạnh, hào hiệp mà được biết danh”, nên được dùng làm Binh mã duyện trong châu. Đổng Trác “sức cánh tay hơn người, hai bên đeo hai bao cung, ruổi ngựa bắn được cả hai tay”. Người Khương, Hồ cũng ngán ngại Trác.

Hình tượng Đổng Trác (phải) trong Tam quốc chí bình thoại thời Nguyên

Bùi Tùng Chi dẫn Ngô thư nói rõ hơn. Ban đầu quan quận gọi Đổng Trác ra làm chức Lại, sai coi việc đạo tặc. Bấy giờ ở địa phương thường bị người Hồ cướp bóc. Thứ sử Lương Châu là Thành Tựu mới gọi Trác tới làm Tòng sự, sai dẫn quân kỵ đi đánh. Đổng Trác đại phá giặc, bắt và chém đến ngàn tên. Cuối thời Hán Hoàn đế, Đổng Trác được chọn vào làm Vũ Lâm lang. Vũ Lâm lang là lính túc vệ của vua, thường được chọn trong số con em nhà lương gia ở sáu quận phía Tây, nên Đổng Trác cũng được dự. 

Đổng Trác không có duyên làm quan ở phương Đông. Một thời gian sau, Đổng Trác lại làm Tư mã, theo Trung lang tướng Trương Hoán đi đánh dẹp. Trương Hoán cũng là danh tướng phía Tây, gốc người Đôn Hoàng quận Tửu Tuyền. Đó là khoảng năm 166 thời Hán Hoàn đế. 

Trần Thọ chỉ nói Trác “theo Trung lang tướng Trương Hoán chinh phạt Tinh Châu, có công”. Nói như thế là đã xén bớt một phần ba công trạng của Trác. Lúc bấy giờ người Tiên Ti, Nam Hung Nô, Ô Hoàn, Đông Khương, Trầm Đê Khương, Tiên Linh Khương chia nhau cướp phá ba châu U, Tinh, Lương. Triều đình mới phái Trương Hoán đi đánh dẹp. Năm 167, các chủng người Khương Ngạn Vĩ, Ma Miết lại cướp bóc vùng Tam phụ của Quan Trung. Trương Hoán sai Tư mã Đổng Trác cùng Tư mã Doãn Đoan công kích, đại phá quân địch, chém kẻ đầu sỏ và bắt sống hơn vạn người. Kết quả là “ba châu yên tĩnh”. 

Vì công lao trong chiến dịch đó, Đổng Trác được bái làm Lang trung, được thưởng chín ngàn xấp lụa mịn. Đổng Trác khẳng khái nói: “Người làm là ta, người hưởng là lính”, rồi chia hết số vải cho thuộc lại và binh sĩ, không hề giữ lại cho mình một chút nào. Sau này Đổng Trác không ít lần nhắc đến tình cảnh khổ sở của binh sĩ. Sự quan tâm đó có lẽ chính là lý do khiến Đổng Trác được lòng quân lính và có nhiều người trung thành với ông ta.

Phạm vi làm loạn của người Khương cuối thời Đông Hán. Trích từ "Trung Hoa thông sử" của Trần Trí Bình

Đầu thời Hán Linh đế, Đổng Trác trải nhiều thăng trầm. Đổng Trác làm huyện lệnh Quảng Vũ (thuộc quận Nhạn Môn của Tinh Châu), làm Đô úy ở Bắc bộ của Thục quận, rồi làm Tây Vực Mậu Kỷ hiệu úy. Vì ai đó liên lụy nên Đổng Trác bị miễn chức quan, rồi lại được triệu làm Thứ sử Tinh Châu, rồi Thái thú Hà Đông.

Năm 184, Khăn Vàng nổi dậy. Đổng Trác được bái làm Đông trung lang tướng, được quyền Trì tiết, thay Lư Thực đánh Trương Giác ở Hạ Khúc Dương. Nhưng Đổng Trác không có vận ở phương Đông. Giang Biểu truyện cho biết lúc này Trác không nghe theo kế sách của Thái thú Cự Lộc là Quách Điển, nên bị thua trận. Đổng Trác bị giáng tội. Nhưng đến đầu năm sau thì Đổng Trác lại được dùng lại, vì phương Tây nổi loạn.

Trương Phi chiến Trương Giác để cứu Đổng Trác. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605

Cuối năm 184 – đầu năm 185, người Tiên Linh Khương và một số đạo tặc khác ở Lương Châu nổi dậy, tôn Bắc Cung Bá Ngọc và Lý Văn Hầu làm tướng quân. Bắc Cung Bá Ngọc lại cho Biên Chương, Hàn Toại nắm quyền quân chính. Quân phản loạn tiến vào Tam phụ, uy hiếp lăng tẩm nhà Hán. Hán Linh đế mới cho Đổng Trác làm Trung lang tướng, làm phó cho Tả Xa kỵ tướng quân Hoàng Phủ Tung đi bảo vệ viên lăng. Hoàng Phủ Tung có mâu thuẫn với hoạn quan. Không lâu sau, Hoàng Phủ Tung bị gièm là bất lực, nên bị triệu hồi. Xa Kỵ tướng quân Trương Ôn ra thay. Đổng Trác được thăng Phá Lỗ tướng quân, thuộc quyền điều động của Ôn.

Cuối năm 185, nhân có sao băng bay qua trại của Biên Chương, Hàn Toại. Quân địch cho là điềm không lành, muốn rút lui. Đổng Trác chớp thời cơ đó công kích, đại phá quân địch, chém hơn ngàn thủ cấp. Biên Chương, Hàn Toại phải trốn về Du Trung. Chiến công này đã bị Trần Thọ cắt bỏ.

Minh họa Hàn Toại trong bản in Tam quốc diễn nghĩa thời nhà Thanh

Trương Ôn lại phái Đổng Trác đem ba vạn quân đi đánh người Tiên Linh Khương. Đổng Trác bị vây ở phía bắc huyện Vọng Viên quận Hán Dương. Đổng Trác dùng kế giả vờ đắp đập bắt cá, nhưng lại ngầm men theo chân đập để rút quân. Khi qua được rồi, thì phá đập để nước tích trong đập ùa ra, thành dòng chảy xiết chặn truy binh của địch. Chiến dịch này sáu cánh quân lên Lũng Tây thì năm cánh thảm bại, riêng Đổng Trác đem được toàn quân trở về. Vì thế nên ông được phong Li hương hầu, thực ấp ngàn hộ.

Bắt đầu của định mệnh

Đến năm 186, Trương Ôn bị gọi về. Hàn Toại giết cả Biên Chương lẫn Bắc Cung Bá Ngọc và Lý Văn Hầu, thâu tóm lực lượng của họ nên càng thêm mạnh, còn liên kết với Mã Đằng làm loạn, cùng tôn người quận Hán Dương là Vương Quốc làm Hợp Chúng tướng quân. Năm 188, Vương Quốc vây Trần Thương. Đổng Trác được bái làm Tiền tướng quân, lại đi theo Tả tướng quân Hoàng Phủ Tung đi đánh. Chiến dịch này Đổng Trác hai lần đề xuất mưu kế, đều bị Hoàng Phủ Tung gạt đi. Cuối cùng Hoàng Phủ Tung đi đầu còn Đổng Trác đi sau, một mình đánh bại quân địch. Hai bên từ đó chuyển thành hiềm khích. 

Minh họa Hoàng Phủ Tung trogn Tam quốc chí bình thoại thời Nguyên

Hán Linh đế triệu Đổng Trác về kinh làm Thiếu phủ, còn ra lệnh giao thuộc lại và binh sĩ dưới quyền cho Hoàng Phủ Tung. Đổng Trác dâng thư từ chối, lấy cớ là binh sĩ giữ mình lại, còn xin “tạm hành chức Tiền tướng quân, tận tâm vỗ về, ra sức nơi hàng trận”. Đến lúc Linh đế ốm nặng (năm 189), lại chuyển sang bái Đổng Trác làm Tinh Châu mục, vẫn ra lệnh Trác đem quân lính của mình trao lại cho Hoàng Phủ Tung. Đổng Trác lại dâng thư từ chối, chỉ xin “làm tướng ở Bắc châu, ra sức nơi biên thùy”. 

Tính đến thời điểm này, Đổng Trác đã có hơn hai mươi năm lăn lộn trong quan trường. Những ngày tháng huy hoàng nhất của Đổng Trác chính là thời kỳ cầm quân ở phương Tây, giao chiến với người Khương, Hồ, bảo vệ an nguy cho nhà Hán. Anh hùng ký nói: “Trác mấy phen giao chiến với Khương, Hồ, trước sau đánh hơn trăm trận”. Tào Tháo từng mơ lúc chết được ghi trên bia mộ mấy chữ “Cố Hán Chinh Tây tướng quân Tào hầu”. Đổng Trác chính đã làm được như vậy.

Quan Tây là địa bàn mà Đổng Trác quen thuộc, lẽ tự nhiên ông không muốn bỏ mà đi chỗ khác. Điều đáng nói ở đây là Hán Linh đế gọi Đổng Trác về làm quan thì ông ta cự tuyệt, nhưng khi Hà Tiến gọi Đổng Trác về diệt hoạn quan thì ông ta lại đi ngay. Lựa chọn đó đã đưa cuộc đời Đổng Trác rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, biến Đổng Trác thành kẻ “lang sói nhẫn tâm, bạo ngược bất nhân, từ lúc có sách vở đến nay chưa từng có ai như vậy”. Đổng Trác đã làm gì để bị đánh giá tồi tệ như thế?

Chia sẻ câu chuyện này
Share