Voi chiến: Cỗ thiết giáp đến từ núi rừng

Tác giả Đông Nguyễn
Voi chiến: Cỗ thiết giáp đến từ núi rừng

Voi chiến là một cảnh tượng kỳ vĩ trên chiến trường thời cổ. Phạm vi sử dụng chúng thực ra rất rộng, từ Indonesia ở phía Đông đến Tây Ban Nha ở phía Tây, từ hơn 5000 năm trước đến tận thế kỷ 19, do phạm vi sống của loài voi xưa từng rất rộng, nhưng ngày nay chúng đã tuyệt chủng trên một phần lớn lãnh thổ nguyên thủy.

Những tác phẩm mỹ nghệ sớm nhất của nền văn minh sông Indus ở Ấn Độ cách đây hơn 5000 năm đã xuất hiện hình ảnh loài voi, dù chưa thể xác định họ đã sử dụng voi trong chiến trận chưa. Triều đại nhà Thương (3600 – 3000 năm trước) ở phía Bắc Trung Quốc cũng chuộng đề tài voi, mặc dù dựa trên việc các tượng có hai “ngón tay” ở đầu vòi thay vì một như voi Châu Á, người ta phỏng đoán rằng nhà Thương đã thuần hóa loài Palaeoloxodon – một họ hàng của voi hiện đại với chiều cao lên đến bốn mét, và ngà dài, thẳng, cũng dài tương đương.

Ấn triện của nền văn minh sông Indus có hình voi
Tượng đồng có vòi “hai ngón” được cho là loài Palaeoloxodon - triều nhà Thương
So sánh kích cỡ của Palaeoloxodon và một nam giới trưởng thành

Cư dân Đông Sơn của Việt Nam cũng để lại những tượng đồng có hình voi, trên lưng mang chiến binh với giáo mác. Như vậy Việt Nam đã xuất hiện voi chiến từ rất sớm trong lịch sử.

Voi chở chiến binh cầm giáo mác - văn hóa Đông Sơn

Không như gia súc, voi không thể thuần hóa do chúng không sinh đẻ trong môi trường giam giữ. Để có được voi, người ta phải tổ chức những cuộc vây bắt quy mô và sau đó huấn luyện chúng. Sách Lĩnh Ngoại Đại Đáp thời Tống mô tả cách thức vây bắt, huấn luyện của người Việt như sau: 

Trong núi non Giao Chỉ có những hang đá, chỉ có duy nhất đường vào, xung quanh toàn vách đá, người Giao trước hết đặt cỏ, đậu bên trong, xua một con voi cái thuần vào trong. Sau đó rải mía trên đường dụ voi hoang dã, chúng đến ăn mía, thì người ta thả voi cái thuần nhập bọn voi hoang để dụ về. Khi đã vào trong hang, lấy đá to chặn cửa hang. Voi hoang rất đói rồi thì người ta men theo vách đá cho voi cái thuần ăn, voi hoang thấy con voi cái được cho ăn, ban đầu tuy sợ, sau cùng cũng khinh suất mà đòi ăn. Khi đã vào gần, con người bèn vụt roi, hơi thuần rồi thì leo lên mà chế ngự. 

Phàm chế ngự voi, phải dùng móc câu. Người Giao thuần hóa voi thì cưỡi thẳng lên gáy nó, tay cầm móc câu sắt để móc đầu nó. Muốn voi quay trái thì móc vào bên phải đầu, muốn voi quay phải thì móc vào bên trái đầu, muốn dừng thì móc vào trán, muốn tiến lên thì không móc, muốn voi quỵ gối thì dùng móc câu ấn vào não, rồi lại ấn vài lần. Voi đau quá kêu lên, người ta cho là voi có khả năng dùng tiếng để tỏ thuần phục vậy. Người ta thấy cả đàn đi đứng, sắp hàng nhất loạt mà không biết có cái móc câu để điều khiển đi, dừng, trái, phải đâu. 

Đại khái voi là loài thú, hình dáng tuy to mà không thắng được đau đớn. Bởi vậy người ta dùng cái móc câu dài vài phân mà thuần phục được. Lâu dần hiểu được ý người, thấy người cưỡi đến, hạ đầu quỳ gối, người đó trèo lên gáy, ắt đứng lên khởi hành”.

Cảnh dùng voi nhà bắt voi rừng ở Ấn Độ
Móc câu để điều khiển voi

Trong chiến trận, voi có nhiệm vụ xung phong, dùng sức của vòi, ngà và chân để phá tan đội hình bộ binh địch, nhằm tạo kẽ hở cho quân ta tiến lên. Mỗi voi chiến thường có bành trên lưng, trong đó có tay bắn cung/ nỏ/ súng, bên dưới lại có bộ binh theo sau để hỗ trợ. Nhiều nền văn hóa còn trang bị áo giáp và kiếm thép buộc vào ngà để tăng khả năng sống sót cùng sức sát thương cho voi. Chẳng hạn, vua Lâm Ấp (Chăm Pa) – Phạm Dương Mại đã mặc giáp trụ cho voi chiến để cự nhau với tướng Lưu Tống (Trung Quốc) – Đàn Hòa Chi ở thế kỷ thứ 5.

Voi chiến Ấn Độ mặc áo giáp

Dẫu vậy voi chiến cũng có nhiều cách trị. Cách thường thấy nhất là dàn voi chiến của chính mình để đấu với voi đối phương, như cách các vương quốc Hy Lạp Hóa (các vương quốc ở Nam Á và Trung Á do hậu duệ của các tướng lãnh của Alexander Đại Đế lập nên), hay các nước Đông Nam Á sử dụng. 

Cung nỏ bộ binh không quá hiệu quả bởi da của voi rất dày, và voi chiến có thể sấn đến gần quân bộ rất nhanh, trong khi cung thủ trên lưng voi cũng xả tên để chế áp. Nhưng cung thủ trên ngựa có cơ hội khá cao bởi voi không thể bắt kịp tốc độ ngựa chạy. Do đó kỵ binh có thể bình tĩnh nhắm bắn vào chỗ sơ hở trên áo giáp như mắt voi hoặc người quản tượng. Những phương thức khác bao gồm rải bẫy chông hoặc đặt hầm, nhưng chỉ phù hợp cho phòng thủ, bởi trong dã chiến thì các bên không có thời gian chuẩn bị những loại bẫy phức tạp như vậy.

Song đấu bằng voi giữa vua Naresuan của Ayutthaya/Thái Lan và thái tử Mingy Swa của Hongsawadee/Myanmar
Kỵ binh Mông Cổ đối chọi với voi chiến Hồi quốc Delhi

Từ thế kỷ 19, với sự ra đời của hỏa khí, người ta nghĩ ra cách dùng lửa, khói và tiếng nổ để khiến voi sợ hãi và quay ngược lại phá vỡ chính quân mình. Nhưng cũng như với ngựa, các nước sử dụng voi chiến nhanh chóng luyện cho voi quen với khói lửa và tiếng nổ. Bài tập đó là một trong những nội dung quân sự quan trọng trong điển lệ triều Nguyễn. Thậm chí, sách Thánh Vũ Ký của nhà Thanh còn ghi rằng quân Tây Sơn cho voi chở đại pháo xung trận.

Đại bác gắn trên bành voi của Ayutthaya/Thái Lan

Vai trò của voi chiến chỉ thực sự cáo chung vào thế kỷ 19 khi uy lực của súng, đặc biệt là đại bác có thể kết liễu voi bằng một phát đạn trúng đích. Thế nhưng những câu chuyện về những chú chiến tượng tung hoành ngang dọc chiến trường từ cổ chí kim luôn cuốn hút và khơi gợi trí tưởng tượng của người hiện đại.

Tác Giả Đông Nguyễn
Thiết Kế Gia Thuần

Chia sẻ câu chuyện này
Share