Lợi ích thứ nhất là thu thập người tài, đưa họ vào họ tộc của mình với tư cách một thành viên. Điều này góp phần duy trì và tăng cường sức mạnh của vị quân chủ nói riêng, và họ tộc của ông ta nói chung. Có thể thấy qua các trường hợp của Dương Đình Nghệ, Trần Lãm, và rõ nhất ở vị quan đã nhận nuôi Lê Hoàn. Khi Lê Hoàn đạt được những thành tựu chính trị, đương nhiên gia đình, họ tộc của người cha nuôi cũng sẽ được hưởng lợi không kém mà với tài năng của họ tộc ông ta, khó có thể đạt được thành tựu tương đương. Đến lượt Lê Hoàn cũng nhận nuôi con, và sử dụng người con nuôi này như một vị tướng để trấn giữ đất đai, đánh dẹp nổi dậy.
Bên cạnh việc thu thập nhân tài, hành vi nhận con nuôi còn được sử dụng như một biện pháp để xử lí những mối quan hệ chính trị. Dương Tam Kha có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất, khi nhận nuôi Ngô Xương Văn sau khi vừa cướp ngôi cha ruột của người con này. Ý đồ của ông khá dễ nhận ra, là hy vọng có thể dùng tình thân để “tẩy não” và hoá giải thù hận của bản thân với thế lực nhà Ngô. Tuy vậy, ý đồ này cuối cùng đã thất bại.
Về phía người con nuôi, việc được những thế lực đương thời nhận nuôi có thể mang đến những lợi ích không thể đo đếm được. Lợi ích trước mắt là họ được hưởng nền giáo dục và trang bị tốt nhất thời đó, cũng như cơ hội tiếp cận những yếu nhân quyền lực để có thể thể hiện năng lực bản thân, hòng leo lên nấc thang quyền lực mà một người dân thường khó thể nào mơ đến.
Bên cạnh Lê Hoàn, trường hợp Lê Ốc Thuyên là ví dụ rõ nhất cho lợi ích này. Sau khi được hoàng hậu – tức thế lực ngoại thích – nhận nuôi, ông đã được nhà vua phong vương, chính thức bước vào hàng ngũ quý tộc. Hiển nhiên, những người con nuôi này, dù có trèo cao đến đâu cũng khó có thể được “vua cha” truyền ngôi cho. Tuy nhiên, vị thế một vị thân vương có đất phong và quyền sử dụng quân sự hẳn hoi (con nuôi của Lê Hoàn), hay một vị quan lớn trong truyền (Lê Hoàn), cũng đều là những kết quả không tồi.
Đinh Bộ Lĩnh có thể xem là trường hợp đặc biệt và cũng là thành công nhất, khi ông tự giác xin làm con nuôi của một thế lực khác, và cuối cùng đã “tiêu hoá”, biến thế lực đó thành một bộ phận của quyền lực bản thân. Tuy nhiên, để đạt được thành tựu này cần rất nhiều yếu tố đặc biệt ở bên ngoài. Cụ thể, người cha nuôi Trần Lãm của ông vốn không con, và bản thân Đinh Bộ Lĩnh phải sở hữu sẵn một thế lực hùng mạnh không thua kém vị sứ quân trên. Nhờ thế, việc sát nhập hai thế lực trên mới có thể diễn ra suôn sẻ.