Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 4: Đuổi rắn vào hang

Tác giả Wong Trần
Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 4: Đuổi rắn vào hang

Quân Nguyễn đánh đuổi Phạm Tất Toàn vào Lũng Bông rồi, đương bàn kế sách bắt Lê Văn Hiểu. Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến hỏi Ký lục Thịnh Hội:

– Thế nào là “lấy thực đánh hư thì thắng”?

Thịnh Hội đáp:

– Phàm kẻ dùng binh lấy việc tính toán binh số rộng rãi làm đầu. Hôm trước quân ta phá Phạm Tất Toàn ở Lũng Bông, đuổi Đặng Minh Tắc ở chợ Đằng. Lê Văn Hiểu được tin ắt sẽ phát đại binh giữ Hoành Sơn và cửa biển Hải Khẩu. Quân ta sẽ khó vượt qua. Chi bằng sai thủy binh hạ đạo kéo ra Hải Khẩu, tập kích sau lưng chúng, chiếm nhà dân ở ven biển, phóng hỏa làm hiệu, khiến cho bọn giặc trông thấy khói lửa, sẽ cho rằng chúng ta đã chiếm được đất đai, thì tim mật tự vỡ, rồi tìm đường tiện mà chạy trốn. Còn rỗi đâu mà tính chuyện giữ Hoành Sơn chứ? Nếu chúng không giữ Hoành Sơn, thì quân ta thừa cơ ấy xuyên qua, cũng ví như cơn gió mạnh thổi đám lá rơi, trận mưa lớn xối cánh hoa tàn. Đại quân trực chỉ Dinh Cầu, ắt bắt được Lê Văn Hiểu. Đó là phép “lấy thực đánh hư” đấy.

Nguyễn Hữu Tiến nghe kế ấy khác với mưu kế của Nguyễn Hữu Dật, lại nhắc chuyện đốt nhà dân, thì nói:

– Kế ấy tuy diệu, nhưng nó gấp quá, sợ mất lòng dân.

Rồi quay sang hỏi Nguyễn Hữu Dật:

– Lệnh chỉ của thánh thượng ra sao? Ông nên thuật lại một phen, để mọi người được hiểu mà nghe lệnh.

Nguyễn Hữu Dật không trình bày kế sách đã tính, mà chỉ nói rằng:

– Thánh thượng ban lệnh chỉ, truyền cho quý huynh nên tiết chế tướng sĩ các doanh thủy bộ. Việc phân phái điều khiển, chiến đấu công kích, tùy cơ ứng biến, thảy đều do nguyên nhung nắm quyền. Nếu các tướng có ai trái lệnh, thì khải tấu về vương đình, sẽ y luật xử không tha.

Vốn dĩ Thịnh Hội đoán Lê Văn Hiểu chẹn Hoành Sơn, nhưng Nguyễn Hữu Dật lại đoán ông ta sẽ vào Lũng Hống rồi qua Lũng Bông để hội với Phạm Tất Toàn. Trên thực tế, phán đoán của Nguyễn Hữu Dật là chính xác. Nhưng Nguyễn Hữu Dật không cần thiết phải đứng ra tranh biện. Bản thân Nguyễn Hữu Tiến cũng đã biết được đại kế hoạch. Lấy quyền Tiết chế để ban lệnh, thì ai dám cãi. 

Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến y theo kế sách cũ, chia đại quân thành hai đạo: thượng đạo đi đánh Phạm Tất Toàn ở Lũng Bông, hạ đạo vượt Hoành Sơn đánh úp Dinh Cầu. 

Quân hạ đạo do Chưởng cơ Xuân Sơn dẫn quân chính dinh làm Tiên phong, Trấn thủ dinh Quảng Bình là Nguyễn Phước Kiều làm đội thứ hai, Cai cơ Uy Lễ làm đội thứ ba, Cai cơ Mậu Hoa làm đội thứ tư, Cai cơ Nghĩa Lộc làm đội thứ năm. Bản thân Nguyễn Hữu Tiến dẫn quân doanh Tráng Tiệp làm chính đội nối theo sau. Lại cho Cai cơ Triều Nghi làm Tả vệ trận, Cai cơ Phù Tài làm Hữu vệ trận để bảo vệ hai cánh; Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật chỉ huy cơ Tiền Nhuệ đi sau tiếp ứng.

Quân thượng đạo vẫn do Trấn thủ Bố Chính là Phù Dương, Trấn thủ Dinh Cũ là Tống Hữu Đại đưa quân trở lại Lũng Bông, thong thả tấn công quân của Phạm Tất Toàn. Nhiệm vụ của hai tướng là thu hút quân Trịnh và mua thời gian để cánh quân hạ đạo vượt Hoành Sơn. Đến giờ Ngọ là lúc giữa trưa, bấy giờ mới được phép đánh mạnh để bắt Phạm Tất Toàn, rồi xông lên tiếp ứng cho quân hạ đạo đánh chiếm Dinh Cầu.

Các quân nhận lệnh. Đến canh ba thì nấu cơm. Đến khắc thứ nhất của canh tư, có ba tiếng pháo lệnh nổ. Các quân theo thứ tự lên đường.

Lê Văn Hiểu lúc này đã đưa quân rời Dinh Cầu, theo đường thượng đạo vào Lũng Bông cứu viện cho Phạm Tất Toàn. Trên hướng hạ đạo Hoành Sơn là phần nhiệm vụ do Hữu Trấn doanh Đông quận công Lê Hữu Đức quản lý. Trong tay Lê Hữu Đức có 5000 thủy quân, có nhiệm vụ trấn giữ từ cửa biển Hải Khẩu (tức cửa Nhượng) cho tới cửa Ròn. Tướng tiên phong dưới trướng là Giản Trung. Nhưng lực lượng chủ yếu vẫn đóng ở cửa Nhượng phía Bắc Hoành Sơn. Số quân trấn giữ Hoành Sơn thực không đáng kể.

Tiên phong quân Nguyễn là Chưởng cơ Xuân Sơn nhanh chóng đánh bại quân Lê Hữu Đức ở Hoành Sơn, bắt được hai con voi đực và nhiều khí giới. Thấy tình thế thuận lợi, Xuân Sơn tiến thẳng về Dinh Cầu.

Bấy giờ ở Dinh Cầu chỉ còn hai tướng Trịnh là Trăn Bái và Kỷ Thiệu với chừng 100 quân. Quân tuần phòng ở Thạch Bàn chạy về báo tin quân Nguyễn tập kích, sắp kéo đến. Hai tướng lật đật đem số quân ít ỏi ra mai phục ở miếu Bình Lâm gần trấn doanh. Lúc Chưởng cơ Xuân Sơn kéo tới, Trăn Bái và Kỷ Thiệu tung quân từ trong rừng ra ác chiến. Xuân Sơn phải lui về khe Thạch Bàn, mượn dòng suối đó để tổ chức phòng thủ. 

Hai bên giao chiến hơn hai chục hiệp thì Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến dẫn đại quân từ hướng Tây Nam kéo tới. Quân Trịnh bị áp đảo về số lượng. Trăn Bái tử chiến trong trận, còn Kỷ Thiệu giả làm quân lính chạy trốn. Nguyễn Hữu Tiến cùng Xuân Sơn hội binh, kéo vào chiếm Dinh Cầu. Quân Nguyễn vào trong tư gia của Lê Văn Hiểu, trông thấy cỗ bàn cúng giỗ mà ông ta bày sẵn. Cỗ bàn đó thành ra đồ khao quân địch.

Trên hướng thượng đạo, từ lúc mờ sáng, Phù Dương và Tống Hữu Đại đã tấn công quân của Phạm Tất Toàn ở Lũng Hống. Phạm Tất Toàn là đám tàn binh bại tướng, còn quân của Lê Văn Hiểu thì hành quân vội vã, không thể địch lại hai đạo quân Nguyễn sung sức. Lê Văn Hiểu đành đưa quân rút lui theo đường Hẻm Nỏ, vòng qua Hoành Sơn để về Dinh Cầu. Bấy giờ, đi theo voi của Lê Văn Hiểu chỉ còn lại chừng hai ba trăm quân.

Lê Văn Hiểu đi tới gò Bạch Thạch, chuẩn bị vượt qua dãy Eo Gió. Lê Văn Hiểu còn muốn bắt chước Tào Tháo năm xưa, nên nói với quân lính:

– Nếu Nam tướng có kẻ trí mưu, phục trước một chi binh ở đây, chặn đường về của ta, thì bọn ta đều tiêu đời cả.

Nói chưa dứt lời, từ trên dốc núi có một viên tướng nhảy ra. Viên tướng ấy vẫy tay một cái. Quân Nguyễn từ trên dốc ào ào xông xuống. Đó chính là Nguyễn Hữu Dật. Nguyễn Hữu Dật vốn tính trước việc Lê Văn Hiểu rút lui, nên dẫn quân vọt tới Eo Gió phục sẵn. Lê Văn Hiểu thấy quân địch, không hề nao núng, ngược lại còn tuyên bố:

– Quân Nam làm nhục ta quá đỗi. Đại trượng phu thà chết ở chiến trường, lấy da ngựa bọc thây. Đó là điều ta ước nguyện.

Lê Văn Hiểu nói xong, thúc quân lên đánh. Thời kỳ này đã là thời đại của hỏa khí. Hai bên bắn nhau dữ dội. Súng như sấm động, đạn tựa sao bay. Quân Trịnh tấn công mãnh liệt. Con voi của Nguyễn Hữu Dật cưỡi cũng kinh sợ, lui lại. Nguyễn Hữu Dật vội vàng bỏ voi, nhảy xuống đất chỉ huy quân đánh bộ. Cuộc chiến giằng co kéo dài. Bất ngờ, Nguyễn Hữu Dật nhìn thấy Lê Văn Hiểu đang cưỡi voi chỉ huy ở gần, liền giương súng lên bắn một phát. Lê Văn Hiểu trúng đạn, rơi khỏi lưng voi. 

Rốt cuộc tính mạng Lê Văn Hiểu sẽ ra sao?

Chia sẻ câu chuyện này

Minh hoạ: Võ Minh Thảo
Thiết kế và dàn trang: Trần Văn Hậu

Share