Nhàn Thoại Tam Quốc – Kỳ 32: Con tinh tinh muốn duy tân Minh Trị

Tác giả Wong Trần
Nhàn Thoại Tam Quốc – Kỳ 32: Con tinh tinh muốn duy tân Minh Trị

Sử sách mô tả Đổng Trác như một kẻ méo mó về nhân cách. Họ dùng sự méo mó đó để lý giải nguyên nhân thất bại của nhân vật Tây Lương này. Mặc dù vậy, bình tâm nhìn lại các ghi chép lịch sử, ta sẽ thấy nhân cách cá nhân của Đổng Trác vẫn có nhiều điểm sáng, thậm chí là độ lượng hơn người. Độ lượng đó ta đã thấy khi Đổng Trác giao thiệp với các đầu mục Khương Hồ thời còn ở Tây Lương. Các đầu mục đó đã vô cùng quý mến Đổng Trác. Nhưng thái độ của kẻ sĩ phương Đông đối với Đổng Trác lại trái ngược hoàn toàn. Rốt cuộc có vấn đề gì?

Vì sao Đổng Trác lại bị ghét bỏ?

Mối giao hảo giữa Đổng Trác và kẻ sĩ không phải tới đây mới có. Thực ra Đổng Trác đã có một lịch sử hết sức lâu dài bị giới kẻ sĩ từ chối, thậm chí chà đạp, hăm dọa giết hại. 

Câu chuyện giữa Đổng Trác và Trương Hoán là ví dụ đầu tiên. Trương Hoán người huyện Đôn Hoàng quận Tửu Tuyền, “lúc trẻ lập chí tiết”, về sau làm danh tướng. Đổng Trác “hâm mộ, nhờ anh trai mình tặng một trăm tấm lụa mịn”. Kết quả, Hoán “ghét cách làm người của Trác, cự tuyệt không nhận”. Đó là mấy chục năm trước khi Đổng Trác vào kinh.

Minh họa Trương Hoán của Mã Đài (1885-1937)

Đổng Trác phải nói là dụng tâm hết mức cho mối quan hệ này. Thứ nhất, ông không sai hạ nhân đi, mà nhờ anh trai mình là bậc trưởng bối tới gặp Trương Hoán. Thứ hai, Đổng Trác không tặng vàng bạc châu báu mà tặng lụa mịn. Thời đó người ta viết hay vẽ thường dùng lụa mịn. Có câu: “Phấn hồng tặng mỹ nữ, bảo kiếm tặng anh hùng”. Đổng Trác đem lụa viết tặng cho kẻ sĩ. Có thể nói là đã lễ độ hết sức. Nhưng cuối cùng Trương Hoán lại cự tuyệt. Lúc bấy giờ Đổng Trác còn chưa có tai tiếng gì, mà Trương Hoán lại “ghét cách làm người của Trác”. Rốt cuộc là ghét cái gì? 

Khi Đổng Trác về kinh, thái độ của kẻ sĩ đối với Đổng Trác càng ngày càng rõ rệt. Lúc Đổng Trác lập Hán Hiến đế, Cái Huân từ Trường An gửi thư về, nói Đổng Trác là “túc hạ tiểu xú”. “Tiểu xú” là mắng kẻ hèn mọn, hôi thối. Lý luận của Cái Huân chỉ đơn giản là mắng Đổng Trác hèn hạ. Gối rơm cho phận gối rơm. Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao!

Vợ Hoàng Phủ Quy mắng Đổng Trác. Trích Nữ phạm thiên, quyển 4.

Một vụ tiêu biểu khác là giữa Đổng Trác và người vợ góa của Hoàng Phủ Quy. Sử sách thậm chí còn không ghi được tên họ của bà. Phạm Diệp khen bà “thuộc văn chương, giỏi chữ thảo”; “lúc Quy chết, người vợ còn trẻ tuổi, mà nhan sắc đẹp”. Khi Đổng Trác làm Tướng quốc, nghe danh bà, liền sai đem hậu lễ để hỏi cưới. Cần phải nói rõ là vào thời đó, việc người phụ nữ đi thêm bước nữa không phải là việc thương thiên hoại lý gì, mà là việc hết sức bình thường. Ngô hoàng hậu của Lưu Bị cũng là người phụ nữ có một đời chồng. Tào Tháo ly hôn với Đinh Thị, cũng từng bảo người nhà tìm chồng khác cho bà. Vì vậy việc cầu hôn của Đổng Trác là việc hết sức bình thường. Đổng Trác chọn một người tài sắc vẹn toàn về làm vợ, có thể nói là nhận thức sáng suốt.

Đổng Trác đưa một đoàn sính lễ rất hậu hĩnh. Đoàn hỏi cưới gồm có “một trăm cỗ xe, hai mươi con ngựa, nô tỳ, tiền, lụa chật đường”. Nhưng bà Hoàng Phủ lại ăn mặc đơn giản, tới thẳng cửa phủ của Trác, “quỳ xuống trình bày, lời lẽ rất là chua xót”. Đổng Trác lại bắt đầu đem dao thớt ra dọa. Ông ta sai nô tỳ cầm kiếm vây quanh, rồi nói: 

Cô dùng oai giáo hóa, muốn cho bốn biển theo như gió rạp. Sao lại không thi hành được với một người phụ nữ chứ!

Bà Hoàng Phủ liền đứng dậy, mắng Đổng Trác: 

Ngài là dòng giống Khương Hồ, độc hại thiên hạ, còn chưa đủ sao! Tiên nhân của thiếp, có tiếng tốt ở đời. Hoàng Phủ thị có tài văn võ, là trung thần nhà Hán. Ngài há không từng là tiểu lại chạy vặt của ông ta sao? Sao dám làm việc phi lễ với phu nhân của ngài ấy?

Đổng Trác nổi giận, sai người lôi bà ra sân, buộc tóc vào cái trục xe, rồi sai lấy roi đánh. Bà Hoàng Phủ hôm đó đã quyết liều chết, nên xúi bọn cầm gậy: 

Sao không nặng tay? Chết sớm là ơn đấy

Cuối cùng bà Hoàng Phủ bị đánh chết.

Hoàng Phủ thị được người đời ca tụng, vẽ hình, đặt ngoại hiệu là Lễ Tông -tức là người giữ lễ. Còn Đổng Trác tất nhiên lại thêm một tội ác. Nhưng nhìn lại thì thấy, Đổng Trác rõ ràng không hề làm điếm nhục gì tới bà Hoàng Phủ, còn muốn làm cho bà rỡ ràng với thiên hạ. Đổng Trác hỏi cưới vậy đó, bà có chịu thì chịu, hổng chịu thì thôi. Nếu không thích, có thể từ chối ngay tại chỗ. Hà cớ gì phải tới tận cửa phủ tố khổ, để làm mất thể diện của Đổng Trác. Đổng Trác đã cứng, Hoàng Phủ thị lại cứng hơn, cuối cùng đâm đầu vào chỗ chết. Không cần thiết phải làm như thế. Giá như người đến cầu hôn là mỹ nam tài tuấn như bọn Chu Công Cẩn, Tôn Bá Phù, Triệu Tử Long, thì không biết câu chuyện sẽ thành ra thế nào.

Điều đáng nói ở đây chính là lời mắng của bà Hoàng Phủ. Trong thâm tâm của bà, Đổng Trác trước tiên là “dòng giống Khương Hồ”, rồi sau mới là “độc hại thiên hạ”. Cái Huân chê Đổng Trác là kẻ hèn mọn thấp kém thì còn đỡ. Bà Hoàng Phủ còn chê Đổng Trác là đồ “dân tộc thiểu số”, cũng bằng như ngày nay bảo một người nào ở Mỹ là ních-gà. Nhưng đâu phải như vậy.

Minh họa Đổng Trác trong bản in Tam quốc diễn nghĩa thời Thanh

Đổng Trác là người Hán. Ông ta sinh ra ở Dĩnh Xuyên. Dĩnh Xuyên là cái nôi của danh sĩ, là quê hương Tuân Úc, Quách Gia. Về sau cha Trác rời khỏi Dĩnh Xuyên, nhưng nhà họ Đổng vẫn nhớ nhung đến mảnh đất ấy. Vì vậy tên tự của ông ta và các anh em đều lấy chữ Dĩnh. Đổng Trác tự Trọng Dĩnh. Đổng Trác sống ở Tây Lương, phải thích nghi với văn hóa Khương Hồ bản địa. Nếu còn ở lại Dĩnh Xuyên, nói không chừng ông ta sẽ tề danh với Tuân Úc, Quách Gia, cùng nhau xưng Bát kỳ, Bát quái gì đó.

Xuất thân ở Tây Lương khiến Đổng Trác bị giới kẻ sĩ coi thường. Chính bản thân Trương Hoán là kẻ sĩ Tây châu, mà còn coi khinh Đổng Trác. Sau này Trương Hoán đem công trạng của mình đổi lấy quyền chuyển hộ khẩu về huyện Hoa Âm quận Hoằng Nông. Hành động đó không khác gì một người da đen lại cố tẩy đi làn da đen của mình.

Trong suốt cuộc đời mình, Đổng Trác không chỉ bị khinh rẻ về nhân cách, mà thậm chí còn bị coi thường về sinh mạng. Đổng Trác được lệnh triệu mà đến chậm, nói năng thiếu nhún nhường ư? Hãy giết ông ta (Tôn Kiên). Đổng Trác được thăng chức mà chần chừ không muốn đi ư? Hãy giết ông ta (Hoàng Phủ Lịch). Đổng Trác tới giúp mình diệt hoạn quan, xong việc, và hiện tại thế lực ông ta còn yếu ư? Hãy giết ông ta (Bào Huân). Người người nhà nhà đều hô lên phải giết Đổng Trác. Khi Đổng Trác can dự sâu vào chính sự trung ương, thì Viên Thiệu khởi binh đánh Đổng Trác, Ngũ Phu lận đao đâm Đổng Trác. Cho đến cuối cùng khi Đổng Trác chịu một kích của Lữ Bố tại Trường An, thì thiên hạ mới vui mừng thỏa mãn. Tại sao lại như vậy?

Lữ Bố hành thích Đổng Trác. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí

Đổng Trác - nhân tố không thể chấp nhận

Thời đại Đông Hán là thời đại của kẻ sĩ. Kẻ sĩ là tầng lớp tinh hoa nằm trên đỉnh cao. Mặc dù quyền lực chính trị của họ có bị đánh cho vùi dập. Nhưng về cơ bản họ vẫn có ý thức mình là tột bậc và mong muốn giành lại vị thế của mình. Muốn trở thành kẻ sĩ, thì phải có học vấn phi thường, có phẩm hạnh phi thường hoặc hành vi phi thường. Đạt được điều đó thì sẽ được nhiều người biết đến, sẽ trở thành danh sĩ, sẽ được tuyển chọn làm quan. Kẻ sĩ nhiều thế hệ có người là danh sĩ, được bổ nhiệm làm quan, thì trở thành sĩ tộc. Kẻ sĩ là nói ở góc độ cá nhân, sĩ tộc là nói ở quy mô gia tộc. Gia nhập tầng lớp tinh hoa chính là con đường duy nhất để đạt được cả quyền lực và danh dự – cái mà người xưa gọi bằng hai chữ “công danh”.

Đối với một số người sinh ra trong tầng lớp danh sĩ thì không nói. Những thành phần chưa là danh sĩ vẫn có thể phấn đấu. Cố gắng học tập, trui rèn đạo đức, hoặc liều mạng làm vài việc phi thường, thì có thể thành danh sĩ. Từ Thứ là một ví dụ. Từ Thứ là “đan gia tử” – không phải con nhà họ Đan, xưng hiệu Đan Phúc gì đó, mà là “con nhà neo đơn”. Từ Thứ lúc đầu cũng là dân anh chị, còn suýt bị xử tùng xẻo, may có đồng bọn giải thoát, về sau tích cực học hành, nên cũng được công nhận là kẻ sĩ. 

Nhưng tất nhiên cũng có ngoại lệ. Đối với người có vết nhơ về phẩm hạnh, sẽ bị loại thải khỏi tầng lớp danh sĩ, hoặc không được cho gia nhập tầng lớp này. Sử gia Trần Thọ – tác giả bộ Tam quốc chí – là ví dụ tiêu biểu. Lúc có tang cha, Trần Thọ mắc bệnh, sai nô tỳ đút thuốc, bị người ta phát hiện. Thế là hương đảng bình luận chê bai. Trần Thọ bị vùi dập trong rất nhiều năm.

Lưu Bị uống rượu luận anh hùng. Những cuộc bình phẩm nhân vật là việc thường thấy trong sinh hoạt chính trị nhà Hán

Việc tham gia vào tầng lớp kẻ sĩ tinh hoa không phải dễ dàng. Ngay như Tào Tháo mà cũng rất trầy trật. Chuyện này về sau sẽ nói. Đổng Trác kết giao với Trương Hoán, có lẽ động cơ cũng là tiến vào tầng lớp kẻ sĩ. Trương Hoán cự tuyệt cũng có cái lý riêng của Trương Hoán. Ông ta muốn rũ bỏ xuất thân Tây châu. Giao kết với Đổng Trác là đi ngược lại đường lối đó.

Làm việc với Đổng Trác thực sự có tổn hại tới danh tiếng của kẻ sĩ. Như Tư không Tuân Sảng vốn có danh tiếng, tự xưng là một trong Bát long. Nhưng vì làm quan cho Đổng Trác nên bị “những người quân tử lấy đó chê cười”. Ngược lại, những người phản đối Đổng Trác lại được hâm mộ. Hà Nam doãn Chu Tuấn là một ví dụ. Đổng Trác muốn dùng Chu Tuấn làm Thái bộc, để làm phụ tá cho mình. Chu Tuấn không nhận chức, còn phát biểu phản đối việc dời đô về Trường An. Thế là “các đại thần trong triều cho đến Thượng thư lang Hoa Hâm đều khen ngợi”. 

Giả vờ hợp tác với Đổng Trác cũng không được chấp nhận. Thượng thư Đinh Cung là ví dụ. Lúc Đổng Trác lập Hán Hiến đế, các quan không tán thành. Đinh Cung nói: “Xưa Sái Trọng phế Hốt lập Đột, Xuân thu đề cao sự quyền biến ấy”. Sái Trọng phế Hốt lập Đột, về sau Hốt lại được lập. Lời của Đinh Cung rõ ràng khuyên các đại thần nên tạm nhịn để chờ cơ hội lật lại. Nhưng sử gia Viên Hoành thời Đông Tấn lại chê Đinh Cung “là kẻ phi nhân”. Thái độ không thể thỏa hiệp đó bắt buộc kẻ sĩ phải liều mình chống Đổng Trác để ở lại tầng lớp tinh hoa, dù nhiều người biết việc đó như đùa với hổ. 

Tuân Sảng can Đổng Trác. Bản in Tam quốc chí ttruyện thời Vạn Lịch

Chu Tuấn phản đối Đổng Trác xong thì bỏ chức chạy trốn. Tào Tháo không muốn làm quan cho Đổng Trác, còn thay tên đổi họ trốn về phía Đông, rồi giữa đường nghi thần nghi quỷ, giết hại cả nhà Lã Bá Xa. 

Trong mắt tầng lớp kẻ sĩ thời đó, Đổng Trác có lẽ chẳng khác gì con tinh tinh mới từ trong rừng rú chạy ra, lại đòi làm lãnh đạo cuộc duy tân Minh Trị. Giới kẻ sĩ sẽ không chấp nhận điều đó. Đổng Trác mơ về một nền chính trị giản đơn với vua sáng, tôi hiền. Nhưng ông ta không biết rằng nền chính trị đó không có chỗ cho Đổng Trác. Nếu quả thật sáng suốt, ông ta nên rút lui, nhường lại sân khấu chính trị cho giới danh sĩ tự mình giải quyết công việc. Nói đến chỗ này, Đổng Trác sẽ lại cạo trọc đầu, ra đứng chống nạnh ở sân vận động và bảo: “Những lời ngài nói, ta đã làm rồi!”. Vậy Đổng Trác đã ứng phó như thế nào?

Chia sẻ câu chuyện này
Share