Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 11: Đại chiến Hương Bộc

Tác giả Wong Trần
Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 11: Đại chiến Hương Bộc

Trịnh Toàn bị quân thủy bộ của Trấn thủ Dương Trí, Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật đánh rát ở lũy Điềm Độ, đã toan ra hàng. Chợt có thám báo trình rằng:

– Thủy bộ của quân Nam đã lui về Nam Giới bày trận, không biết là dùng kế gì.

Trịnh Toàn cả mừng. Vốn là khi ấy thủy triều đã rút. Trấn thủ Dương Trí đành phải đưa chiến thuyền trở ra. Nguyễn Hữu Dật thấy tình thế như vậy, cũng đành đưa quân bộ rút theo. Sáng sớm hôm sau, hai cánh quân thủy bộ tiến vào sông Lam theo đường kênh ở huyện Thiên Lộc, phía sau phòng tuyến quân Trịnh. Thủy quân của Dương Trí đậu lại ven sông, còn bộ binh lên bờ chờ tiếp ứng cho quân chính đạo của Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến. 

Bấy giờ, Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến và Tiên phong Phù Dương mới dẫn bộ binh tiến tới xã Đại Nại, đánh thẳng vào lũy của quân Trịnh. Tướng Trịnh là Đương quận công Đào Quang Nhiêu phải phân binh chống cự. Hai bên giằng co rất lâu.

Giữa lúc đó thì cánh quân thượng đạo của Chưởng cơ Tống Phước Khang và Thị chiến Xuân Đài cũng nhập trận, tiến đánh chiến lũy quân Trịnh ở xã Hương Bộc. Bao vây Đào Quang Nhiêu ở chiến lũy này.

Nguyễn Hữu Tiến còn tung cánh thủy quân dự bị của Tiên phong Nguyễn Phước Tráng và Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều ra cửa Đan Nhai trên sông Lam, tiến đánh tướng Trịnh là Lũng quận công Vũ Văn Thiêm. Vũ Văn Thiêm không chống đỡ nổi cũng bỏ thuyền chạy trốn. Quân Nguyễn hình thành thế bao vây chiến lược với đại quân của Trịnh Toàn. 

Ninh quận công Trịnh Toàn nghe tin Đào Quang Nhiêu bị vây, bèn đưa quân từ Đan Chế tới ứng cứu. Quân Trịnh bày trận đại chiến. Nhưng khí thế quân Nguyễn rất mạnh. Trịnh Toàn đem cây cờ bổn mạng của mình trao cho Đốc thị Dương Hồ. Hành động này đã kích thích tinh thần của Dương Hồ. Hồ trèo lên voi, vẫy các quân cùng mình xông lên. 

Quân Nguyễn trông thấy cờ bổn mạng của Trịnh Toàn nên kéo tới đánh rát. Đang lúc ác chiến thì có một đội kỵ binh Trịnh xuất hiện. Chỉ huy cánh quân đó là… Trịnh Toàn thật. 

Kỵ binh Trịnh thừa cơ càn quét bộ binh Nguyễn. Lão tướng Đào Quang Nhiêu thấy cứu binh đã tới, cũng sai quân mở cửa lũy xông ra đánh. Quân Trịnh đẩy lui quân Nguyễn về xã Đại Nại, ba mặt giáp công. Hai đạo bộ binh Nguyễn bị đánh tan tác, thua chạy về hướng Dinh Cầu. Quân Trịnh truy kích tới xã Tam Lộng (nay là xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên).

Trấn thủ dinh Cũ là Tống Hữu Đại còn chặn cầu Đại Nại, ác chiến hồi lâu. Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến nghe tin hai cánh quân đã thua, bèn truyền lệnh các quân rút về Dinh Cầu. Quân Trịnh thu được rất nhiều súng đạn, khí giới, voi ngựa của quân địch. Trong trận chiến này, Đinh Văn Tả ở Hương Bộc, Lê Thì Hiến ở Đại Nại đều có biểu hiện xuất sắc. Lão tướng bên Trịnh là Diễn Nham hầu Thái Bá Đào (1600-1656) tử trận ở Đại Nại.

Chúa Hiền lúc này đang bừng bừng chiến ý. Chúa đã dời từ dinh Cũ ra châu Bắc Bố Chính, đóng hành điện ở xã Phù Lộ. Nghe tin Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến xuất quân ra sông Lam, chúa Hiền cũng muốn đem quân đi tiếp ứng.

Đi tới Lũng Bông, chợt gặp Xá sai Phú từ chỗ chiến trường chạy về. Xá sai Phú báo tin:

– Chưởng cơ thượng đạo là Tống Phước Khang, Trấn thủ Phù Dương thua trận, đã chạy về xã Na Khố, chưa rõ sống chết. Quân giặc đã đuổi tới Lũng Nam, có đường lớn thông ra sau lưng Lũng Bông. Xin thánh thượng kíp quay về, để khỏi trúng kế giặc!

Chúa Hiền liền hỏi Xá sai Phú:

– Quân Chiêu Vũ ở chỗ nào?

Phú đáp:

– Thần nghe nói bị giặc giả thua, dụ tới xã Bình Hồ, từ đó tuyệt tin tức, không rõ sống chết.

Chúa Hiền cả kinh, lại hỏi:

– Thuận Nghĩa và quân của các tướng đang ở đâu?

Phú đáp:

– Tiết chế và Trấn thủ Đại Thắng [tức Tống Hữu Đại] hiện đóng ở cầu Đại Nại chống địch.

Chúa càng kinh ngạc, hỏi:

– Ngươi liệu xem Thuận Nghĩa giao chiến với địch thắng bại thế nào?

Phú đáp:

– Quân giặc đông gấp chục lần, mà quận Ninh lại là binh thừa thắng, sớm đã đuổi theo Tống Phước Khang, Phù Dương rất xa. Thần đoán quân giặc sẽ chia đường đánh ngoặt lại, ắt sẽ tập kích phía sau quân ta. Thần sợ Tiết chế Thuận Nghĩa và các tướng khó mà thủ thắng. Mong thánh thượng sớm quay về. Quân giặc đã ở gần rồi!

Chúa Hiền vẫn còn tráng chí, rút kiếm cầm tay, to giọng quát nạt, muốn bày trận đợi quân Trịnh tới để đánh. Thủ bạ Đông Triều hầu Trần Đình Ân cũng tán thành. Nhưng Xá sai Phú cứ khóc lóc xin chúa Hiền rút lui. Cuối cùng chúa Hiền xiêu lòng, lại rút quân qua sông Gianh trở về An Trạch đóng lại, đồng thời sai người đi dò thám tin tức. Cuối cùng mới biết hóa ra quân mình không thảm bại như vậy. Chúa Hiền bèn sai đem Xá sai Phú ra chém.

Trận Hương Bộc là chiến thắng đầu tiên của quận Trịnh, sau nhiều thất bại cay đắng trước đối phương. Mặc dù vậy, về đại thế, quân Trịnh Toàn cũng đang ở trong vòng vây của quân Nguyễn. Trịnh Toàn không thể giữ phòng tuyến sông Rào Cái được nữa.

Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến hiểu rõ điều này. Ông liền sai Văn chức Hoằng Tín đi báo tin cho Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật và Trấn thủ Dương Trí. Hoằng Tín truyền lệnh của Tiết chế rằng:

– Hôm qua quận Ninh, quận Đương đuổi quân của Tống Phước Khang, Phù Dương tới xã Tam Lộng. Đoán rằng bọn quận Ninh sợ ta có binh ở đây, ắt phải triệt quân về. Chúng ta chia quân đặt phục, cắt sau lưng chúng, chẹn mất đường về, thì có thể bắt được quận Ninh, quận Đương rồi.

Trấn thủ Dương Trí được lệnh đưa thuyền ra sông Lam, rồi rẽ qua sông Ngàn Sâu, tới đóng ở xã An Việt Thượng (nay là xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ), để làm Hậu đội. Nguyễn Hữu Tiến còn truyền lệnh cho đạo thủy quân ở cửa biển Đan Nhai cũng đem binh thuyền ngược sông Lam. Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều đem thuyền đóng ở ngã ba Triều Khẩu, còn Tiên phong Nguyễn Phước Tráng đóng ở bến đò Phù Thạch tại mạn dưới. Các con đường vượt sông Lam đều bị thủy quân phong tỏa.

Bộ binh và tượng binh của Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật thì hành quân lên xã Nam Ngạn (nay là xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ) mai phục, để đón đánh quân Trịnh.

Hoằng Tín truyền lệnh xong cũng đưa 10 chiếc thuyền tới đóng ở kênh Minh Kiều. Nhiệm vụ của Hoằng Tín là mai phục, đợi quân Trịnh đi qua sẽ xông ra cắt đứt phía sau quân địch.

Thế trận quân Nguyễn đã bày, chỉ còn chờ Trịnh Toàn chui vào rọ.

Trịnh Toàn quả nhiên dẫn các quân rút về An Trường. Đi tới xã Sơn Nê (nay thuộc xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc), Trịnh Toàn sai người đi thám thính. Người do thám về báo:

– Đốc chiến Chiêu phục binh trong miếu Nam Ngạn. Các tướng của các đạo chia bày ở Đàm Giang.

Trịnh Toàn nghe xong, liền nảy ra ý tương kế tựu kế, bèn sai Đương quận công Đào Quang Nhiêu đem 3000 quân bày trận ở xứ Cầu Nghèn tại xã Thổ Sơn (nay thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) để nhử quân Nguyễn, còn mình thì lẻn đi đánh úp quân Nam. 

Chưa biết thắng bại sẽ ra sao?

Chia sẻ câu chuyện này

Tác giả: Wong Trần
Minh hoạ: Minh Thảo Võ
Thiết kế và dàn trang: TRẦN VĂN HẬU

Share