Nếu theo thói lẽ thường, khi kết hôn phải đủ đầy nghi lễ tam bái: bái đất trời chứng giám, bái cao đường tổ tiên, rồi đến bái phu thê. Ấy thế mà Bạc bà lại chỉ gọi Thành hoàng và Thổ công – những vị thần linh được thờ cúng theo tín ngưỡng của dân gian. Thành hoàng là người có vai trò bảo vệ và trông coi khu vực của một làng hay một thành, còn Thổ công thì là thần đất. Rõ ràng đây đều là những vị thần “có sẵn” tại địa phương, dễ bề kêu cầu mà không cần thành kính theo những lễ nghi truyền thống.
Quả thật, chỉ là những lời bốc phét huyên thuyên của kẻ vô học. Bởi trong tín ngưỡng, người Phương Đông rất rạch ròi trong chuyện thề bối hứa hẹn, đây còn là đám cưới – một việc hệ trọng trong đời người. Thế mà lại được Bạc Hạnh thề trước Thành hoàng và Thổ công. Dáng điệu của Bạc Hạnh khi bái lạy “vội vàng”, “nguyện hết”, chẳng qua chỉ là một màn kịch cưới vội cưới vàng, cưới ẩu, cốt là để hợp thức hoá những mưu đồ, toan tính chứ không hề có một chút lòng thành. Hai câu thơ, nghe tưởng chừng như tầm thường nhưng qua lời văn lão luyện của Nguyễn Du, đã lột tả trần trụi tâm địa gian manh của những phường vô lương, những kẻ sẵn sàng chà đạp lên mọi lễ nghi, đạo lý. Thật là những nét phác tài tình, phác ra được cái bụng dạ giả dối của bọn buôn người bán thịt, xem hôn nhân như một trò đổi chác rẻ mạt.
Một trong những câu thơ hay nhất Truyện Kiều phải nói đến cặp câu miêu tả chuyện tình Thúc Sinh – Thuý Kiều “thương sao cho trọn thì thương, tính sao cho vẹn mọi đường tình vâng”. Đó cũng là quan niệm “Thuyền theo lái, gái theo chồng”.
“Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” hay “Tam niên vô tử bất thành thê“, tức nói việc sinh con nối dõi tông đường bên cạnh là “phúc”, đó còn là trách nhiệm của một đôi vợ chồng. Trong Truyện Kiều cũng có chuyện tương tự như vậy, đó là khi Thúc Sinh lén gặp Thuý Kiều ở gác Quan Âm, rằng
“Tông đường, chút chửa cam lòng,
Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai”.
Tông đường có nghĩa là nhà của tổ tông, ở đây dùng với nghĩa nối dõi tông đường, ý nói Thúc Sinh nghĩ mình chưa có con trai để nối dõi tông đường. Trong bản Kiều chữ có câu: “Ngã cơ dục dữ nhĩ đồng tử, nhậm nại tử tự vị hữu, sở dĩ tử bất đắc” – 我幾欲與爾同死,怎奈不嗣未有,所以死子得 (Ta vẫn muốn chết với nàng, nhưng vì chưa có con trai, nên không chết được).
Đặt trong tình cảnh này, có thể thấy Thúc Sinh phải gắn liền bản thân với tình cảm và trách nhiệm. Bản thân Thúc Sinh chính là đại diện cho chữ hoà. Hoà hợp với Thuý Kiều, hoà giải với Hoạn Thư, hoà hiếu với Thúc ông, tính vẹn mọi đường cho cuộc đời, đó cũng chính là lý do vì sao Thuý Kiều quyết định làm vợ Thúc Sinh:
“Thương sao cho trọn thì thương
Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng”