Có một định kiến sâu sắc rằng, hình ảnh đa số các dân tộc du mục hiện lên trong mắt chúng ta là hoang dã và lạc hậu. Tuy nhiên, điều đó có đúng không?
Trong hơn 2500 năm, từ đế quốc Hung Nô ở thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, đến Hãn quốc Dzungar ở thế kỷ 18, vô vàn các đế quốc của các sắc dân du mục đã nổi lên và sụp đổ nối tiếp nhau trên Biển Cỏ trải dài từ Đông Bắc Trung Quốc đến Ba Lan. Tuy cách biệt nhau về khoảng cách địa lý, thời gian, văn hóa, ngôn ngữ… nhưng trong tâm thức đại chúng, tất cả các đế quốc du mục này đều hiện lên với hình ảnh giống hệt nhau, đó là những chiến binh bán khai, sống bằng săn bắn và chăn nuôi trên lưng ngựa, thiếu thốn chữ viết, thị thành và vật chất mà những dân tộc định cư tận hưởng. Vậy thực tế lịch sử ra sao?
Đầu tiên, có phải họ chỉ biết đến chăn nuôi và săn bắn? Cũng như người dân định cư không chỉ làm mỗi nông nghiệp, các dân tộc trên thảo nguyên cũng có phân công lao động rõ rệt: có những người là thợ thuyền, thương buôn, tu sĩ, y sĩ, nghệ sĩ… toàn thời gian. Đặc biệt, thương mại chiếm một phần lớn mối quan tâm của họ, tận dụng Con Đường Tơ Lụa đi ngang qua lãnh thổ, cũng như những đàn ngựa và lạc đà có sức chở lớn và tốc độ di chuyển nhanh trên thảo nguyên và sa mạc.
Đoàn thương buôn của người Mông Cổ Oirat trên thảo nguyên, thế kỷ 20
Để bảo vệ các tuyến đường buôn bán, cũng như có nơi cất giữ và trung chuyển hàng hóa, người dân thảo nguyên không thể chỉ dựa vào những căn lều di động. Từ hàng ngàn năm trước, họ đã xây dựng nhiều thành quách, đô thị tại các nút giao thông chính trên Con Đường Tơ Lụa, và chính những đô thị này đã là bàn đạp thúc đẩy sự trỗi dậy của các đế quốc du mục. Cũng tại đây, các Thiền Vu và Đại Hãn đã điều hành các đế quốc rộng lớn. Nổi bật nhất phải kể đến Long Thành của đế quốc Hung Nô, Otuken của đế quốc Đột Quyết hay Karakorum của đế quốc Mông Cổ. Các đô thị này đều từng nằm trong những thành phố đông dân nhất thế giới, được bảo vệ bởi thành lũy kiên cố, và được trang hoàng bởi những công trình kiến trúc lộng lẫy.
Di chỉ thành Khara Khoto - thế kỷ 11 đến 14, Nội Mông Cổ
Phỏng dựng “Cung điện Tashebinsky”- một cung điện thời kỳ Hung Nô ở Siberia
Do kiểm soát được Con Đường Tơ Lụa, các đế quốc thảo nguyên trở nên cực kỳ giàu có và có được nguồn cung hàng hóa rất dồi dào. Bản thân lối sống du mục cũng không phải chỉ toàn cực nhọc và thiếu thốn. So với người cày cấy, người chăn nuôi có mức sống cao hơn do chế độ ăn uống đầy đủ đạm và chất béo hơn, sức lao động thì được bù đắp bằng sức kéo và chuyên chở của gia súc.
Thực đơn nhiều đạm và sản phẩm từ sữa của người Mông Cổ- những người cày cấy thời xưa khó có thể đáp ứng được hàm lượng protein cao như vậy
Trái với hình ảnh những chiến binh du mục nghèo nàn, chỉ khoác da thú và xương động vật trên màn ảnh, vùng thảo nguyên Mông Cổ, cụ thể là vùng núi Altai, được trời phú cho những mỏ khoáng sản vô cùng giàu có. Người Scythia, Nhu Nhiên, Hung Nô đã khai thác các mỏ đó từ trước Công Nguyên, và đến tận ngày nay người Mông Cổ vẫn đang tiếp tục công việc đó.
Phát huy lợi thế này, từ thời kỳ Đồ Đồng, các dân tộc thảo nguyên đã phát triển tay nghề kim khí rất cao, chế tác ra những sản phẩm kim hoàn tuyệt mỹ lẫn những binh khí sắc bén. Tài nguyên dồi dào đó đã phần nào đem lại lợi thế cho họ trong các cuộc chinh phạt các dân tộc xung quanh. Theo sử liệu Trung Hoa, nhờ gốc gác thợ rèn, họ A Sử Na đã quật khởi và xây dựng nên đế quốc Đột Quyết trải dài từ Đông Á tới sát Châu Âu.
Kim hoàn Hung Nô
Kim hoàn Duy Ngô Nhĩ
Cụ thể, các đế quốc người du mục tuy nổi danh bởi tài cưỡi ngựa bắn cung, ta thấy rằng họ không chiếm độc quyền về kỹ thuật đó. Những đế quốc định cư xung quanh như Hán, Parthia Ba Tư hay La Mã đã rất nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật này để tự vệ trước những cuộc đột kích chóng vánh từ thảo nguyên. Nhưng khi phải đối mặt với những đợt xung phong của các đoàn thiết kỵ được trang bị giáp sắt cả người lẫn ngựa của người Thác Bạt, Đột Quyết, Khiết Đan… các đế quốc lớn kia cũng nhận nhiều thất bại cay đắng hơn là chiến thắng. Trong khi khoáng sản và tay nghề của thảo nguyên đủ sức kiến tạo nên những đội thiết kỵ đáng sợ như vậy, các đế quốc định cư rất khó có thể xây dựng và duy trì một lực lượng tương đương để chống chọi lại, bất kể họ giàu có đến đâu.
Thiết kỵ trang bị giáp trụ cho cả người và ngựa của Hãn Quốc Kim Trướng
Cuối cùng, trái với quan niệm rằng các bộ tộc thảo nguyên yếu kém về văn hóa, ta có thể thấy từ rất sớm đã có những ảnh hưởng văn hóa hai chiều giữa dân du mục và dân định cư. Chẳng hạn, Triệu Vũ Linh Vương đã bỏ qua những phản đối của thuộc cấp để mặc Hồ phục (trang phục người Hồ) và tập kỵ xạ. Những triều đại do người du mục dựng nên như Bắc Ngụy, Bắc Tề… đã có công lao rất lớn trong truyền bá, khuếch trương và bồi đắp Phật giáo tại Trung Hoa.
Thời Đường, tầng lớp quý tộc cực kỳ ưa chuộng văn hóa Đột Quyết, có những vị như thái tử Lý Thừa Càn còn ăn mặc, tết tóc như người du mục, sống trong lều, tự thân chăn cừu và nướng thịt để thỏa mãn sự ham mê với lối sống thảo nguyên. Và trải qua mấy trăm năm thống trị bởi người Khiết Đan và Mông Cổ, Hán Ngữ đã bị tiếng nói của các tộc người này biến đổi về âm điệu và phát âm, hình thành nên tiếng Hoa Phổ Thông như chúng ta biết ngày nay.
Cảnh người Đột Quyết đi săn trên điêu khắc đá, mộ thời Tùy, bảo tàng Miho
Cho đến tận ngày nay, xã hội hiện đại vẫn tiếp tục bị cuốn hút bởi lối sống du mục. Chúng ta vẫn cảm thấy tò mò, thôi thúc đi tìm hiểu về những triều đại của những tộc người trên lưng ngựa hàng trăm, hàng ngàn năm trước, có lẽ bởi lối sống của họ đại diện cho sức mạnh, sự phóng khoáng, tự do nhưng rất nhiều điều về họ vẫn đang lẩn khuất sau màn sương huyền bí của lịch sử.