Hai tuần trước, dãy nhà trọ đón hai vị khách tới mướn dài hạn tên là Lệ Thi và Lệ Hằng. Thường thì chỗ này là lựa chọn sau cùng của những lữ khách khi tới đây, tại ở dưới chợ thì thuận tiện hơn rất nhiều, trên này chỉ được có cái giá rẻ. Ở triền núi cảnh sắc cũng không gì đặc biệt. Ban đêm gió lạnh, ban ngày nắng nóng. Mấy bữa mưa bão thì không biết chừng nào bị gió cuốn xuống vực.
Dãy trọ có hai dãy với sáu phòng đối xứng nhau, phòng nào cũng có tầm nhìn phóng ra triền núi, chỉ thấy một mảng xanh xanh pha vàng vàng của cỏ cây thay lá, loại cây nào mà cứ thay lá nguyên năm. Ngày Thi và Hằng dọn đồ vô, ông chủ trọ thăm hỏi hết sức ân cần. Hai cô gái muốn ở căn số 4, là phòng cuối bên tay trái từ ngoài cổng nhìn vô. Có lẽ họ chọn chỗ đó tại nó tránh được cái nắng chiều thiêu đốt, lại đón được nhiều gió hơn. Tuy nhiên, chủ trọ nói phòng đó không ai ở được, giờ đã thành cái kho rồi, khuyên hai người chọn phòng số 3 bên cạnh. Phòng số 3 này cũng na ná như số 4, không khí mát mẻ, đồ đạc còn khá mới, nhưng mà nhìn vô họ vẫn thấy phòng kế bên rộng rãi hơn. Ngặt cái chủ trọ đã nói vậy thì biết làm sao, đành chịu vậy.
Nói về hai cô gái khác thường này cũng rất thú vị, vốn dĩ họ không phải chị em ruột, mà là đồng nghiệp ở ty bưu chính trên tỉnh. Hai người cùng họ, nhìn cũng có nét giống nhau, ai mới gặp cũng cho là có máu mủ ruột rà, có điều hai người cũng về điều tra kỹ càng nhưng quả thực không có liên hệ. Hai người lấy làm lạ, bèn coi nhau như chị em ruột. Lệ Thi thích nghiên cứu văn học theo kiểu Âu Châu, Lệ Hằng thích vẽ. Cả hai lại cùng nhắm đến những thứ huyền bí. Lần nọ bức tranh của Lệ Hằng làm Thi có cảm hứng viết một cuốn sách về Cô Lỗ, loài quái vật biển có xúc tu hình các thiếu nữ, dụ ngư dân vào bẫy rồi ăn thịt. Sách bán khá chạy, hai người mới gom một khoản tiền rồi bỏ việc ở ty bưu chính, lên vùng này thuê căn nhà ở lâu dài, tìm cảm hứng nghiên cứu sáng tác. Cả hai đều có sự tìm tòi học hỏi đáng nể, vượt hẳn nhiều kẻ tự xưng học giả nhưng suốt ngày đầu óc không vượt khỏi định kiến bàn giấy. Thiết nghĩ nhân loại thiếu đi sự tưởng tượng, tìm tòi ấy thì không biết có đạt thành tựu như hôm nay hay không.
Lệ Thi dáng người mảnh dẻ, tóc để ngang vai, đôi mắt đượm buồn, toát lên dáng vẻ tao nhân mặc khách; Lệ Hằng thì mạnh mẽ, quyết đoán, ăn mặc như đàn ông. Cả hai đều có nét kiều diễm, lại dễ gần dễ mến, khiến những nhà hàng xóm luôn kiếm cớ qua bắt chuyện rồi bày tiệc rất tương hợp. Lúc này, Hằng và Thi đem chuyện trong phòng số 4 hỏi thử, mọi người bỗng nhìn nhau, có vẻ khó nói. Không khí đi vào trầm lắng một lát sau mới có người chậc lưỡi rồi e dè kể lại, câu chuyện vừa nói ra đã khiến hai cô gái cảm thấy vô cùng tò mò, cảm hứng sáng tác trỗi dậy.
Phòng đó trước giờ cho rất nhiều người thuê, ai vô ở cũng chưa được bao lâu đã tự tử. Người treo cổ, người nhảy từ cửa sổ xuống vực chết thảm. Mới đây, tháng rồi có cặp vợ chồng, ở được ba ngày cũng tự sát chết queo. Trước đó thì bà vợ đêm nào cũng la hét, kể là có người về đòi mạng.
Hằng nghe tới đó, hỏi rằng sao mấy người ở các phòng khác không dọn đi. Khách trọ nhìn nhau, đáp rằng nơi này thoải mái dễ chịu, phần vì chỉ có phòng đó là ma quỷ, phòng họ thì không sao, nên ở lâu thành ra quen, không tính dọn đi nữa.
Bữa đầu vô ở, Hằng tò mò mở cửa sổ phòng mình rồi ngó qua cửa sổ bên kia, sau đó bất giác nhìn xuống vực núi bên dưới. Để hình dung thì dãy trọ này như một dãy tháp canh màu cánh gián được dựng trên đỉnh của một bức tường thành trắng muốt, cao chừng hai chục mét. Vách đá này không phẳng lì mà có một vài khối đá nhô ra, cái nào cũng xù xì, lởm chởm, cuối đáy vực là hàng ngàn khối đá to nhỏ, cái thì cỡ cái ghế, bự nữa thì như bàn ăn, cái giường, nằm ngổn ngang. Lệ Hằng tưởng tượng, ông chồng trong câu chuyện hàng xóm kể lúc nhảy xuống đó cảm giác ắt phải kinh khủng lắm, lao xuống rồi va đập phải đến chục giây mới chết. Lệ Thi thì sợ độ cao, vậy nên cô đẩy cái giường mình ra xa cửa sổ.
Lệ Hằng ngó qua cửa sổ phòng bên, nói:
– Hình như cửa bên kia hơi nhỏ so với cửa phòng của mình hen? Nếu muốn chui ra thì phải dùng lực đẩy mạnh dữ lắm mới chui được.
Lệ Thi nói:
– Chắc do ông chồng nhỏ con thôi, mày đừng có suy nghĩ nhiều, không có nên.
Cả hai đồng ý là những chuyện nghe kể có thể chỉ là trùng hợp. Để ý thì còn thấy phòng này mát mẻ và luôn có một mùi hương dễ chịu, đặc biệt lúc nằm ngủ mùi đó thoang thoảng, khiến tâm trí nhẹ nhàng thanh thoát, Hằng đoán có lẽ do rừng cây bên dưới có hoa lạ.
Mấy ngày đầu quen thân còn hay ăn uống tiệc tùng, ít lâu sau thì ai lo việc nấy nên những cuộc nói chuyện dần thưa lại, ông chủ trọ cũng ít thấy ghé qua. Ban đầu, Hằng và Thi còn có cảm giác rợn người. Ở được chừng mươi ngày thì không thấy nữa, nên hai cô cho là lời đồn không có căn cứ, không để ý tới nữa.
Thời gian này, Hằng có nhận thêm việc phụ giúp chuyện nhà cho ông Nam – người sống ở phòng số 1. Công việc khá nhàn hạ, tuy thu nhập không cao nhưng cũng trang trải được chút đỉnh. Tối đó, như thường ngày, Lệ Thi đang cặm cụi viết còn Hằng đang phác thảo một con quái vật mới minh họa cho sách của Thi. Bất thình lình, cả hai nghe tiếng “RẦM” rất lớn vang lên trong đêm đen. Lúc này là mười hai giờ đêm, âm thanh vọng đến có lẽ là từ phòng số 4 bên cạnh.
– Mày nghe không Hằng?
– Có, chắc ai đi ngoài hành lang chứ gì.
– Mày khùng hả, giờ này ai mà thức, với lại đi thì đâu có phát ra tiếng rầm!
KẼO KẸT.
CẠCH.
– Không lẽ…
– Ừ – Lệ Hằng không dám nói lớn – Tiếng cửa sổ đóng đó.
Vì trời tối, vực núi gió thổi lên khá lạnh nên cửa sổ phòng Thi và Hằng lúc nào cũng đóng. Giữa đêm khuya tĩnh mịch không thể nào nhầm lẫn được: tiếng động chính là phát ra từ “phòng tự sát”.
RẦM.
– Ai vậy? – Lệ Thi ngồi trên ghế, gọi vọng ra ngoài.
– Thằng nào tính chơi hai chị mày vậy hả? Tao mà biết được là chết nghe chưa.
KẼO KẸT.
– Mẹ, nó còn chưa chịu thôi kìa. Ai vậy trời?
– Mày hỏi tao, tao hỏi ai?
RẦM (lần này thì nghe như tiếng cửa đóng lại).
– Chị Dần hả? Tụi em sợ rồi, chị đừng có hù tụi em nữa!
– Thi ơi, mày hơi ngu rồi đó. Chị Dần đi làm mấy trò này làm chi? Bả nhát cáy gần chết.
– Vậy thì ai làm, mày đi qua bển nói tụi nó ngưng lại đi, rảnh quá trời!
– Mắc gì phải là tao? Sao mày không đi đi?
RẦM. KẼO KẸT.
– Thôi đi, tao không có qua đâu.
– Mày là nhà nghiên cứu quái vật mà. Mày gan hơn tao.
– Thôi, thôi, thôi, thôi.
– Vậy kêu ông Nam kế bên phòng mình đi. Không lẽ ổng không nghe tiếng động nãy giờ?
– Mày tự mà kêu. Tao không có bước ra ngoài đâu!
RẦM.
– Rồi, vậy tao với mày kệ nó đi. Hồi cũng hết chứ gì!
– Mai tao phải thức sớm nấu đồ ăn sáng cho ông Nam nữa…
– Thấy chưa, mày có công chuyện, mày đi là đúng rồi.
KẼO KẸT.
Hằng than khổ rồi bước xuống giường, cô đẩy cửa ra, hành lang được soi sáng bằng một cây đèn bão duy nhất treo trên hàng ba. Đèn bị gió thổi lắc lư, làm bóng của những cây cột như đang nhảy một điệu múa rùng rợn nào đó. Hằng nuốt nước miếng, phòng tự sát nằm kế bên phòng của cô thôi, chỉ cần bước ba bước là tới. Nghĩ tới đó, Hằng lấy hết can đảm, bước qua rồi dọng vào cửa vang lên những tiếng “Ầm, ầm” trong đêm khuya tĩnh mịch. Giờ cô mới để ý trên cửa còn có một tấm bảng nhỏ ghi Nhà Kho.
Hằng hét:
– Để yên cho người ta ngủ coi.
Không có tiếng trả lời.
KẼO KẸT.
Hằng vẫn cố la lên trong tuyệt vọng:
– Thiệt vậy đó hả trời? Giỡn nhây vừa thôi!
Hằng lùi một bước về sau, lúc đó cô mới để ý một chuyện, cánh cửa phòng này bị khóa từ bên ngoài, ổ khoá còn nguyên vẹn. Nhiêu đó cũng đủ đánh tan hết mọi can đảm Hằng thu gom nãy giờ, cô phóng hết tốc lực về phòng.
Thi bất ngờ hỏi:
– Sao vậy?
Hằng thở dốc, ánh mắt tràn đầy kinh hãi, cô nói:
– Tao không có quay lại cái phòng chó chết đó nữa đâu. Nó khóa ngoài, mày hiểu không? Làm gì có chuyện ai vô đó chọc mình được!
Thi nói:
– Vậy ý mày là, trong đó… có ma?
Đoạn, cô bật cười như đang chọc ghẹo Hằng.
Hằng gắt:
– Ý tao là trong phòng đó có thứ gì đó ghê gớm, năm người tự tử trong đó mà mày quên rồi sao. Phòng đó bị ám cũng là chuyện dễ hiểu…
Thi khịt mũi:
– Mày nên đi làm đào cải lương hay ra đứng ngã tư kể chuyện thì đúng hơn, xạo sự vừa thôi.
Chiều đến, khi Thi đang ngồi viết lách trong lúc Hằng còn đang loay hoay với đống chén của ông Nam, phòng còn mình ên cô thì bỗng nghe tiếng gõ cửa.
Cộc. Cộc. Cộc.
Cô nói:
– Cứ vô đi…
Mắt Thi vẫn đăm đăm tập trung nhìn vào bản vẽ. Tiếng gõ cửa cứ dồn dập. Lúc này cô đâm bực, liền đứng dậy đi ra xem thì mới tá hỏa. Thật ra cánh cửa đâu có đóng, cô cố tình để cửa chờ Hằng về.
Đương lúc Thi ngơ ngác, thần trí như bị hút ra khoảng không trước sân thì thình lình tiếng gõ cửa lại vang lên, nghe nhẹ nhàng vậy mà cứ như mũi dao xọc vào màng nhĩ cô, làm da gà nổi rần rần. Thi giật bắn người, quay lại coi. Thì ra tiếng động phát ra từ sau lưng cô là cái tủ đồ. Cô chửi thầm, nghĩ là Hằng chọc mình nên lên tiếng:
– Mày hả Hằng, lớn đầu rồi còn chui vô tủ hù tao nữa…
Cái tủ vẫn im lìm. Tâm trạng bực tức dâng cao, Thi lên tiếng chửi rất lớn, lại nghe tiếng gõ cộc cộc mấy lần. Bỗng nhiên, nghe tiếng Hằng từ cửa bước vào.
Thi hết sức hoảng hốt, liền quay lại nhìn, cái tủ trở lại bình thường, không còn nghe gì nữa. Thi chạy đến mở tung hai cánh tủ ra, bên trong chỉ toàn là quần áo, cô bới đồ đạc lên hết, cái tủ vẫn là cái tủ. Hằng cảm thấy lạ lùng, bèn hỏi chuyện. Thi kể lại thì Hằng bán tín bán nghi, nói là bạn mình bị ảo giác. Bỗng, Hằng nhớ lại một chuyện, cô nói:
– Ê mày, hồi sáng tao đang làm việc nhà cho ông Nam, ổng có kể với tao một chuyện lạ lắm.
– Mày nói đi… – Thi vẫn còn rất hoang mang.
Hằng hạ giọng:
– Cái phòng kế bên đó, không phải chỉ có năm người chết đâu, nhiều lắm rồi. Ông Nam nói người đầu tiên là đàn ông, bự như lực sĩ, cũng nhảy từ cửa sổ, rớt xuống vách núi chết tan xác. Mày có thấy chuyện gì lạ lạ không?
Thi giật mình nhớ lại: cửa sổ phòng đó nhỏ xíu, mảnh mai như phụ nữ còn nhảy được, chứ một người đàn ông chui qua đã khó, cớ gì phải chọn cách chết lạ lùng như vậy. Tưởng tượng đến việc kỳ lạ đó không khỏi làm hai cô gái thấy rùng mình, cảm giác như có ai đó nhìn chòng chọc vào gáy.
Tới tối khi đang nằm lim dim không ngủ được, đột ngột Thi nghe tiếng động giống như tiếng giọt nước rỉ xuống sàn nhà làm cô bừng tỉnh, sau đó là tiếng đá lăn từ bên ngoài cửa sổ như có thứ gì đang chầm chậm bò qua, bò lại. Lát sau âm thanh đó ngưng bặt, lập tức tiếng lạch cạch như có ai đó đang dọn dẹp căn phòng kế bên liền vang lên. Lúc Thi mở mắt hoàn toàn, nhìn qua Hằng thì thấy Hằng cũng đang trừng mắt nhìn mình, cả hai cùng nghe thấy tiếng động.
Thi bước qua giường Hằng, lúc này đang cố ép lỗ tai vào tấm vách bằng ván để nghe ngóng, vì màn đêm tĩnh mịch nên tiếng con kiến bò cũng nghe. Đột nhiên từ phòng bên cạnh vang lên tiếng nói lí nhí, là giọng của một người phụ nữ, có vẻ đã già:
– Dưới vực có con mắt, dưới vực có thiên đường, dưới vực là giải thoát…
Hằng và Thi chú tâm hết sức để nghe rõ câu cuối, nhưng giọng người kia như khàn đặc lại, không nghe được nữa. Còn đang tập trung, bỗng bức tường bị cái gì đó tác động vào rất mạnh, tựa như người bên kia dùng búa đập, vang lên một tiếng “Rầm” làm Thi và Hằng bị giật mình, phải lùi về sau nên té luôn xuống giường.
Hằng nổi cơn lôi đình, nhất thời nộ khí xung thiên, phen này gặp ma giết ma gặp quỷ chém quỷ. Cô chụp ngay cây chổi cán tre, chạy sang đập cửa phòng số 4 thêm lần nữa, quyết làm cho ra lẽ. Dĩ nhiên cửa vẫn khóa ngoài, bên trong không có động tĩnh gì khác. Hằng gom hết can đảm, đưa mắt nhìn qua khe cửa, thấy căn phòng để cửa sổ mở nên ánh trăng rọi vô, đồ vật đã cũ kỹ hết, cánh cửa đúng là quá nhỏ không chui ra được, nhưng rõ ràng bữa trước nhìn qua thấy cửa còn đóng chặt, sao giờ lại mở ra.
Hằng run sợ dần, hoang mang tột độ. Chợt một cặp mắt đỏ ối xuất hiện, trừng mắt nhìn lại Hằng từ phía khe cửa bên trong, cách nhau chỉ chừng một hai phân. Hằng la toáng lên, cả dãy nhà thức giấc, nháo nhác chạy ra coi có chuyện gì, chỉ thấy Hằng bò trên đất, nước mắt giàn giụa, nói không ra tiếng. Cô kể cho mọi người nghe, tuy nhiên ai cũng lắc đầu, bởi vì họ đã ở đây lâu ngày, chẳng hề bị hù dọa như vậy, kể cả những người từng ở hai bên phòng tự sát đó.
Lúc này thấy Thi trong nhà bước ra, trông vẻ mệt mỏi, Hằng bèn nói Thi kể lại những gì gặp lúc nãy cho mọi người nghe. Thi nghe đến đó thì tròn mắt ngạc nhiên, kêu nãy giờ cô ngủ say, nghe tiếng Hằng hét lên nên đi ra xem, chứ nãy giờ có biết gì đâu! Khỏi nói cũng biết Hằng lúc này hoàn toàn suy sụp, có người nói do ban ngày cô tưởng tượng nhiều quá, ban đêm gặp ác mộng, chớ có thần hồn nát thần tín. Xong rồi ai kéo về nhà nấy, đêm đó Hằng không thể nào ngủ lại nổi.
Đến trưa ngày hôm sau, Hằng vừa chợp mắt thì nghe bên tai có tiếng thì thầm: “Nhảy đi!”, mở mắt ra thì thấy trên trần nhà có một bà lão mặt mày nhăn nhúm khó coi, đang bò như con thằn lằn nhìn mình chằm chằm, tức thì đạp cửa chạy ra ngoài, vừa lúc Cửu đến. Cửu chạy theo Hằng rồi nhìn vào phòng, bóng người con gái tóc bù xù nhìn y rồi nhảy ra khỏi cửa sổ. Đến lúc người ta đẩy được cửa ra thì mới phát hiện người đó chính là Thi. Xác Thi được tìm thấy không lâu sau đó.