Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 14: Củi đậu nấu đậu

Tác giả Wong Trần
Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 14: Củi đậu nấu đậu

Chúa Hiền từ sau khi lùi về phía Nam sông Gianh, đóng lại ở An Trạch, ngày ngày ngóng tin. Chợt được tin báo Nguyễn Hữu Dật về bái kiến, chúa Hiền cả mừng, liền xuống thềm đón tiếp. Chúa nói:

– Ta được gặp mặt Chiêu Vũ, như được nhìn thấy Trung Đô.

Chúa Hiền dắt tay Nguyễn Hữu Dật tới ngồi cạnh ghế ngự, rồi hỏi về tình hình trận chiến mới rồi. Nguyễn Hữu Dật kể chuyện mình chiến thắng, đánh thẳng ra sông Lam. Các tướng Tống Phước Khang, Phù Dương sơ sẩy, bị đánh bại ở Đại Nại. Còn mình vẫn ở xã Nam Ngạn đánh thắng quân Trịnh Toàn, giết hai tướng địch. Nhưng vì Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến ban lệnh thu quân, nên để lỡ cơ hội.

Chúa Hiền cũng tiếc nuối vì lỡ nghe lời Xá sai Phú, không đưa quân tiếp ứng. Chúa lại hỏi ý kiến của Nguyễn Hữu Dật. Hữu Dật nói:

– Dụng binh hai năm qua, mới có thể lược định bảy huyện Nghệ An. Được đã rất khó mà tốn phí rất nhiều. Nay về thế chưa thể thừa dịp. Xin đắp lũy ở phía Nam sông Lam làm kế cố thủ, để đợi cơ hội. Vả dùng binh trước tiên phải luận tướng. Nay kẻ nắm quân đa phần là người thân cựu, hoặc có người không quen kỷ luật, tiến lui trái lệnh; cũng có người thả quân cướp bóc, để mất lòng dân. Đó đều không phải là cái đạo toàn thắng. Ngày xưa Hàn, Bành, Anh Bố đều nhờ trí dũng nên được làm tướng Hán. Lập nên công nghiệp há đều là người Phong, Bái thôi đâu? Thần xin tuyển chọn các tướng có phương lược, không kể thân hay sơ, đều cho nắm quân. Ai là người thân thích cũ mà không biết việc binh, thì ban cho bổng lộc hậu để hưởng trọn đời, không cho họ nắm binh quyền. Như thế thì việc bổ nhiệm đều xứng với tài năng. Đánh đâu mà không thắng.

Chúa Hiền cả mừng, liền ban thưởng vàng bạc và một thanh bảo kiếm, sai Nguyễn Hữu Dật trở lại quân thứ Dinh Cầu. Hữu Dật đem ý của chúa thuật lại cho Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến. Hữu Tiến muốn mua thêm thời gian, nên bảo Nguyễn Hữu Dật lại tung gián điệp ra Bắc để thăm dò tình hình.

Vì quân Nguyễn đã rút xa, Thế tử Tây Định vương Trịnh Tạc lại lo giải quyết vấn đề nội bộ. Tháng Chín năm Bính Thân [1656], Thế tử lại điều tới Nghệ An thêm hai đạo quân nữa. Đạo thứ nhất do Thái bảo Thọ quận công Trịnh Lệ làm Thống lĩnh. Đạo thứ hai do con thứ của Thế tử là Thiếu phó Vũ quận công Trịnh Đống làm Đốc suất. Hai đạo quân này tới Nghệ An, tiếng là để “tiếp ứng”, nhưng thực chất là để giúp Thế tử Trịnh Tạc chia binh quyền của Ninh quốc công Trịnh Toàn.

Tháng Mười Một, Trịnh Toàn đưa đại quân qua phía Nam sông Lam. Trịnh Toàn đóng quân ở Quảng Khuyến, còn Phú quận công Trịnh Căn đóng ở Bạt Trạc. Các cánh quân Trịnh chia nhau đào hào đắp lũy, tung người ra dò thám tình hình quân Nguyễn. Lúc này Nguyễn Hữu Tiến còn đóng đại quân ở Dinh Cầu. 

Tình hình phía Trịnh trong những tháng này thật khó biết rõ. Trịnh Toàn đứng chân ở phía Nam sông Lam không bao lâu, lại rút qua phía Bắc, trở về An Trường. Sử thần của phe Trịnh Tạc sau này cáo buộc Trịnh Toàn “cậy công tự phụ, ngầm có lòng khác, ngày đêm vỗ nuôi tướng sĩ, phân phát vàng bạc không có hạn độ, lại tự tiện rút quân về An Trường”. Trịnh Toàn rút rồi, Trịnh Căn cũng không ở lại phía Nam sông Lam, mà cũng lui về xã Phù Long, sửa sang dinh lũy để canh chừng Trịnh Toàn.

Một người đương thời là Samuel Baron nói rằng Trịnh Toàn biết rõ mối nghi kỵ của anh trai mình. Nhờ đức độ, anh dũng, tài thao lược và các chiến công, Trịnh Toàn được quân lính yêu mến, gọi là “Cha”. Còn quân Nguyễn thì đặt cho Trịnh Toàn biệt danh “Ánh chớp Đàng Ngoài”. Điều này khiến cho Thế tử cảm thấy đố kỵ. Để trấn an Thế tử, Trịnh Toàn nói với vương huynh của mình là sẽ không làm gì quá mệnh lệnh của anh. Những chiến công mà Toàn thu được cũng là nhờ những chỉ thị sáng suốt của anh trai, còn mình chỉ là người thừa lệnh. Trịnh Toàn còn thề rằng sẽ không làm gì hại đến Thế tử. Nếu như quân lính hay dân chúng muốn tôn mình lên thay vị trí của anh, thì mình sẽ trị tội kẻ đó.

Truyện thơ Ông Ninh cổ truyện còn đặc biệt ghi lại lời thề của Thế tử Trịnh Tạc và Trịnh Toàn. Nhưng truyện thơ ấy lại đặt lời thề vào thời điểm Trịnh Toàn xuất trận, trước khi rời khỏi kinh đô. Lời thề của Thế tử có đoạn:

Em Ninh còn bé, dẹp giặc biên thùy, phòng khi cha già, bắt Ninh cầm trói. Tôi có ra thói, bạc ác tình gian, phó mặc hoàng thiên, giám đàn đả tử”.

Lời thề của Trịnh Toàn có nói:

Chưa biết Ninh được, hay là Ninh thua. Phòng khi cha già, siêu sinh Tịnh Độ. Ninh có ra dạ, bạc ác tình gian, Ninh có ra lòng, tranh quyền cướp nước, cho Ninh xin thác phen này”.

Điều đặc biệt là khi kêu gọi các vị vua đời trước về làm giám đàn, Trịnh Toàn đã vái cả “anh Phu, anh Hoa”. Đó chính là Phù quận công Trịnh Lịch và Hoa quận công Trịnh Sầm – hai vương tử bị giết trong cuộc tranh quyền kế vị với Thế tử Trịnh Tạc.

Samuel Baron nói rằng Thế tử Trịnh Tạc đã tạm yên tâm với lời thề của em trai. Giáo sĩ Marini thì cho biết Thế tử Trịnh Tạc tìm cách quay lại kinh đô. Thế tử báo về một số tin thắng lợi, rồi lấy cớ đó để quay về. Khi ngày Tết năm Đinh Dậu [1657] tới gần, Thế tử về kinh, được đón tiếp như một người chiến thắng.

Việc Trịnh Tạc trở về kinh đô đã cho ông lợi thế. Chúa Trịnh Tráng ngày càng già cả. Đến giữa tháng Tư năm đó [1657], chúa Trịnh Tráng qua đời. Tây Định vương Trịnh Tạc chính thức nối ngôi chúa.

Khi quyền lực đã nắm trong tay, chúa Trịnh Tạc liền quay sang đối phó em trai mình là Ninh quốc công Trịnh Toàn. Chúa Trịnh Tạc sai người tới Nghệ An, gọi Trịnh Toàn về chịu tang. 

Tài liệu của phía chúa Nguyễn nói rằng Trịnh Toàn hết sức nghi ngờ lệnh triệu, nên gọi Tham đốc Hợp quận công và Thự vệ Dực Tường tới bàn bạc. Trịnh Toàn nói:

– Nay vương huynh kế vị, sai triệu ta về. Ta đoán lệnh triệu này có ý chẳng lành. Vả vương huynh và ta vốn là cốt nhục, ta từng trộm thấy vương huynh chẳng một mảy may yêu quý ta. Nay triệu về gấp, trong đó ắt có nguyên cớ lớn, không phải lòng tốt. Ta muốn mưu đồ giữ thân, chưa biết làm sao. Ta nghe nói chúa Nguyễn của Nam triều thông minh, độ lượng, nhận thức hơn người, khuất thân cầu hiền, hạ mình đãi sĩ. Ta muốn đầu hàng, để tránh họa này. Hay là y theo lời triệu, kíp về Trung Đô, rồi ra sao cũng mặc. Hai đường như thế, các ngươi chủ trương thế nào? Sớm quyết một lời, cho ta tính liệu.

Bọn quận Hợp đáp:

– Cái đạo bề tôi, là tiến hay lui, quan hệ đến việc đúng sai. Nay Thái bảo nói ra lời đó, chắc là cũng chẳng đặng đừng. Theo như chúng kẻ hèn trộm tính, nếu như việc quả thực như thế, mà về kinh đô, thì ví như rồng bò vào vạc nước sôi. Chi bằng sớm hàng Nam chúa, để mưu kế khác. Chúng kẻ hèn cũng tránh được họa cá ao.

Trịnh Toàn suy tư hồi lâu, rồi nói:

– Như lời các ngươi nói rất là có lý. Chỉ hiềm ta còn có mẹ già, một mình ở nhà, sớm tối không có ai thăm hỏi. Nếu ta bỏ đi, đã là bất trung, lại còn mất hiếu, không khỏi bị thiên hạ cho ta là loài cầm thú. Như nay tính kế, không gì bằng các ngươi đi trước sang Nam Giới, đem việc của ta nói cho hai ông Tiết chế, Đốc chiến được tường. Như có hậu tình, sai người đón ta một phen, lại gửi cho mấy lời, rồi sau sẽ quy hàng.

Bọn quận Hợp bèn dẫn theo vợ con và quân lính kéo sang Nam Giới, xin vào yết kiến Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến, trình bày việc của Trịnh Toàn. Sau khi bàn bạc, Nguyễn Hữu Tiến sai người phi báo cho chúa Hiền. Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần cả mừng, truyền lệnh thu nhận bọn quận Hợp, đồng thời sai Nguyễn Hữu Dật biên thư và sai người đi đón Trịnh Toàn, nhưng không kịp.

Truyện thơ Ông Ninh cổ truyện thì cho biết rằng lúc nhận được lệnh triệu hồi. Ba quân cũng cho rằng lệnh này “chẳng hiền”. Nếu như trở về, Trịnh Toàn sẽ bị mất quyền. Quân lính nhao nhao xin “trả nghĩa” cho Trịnh Toàn. Hai viên thuộc tướng là Tường quận và Lệnh quận vì giận, nên trốn sang sông tới gặp chúa Hiền. Chúa Hiền nói với quận Lệnh nếu được Trịnh Toàn về hàng thì sẽ gả con gái cho. Nhưng Trịnh Toàn không đồng ý.

Sử sách của bên Trịnh quả thực có nhắc đến hai thủ hạ của Trịnh Toàn là Trịnh Bàn và Trương Đắc Danh đã trốn sang đầu hàng quân Nguyễn. Điều này khiến quân đội dưới quyền Trịnh Toàn tan rã. Hào quận công Lê Thì Hiến là người đầu tiên rời bỏ Trịnh Toàn, sang đầu hàng doanh Tá Quốc của Phú quận công Trịnh Căn. Một người khác là Đô đốc Thiêm sự Hào quận công Hoàng Nghĩa Chẩn cũng theo gót. Trịnh Toàn thấy tình thế đã vỡ lở, bèn đem voi ngựa và khí giới tới cửa doanh Tá Quốc dâng nộp, xin rũ lòng thương. Phú quận công Trịnh Căn đem lẽ thuận nghịch ra thuyết, rồi nói:

– Việc đã như thế, nên tới cửa khuyết đợi mệnh.

Trịnh Toàn đành trở về kinh đô. Chúa Trịnh Tạc sai đình thần nghị tội. Nhưng cuối cùng chúa Trịnh Tạc không giết, mà chỉ giam Trịnh Toàn vào ngục. Trịnh Toàn ở trong ngục hơn hai chục năm. Cho đến khi quân lính vì không kham nổi đời sống thiếu thốn mà nổi dậy, toan lập Trịnh Toàn làm chúa. Trịnh Toàn bị ban thuốc độc, chết ở trong ngục. Người đời vì Trịnh Toàn mà làm truyện thơ kể về sự tích của chàng, gọi là Ông Ninh cổ truyện. Tên gọi Ông Ninh còn lưu dấu tại nhiều thành lũy cổ ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Giáo sĩ Marini còn nói rằng mệnh lệnh đầu tiên của chúa Trịnh Tạc ban ra khi nắm quyền chính là giảm lương của quân lính. Một người chỉ huy thân tín của chúa có tên đạo Công giáo là Antoine hết sức tức giận. Trong lúc không kiềm chế được, Antoine đã xé tan lệnh chỉ của chúa Trịnh. 

Lê Thì Hiến nhờ có công tố cáo Trịnh Toàn, nên được thăng Hữu đô đốc. Ngược lại, Đốc thị Ngô Sĩ Vinh bị bãi hết chức tước, vì cớ làm phụ tá mà không tố cáo. Nhưng người nhà Ngô Sĩ Vinh nói rằng vì ông này dâng khải minh oan cho Trịnh Toàn, nên mới bị trừng phạt. Giờ đây, quyền chỉ huy các quân ở Nghệ An được giao lại cho Phú quận công Trịnh Căn. Thiêm sai Phan Kiêm Toàn làm Đốc thị.

Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần nghe tin Thanh vương Trịnh Tráng đã qua đời, thì đích thân ra huyện Thạch Hà, dừng lại ở dinh Vân Cát. Bọn Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến ra bái yết. Hữu Tiến bẩm rằng:

– Hiện nay Thanh vương mới mất, trong nước có tang. Chúng thần liệu rằng trong việc chiến đấu, họ ắt lơ là. Hùng binh bốn trấn đã chuẩn bị, lòng người đã thuận tòng. Chính là lúc trời cho, người theo. Mong chúa thượng kéo thẳng qua Đàm Giang, tùy cơ đánh dẹp. Ngõ hầu một lần cử sự, tới thẳng Trung Đô, hợp binh với bốn trấn, nhất tề quét diệt. Đó gọi là “trời cho mà không lấy, trở lại sẽ gặp họa”. Mong thánh thượng suy nghĩ, quyết định, để khỏi đánh mất thời cơ.

Chưa biết sự việc sẽ ra sao? 

Chia sẻ câu chuyện này

Tác giả: Wong Trần
Minh hoạ: Minh Thảo Võ
Thiết kế và dàn trang: TRẦN VĂN HẬU

Share