Samurai trên phim ảnh và thực tế khác nhau cỡ nào?

Tác giả Đông Nguyễn
Samurai trên phim ảnh và thực tế khác nhau cỡ nào?

Nhắc đến Samurai, người ta nghĩ ngay tới những màn song đấu của hai kiếm sĩ trên màn ảnh hay trong truyện tranh. Nhiều ý kiến cho rằng, chính bởi những màn song đấu tràn đầy tinh thần hiệp sĩ này, cộng với việc quá ỷ vào thanh kiếm sắc đã khiến Samurai hoảng loạn trước chiến thuật bầy đàn và tầm xa từ cung nỏ hay thiết pháo từ của Mông Nguyên. Nhưng sự thực có phải vậy?

Những khó khăn của Samurai khi đối đầu với quân Mông Cổ được nhắc đến rõ nhất trong Bát Phan Ngu Đồng Huấn (Hachiman Gudoukun) – một tác phẩm có hơi hướng tôn giáo được biên soạn khoảng giữa những năm 1308 và 1318. Tác phẩm có đề cập đến qua những hiện tượng linh dị trong cuộc chiến chống quân lại nhà Nguyên. Về việc chạm trán với đại quân Mông Cổ, sách này viết rằng: 

“Theo lối chiến đấu truyền thống, đầu tiên ta phải gọi tên một ai đó trong hàng ngũ của kẻ thù, sau đó xông lên tấn công đơn lẻ. Nhưng chúng (người Mông Cổ) chẳng hề đếm xỉa gì đến những quy tắc như vậy; chúng cùng nhau lao về phía trước thành một khối, giao tranh với bất cứ ai và giết họ”

Hình thức quyết đấu tay đôi này được gọi là ikki-uchi (Hán Việt là kỵ đối, tức những trận giao chiến kỵ sĩ). Lối chiến đấu trên nổi tiếng trong các truyện kể, điển hình như Heike Monogatari. Tuy nhiên trong thực tế, chẳng hạn trận vịnh Hakata, một số Samurai đã tự ý thực hiện các cuộc tấn công riêng lẻ vào các biệt đội tiên phong của quân Mông Cổ, nhưng không thể xem đó là một cuộc giao chiến ikki-uchi.

Đại chiến Shinsen Taikoki Yamazaki (1883). (Ảnh: 豊宣 Toyonobu)

Ví dụ, một Samurai có tên là Takezaki Suenaga đã bất chấp mệnh lệnh. Thay vì phải đợi quân Mông Cổ tiến đến địa hình bất lợi, anh ta đã làm ngược lại bằng cách hành động trước. Cụ thể, Takezaki đã lập nên một đội nhỏ khoảng năm người, xông đến giao chiến với một toán quân Mông Cổ tiên phong, rồi nhanh chóng rút lui sau đó.

Khi đọc các ghi chép về những cuộc nội chiến Nhật Bản trước thế kỷ 13, chúng ta cũng thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Lừng lẫy nhất trong số đó cần nhắc đến là cuộc chiến Gempei giữa hai gia tộc Samurai là Taira và Minamoto. Ngay từ đầu cuộc chiến, thay vì đối kháng trực diện, Taira no Shigehira đã chọn cách bao vây và tiến hành đốt lửa để thiêu chết quân Minamoto, đồng thời tăng binh đang cố thủ ở Nara.

Biểu tượng gia tộc Taira.
Biểu tượng gia tộc Minamoto.

Sau đó, trong trận Sunomata-gawa, phe Minamoto cũng đã chọn cách lén tập kích quân Taira vào ban đêm thay vì những màn song đấu vì danh dự. Không chỉ tập kích khi màn đêm buông xuống, Minamoto no Yoshinaka còn bày những mưu hay chước lạ như dùng nhiều cờ quạt để phóng đại quân số, đốt đuốc ở sừng bò để xua cả đàn tiến lên phá nát đội hình quân Taira tại trận Kurikara.

Tranh vẽ trận chiến Kurikaradani (Kurikaradani Kassen zu). (Ảnh: Katsukawa Shuntei)

Chiến công được ca ngợi nhất trong cuộc chiến là màn đột kích từ vách núi dựng đứng của chưa đầy 100 kỵ binh dưới quyền Minamoto no Yoshitsune. Kỳ tích này đã khiến cho quân Taira hoang mang và vỡ trận, bởi họ cho rằng không kỵ binh nào có thể xuống được vách núi đó. 

Trận chiến Ichi no Tani (1184). (Ảnh: Kano School)

Tất cả những mưu kế và chiến thuật kể trên đều không tuân theo những nguyên tắc song đấu danh dự mà ta hay biết về các Samurai. Tuy nhiên, các tác giả truyện ký và giới võ sĩ đạo không hề lên án chúng mà ngược lại, họ ca ngợi tài trí, mưu mô của các chiến thuật gia đã dám mạo hiểm thi triển chúng như cách chúng ta ca ngợi những mưu kế quỷ khóc thần sầu của Gia Cát Lượng hay Ngô Dụng.

Có lẽ trang bị và vũ khí của các Samurai trước thế kỷ 13 đã phần nào tạo ra giai thoại về việc họ chỉ giao đấu tay đôi với những đối thủ cùng đẳng cấp để giành lấy vinh quang. Samurai vốn là các kỵ sĩ mặc giáp thép nặng và sử dụng cung tên là chủ yếu. Sự kết hợp giữa tốc độ, áo giáp và vũ khí tầm xa của Samurai khiến các chiến binh nông dân đẳng cấp thấp trang bị giáp nhẹ, đi bộ và cầm đao Naginata chỉ biết tháo chạy hoặc chịu trận khi đối đầu với họ, chứ hầu như không thể gây tổn hại gì cả.

Chỉ các Samurai được trang bị và thông thạo những kỹ năng kỵ xạ tương tự mới đủ trình hạ gục được nhau. Bởi vậy, trong những cuộc chiến quy ước, các Samurai thường ưu tiên truy tìm và triệt hạ lực lượng Samurai đối địch từ sớm để tạo ưu thế cho phe mình. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng từ văn học Trung Hoa nên những màn xưng tên tuổi đã được các tác giả đời sau thêm thắt vào, chẳng hạn như các anh hùng trong Tam quốc diễn nghĩaThủy hử thường xưng danh và biệt hiệu trước khi tiến vào song đấu.

Như vậy, có thể thấy cách thức tiến hành chiến tranh của người Nhật trước thế kỷ 13 cơ bản không khác biệt so với các đội quân khác cùng thời trong khu vực. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến đế quốc Mông Nguyên nhanh chóng thất bại khi chinh phạt quần đảo này. 

Samurai mang giáp nặng (O-yoroi).

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Hoàng Anh
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share