Bão táp Tây Sơn – Kỳ 5: Kinh động “Thiên triều”

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 5: Kinh động “Thiên triều”

Ngày 12 tháng 5 năm Mậu Thân (1788), hộ vệ doanh Long Bằng của nước Thanh là Đô ti Trần Hồng Thuận đem quân đi tuần ải Đẩu Áo. Ông ta nghe có tiếng huyên náo ở bờ sông biên giới Thanh – Việt nên vội vàng đem binh lính và hương dũng tới xem xét tình hình.

Phía bờ sông nước An Nam có một nhóm người đang quỳ xuống lạy lục van xin. Trần Hồng Thuận hỏi ra, mới biết đó là đoàn người của Nguyễn Huy Túc đang hộ vệ “vương mẫu” và “vương tử” của tự tôn Lê Duy Kỳ của nước An Nam. Sở dĩ gọi là tự tôn vì vua Chiêu Thống (Lê Duy Kỳ) là cháu của vua Lê Hiển Tông đã khuất. Lê Duy Kỳ chưa nhận được sự sắc phong của nhà Thanh, nên vẫn chưa được xem là quốc vương.

Nhóm người của Nguyễn Huy Túc trình bày rằng họ bị “họ Nguyễn” (tức quân Tây Sơn) công phá “Lê Thành” (tức thành Thăng Long), cả đoàn bị truy bức tới bờ sông này, xin cho họ được “vào ải” (tức sang Trung Quốc) để lánh nạn. 

Trong khi còn đang hỏi han, Trần Hồng Thuận trông thấy bên kia sông có một toán mấy trăm người đang đuổi tới. Đó chính là quân Tây Sơn do Trần Danh Bính và Chỉ huy Cúc dẫn đầu. Trông thấy quân nhà Thanh bên kia sông, toán người dừng lại, không dám vượt sông, rồi tháo lui.

Trần Hồng Thuận kiểm tra đoàn người tị nạn: nam nữ, già trẻ tổng cộng 62 người. Họ được đưa vào trong ải, sửa soạn nhà cửa để ở tạm. Trần Hồng Thuận báo cáo việc này cho Phó tướng chỉ huy hiệp Tân Thái của nước Thanh là Vương Đàn. Vương Đàn bèn đem sự tình trình lên Tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh cùng Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị.

Đó là những thông tin đầu tiên do Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh tâu lên vua Càn Long hồi cuối tháng 5 năm Mậu Thân (1788). Các quan địa phương nhà Thanh mô tả câu chuyện như thể họ đã can thiệp kịp thời và chóng vánh. Trên thực tế điều này không đúng. Mặc dù có mặt bên bờ sông khi xảy ra vụ việc, quan binh nhà Thanh đã rất chậm trễ trong việc tiếp xúc với đoàn người chạy nạn của nước An Nam.

Đoàn người của Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Tố liều chết vượt qua sông đi vào địa giới nước Thanh. Họ được người dân địa phương dẫn vào trú ẩn trong hang núi ở núi Đồ Sơn. Trong bài Tiêu cung tuẫn tiết hành, Nguyễn Huy Túc đã nhớ lại cảnh đó:

Thuyền ngự lại đến ải Phất Mê
Quân giặc nghe tin liền đuổi tới
Tên bay, lửa phóng, binh khí chạm nhau
Nhờ mấy cành tre vượt qua ghềnh hiểm
Nghiêng ngả chông chênh, cuối cùng cũng vượt qua
Men núi, vin cây, lên sườn núi cao
Mưa trút, mù giăng, sắc trời mờ tối
Thổ nhân nhảy nhót đi trước dẫn đường
Mỏm núi gập ghềnh, đường mòn nhỏ hẹp
Hết đường là núi, trong núi có động
Trong động là giếng, nước trong leo lẻo
Nghĩ lại động này tạc từ khi nào?
Sớm biết ngày nay có thần tiên.

Cả đoàn trải qua một đêm mưa gió trong hang núi. Nguyễn Huy Túc đã ghi lại cảm giác này trong bài thơ Ngũ nguyệt hộ Từ giá độ Phất Mê tân (Tháng 5, theo Từ giá vượt bến Phất Mê):

Sậu vũ chung tiêu hàn bác cốt
Tảo khan giang thứ thủy thuyên phi
(Mưa lớn suốt đêm, xương lạnh thấu
Sáng trông sông chảy, nước như bay)

Đến sáng, nhóm của Lê Quýnh cũng lần tìm tới nơi. Đi theo Lê Quýnh chỉ còn bảy người nhà. Họ tìm thấy nhóm người của Thái hậu ở trong hang núi. Bấy giờ không có lương thực, các bề tôi tìm được vài bắp ngô dâng lên cho bề trên, còn họ thì chia nhau ăn cây bổ cốt chỉ.

Đoàn người ở trong hang núi mấy ngày thì người giữ ải của nước Thanh là Hoàng Thành Phượng mới báo cáo lên Long Châu. Thông phán ở đó là Trần Tùng xuống điều tra, rồi chuyển báo lên Tri phủ Thái Bình là Lục Hữu Nhân.

Theo tờ trát của Lục Hữu Nhân gửi cho Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, ông này đã tự viết ra các câu hỏi cho nhóm người nhà Lê. Ngày 17 tháng 5, Phó tướng hiệp Tân Thái là Vương Đàn tới ải Đẩu Áo, mang theo các câu hỏi để điều tra. Vương Đàn dùng cách thức bút đàm (viết ra giấy) để hỏi ba người Nguyễn Huy Túc, Lê Quýnh và Hoàng Ích Hiểu. Mặc dù vậy, nhân chứng đương thời là Lê Quýnh chỉ nhắc đến việc nói chuyện với Trần Tùng.

Lục Hữu Nhân lại trình lên cho “đạo, trấn, ti niết (án sát), vũ đốc (tuần phủ)”. Tất cả những thủ tục rườm rà này kéo dài đến cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu năm Mậu Thân (1788) thì mới đến tai Tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh và ít ngày sau thì Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị mới được biết.

Tôn Sĩ Nghị lúc bấy giờ đang giải quyết việc quân đội khải hoàn từ Đài Loan về. Từ năm 1787, Lâm Sảng Văn khởi nghĩa ở Đài Loan, thiết lập chính quyền chống Thanh. Vua Càn Long sai Phúc Khang An đưa quân vượt biển trấn áp. Chiến công này chính là chiến công thứ bảy trong mười chiến dịch quân sự lớn thời Càn Long, được sử sách gọi là Thập toàn võ công. Tôn Sĩ Nghị không trực tiếp tham gia chinh chiến, mà chỉ đảm nhiệm phòng thủ Phúc Kiến.

bao-tap-tay-son

Bắt được tin tức nội loạn của nước An Nam, Tôn Sĩ Nghị thấy ngay cơ hội cho một “võ công” mới. Ông ta tâu lên vua Càn Long rằng “nước An Nam có nội loạn, vậy nên thừa cơ hội này tiễu bình rồi sau đó chiếm lấy đất đai của họ”.

Lời tâu này không còn được ghi chép trong bất cứ sử liệu chính thức nào của triều đình nhà Thanh. Khâm định An Nam kỷ lược – quyển sách thu thập các văn kiện của nhà Thanh về chiến dịch can thiệp vào nước ta – cũng không hề ghi chép lại. Vua Càn Long chỉ nhắc tới nó bằng một chú thích nhỏ trong bài thơ do ông sáng tác, thuật lại đầu đuôi chiến dịch An Nam theo quan điểm của ông ta. Vua Càn Long nói rằng mình đã bác bỏ đề xuất đó, viện cớ rằng:

Họ Lê phụng sự triều ta đã lâu rất là cung thuận, Trung Quốc đất đai rộng lớn từ xưa đến nay chưa từng có lẽ nào lại nhân lúc người ta nguy nan để lấy đất của họ”.

Tất nhiên, đây chỉ là những lời hoa mỹ sau khi đã thua trận tan tác. Trong thâm tâm Càn Long có muốn chiếm cứ đất đai Đại Việt hay không, có lẽ chỉ có vua Càn Long hiểu rõ nhất. Điều chúng ta biết chắc là vua Càn Long đã bắt đầu cân nhắc tình thế để đưa đất nước của mình vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới.

Art Director Lê Minh
Artist Mỹ Thanh
Editor Phạm Vĩnh Lộc

Share