Giữa lúc nhà Thanh đang cân nhắc can thiệp vào nước ta thì Bình vương đang có một cuộc trắc nghiệm lớn ở Thăng Long.
Quyền lực của nhà Lê đã tan nát. Nước Đại Việt chia cắt đã mấy trăm năm. Những đề xuất của Ngô Thì Nhậm tuy táo bạo, nhưng không phải là không đáng cân nhắc. Còn phải duy trì tình trạng khủng hoảng chính trị đó đến bao giờ?
So với duy trì chiến loạn, sáng lập một triều đại mới, để cho lòng người có chỗ quy về, muôn dân được sống yên ổn; đằng nào xứng đáng hơn?
Để trắc nghiệm đề xuất của Ngô Thì Nhậm, Bình vương Nguyễn Huệ đã ra lệnh triệu tập các viên mục và xã trưởng ở tứ trấn (Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương) đến Thăng Long. Họ được hỏi ý kiến về một tờ biểu, trong đó đại ý nói:
“Ngày này họ Lê đã mạt vận không có người cai trị, nguyện đề cử Thượng công lên ngôi thiên tử”.
Dưới danh nghĩa của Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông, các quan lại triều Lê cũng được mời đến. Họ cũng nhận được đề nghị soạn một tờ biểu khác, khuyên Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế.
Đặng Tiến Đông người làng Lương Xá, huyện Chương Đức, là dòng dõi của Nghĩa quốc công Đặng Huấn – công thần trung hưng của nhà Lê. Từ năm 1787, khi Nguyễn Huệ còn đóng ở Phú Xuân, Đặng Tiến Đông đã lặn lội vào Nam để theo Tây Sơn. Nguyễn Huệ đã phong cho ông là Đồng tri Đô đốc, tước Đông Lĩnh hầu. Sau này, Ngô Thì Nhậm tả lại:
Anh là người trốn đời Đây đó đi cùng khắp Như chim hồng trên mây Tránh cung tên, bay tít Từ khi anh làm tướng Dốc lòng lo việc nước
Nguyễn Huy Trạc người làng Đan Nhiễm, huyện Văn Giang, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769) dưới thời Lê Hiển Tông. Ông làm quan nhà Lê đến chức Thiêm đô ngự sử ở Ngự sử đài. Lúc vua Chiêu Thống bỏ kinh thành chạy lên phía Bắc, Nguyễn Huy Trạc không đi theo, mà trở về làng. Khi được sứ giả mời đến Thăng Long, Nguyễn Huy Trạc cũng đồng ý đi theo. Đến nơi, ông ta mời sứ giả Tây Sơn ngủ lại nhà riêng của mình. Đêm ấy, Nguyễn Huy Trạc uống thuốc độc tự sát.
Cái chết của Nguyễn Huy Trạc đã gây chấn động đương thời. Có người bảo ông tự sát ở đài Ngự sử, có người bảo ông tự vẫn ở quân phòng, cũng có người bảo ông bệnh chết. Câu chuyện chính xác về cái chết của Nguyễn Huy Trạc phải mấy chục năm sau, khi nhà Tây Sơn đã diệt vong, mới được bạn của ông là Hoàng mỗ kể lại cho nhà thơ Nguyễn Hành. Nguyễn Hành đã làm thơ về sự kiện ấy với lời dẫn chính xác.
Việc Nguyễn Huy Trạc uống thuốc độc khiến việc tôn phò Bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế bị gác lại. Lúc này, lại có những tin tức đáng lo ngại về chiến sự giữa Nguyễn Ánh và tướng Tây Sơn là Phạm Văn Sâm ở phủ Tây Định (tên gọi phủ Gia Định dưới thời Tây Sơn). Bình vương Nguyễn Huệ phải vội vã trở về Phú Xuân. Trước khi đi, ông để Đại tư mã Ngô Văn Sở, Nội Hầu đại tướng quân Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng và một số viên quan khác ở lại trấn giữ Bắc Hà. Bình vương vẫn để cho Sùng Nhượng công Lê Duy Cận làm Giám quốc như cũ.
Trong tờ chiếu ủy cho Sùng Nhượng công làm Giám quốc do Ngô Thì Nhậm thảo, Nguyễn Huệ tuy nhắc đến việc “cùng thiên hạ làm lại từ đầu”, nhưng đồng thời cũng viện dẫn đạo lý “hưng diệt kế tuyệt” (chấn hưng quốc gia đã diệt vong, nối tiếp dòng họ đã đứt đoạn) và tuyên bố đó là “tột cùng nhân nghĩa của thánh vương”. Bình vương cũng nói rõ Sùng Nhượng công có trách nhiệm “phụng thờ tế tự của họ Lê”, còn “việc binh dân trong nước đều đã sai quan chia nhau xử lý”; “ai nấy đều có chức phận, để tỏ rõ chính sự thống nhất sáng rõ buổi đầu”.
Sau khi tổ chức một tiệc rượu và dặn dò các bề tôi văn võ được lưu lại quản lý Bắc Hà, Bình vương Nguyễn Huệ vội vã về Nam. Nhật ký giáo hội Bắc Kỳ còn ghi lại: “Ông rời nơi này sau lễ thánh Jean (24-6-1788) để về Phú Xuân chặn đường vị vua hợp pháp [tức Nguyễn Ánh] đang tìm cách chiếm lại đất đai của ông. Ông hấp tấp đến nỗi ông chỉ ghé ở 1 ngày tại nơi chỉ định xây thành phố mới (tức Phượng Hoàng trung đô ở Nghệ An)”. Những việc còn lại ở Bắc Hà được giao cho Ngô Văn Sở tiếp tục giải quyết.
Sau khi Bình vương trở về Nam, Ngô Văn Sở ở Bắc Hà tiếp tục xúc tiến việc suy tôn. Nhưng sĩ phu vẫn tìm cách trốn tránh hoặc bất hợp tác như cũ. Tiêu biểu là trường hợp của Hồ Sĩ Trạch. Hồ Sĩ Trạch người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An, từng làm Giám sinh (học trò ở Quốc Tử Giám), Tri huyện Gia Lâm dưới thời Lê. Lúc nhà Lê loạn lạc, Hồ Sĩ Trạch bỏ trốn khỏi nhiệm sở chạy về quê – nói một cách màu mè là “gặp loạn Tây Sơn, bỏ quan về nhà”.
Mặc dù Hồ Sĩ Trạch không giúp đỡ gì nhà Lê, nhưng ông ta vẫn còn muốn giữ thể diện cho bản thân. Lúc được địa phương mời ra, để lên Thăng Long gặp Ngô Văn Sở, thì Hồ Sĩ Trạch liền từ chối. Hồ Sĩ Trạch nói rằng:
– Ta là một người đi học, đỗ Hương cống, làm quan Tri huyện rồi. Vẫn biết làm quan có chức to chức nhỏ, nhưng cũng đều nhờ ơn vua cả mới nên danh diện, nay lẽ nào đem một thân danh thờ hai triều.
Hồ Sĩ Trạch nhất định không tới chào Ngô Văn Sở. Sở nổi giận. Sĩ Trạch lại làm căng, bảo rằng “chỉ có chết là rồi” và toan uống thuốc độc. Đại tư mã Ngô Văn Sở không muốn làm to chuyện, bèn bỏ qua cho Sĩ Trạch.
Một trường hợp khác là Phạm Quý Thích. Phạm Quý Thích người xã Hoa Đường, huyện Đường An, trấn Hải Dương, làm Thiêm sai tri Công phiên dưới thời chúa Trịnh Tông. Lúc Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh, Phạm Quý Thích chôn ấn Công phiên dưới đất rồi bỏ chúa chạy trốn. Khi Chiêu Thống lên ngôi, Phạm Quý Thích nhiều lần từ chối làm quan cho vua Lê. Năm 1788, phía Tây Sơn cũng mời Phạm Quý Thích ra. Phạm Quý Thích nói với cha mẹ mình rằng:
– Nếu xin mà được miễn thì còn thấy lại nhau. Nếu không, chớ vì con mà nhớ nghĩ.
Phạm Quý Thích tới Thăng Long, xin không hợp tác, nhưng không được. Quý Thích toan trốn, nên viết thư bảo song thân trốn đi trước. Hai người lại không chịu, viết thư khuyên giải. Phạm Quý Thích bèn giả bệnh, nằm mãi không dậy, cuối cùng được thả về. Rồi sau, Ngô Văn Sở lại giục Quý Thích ra, để ký tên vào hai tờ biểu: biểu hàng phụ (xin hàng) và biểu khuyến tiến (khuyên lên ngôi vua). Phạm Quý Thích không chấp nhận. Phía Tây Sơn muốn ông đi sứ nhà Thanh hoặc đem tờ biểu vào Phú Xuân. Phạm Quý Thích cũng không đồng ý.
Mặc dù vậy, Ngô Văn Sở vẫn khởi động việc đặt quan hệ ngoại giao với nhà Thanh. Cuối tháng 6 năm Mậu Thân (1788), thổ mục châu Văn Uyên là Hoàng Đình Cầu và Nguyễn Đình Liễn cũng tới ải Trấn Nam, gõ cửa xin triều cống. Yêu cầu này được Vương Đàn – người tạm quyền chức Phó tướng của hiệp Tân Thái nhà Thanh – bẩm lên Tôn Sĩ Nghị. Đầu tháng Bảy, Sĩ Nghị tới Trấn Nam, sai Vương Đàn đứng trên tường thành, lớn tiếng nói:
– Nguyễn Nhạc ngươi đuổi chủ, làm loạn cương thường, vọng tưởng việc soán nghịch. Tổng đốc nghe tin đã đích thân đến đây, đã tâu lên Đại hoàng đế điều động quan quân các tỉnh Vân, Quý, Xuyên, Quảng, Phúc Kiến vài mươi vạn, chia đường ra tiến đánh. Nguyễn Nhạc ngươi nếu không hối tội, tự mình đổi mới, nghinh đón chủ cũ trở về, bảo toàn gia quyến, lại dám quấy nhiễu thiên triều, đem nạp cống vật.
Vương Đàn lại tiếp tục quay sang mắng hai người Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Đình Liễn:
– Di mục các ngươi đã từng nhận chức của họ Lê, bỗng dưng trở mặt thờ kẻ thù, thay chúng gõ cửa quan cầu xin, thực đúng là kẻ vô liêm sỉ. Đúng ra ta phải bắt các ngươi ngay để xin hoàng thượng hạ chỉ đem ra chính pháp. Nhưng nghĩ rằng các ngươi chỉ là những quan Di thấp kém, không đáng để trừng trị, vậy hãy mau mau trở về nói cho Nguyễn Nhạc biết rằng: họa phúc chỉ trong nháy mắt. Các ngươi tự thu lấy.
Nói dứt lời, Vương Đàn đem tờ biểu của phía Tây Sơn ném trả. Tờ biểu từ trên mặt thành chao liệng rơi xuống đất. Quan hệ Thanh – Tây Sơn chưa bắt đầu mà đã tan vỡ. Chiến tranh chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?