Bão táp Tây Sơn – Tập 20: Một Chính, một Kỳ

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Tập 20: Một Chính, một Kỳ

Cách phía Nam thành Thăng Long chừng 13km là thôn Ngọc Hồi. Thôn này nằm dọc theo đường Cái Quan từ Nam ra Bắc. Đoạn đường cái đi qua thôn này dài hơn 1km. Quân Thanh đã đặt ở đây một đồn lớn. Đồn này nằm trong hệ thống phòng ngự mà Tôn Sĩ Nghị đã cho bố trí từ trước, kéo dài từ cửa ô tới Hà Hồi. Sau Hà Hồi là Ngọc Hồi, sau Ngọc Hồi còn một đồn nhỏ là đồn Văn Điển. Ở mỗi đồn, bên ngoài đều có chôn địa lôi, trong đồn thì bố trí pháo. Tại đồn Ngọc Hồi, quân Thanh còn cho đắp lũy, phòng bị kiên cố hơn hẳn các đồn khác.

Đồn Hà Hồi bị quân Tây Sơn bao vây và bức hàng từ nửa đêm mồng Ba Tết Kỷ Dậu (1789). Trên con đường từ Hà Hồi tới Ngọc Hồi, quân Tây Sơn phải chiến đấu liên tục, vì viện quân Thanh đã tới. Việc phòng bị cánh này do lực lượng Quảng Tây của Tổng binh Thượng Duy Thăng đảm nhiệm. Nhưng bản thân Thượng Duy Thăng hình như vẫn còn đóng với một bộ phận còn lại dọc theo sông Hồng, phía Bắc Thăng Long. Rạng sáng ngày mồng Hai, Tôn Sĩ Nghị đã phái Tổng binh Trương Triều Long đem 3000 quân tinh nhuệ đi tăng viện cho lực lượng đồn trú phía nam.

Lúc này, một số lực lượng quân Thanh đã ở trong tình trạng bị bao vây. Đô ti Trần Nguyên Nhiếp của phía Thanh đã phải chiến đấu giữ đồn từ ngày mồng Một Tết. Điều này cho thấy có một bộ phận quân Tây Sơn tiến nhanh, bỏ qua các đồn trại dọc đường nếu có thể được.

Ngày mồng Ba Tết, vào lúc Hà Hồi thất thủ, Tổng binh Trương Triều Long chạm trán quân Tây Sơn. Sau một trận tao ngộ chiến ác liệt, quân Tây Sơn rút lui. Nhưng đêm đó, quân Tây Sơn trở lại. Mặc dù tư liệu nhà Thanh không biết rõ địa điểm diễn ra trận chiến, ta có thể suy đoán rằng đó là những trận đánh nhằm bảo vệ đồn Ngọc Hồi. Sau đó, suốt một ngày một đêm mồng Bốn Tết, quân Tây Sơn tập trung thêm lực lượng, cố tấn công quân Trương Triều Long, nhưng không thu được thắng lợi. Lúc này Đề đốc Hứa Thế Hanh đã dẫn đội thứ hai đi tăng viện và chính bản thân Tôn Sĩ Nghị cũng dự định dẫn theo một đội nữa xuống phía Nam để ứng chiến. 

Sau này, các giáo sĩ thừa sai nói rằng một viên tướng Thanh là Đô Khôu Cuong [Đô khổn Trương, có lẽ là Trương Triều Long] đã tới gặp hoàng đế Quang Trung ở Hà Hồi. Ông này báo rằng hoàng đế Càn Long đã gửi viện binh tới. Nguyễn Huệ chỉ có hai lựa chọn: một là đầu hàng, còn hai là chuẩn bị quyết chiến vào ngày mồng Sáu Tết. 

Trước đó mấy ngày, Tôn Sĩ Nghị đã cho dán bố cáo kêu gọi dân Bắc Hà tới xem đánh nhau, đồng thời thách thức quân Tây Sơn tới Thăng Long giao chiến. Ngày mồng Bốn Tết Kỷ Dậu, Tôn Sĩ Nghị hội kiến với Đề đốc Vân Quý là Ô Đại Kinh. Tôn Sĩ Nghị giục ông này điều động cánh quân của mình tới tăng viện. Nhưng lực lượng Vân Quý còn cách Thăng Long rất xa. Mọi ánh mắt đều hướng về phía Nam, chăm chú theo dõi biến chuyển ở đồn Ngọc Hồi.

Phía Tây Nam Thăng Long còn có một con đường khác cũng được quân Thanh bảo vệ. Con đường này chạy qua những cánh đồng lúa bạt ngàn và tẻ nhạt. Trên tuyến đường này nổi lên một cái gò mà triều đình nhà Lê dùng làm diễn võ trường. Người ta gọi xứ này là xứ Đống Đa. Phòng thủ Đống Đa không phải lực lượng chính quy, mà là lực lượng người Choang Quảng Tây ở Điền Châu do thổ ti Sầm Nghi Đống chỉ huy.

Họ Sầm đã hùng cứ Điền Châu từ thời nhà Minh. Sang thời nhà Thanh, họ quy thuận triều đình người Mãn. Bản thân Sầm Nghi Đống cũng giúp đỡ nhà Thanh rất đắc lực. Ông ta đối đãi với dân của mình vô cùng khắc nghiệt. Dân chúng bị cấm không được đi thi, vì ông ta sợ họ đỗ đạt thì sẽ vuột khỏi tầm quản lý của mình. Con gái đến tuổi lấy chồng phải được ông ta chấm trước. Nếu ông ta không cho lấy chồng thì họ đành phải ở vậy. Sầm Nghi Đống xử sự cũng không công bằng. Nhưng dân chúng Điền Châu cũng chẳng biết phải làm gì, ngoại trừ việc lên mộ của thổ ti đời trước khóc lóc.

Khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị sẽ kéo quân sang nước ta, Sầm Nghi Đống cũng hăng hái xin đi. Lực lượng của ông ta khá đông, lên đến 2000 người và hành quân theo một hướng khác với Tôn Sĩ Nghị. Trên hướng này, ông ta hầu như không gặp sự kháng cự nào và thuận lợi tiến vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị đã giao cho Sầm Nghi Đống phòng thủ hướng này. Sầm Nghi Đống cũng đặt đồn trại giống như hướng Ngọc Hồi, bên trong bố trí pháo, bên ngoài đặt địa lôi.

Trong khi hướng phía Nam đã sôi động từ ngày mồng Một Tết, thì hướng Đống Đa vẫn yên tĩnh. Nhưng sự yên tĩnh đó bị phá vỡ giữa đêm mồng Bốn rạng ngày mông Năm Tết Kỷ Dậu. Bài văn tế quân Thanh chết trong trận này cho biết chiến sự nổ ra vào giờ Dần (tức khoảng 1 đến 3 giờ sáng) ngày mồng Năm Tết. Lực lượng Tây Sơn do Đô đốc Mưu, có sách ghi là Đô đốc Long tấn công lực lượng phòng thủ của Sầm Nghi Đống.

Có nhiều tranh cãi về lai lịch của Đô đốc Long. Có người nói rằng đó chính là Đô đốc Đặng Tiến Đông, mà đáng ra phải gọi là Đặng Tiến Giản. Ông này thuộc về dòng thế gia họ Đặng ở Chương Đức, nằm ở phía Tây Nam Thăng Long chừng 20km. Văn bia về ông sau này có nói vào năm Mậu Thân “Bắc binh Nam mục”, Đặng Tiến Đông đã chỉ huy đội quân tiên phong kéo vào Thăng Long trước tiên, “dẹp yên cung cấm”. Nhưng cũng có người nói Đô đốc Long không phải Đặng Tiến Đông. Có người nói Đô đốc Long là Đặng Văn Long. Lại có người bảo đó là Nguyễn Tăng Long. Lại có người bảo là Lê Văn Long. Thậm chí chính Sầm Nghi Đống cũng không biết Đô đốc Long là ai, vì ông này lướt qua như một cơn gió. Đô đốc Long không cần thiết phải đánh bại mọi đồn trại trên đường đi. Mục tiêu của ông là tiến thẳng vào sào huyệt đánh tan quân giặc và những kẻ rước giặc vào nhà.

Đô đốc Long để Sầm Nghi Đống lại cho lực lượng phía sau giải quyết, còn mình tiếp tục tiến lên. Sau Đống Đa còn một đồn khác là Nam Đồng, đồn này bị diệt ngay lập tức. Đô đốc Long kéo thẳng vào Thăng Long. Triều đình Lê Chiêu Thống và bộ chỉ huy quân Thanh sẽ đáp trả bằng một cuộc tháo chạy tán loạn.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Minh hoạ: Võ Minh Thảo
Dàn trang: Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share