Bí ẩn cuối cùng của đảo Phục Sinh

Tác giả Phạm Bá Thủy
Bí ẩn cuối cùng của đảo Phục Sinh

Các nhà khoa học đã cố công tìm hiểu rằng sau khi dựng lên những bức tượng thần bằng đá, người dân trên đảo Phục Sinh biến đi đâu? Bí ẩn cuối cùng của đảo Phục Sinh dường như đã được làm sáng tỏ, nhưng…

Tượng Moai đảo Phục sinh.

Hướng mắt lên bầu trời

Đảo Phục sinh (tên địa phương là Rapa Nui), một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, đã ám ảnh các nhà khoa học suốt nhiều thế kỷ. Dân cư của đảo đã đẽo gọt và dựng lên gần một nghìn tượng thần bằng đá rồi… biến mất, để lại một số công trình vẫn còn dang dở, chưa hoàn thành. Dường như công việc đã bị ngừng lại đột ngột. Trên đảo hiện vẫn có một số ít người bản xứ nhưng họ không hề biết bất cứ điều gì về số phận của tổ tiên mình.

Bản đồ đảo Phục Sinh và vị trí các tượng Moai, Nguồn Eric Gaba

Hòn đảo nhỏ này được các thủy thủ Tây Ban Nha phát hiện năm 1772, đúng vào ngày lễ Phục Sinh năm đó nên được đặt tên là đảo Phục Sinh.

Trên đảo Phục Sinh từng tồn tại một nền văn minh phát triển – đó là sự thật. Bằng chứng là những bức tượng thần bằng đá được dựng đều khắp trên đảo. Theo hầu hết các nhà nghiên cứu, những tộc người man dã chắc chắn không đủ sức lực và trí lực để điêu khắc và dựng lên những bức tượng đá nặng hàng chục tấn, có chiều cao từ 3 – 20m, mà quan trọng nhất là sắp xếp, bố trí chúng một cách rất khoa học và mỹ thuật khắp đảo.

Khai quật tượng Moai 2, Nguồn Easter Island Statue Project

Nhà văn đồng thời là nhà thám hiểm người Thụy Sĩ Eric Von Daniken nhận xét: 

Những công việc phức tạp như vậy chỉ có thể do người ngoài Trái Đất thực hiện! Không phải vô cớ mà ánh mắt của tất cả các bức tượng đều hướng lên trời.

Eric Von Daniken

Theo ông, có lẽ do con tàu của người ngoài hành tinh bị trục trặc kỹ thuật nên họ đã tình cờ đáp xuống hòn đảo này. Trong khi sửa chữa , họ tiêu khiển bằng cách điêu khắc tượng bán thân thể hiện chính bản thân mình. Vì thế, khuôn mặt của các bức tượng đều rất dài, không tương ứng với tỉ lệ mặt người. Sau khi sửa tàu xong, các du khách không gian đã vội vã bay đi, để lại nhiều bức tượng chưa hoàn thành. Quả là một giả thuyết giàu tính văn chương!

Triết gia và là nhà thông thiên học Helena Blavatskaya.

Trong tác phẩm Giáo điều kỳ bí, nữ triết gia và là nhà thông thiên học Helena Blavatskaya cũng đưa ra một giả thuyết không kém phần… bí hiểm. Bà cho rằng đảo Phục Sinh là một phần của Lemuria – một đất nước huyền thoại. Trong số cư dân sống trên đảo, ngoài người Lemuria còn có người Atlantea, tức là những người sống sót sau khi lục địa Atlantis bị chìm xuống đáy biển.

Theo truyền thuyết thì cả hai giống người này đều rất cao, có thể từ 7 – 18m. Vì vậy, đối với họ, việc chế tác và lắp đặt những bức tượng cỡ 10m không có gì là khó. Nhưng rồi xảy ra một trận đại hồng thủy, từng được nhắc đến trong truyền thuyết của người bản địa:

Từ trên bầu trời và từ bên trong lòng đất sấm sét bỗng nổ ra, nước biển dâng cao ngùn ngụt…”, khiến hòn đảo chìm nhanh xuống biển. Tuy nhiên, theo bà Blavatskaya, vài thế kỷ sau, mảnh đất này đã trồi lên từ dưới đáy biển. Khi đảo trồi lên, nhiều bức tượng vẫn còn ở trong tư thế gần như ban đầu, nhưng cũng có vài bức đã bị ngã đổ trong quá trình “sụt xuống – trồi lên”.

Những người… có cánh

Giả thuyết thứ ba, được phần lớn các nhà khoa học tán thành: do lỗi của người dân bản địa nên trên đảo đã xảy ra thảm họa sinh thái, khiến một góc thiên đường bị biến thành hoang mạc. Nhà địa sinh học Jared Diamond phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ Discovery:

Số lượng dân cư trên đảo Phục Sinh ngày một tăng và họ bắt đầu đốn gỗ nhanh hơn khả năng hồi phục của rừng. Cây cối bị đốn hạ để làm chất đốt, làm vật liệu xây dựng. Nhiều khu rừng bị tàn phá để lấy đất cho sản xuất nông nghiệp. Hậu quả là tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước trở nên vô cùng cấp bách. Không còn rừng để giữ độ ẩm, hạn hán bắt đầu xảy ra. Nước mạch và nước suối khô cạn. Đất đai mất dần độ phì nhiêu, làm giảm hiệu quả canh tác.

 

Trong tình trạng khó khăn chồng chất đó, người bản xứ bắt đầu chế tác và dựng lên những bức tượng đá để cầu khẩn các vị thần. Nhưng các vị thần đã không giúp đỡ. Một nền văn minh phát triển cao đã hoàn toàn sụp đổ khi con người buộc phải ăn thịt lẫn nhau với hy vọng sống sót.

Jared Diamond

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu theo thuyết khoa học thần bí tin rằng cho đến ngày nay, cư dân bản địa của đảo vẫn nhất mực che giấu những kiến thức cổ xưa của tổ tiên mình. Rất có thể chúng tồn tại đâu đó trong các tài liệu cổ của người bản địa – Rongorongo

Cho đến nay, nhà khoa học vẫn không thể giải mã các dấu hiệu được khắc trên mặt nhẵn của những phiến gỗ và các hình vẽ thể hiện những người có cánh, những sinh vật hai chân kỳ lạ, những con vật dị kỳ, những hình xoắn ốc khó hiểu… Lần nọ, một người dân địa phương đã thú nhận với các nhà nghiên cứu rằng tổ tiên sẽ trừng phạt bất cứ ai tiết lộ cho người ngoài biết ý nghĩa bí mật của những hình vẽ này.

Thế nhưng tất cả những giả thuyết hấp dẫn trên đây dường như đã sụp đổ, nhường chỗ cho một luận thuyết thuần túy khoa học.

Rongorongo khắc trên đá, Nguồn Catherine Orliac and the Congregation of the Sacred Hearts of Jesus and Mary

Nhiễm bệnh từ cựu lục địa?

Hai nhà khảo cổ Carl Lipo thuộc Đại học California và Terry Hunt thuộc Đại học Hawaii (Mỹ) đã chứng minh rằng trên đảo Phục Sinh chưa bao giờ tồn tại một nền văn minh tiên tiến, mặc dù những bức tượng nọ là do người bản địa tự chế tác. Mục đích của việc chế tác và dựng những bức tượng kỳ dị là để dọa nạt kẻ thù từ ngoài biển.

Người Rapa Nui hiện đại, Nguồn Easter Island Tours

Những bức tượng trên đảo Phục Sinh được chạm từ tuff (đá xốp núi lửa, gần giống với ngưng thôi thạch). Tuff hình thành từ tro núi lửa, nóng chảy vì sức nóng của dòng dung nham, khi nguội thì đông kết lại giống như đá. 

Các bức tượng được chế tác ở gần miệng ngọn núi lửa Rano Raraku trên đảo (đã ngưng hoạt động từ thời tiền sử) và được vận chuyển tới các khu vực nằm trên bờ biển với sự trợ giúp của ván, dây thừng, đòn bẩy và con lăn bằng gỗ. Nhiều thực nghiệm khác nhau đã chứng minh rằng phương pháp này là khả thi. Thật vậy, chỉ cần 12 người với các công cụ hỗ trợ nói trên là có thể vận chuyển và dựng một bức tượng đá nặng 20 tấn trong vòng 18 ngày.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã xác định rằng chân của các bức tượng không phải đã được chôn một cách sơ sài xuống đất mà bên dưới mỗi bức tượng đều có một tấm đá dày dùng làm bệ đỡ, chỉ có điều chúng được đặt dưới đáy một cái hố sâu.

Mô phỏng cách người c cổ đại di chuyển các tượng đá. Nguồn: FERNANDO G. BAPTISTA, NATIONAL GEOGRAPHIC
Mô phỏng cách người Rapa Nui cổ đại dựng các tượng Moai. Nguồn DeAgostini Picture Library

Tiến sĩ Carl Lipo khẳng định: 

Người bản xứ chỉ biến mất sau khi có sự xuất hiện của người Hà Lan từ năm 1722. Họ đột ngột bị chết hàng loạt. Người châu Âu đã lây nhiễm cho họ một loạt bệnh nan y như hoa liễu, lỵ, phong, lao, tả, đậu mùa, v.v. Kết quả là những căn bệnh này đã giết chết gần như tất cả cư dân trên đảo.

Carl Lipo

Như vậy, theo ông, trên đảo Phục Sinh không hề xảy ra thảm họa môi trường như xưa nay người ta lầm tưởng. Ông cũng cho rằng trên đảo có thể từng có rừng dừa, nhưng đã bị tàn phá không phải do con người mà do lũ chuột “quá giang” từ châu Âu trên những con tàu của thực dân Hà Lan. Thời ấy, trên đảo chưa có những loài thiên địch của chuột nên chuột sinh sôi rất nhanh. Chúng rất khoái ăn dừa, vì thế không một quả dừa nào có thể nảy mầm. Do vậy, rừng dừa trên đảo lụi tàn dần.

Những ý kiến hoài nghi

Nhà khảo cổ học người Anh Paul Ban thì cho rằng cư dân đảo Phục sinh tự giết nhau. Ông phát biểu:

Nếu kết hợp những phát hiện khảo cổ với các truyền thuyết dân gian còn lưu hành, chúng ta sẽ có được một bức tranh hoàn toàn khác. Một truyền thuyết kể rằng trên đảo có một số người tai rất dài, ấy là do đồ trang sức nặng kéo thùy tai trĩu xuống tận vai. Người tai dài thuộc giai cấp thống trị, người tai ngắn chủ yếu là các công nhân mỏ đá.

 

Vào khoảng thập niên 1680, khi dân số tăng quá cao, đất không thể nuôi đủ mọi người, người tai ngắn nổi loạn và giết chết gần như toàn bộ giai cấp tai dài. Sau đó, trong tình trạng “vô chính phủ”, họ giết chết lẫn nhau. Bằng chứng là hàng nghìn đầu mũi tên được tìm thấy trên đảo

Paul Ban
Tạo hình nhân vật thuộc tầng lớp tai dài (trái) và tai ngắn (phải) trong bộ phim Rapa Nui (1994).

Ước tính dân số đảo Phục Sinh

Các nhà khoa học đã tính toán số lượng cư dân của đảo Phục Sinh ở đỉnh điểm phát triển. Họ kết luận rằng nền văn minh này có cơ cấu xã hội phát triển, đồng thời đủ nhân lực để tạo ra và dựng lên hàng trăm tác phẩm điêu khắc khổng lồ trên khắp hòn đảo.

Trên đảo Phục Sinh vào thời kỳ hoàng kim của nền văn minh, có khoảng 17 nghìn người. Đó là kết luận của các nhà nhân chủng học từ Đại học California. Còn vào năm 1774, nhà hàng hải trứ danh James Cook đã đến đây. Sau khi xem xét toàn bộ hòn đảo, ông đã viết trong nhật ký rằng đây là một vùng đất nghèo nàn, dường như bị Thượng đế bỏ rơi, với dân số chỉ khoảng 1,5-3 nghìn người.

Thuyền trưởng James Cook ghé qua Rapa Nui năm 1774.

Theo nhà nghiên cứu Cedric Puleston, biến cố đáng buồn khiến cư dân đảo biến mất có thể xảy ra do xung đột nội bộ, hoặc do suy thoái đất nông nghiệp gây nên tình trạng thiếu lương thực. Nhưng các nhà khoa học thuộc Đại học California đã đánh giá về quy mô dân số tùy thuộc vào năng suất cây trồng – tức là ước tính số người mà diện tích đất canh tác có thể nuôi sống.

Các nhà nghiên cứu đã đặt 6 trạm khí tượng thủy văn tại các khu vực khác nhau của hòn đảo và ghi nhận các chỉ số trong hai năm, sau đó kết luận rằng 19% diện tích hòn đảo (tổng diện tích 164 km2) có thể được sử dụng để trồng khoai lang, cây lương thực chính ở Polynesia.

Sau đó các nhà nghiên cứu mô phỏng sản lượng khoai lang tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và hàm lượng nitơ trong đất. Kết quả cho thấy mức thấp nhất mà lượng khoai lang đủ nuôi sống là 3.500 người, mức trung bình là 17.500 (với hàm lượng cao của nitơ trong đất), mặc dù dân số có thể đạt hơn 25 nghìn người (nhờ các nguồn lương thực bổ sung khác).

Nếu chúng ta so sánh các đánh giá nông nghiệp ở đảo Phục sinh với các ước tính trên các hòn đảo khác của Polynesia, thì dân số 17,5 nghìn người trên một hòn đảo có kích thước này là khá hợp lý.

Các nhà khoa học kết luận

Art Director Lê Minh
Designer Tai Phan
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share