Nói về tre và đời sống văn hóa Việt thì chắc chắn phải bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích, chuyện đời xưa, những câu chuyện mà tuổi thơ của ai cũng được nghe bà, nghe má kể.
Chúng ta có cậu bé tên Gióng, ăn ba nong cơm, bảy nong cà, cưỡi ngựa sắt mà ra trận đánh giặc. Dù roi sắt gãy nhưng chẳng hề gì khi mà với bụi tre trong tay, Phù Đổng Thiên Vương vẫn quét sạch được những kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Đến ngày Tết thì chúng ta lại được nghe chuyện cây nêu ngày Tết. Những ngày tăm tối, khó khăn khi ta phải đối mặt với loài quỷ biển. Phật đã đến cùng cây nêu để lấy lại đất đai cho con người. Hay nổi tiếng nhất là câu chuyện Cây Tre Trăm Đốt, nơi có anh Khoai hiền lành, cần cù. Phép màu từ hai câu thần chú “khắc nhập” và “khắc xuất” như thể hiện sự mong ước về cái lý công bằng, cái lẽ thiện lương của dân tộc ta.
Ngoài góp mặt vào những câu chuyện kể xa xưa ra, tre còn tham gia luôn vào việc kể chuyện. Tre, trúc dùng chính thân mình để làm thành những nhạc cụ cho con người tỏ bày những niềm xúc cảm bản thân. Đó sẽ là tiếng sáo buồn thương của chàng Trương Chi dành cho nàng Mỵ Nương. Rồi đến tiếng đàn bầu, tiếng đàn nhị réo rắt từ những thân tre già. Đâu đó là buổi trình diễn ca trù với những chiếc bàn phách làm từ thân tre dài và những nhịp phách đều đặn trong các vở cải lương. Mà nhắc đến cải lương thì cũng phải kể đến những chiếc đàn kìm với những bộ phím tre vang lên những âm điệu đầy mộc mạc, trữ tình nơi miền sông nước Nam Bộ. Rồi ngược lên miền thượng du sẽ là những tiếng đàn T’rưng, Klongput và những tiếng Khèn cùng với những điệu múa vui tươi. Để rồi trở về những mùa gió nổi, không dừng lại ở những chiếc nan diều chắc chắn, những ống sáo trúc còn sát cánh bên những cánh diều để đưa những tiếng âm vang lên tận mây xanh qua môn chơi sáo diều. Nói thế để thấy rằng tre, trúc ngoài cái rắn rỏi ra thì vẫn có cái tình cảm, cái tinh tế đầy ý nhị.
Ngoài âm nhạc và chuyện kể ra thì không thể thiếu đến những hình ảnh của cây tre, cành trúc đã ở trong văn hóa người dân Việt Nam từ muôn đời nay. Chắc hẳn không ít người sẽ biết đến bộ tứ quý: Tùng, Mai, Cúc, Trúc.
Cây tre, cây trúc là loài cây dẫu sống ở nơi đất đai cằn cỗi nhưng vẫn sống khỏe và vươn cao. Điều đó tượng trưng cho cái ý chí quật cường, cái cần cù của dân tộc ta. Thân tre, trúc dẫu có bị đốt cháy đi nữa thì vẫn ngay thẳng chứ không hề gãy cong. Nó cho thấy cái khí chất và chí khí của người quân tử, chết vinh còn hơn sống nhục như có câu:
“Ngọc dầu tan, vẻ trắng nào phai
Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng“.
Ngoài thể hiện cho sự rắn rỏi ra thì cây trúc cũng được đưa vào thơ ca để nói lên những lời tình tự:
“Trúc xinh trúc mọc đầu đình.
Em xinh em đứng một mình cũng xinh”
Hoặc là sự mong ngóng:
“Ai đi đâu đó ai ơi?
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?”
Hay ngoài tình yêu thì cây trúc còn góp phần điểm tô lên như cảnh vật hữu tình trong thơ ca:
“Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”
Và rất nhiều lời thơ, câu ca khác mà cây tre đã góp mặt vào trong đời sống văn hóa của dân tộc ta.