Chọi dế – Tiếng gáy ran mùa hè

Tác giả Omega+
Chọi dế – Tiếng gáy ran mùa hè

Dù không nổi tiếng bằng chọi gà, chọi dế cũng được người trẻ ở nông thôn rất ưa thích.

Vào vụ gặt tháng 5 âm lịch, dế tập trung đông đúc ở các cánh đồng, dưới bóng râm của những cây lúa trĩu bông. Trong số đó, nông dân chọn ra “dế mèn” có màu sẫm, to và mập, tiếng gáy vang và thượng võ. Đó là dế chọi. Chúng nổi bật nhờ sức mạnh và sức bền. Dế cái do dễ bị suy yếu trong các trận đấu gay cấn nên bị loại, chỉ chọn dế đực.

Người nông dân bắt dế vào lúc sáng sớm hoặc khi trời bắt đầu tối. Với ngọn đuốc lắc lư trên tay, họ men theo các bờ ruộng, đôi tai vểnh lên và tập trung hết sức… Họ dừng lại mỗi khi nghe được những tiếng gáy vang và mạnh mẽ. Họ đổ nước vào hang dế, thế là loài côn trùng đang được tìm kiếm, để tránh cơn đại hồng thủy này, vội vã chui ra và rơi vào bàn tay lão luyện của những tay săn dế. Săn dế như vậy thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng đôi khi cũng rất nguy hiểm vì người nông dân trong lúc tìm dế có thể rơi vào một ổ rắn độc.

Đào đất tìm dế

Sau khi bị bắt, dế mèn được nuôi trong hộp gỗ hoặc hộp tre, bên trên đặt một lưới kim loại mảnh để dễ dàng quan sát. Dế ăn cỏ mềm, vụn khoai lang hoặc khoai môn. Buổi tối, chúng được đưa ra ngoài trời, đặt trong sân các ngôi nhà để “uống sương”. Chúng được chăm sóc một cách hết sức cẩn thận. Mọi biện pháp phòng ngừa đều được áp dụng để duy trì nguyên trạng đôi râu, chân, cánh, màu sắc và bộ máy phát thanh – tất cả những thứ vô cùng mỏng manh và yếu ớt… Người nuôi đế thỉnh thoảng phải cho chúng đấu với “dế võ”, tức là dế từng bị đánh bại ở các trận đấu trước. Dù dễ dàng thắng các đối thủ này, nhưng đó là một bài huấn luyện tuyệt vời đối với chúng, để chúng học tính tự tin, đồng thời thực hành chiến thuật.

Đấu trường là một chiếc mâm tròn chứa đầy cát mịn và đặt chắc chắn trên một bệ gỗ. Để dế hăng say chiến đấu, người ta cho chúng ăn ớt hoặc uống rượu. Thỉnh thoảng, người ta còn dùng biện pháp cứng rắn hơn say mê bộ môn chọi dế để loại bỏ vẻ đờ đẫn của những con dế có về bướng bỉnh, đó là buộc cánh của chúng bằng vài sợi tóc bện lại và xoay tròn chúng trên không trong vài giây. Lũ côn trùng bị quấy rầy như vậy trở nên hung hăng và lao thẳng vào đối thủ. Không gì có thể ngăn chúng xông lên chiến đấu…

Vào ngày chọi, không gì tuyệt hơn là chứng kiến một con dế trong tư thế chiến đấu. Đứng vững trên đôi chân, đôi cánh giang rộng, cái đầu ngẩng cao và đôi mắt rực lửa, chúng cất lên tiếng gáy đanh gọn, inh ỏi, như một sự khiêu khích hay thông điệp thách đấu. Đôi râu vươn ra, rung rinh như bị gió thổi, thể hiện sự oai phong… Cuối cùng cũng đến lúc chúng lao vào đối thủ. Hai con đế bám chặt vào nhau, cắn nhau ở đầu, cổ, ngực, đồng thời cất lên những tiếng rít inh tai. Thỉnh thoảng, một trong hai con nới lỏng vòng ôm, tự xoay tròn và nhanh như một tia chớp, dùng đôi chân sắc nhọn giáng một cú vào đối thủ, kéo theo hàng tràng vỗ tay và reo hò.

Chủ nhân của con dế thắng trận nhận được khoản tiền cược và cảm thấy vô cùng mãn nguyện… Đối với người An Nam, nhất là nông dân, chọi gà và chọi dế là những trò chơi hấp dẫn và lý thú vào mùa gặt hoặc dịp Tết. Nhưng cái gì thái quá cũng không tốt, và cần phê bình một vài phú hào gàn dở, biến những trò chơi này thành đam mê duy nhất tới mức bỏ bê mọi thứ để chỉ quan tâm đến vài con côn trùng hay gia cầm. Giống như những tay chơi tuy-líp và chim mà La Bruyère đã nói đến, họ hạ mình vào hàng ngũ những kẻ ăn bám hoặc ăn không ngồi rồi.

Đọc thêm các câu chuyện lôi cuốn khác trong Nước Nam một thuở

Share