Chọi gà – Trò Pokémon của người xưa

Tác giả Omega+
Chọi gà – Trò Pokémon của người xưa

Người An Nam rất thích xem các con vật đấu chọi nhau. Đôi khi, mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tổ chức các giải đấu hấp dẫn.

Không biết chọi gà có từ bao giờ. Chỉ biết chọi gà thường được tổ chức ở An Nam vào thế kỷ 13, thời nhà Trần. Trong bài hịch gửi tướng sĩ, nhà quân sự Trần Hưng Đạo khuyên tướng sĩ không nên sa đà vào trò chơi này mà lơ là việc huấn luyện.

Gần đây hơn nữa, dưới thời Gia Long, Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích chọi gà, ông cho rằng trò chơi này có tính giáo dục rất cao. Khi được vua cho hỏi, vị đại quan Nam kỳ không ngần ngại trả lời:

Tâu bệ hạ, cổ văn Trung Hoa, nhất là Hàn thí thoại truyện viết rằng ở gà trống hội tụ tất cả đức tính của một đại thủ lĩnh và xứng đáng được coi như tấm gương và hình mẫu cho các chiến binh:

Một là, đầu có mào như đội mũ, thân có lông đẹp như quần áo, gọn gàng đó là Văn.

Hai là, chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, ấy là .

Ba là, thấy đối thủ là xông vào, ấy là Dũng.

Bốn là, tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân.

Năm là, đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, ấy là Tín.

Phàm người làm tướng phải hội đủ những đức: Văn, , Dũng, Nhân, Tín mới có thế làm ba quân mến phục. Thưa bệ hạ, vì vậy mà thần rất thích xem chọi gà“.

Trên khắp An Nam hiện nay, vẫn còn rất nhiều người thích chọi gà. Tuy nhiên, con số này ở Nam Kỳ là đông hơn cả. Khí hậu ấm áp hơn Bắc Kỳ, đặc biệt phù hợp với việc nuôi gia cầm. Nhiều người còn dọn dẹp những khoảng sân rộng, bảo trì cẩn thận gọi là “sới” dành riêng cho trò chơi này và chăm chút hết mức có thể các đại diện của loài gà trống đặc biệt này để dùng làm gà chọi. Họ thường xuyên tham gia các trò cá cược, tiền cược có khi lên tới hoặc vượt quá hàng trăm đồng bạc Đông Dương.

Những người ham chọi gà chọn gà nòi rất cẩn thận và chia thành hai loại chính:

Gà chọi nhanh và ham chiến. Thường gọi là “gà mau ăn“. Loại này có mỏ mảnh, cổ to và ngắn, chân tròn và khô.

Là những nhà chiến thuật thận trọng, chúng thường phòng thủ vào lúc đầu rồi mới phát động tấn công. Có mí mắt dày và cái đầu cứng, chúng vững vàng khi bị đánh, và người ta thường gọi chúng là “cái khiên sống“.

Cả hai đều phải có cơ thể rắn chắc, mặt tiền chân gà có hai hàng vảy trơn và đều màu; mặt sau có nhiều hàng váy đều đặn (hàng độ). 

Các chủ gà dành tất cả thời gian và công sức để nuôi gà chọi trong điều kiện tốt nhất. Bình thường, họ cho gà ăn thóc, gạo, ngô, trứng sống, thịt bò và rau diếp. Họ nâng gà như nâng trứng. Họ đặt tên cho gà như người, và thật lý thú khi phát hiện ra sự khác biệt căn bản về thói quen giữa người Bắc kỳ và người Nam kỳ về mặt này.

Ở Nam kỳ, người An Nam thích những điều kỳ thú, thường sử dụng những cái tên rất kêu mượn thẳng từ các tiểu thuyết Trung Hoa để gọi gà của mình như Đậu Nhất Hổ, Tiết Đinh San, Phàn Khoái, Ô Hắc Lợi…

Ngược lại, người dân Bắc kỳ có xu hướng thực tế, thường dùng những cụm từ dung dị, bình thường, gợi nhớ đến đặc điểm thế chất hoặc thậm chí một vài dị dạng của con vật. Thật vậy, những cái tên như Xám bảy kỳ, Quả vải và Gà mốc lần lượt có nghĩa là “Con gà màu nâu đã bảy lần giành phần thắng, Con gà hình quả vải, Con gà có bộ lông màu mốc”.

Trò chọi gà diễn ra ngoài trời, trên một khoảnh đất có rào tre mắt cáo, cao khoảng 50 xentimét. Các vòng đấu được quy định đơn giản nhất: ban tổ chức dùng một hộp đựng bơ, đáy đục lỗ làm đồng hồ. Khi tín hiệu thi đấu bắt đầu, cỗ máy thô sơ này được ném vào một chậu nước rồi chìm dần xuống cho đến khi chìm hẳn. Thời gian để chiếc hộp chìm hẳn trong nước là thời gian một vòng đấu. Hai đối thủ đã phân loại theo kích thước, được yêu cầu chọi cho đến khi một trong hai kiệt sức và thua cuộc. Gà chọi chỉ được nghỉ khi hết vòng đấu, trong khoảng thời gian do ban giám khảo định trước.

Chủ nhân của gà chọi, đặt cược lớn hay nhỏ, tùy theo túi tiền và phẩm chất gà chọi của họ.

Họ cũng sử dụng cả ngàn biện pháp để hỗ trợ hoặc cổ vũ gà nhà. Vào ngày thi đấu, họ giảm tối đa khẩu phần ăn của gà để tránh cho hệ tiêu hóa phải làm việc quá nhiều. Họ cho gà uống nước trong và vấy chút nước để làm ướt bộ lông gà khiến chúng dễ chịu hơn trước khi được đưa lên sàn đấu. Trong lúc nghỉ ngơi sau mỗi vòng đấu, họ tận tình làm tròn vai trò của người chăm sóc. Khi thì băng bó vết thương, khi thì phủi bụi trên cựa. Có khi, họ buộc phải khâu mí mắt bị rách hoặc bị sưng để gà nhìn dễ hơn. Mỗi người đều có những thực đơn truyền thống mà họ không muốn chia sẻ cho bất kỳ ai.

Họ theo dõi mọi chuyển động của gà chọi một cách say sưa: nhảy lên, lùi lại, tiến lên, rút lui, làm động tác giả, nhảy vọt lên. Mỗi chiến binh nhỏ bé nhưng quả cảm này đều có một chiến thuật riêng và thói quen riêng… Chúng thi đấu bằng cả sức mạnh, độ mềm dẻo và khéo léo.

Chúng giang cánh và cụp cánh, đứng thẳng hoặc bay lên, giáng toàn bộ trọng lượng lên đối thủ hoặc rơi bẹp xuống đất để tránh một cú đánh nguy hiểm. Chuyển động của chúng có lúc khiến người xem vỗ tay như sấm, khi lại cười nghiêng ngả. Chỉ có các chủ nhân vẫn đứng yên tại chỗ, như những xác ướp lặng lẽ và bất động. Bề ngoài có vẻ thản nhiên như vậy, nhưng trong thời gian một giờ ngắn ngủi, họ trải qua những cảm xúc mãnh liệt nhất và đa dạng nhất: vui, buồn, lo âu, hồi hộp, hạnh phúc hay đau khổ… họ cũng không kém phần.

choi-ga

Đọc thêm các câu chuyện lôi cuốn khác trong Nước Nam một thuở

Share