Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 13: Mượn xác hoàn hồn

Tác giả Wong Trần
Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 13: Mượn xác hoàn hồn

Trịnh Toàn đại phá quân Nguyễn ở Hương Bộc – Đại Nại, khiến chúa Trịnh Tráng hết sức vui mừng. Ngược lại, Thế tử Trịnh Tạc vô cùng lo lắng. Điều này thậm chí được giáo sĩ người Ý thời đó là Marini nhắc đến. Địa vị của Thế tử đang bị đe dọa bởi cuộc tấn công của quân Nguyễn cũng như chiến công của người em. Thế tử tìm mọi cách che giấu tin thất bại. Nhưng cuối cùng những tin tức cần thiết cũng lọt đến tai chúa Trịnh Tráng.

Thế tử Tây Định vương Trịnh Tạc bấy giờ còn đóng ở An Trường. Ông lo lắng cho tương lai đến mức ăn không ngon, ngủ không yên. Bấy giờ có một nữ nhân tóc đẹp như mây, da trắng như tuyết, mặt đẹp như hoa, gót chân đỏ như cánh sen, dáng điệu tha thướt bước đến. Đó là Thái trưởng quận thượng chúa Trịnh Thị Ngọc Thuyên, con gái của Thế tử. Quận thượng chúa gả cho Yên quận công Đặng Tiến Thự. Tiến Thự theo hầu Thế tử vào Nghệ An lo việc chống địch, nên Quận thượng chúa cũng đi theo. Thấy cha mình lo buồn, nàng bèn hỏi:

– Vương phụ vì sao lại lo buồn quá đỗi như thế?

Thế tử nói:

– Việc lớn của quốc gia. Không phải là điều con gái có thể biết được.

Quận thượng chúa vẫn ướm hỏi ba bốn lần. Thế tử bèn nói:

– Thánh tổ vương thượng xuân thu cực thịnh, đã lên thượng thọ. Giặc Nguyễn ngông cuồng ở ngoài. Chú ngươi là Ninh quốc dụ dỗ tướng sĩ, rất được lòng người. Quyền nước chia xẻ, thế rất khó xử.

Quận thượng chúa nói:

– Thần trông thấy tôn thể ngày đêm nghĩ ngợi, nên từng nói chuyện với chồng của thần, cùng nhau bàn bạc. Chồng của thần dùng ngu kiến, có ý muốn tiến cử em của thần là Nguyên tử Trịnh Căn, sai đi hiệp cùng chú thần là Ninh quốc. Một là đánh giặc để đái tội lập công. Một là khống chế lẫn nhau. Ắt nguy cơ được cởi bỏ rồi.

Vốn dĩ Trịnh Căn lúc trước từng phạm tội thâu cung. Cụ thể là thế nào thì người đời không được biết. Nhưng từ hai chữ thâu cung mà luận, thì hoặc là trộm cắp (thâu) đồ vật trong cung, hoặc là lôi kéo nữ nhân trong cung. Kết quả là Trịnh Căn bị đưa cho đình thần nghị xử, phế làm thứ dân, cũng tước luôn họ Trịnh mà đổi thành họ mẹ là họ Vũ, đồng thời bị gông cùm trong ngục. Quận thượng chúa với Nguyên tử Trịnh Căn là chị em cùng mẹ. Vì vậy, Quận thượng chúa mới bàn với chồng là Yên quận công Đặng Tiến Thự đón Trịnh Căn về chỗ ở của mình là doanh Hành Mạo. Trịnh Căn được đối xử thân thiết, nên thường gọi Đặng Tiến Thự là anh. Thế tử Trịnh Tạc vốn biết như thế, nên bảo rằng:

– Em mày mắc tội với triều đình. Phép công rất nghiêm. Há có thể vì việc tư mà phế việc công ư?

Quận thượng chúa nói:

– Xin vương phụ thong thả, chớ lo. Thần xin gánh vác việc này.

Trịnh Thị Ngọc Thuyên quay về, lại bàn bạc với chồng. Đoạn rồi, Quận thượng chúa bèn lên kiệu trở về kinh đô, vào trong nội phủ để bàn bạc với các nội thị và quý tần trong nội.

Thời Lê Thần Tông, quý tộc trong cung phủ rất tin tưởng Nội đạo. Đó là một chi phái Phật giáo mang tính chất phù thủy. Ở trong nội mỗi đêm thường lên đồng, cầu Tả Thánh và Hữu Thánh giáng xuống, mượn miệng con đồng để nói chuyện. 

Đêm đó, trong nội lại tổ chức cầu đảo. Chợt có một con đồng chao đảo, nhảy nhót vòng quanh với vẻ phẫn nộ, ra oai. Mọi người nghi là Tả Hữu Thánh giáng xuống. Chợt con đồng lớn tiếng bảo rằng:

– Lúc đầu nước nhà chưa dựng, ta có đội quân một lữ, lặn lội ở nơi động Man, bắt đầu dấy lên được thành công, rồi mới có ngày nay. Cớ sao không nghĩ chuyện báo đáp, còn gây mối cừu thù?

Mọi người cố hỏi hai ba lần, mới biết đó là Chiêu Huân Tĩnh công giáng đồng. Chiêu Huân Tĩnh công tức là Nguyễn Kim, ông tổ của chúa Nguyễn. Rồi lại có một con đồng chao đảo, đáp rằng:

– Có ai quên gốc đâu! Lúc ban đầu ông giữa đường trúng độc qua đời. Bấy giờ quốc sự đã suýt tiêu tan. Nếu không có tôi tiếp tục duy trì, bên trong nuôi dưỡng tướng sĩ, bên ngoài chế ngự quân Mạc, thì việc thiên hạ sẽ quy về tay ai đây?

Mọi người lại hỏi cho rõ, thì hóa ra là Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm giáng đồng để đáp trả. Con đồng trước lại nói:

– Nay Hiền quận sẽ lấy lại hết đấy.

Hiền quận tức là chúa Hiền Nguyễn Phước Tần. Con đồng sau đáp rằng:

– Hiền quận là kẻ thường tài. Có Trịnh Căn chế ngự, không cần lo lắng.

Nói xong, cả hai đều thăng. Các nội thị và quý tần trong nội phủ đem chuyện này kể lại với nhau. Cuối cùng đến tai chúa Trịnh Tráng. Chúa Trịnh lúc này tuổi đã cao, có nhiều việc bị quên lẫn. Trịnh Tráng mới hỏi:

– Trịnh Căn là ai?

Nội thị đáp:

– Trịnh Căn là Nguyên tử của Phó vương phủ. Ngày trước vì nhỏ tuổi, hung hãn, lỡ phạm tội thâu cung. Vâng lệnh giao cho đình thần nghị bàn, bị phán phải giam cầm trong ngục đã nhiều năm. Hiện nay rất là khổ não. Cúi xin thánh thượng đức lớn, rũ lòng thương xót, khoan xá cho. 

Chúa Trịnh Tráng bèn ban chỉ truyền, xá tội cho Trịnh Căn. Thế tử Tây Định vương Trịnh Tạc nhân đó liền dâng khải về triều, nói rằng:

Phàm pháp luật cậy ở chỗ thưởng phạt công bằng. Nếu pháp lệnh bất nhất thì người ta dễ khinh thường. Nay Trịnh Căn trước từng phạm tội, kính vâng đức lớn chuẩn xá tội cho. Thần xin sai tới Nghệ An, theo Tiết chế Ninh quốc công đánh giặc. Nếu có thể thắng địch lập công, thì sẽ lấy công bù tội. Nếu không lập được công, thì hai tội gộp chung”.

Chúa Trịnh Tráng đồng ý. Những việc này đều là kế sách của Quận thượng chúa và Yên quận công. Về sau, sử thần triều Nguyễn soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục, nói Trịnh Căn dùng kế quỷ quyệt mà không dám nói rõ. Chính là kế sách này.

Tháng Năm nhuận năm Bính Thân [1656], Trịnh Căn được phong làm Phó đô tướng, Thái bảo, tước Phú quận công; được quyền mở quân doanh, gọi là Tá Quốc doanh, ban cho ấn Tá Quốc tướng quân. Đến tháng Sáu, Trịnh Căn được lệnh dẫn các tướng tới Nghệ An, theo Ninh quốc công Trịnh Toàn đánh giặc. Ngày 18, Trịnh Căn tới An Trường. Thái bộc tự khanh Phan Hưng Tạo và Lễ khoa Cấp sự trung Trần Văn Tuyển được bổ làm Đốc thị, để phụ tá cho Trịnh Căn. Lúc này Trịnh Căn mới 23 tuổi, nhỏ hơn chú mình là Trịnh Toàn chỉ 2 tuổi.

Dù hai bên đều tuyên bố thắng trận, nhưng thực tế là lưỡng bại câu thương. Bên phía quân Nguyễn, Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến bàn với các tướng:

– Nay bốn trấn chưa thấy động binh. Huống hồ quân họ đông, quân ta ít. Núi sông rộng rãi, lấy gì chế ngự? Chi bằng lui binh về Dinh Cầu đóng đồn, chiếm cứ chỗ hiểm, mưu đồ cử sự lần sau. Các ông bàn luận thử xem sao.

Các tướng đều tán thành ý của Nguyễn Hữu Tiến. Nguyễn Hữu Tiến liền sai người đi ra sông Lam, truyền lệnh cho các quân ở đó rút lui. Lúc rút quân tới xã Cổ Đạm, Nguyễn Hữu Dật được tin báo tướng Trịnh là Đương quận công Đào Quang Nhiêu đang đóng quân ở xứ Đò Cương. Đò Cương là một địa điểm ven biển, gần chỗ giáp giới hai huyện Thiên Lộc và Nghi Xuân. Nhưng có lẽ đây chỉ là tin hỏa mù mà phía Trịnh tung ra, để nhử quân Nguyễn Hữu Dật về hướng đông, còn quân Trịnh Toàn thì đã rút về An Trường theo đường thượng đạo rồi.

Mặc dù vậy, Nguyễn Hữu Dật rất tin tưởng tin tức này. Hữu Dật liền sai người tới chỗ quân thủy đang đóng ở cửa biển Đan Nhai. Khi đó Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều bị thương nặng, quyền chỉ huy tạm giao cho Tham tướng Vân Long hầu Nguyễn Phước Tráng. Người đưa tin của Đốc chiến tới trình với Tráng:

– Xin kíp sai người tới cửa biển Kỳ La trình cho Tiết chế Thuận Nghĩa, bảo nên sai bộ binh tiếp ứng. Tham tướng Vân Long dẫn chiến thuyền phục ở Đò Cương bắn hỗ trợ, để làm thanh thế, tiện cho tôi tiến binh. Nếu gặp quận Đương sẽ xua binh đại chiến, để bắt quận Đương. Mong Tham tướng kíp sai người đi, chớ nên do dự.

Nguyễn Phước Tráng vốn không ưa Nguyễn Hữu Dật, nên bảo rằng:

– Ngươi hãy trình quan Đốc chiến Chiêu được rõ. Nay Tiết chế có lệnh triệu thủy quân ta về gấp, không dám lưu lại. Huống hồ chinh phạt là đại sự nước nhà. Thánh thượng cao xa, lệnh ở Tiết chế, sao dám làm trái? Canh tư hôm nay ta sẽ đậu thuyền ở cửa biển Nam Giới để đợi. Quan Đốc chiến hãy kíp dẫn binh đuổi kịp thủy quân, không được trì hoãn. Nếu như tới xứ Đò Cương mà gặp quân giặc, thì nổ súng làm hiệu. Ta sẽ dẫn thủy quân lên bộ tiếp ứng. Giặc Bắc ắt thua thôi.

Nguyễn Hữu Dật biết ý của Nguyễn Phước Tráng, nên đành đưa quân kéo ra cửa biển Đan Nhai hội họp với thủy quân. Quân Nguyễn bắt thuyền trường đà để chở khí giới thu được của địch. Các quân tiến tới cửa biển Nam Giới, rồi cùng kéo về Dinh Cầu. Lão tướng Nguyễn Phước Kiều bị thương nặng, về đến nhà thì qua đời. Nam Hà hao mất một viên đại tướng.

Dù không gặp quân Đào Quang Nhiêu ở Đò Cương như tin báo, Nguyễn Hữu Dật vẫn bực bội trong lòng. Vừa về tới nơi, Nguyễn Hữu Dật liền vội vã xuôi Nam, tới phủ An Trạch yết kiến chúa Hiền, để thuật lại những việc vừa qua. 

Chưa biết sự việc sẽ ra sao? 

Chia sẻ câu chuyện này

Tác giả: Wong Trần
Minh hoạ: Minh Thảo Võ
Thiết kế và dàn trang: TRẦN VĂN HẬU

Share