Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 3: Điệu hổ ly sơn

Tác giả Wong Trần
Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 3: Điệu hổ ly sơn

Lê Văn Hiểu nghe quận Trạc nói quân Nguyễn sẽ đánh vào Dinh Cầu thì không tin chút nào. Lê Văn Hiểu nói:  

Hoành Sơn như trường thành cản đường, dù là Hạng Võ tái sinh cũng chưa thể xô ngã mà qua. Huống hồ là giặc Nam chứ? Cho dù giặc Nam có mọc ra hai cánh, bay qua để tới chỗ này, thì ta sẽ chém chúng thành đống thịt vụn, không cho một người nào chạy thoát. Có gì mà phải sợ? 

Quận Trạc thấy Lê Văn Hiểu không tin mình, đành nói:

– Lão phu vì Tả đô đốc nên mới nói. Nghe hay không nghe là tùy tâm Đô đốc, chứ có can gì đến lão phu. Có điều lão phu yếu mệt, xin ban cho một con ngựa, để sớm quay về, ngõ hầu tránh khỏi cái nguy binh lửa.

Lê Văn Hiểu cười thầm, nhưng cũng đồng ý cho ngựa. Quận Trạc tất tả lên ngựa rời đi. Lê Văn Hiểu cũng chỉ cho là quận Trạc giả vờ nói như thế để xin một con ngựa mà thôi, chứ không thèm để ý.

Dưới góc nhìn của đời sau, Lê Văn Hiểu thật là đáng trách. Nhưng ông ta có lý. Quân Nguyễn không thể trong vòng hai ngày mà vượt qua hai phòng tuyến sông Gianh và Hoành Sơn để tiến vào Dinh Cầu. Lê Văn Hiểu không biết rằng đại quân Đàng Trong đã tập hợp phía Nam sông Gianh. 

Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến đã huy động lực lượng từ năm doanh của Đàng Trong. Trong năm doanh đó, ngoài lực lượng của dinh Mười do đích thân Nguyễn Hữu Tiến chỉ huy, còn có dinh Bố Chính của Phù Dương, dinh Cũ của Tống Hữu Đại, dinh bộ Quảng Bình và dinh thủy Quảng Bình của Nguyễn Phước Kiều. Các đạo quân này theo hai đường hải, bộ tiến về sông Gianh.

Quân bộ dinh Quảng Bình ngồi trên 100 chiếc thuyền câu cùng với 20 chiến thuyền của dinh thủy Quảng Bình đậu ở cửa Nhật Lệ. Giờ Dậu [5 giờ chiều đến 7 giờ tối], ngày 15 tháng Tư năm Ất Mùi [1655], lực lượng này bắt đầu vượt biển, tiến tới phía Nam sông Gianh. Giờ Tý [khoảng 11 giờ đêm hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau], rạng ngày 16, Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều để lực lượng chiến thuyền của thủy dinh Quảng Bình đậu lại ở bờ Nam sông Gianh trên địa phận xã Thanh Hà, còn mình dẫn lực lượng dinh bộ Quảng Bình tiếp tục vượt biển kéo tới cửa Ròn, để ngăn chặn cứu binh quân Trịnh.

Cũng giờ Tý hôm đó, Trấn thủ Bố Chính là Phù Dương cũng cho quân của mình lên 80 chiếc thuyền câu của dân, từ cửa biển Thuận Cô kéo ra, tới sông Gianh hội với thủy dinh Quảng Bình.

Trấn thủ dinh Cũ là Tống Hữu Đại đem quân bộ của bản doanh vượt sông sang phía Bắc để tiếp ứng cho quân dinh Bố Chính. Lực lượng chính của Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật cũng lục tục kéo tới. Vào khoảng canh tư [từ 1 đến 3 giờ sáng], các đạo quân thủy bộ đã tập hợp đầy đủ phía Nam sông Gianh. Quân Nguyễn nhất tề vượt sông.

Phía Bắc sông Gianh là đồn Tam Hiệu, tục gọi là Ba Đồn, do tướng Trịnh là Phạm Tất Toàn chỉ huy. Cách không xa về phía Tây có Tham đốc Đặng Minh Tắc đóng ở chợ Lũ Đăng. Ở phía Đông có lực lượng của Tham đốc Triều Tài. Hai đội quân đó làm thế tiếp ứng hai bên tả hữu cho Phạm Tất Toàn. Bộ binh Trịnh án ngữ con đường bộ từ Ba Đồn dẫn tới Lũng Bông, thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Tả Trấn doanh Lê Văn Hiểu.

Phạm Tất Toàn nhận được tin báo quân Nguyễn tập hợp ở bờ nam, cũng ung dung chia quân phòng thủ, chuẩn bị đón đánh. Phạm Tất Toàn tuyên bố:

– Tướng Nam tới đây ắt bị ta bắt thôi.

Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến sai Phù Dương chỉ huy quân dinh Bố Chính làm hướng chính, đánh thẳng vào Ba Đồn; Tống Hữu Đại đem quân dinh Cũ làm tiếp ứng, đánh vào chợ Lũ Đăng. Nguyễn Hữu Tiến cũng giao luôn các cơ quân Lưu Đồn cho thuộc quyền điều động của hướng chính, để đề phòng tiếp ứng cho các ngả. Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật chỉ huy quân Tráng Kiện đóng ở xã Trung Hòa để chờ tin tức.

Phạm Tất Toàn đã chứng minh mình không hề tầm thường. Quân Trịnh ở Ba Đồn đánh bật mấy chục đợt tiến công của Phù Dương. Nhưng ở phía tây, quân Nguyễn của Tống Hữu Đại đánh bại quân Trịnh của Đặng Minh Tắc. Đặng Minh Tắc dẫn quân chạy trốn. Tống Hữu Đại chia quân chiếm doanh trại của quân Trịnh ở đây, rồi ngoặt về phía đông tiếp ứng cho Phù Dương. Bị đánh từ hai phía, Phạm Tất Toàn phải đem quân rút chạy về hướng Lũng Bông. Hai tướng bên Nguyễn vâng theo lệnh của Nguyễn Hữu Tiến, chỉ thong thả đuổi theo sau chứ không đuổi gấp. Đến khi trời đã hoàng hôn, lực lượng quân Nguyễn lại rút về sông Gianh.

Tại sao quân Nguyễn không đuổi rát? Đó chính là kế hoạch điệu hổ ly sơn của Nguyễn Hữu Dật. Ông tính toán rằng khi Phạm Tất Toàn thua trận, sẽ phải cầu cứu chỉ huy của mình là Lê Văn Hiểu. Quân Nguyễn phải giả vờ rút lui để tỏ ra lực lượng của mình không đủ mạnh. Như vậy mới kích thích Lê Văn Hiểu bỏ trống Dinh Cầu để tới tiếp ứng cho Phạm Tất Toàn.

Vào lúc gà gáy hôm đó, Lê Văn Hiểu đang sai quân sĩ bày cỗ bàn cúng giỗ, thì nhận được tin quân Nguyễn đánh Ba Đồn, Phạm Tất Toàn đã rút lui về Lũng Bông. Lê Văn Hiểu cả kinh, liền điều động quân dưới quyền đi ứng cứu. Tại Dinh Cầu chỉ còn lại một lực lượng nhỏ của hai tướng Trăn Bái và Kỷ Thiệu coi giữ.

Cuối giờ Dậu đầu giờ Tuất [khoảng 7 giờ tối] hôm đó, Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến cũng hội họp các tướng ở trong quân doanh, để bàn sách lược kế tiếp. Nguyễn Hữu Tiến nói:

– Thánh thượng sai chúng ta dẫn binh thảo phạt bọn tiếm loạn. Nay binh đã qua bờ cõi, hiện đã phá hai doanh, quân Bắc cũng đã tan nhuệ khí. Nay các ông hãy dùng kế sách gì, bắt cho được Tiến Hàn [tức Lê Văn Hiểu], thì ắt chúng sẽ vỡ mật. Xin được nghe giảng thuyết.

Chợt có Ký lục Thịnh Hội bước ra bảo:

– Binh pháp nói: “Lấy thực đánh hư thì thắng, lấy hư đánh thực thì thua”.

Nguyễn Hữu Tiến không hiểu ý tứ ra làm sao, bèn hỏi rõ Thịnh Hội. Thịnh Hội sẽ bày ra sách lược gì đây?

Chia sẻ câu chuyện này

Minh hoạ: Võ Minh Thảo
Thiết kế và dàn trang: Trần Văn Hậu

Share