Bay về phương Nam, con diều đầu tiên được biết đến trên đất Việt là gắn với một truyền thuyết huyễn hoặc xa xưa, rằng Cao Biền thả diều để tìm những đất tốt theo phong thủy, ngõ hầu triệt hạ để người Giao Chỉ không thể táng mộ gia tiên vào những huyệt đó, tránh mai này huyệt phát sẽ khống chế Trung Hoa.
Không rõ thực hư, nhưng người dân quê chân phương chơi diều mà chẳng ai nghĩ đến việc điểm huyệt như Cao Biền. Họ chỉ lưu truyền câu chuyện mộc mạc đơn thuần về nguồn gốc, rằng con diều được lấy cảm hứng từ lá vàng mã bị gió thổi tung trong các miếu mạo. Trẻ con thấy vậy bèn dùng dây buộc các mảnh giấy lại để thả theo những cơn gió.
Tuy nhiên do không có bộ khung nên diều không thể cất cao được. Sau đó các thương nhân người Minh Hương mang theo con diều của mình sang Việt Nam để chơi. Từ những cánh diều Trung Quốc, các nghệ nhân chơi diều cũng là người nước ta mới nghiên cứu sáng tạo nên những chiếc diều mang đặc trưng riêng của Việt Nam.
Lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật, dáng hình con diều cũng không đi đâu xa những đồ vật và con vật thân thuộc quanh mình: cánh cốc, con cá, con bướm, con quạ, chữ thập, cái thuẫn, cái gối,… ấy là những loại diều không đuôi. Diều có đuôi thường mang hình cánh phản, mặt trăng, con rít,…
Người Việt còn đưa diều lên đến đỉnh cao của sự chơi khi không chỉ chú tâm tạo hình mà còn mang bộ sáo gắn vào lưng diều, khi bay cao những con sáo diều cất lên âm hưởng độc đáo của gió lộng thinh không. Theo giới chơi, sáo diều thường có bốn loại:
Sáo chim có một đầu, là loại thường dùng đeo vào chân những con chim bồ câu của người chơi chim, có tiếng kêu nhẹ, đôi khi rít lên như tiếng còi trẻ em; sáo còi tiếng cũng the thé và kéo dài như sáo chim nhưng to hơn và có hai đầu; sáo đẩu kêu ve vo ròn ròn từng tiếng, ngân vang lưng trời như lời ca nàng cung nữ; sáo cồng kêu to và rành mạch, âm thanh đu đu hút gió như hồi cồng vang dậy của một đại tướng thu quân.