Con diều và thú chơi diều của người Việt

Tác giả Huyết Vy
Con diều và thú chơi diều của người Việt

Con diều Việt cùng với thú chơi diều, quả thật là một hình ảnh gợi tình, cái tình với quê hương xứ sở, với những hoài niệm miên man không dứt của những đứa con xa quê. 

Bên con diều Việt, những đứa trẻ quê đã có những tháng ngày rong chơi bình yên và xinh đẹp nhất đời. Khi những cơn gió mùa hạ bắt đầu tung hoành khắp đồng quê nội cỏ, cũng là lúc đám trẻ chộn rộn tìm tre kiếm giấy phất diều. 

Tuổi nhỏ, cũng chỉ có thể làm được loại diều đơn giản bằng hai thanh tre bắt chéo chữ thập, rồi phất lên tờ giấy chằng chịt những phép toán, con chữ bằng thứ hồ tự chế từ cơm nguội. Chỉ cần nhiêu đó nguyên liệu đơn giản, đã có được một con diều lao vút lên thinh không. Chúng hồn nhiên thả hồn mình vào thú chơi diều. Bay lên cao, tan trong gió. 

Được đông đảo người biết đến như một món đồ chơi dân gian, nhưng từ khi ra đời ngàn năm trước, con diều đã và vẫn luôn chao lượn trên bầu trời thế giới với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. 

Có lúc diều phất lên người lên thân một biểu tượng văn hóa; có lúc diều hóa thân thành một công cụ lợi hại trong chiến tranh; để rồi thời bình nó êm ả trong gió như một trò tiêu khiển của mọi lứa tuổi người. 

Khả năng đa dụng từ thưởng thức, giải trí, rèn luyện,…cùng với mối liên hệ chặt chẽ với dân tộc trong phong tục, thời vụ, khoa học kỹ thuật và lịch sử đã khiến con diều Việt trở thành một phản ánh đầy đủ nội hàm, trên cả một thú chơi dân gian.

1. Lịch sử con diều

Thật khó xác định chính xác thời gian ra đời, nên lịch sử của con diều cũng lẫn lộn với những truyền thuyết thực hư. Trên mảnh đất nó được sinh ra – Trung Quốc, người ta lưu truyền câu chuyện về chiếc mũ của một người nông dân bị gió thổi tung rồi trở thành con diều đầu tiên. Vậy phải chăng, chính thần gió đã sáng tạo nên diều? 

Cũng có người, trong sự tôn sùng ông tổ bách nghề, cho rằng con diều đầu tiên xuất hiện là cách đây 2000 năm do Lỗ Ban dùng gỗ chế tạo nên. Thật ra bấy giờ cũng đã xuất hiện con diều được làm bằng trúc, đến thời Hán thì đã có diều bằng giấy hình diều hâu. Lúc đó, những con diều không được dùng như một món đồ chơi, mà phần nhiều dùng vào những việc trong quân sự, liên lạc thông tin, đo lường, tuyên truyền,… 

Con diều đi vào lịch sử quân sự trong truyền kỳ Hán Sở tranh hùng. Theo Triệu Hân thời nhà Đường, khi quân của Hạng Vũ bị quân của Lưu Bang bao vây, tướng quân Hàn Tín nhà Hán đã dùng diều làm bằng da trâu gắn sáo trúc thả lên trời. Quân Hán theo tiếng sáo hát dân ca nước Sở, kích động lòng nhớ nhà của quân Sở, khiến quân địch chưa đánh lòng đã tan.

Một thuyết khác trong Sự vật kỷ nguyên thời Tống. Khi Hán Cao Tổ đánh dẹp Trần Hi, thì Hàn Tín mưu làm loạn bên trong. Hàn Tín cho chế tạo con diều giấy thả lên trời để đo khoảng cách từ bên ngoài vào cung Vị Ương, dựa vào khoảng cách đó để đào đường hầm dưới đất. Tuy nhiên bấy giờ, diều chỉ được ứng dụng trong quân sự mà chưa phổ biến trong dân gian.

Phải đến khi xã hội phồn vinh, kỹ thuật làm giấy được phổ cập, chức năng của diều mới chuyển hướng sang lĩnh vực văn hóa giải trí, lâu dần thú chơi diều mới điểm mặt bốn phương. Thú chơi diều được cho là có nguồn gốc từ nghệ thuật làm mũ của người Trung Quốc cổ đại. 

Người xưa cho rằng, thả diều có thể xua đuổi tà khí và những điều rủi ro, xúi quẩy. Khi ấy cổ nhân ghi hết tên những loại bệnh dịch nguy hiểm lên trên thân diều, sau khi thả cho diều bay thật cao sẽ dùng kéo cắt đứt dây. 

Bằng cách đó, họ nhờ gió đưa diều đến chân trời góc biển và đem theo những loại bệnh dịch xấu xa khỏi vùng đất của con người. Như một nghi thức để cầu mong thân nhân quyến thuộc thoát khỏi bệnh tật, để rồi thả diều tự lúc nào trở thành một phong tục truyền thống quan trọng của người Trung Quốc mỗi dịp đạp thanh tảo mộ trong tiết Thanh Minh. 

Chất chứa ý nghĩa tốt lành, trong những đêm trăng thanh, con diều hóa thân tế phẩm dâng hiến đấng thần linh tại thượng của vua và quần thần. Sau này con diều còn được các nhà sư dùng với ý nghĩa cầu sự yên bình tốt lành, do đó mỗi lần diều rơi các nhà sư đều làm lễ cúng bái để xua đuổi tà khí và cầu an. Tục lệ đó đến nay vẫn còn được duy trì và lan truyền đến những nước đồng văn như Hàn Quốc, Nhật Bản. 

2. Lịch sử con diều trên đất Việt

Bay về phương Nam, con diều đầu tiên được biết đến trên đất Việt là gắn với một truyền thuyết huyễn hoặc xa xưa, rằng Cao Biền thả diều để tìm những đất tốt theo phong thủy, ngõ hầu triệt hạ để người Giao Chỉ không thể táng mộ gia tiên vào những huyệt đó, tránh mai này huyệt phát sẽ khống chế Trung Hoa. 

Không rõ thực hư, nhưng người dân quê chân phương chơi diều mà chẳng ai nghĩ đến việc điểm huyệt như Cao Biền. Họ chỉ lưu truyền câu chuyện mộc mạc đơn thuần về nguồn gốc, rằng con diều được lấy cảm hứng từ lá vàng mã bị gió thổi tung trong các miếu mạo. Trẻ con thấy vậy bèn dùng dây buộc các mảnh giấy lại để thả theo những cơn gió. 

Tuy nhiên do không có bộ khung nên diều không thể cất cao được. Sau đó các thương nhân người Minh Hương mang theo con diều của mình sang Việt Nam để chơi. Từ những cánh diều Trung Quốc, các nghệ nhân chơi diều cũng là người nước ta mới nghiên cứu sáng tạo nên những chiếc diều mang đặc trưng riêng của Việt Nam.

Lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật, dáng hình con diều cũng không đi đâu xa những đồ vật và con vật thân thuộc quanh mình: cánh cốc, con cá, con bướm, con quạ, chữ thập, cái thuẫn, cái gối,… ấy là những loại diều không đuôi. Diều có đuôi thường mang hình cánh phản, mặt trăng, con rít,…

Người Việt còn đưa diều lên đến đỉnh cao của sự chơi khi không chỉ chú tâm tạo hình mà còn mang bộ sáo gắn vào lưng diều, khi bay cao những con sáo diều cất lên âm hưởng độc đáo của gió lộng thinh không. Theo giới chơi, sáo diều thường có bốn loại:

Sáo chim có một đầu, là loại thường dùng đeo vào chân những con chim bồ câu của người chơi chim, có tiếng kêu nhẹ, đôi khi rít lên như tiếng còi trẻ em; sáo còi tiếng cũng the thé và kéo dài như sáo chim nhưng to hơn và có hai đầu; sáo đẩu kêu ve vo ròn ròn từng tiếng, ngân vang lưng trời như lời ca nàng cung nữ; sáo cồng kêu to và rành mạch, âm thanh đu đu hút gió như hồi cồng vang dậy của một đại tướng thu quân.

Chơi diều là một cái thú, biết phân biệt tiếng sáo hay dở, âm thanh sáo này khác sáo kia là một nghệ thuật, người biết lựa sáo đeo cho diều lại là một nghệ sĩ tài hoa. Dù mỗi loại diều có thể mang bất cứ loại sáo nào, nhưng người chơi cầu kỳ và điệu nghệ sẽ chọn cho diều con sáo riêng dành cho nó. Vạn vật có cá tính riêng, con diều cũng vậy, nó có cái tính riêng của mình. Nếu giai nhân cốt cách chỉ ưa một màu áo thì con diều cũng chỉ ăn với duy một điệu sáo riêng dành.

3. Chơi sáo diều như một phép dụng binh

Chiêu binh - Làm diều

Như người tướng muốn xây dựng thế lực thì phải tự mình chiêu binh, chơi diều muốn chơi đến tận cùng thì phải bắt đầu từ lúc làm, hưởng thụ sự công phu và tỉ mẩn từ lúc làm nên con diều của riêng mình. Trước khi được bày bán như ngày nay, người Việt xưa thường tự tay làm lấy con diều mà chơi, cũng nhân đó mà gửi gắm cá tính, tâm tư trong lúc tạo dáng, vẽ hình.

Quá trình làm diều gồm bốn công đoạn là làm khung, phất giấy, vẽ hình và thả diều. Nguyên liệu sử dụng thường là tre, giấy và sợi. Thời kỳ phát triển đỉnh cao, diều không chỉ được phất tinh tế mà còn được làm theo nhiều kiểu dáng với phong cách tả thực.

Diều tạo hình có những đòi hỏi rất cao trong việc làm khung, ngoài yêu cầu cao trong nguyên lý thăng bằng, còn phải vận dụng nguyên lý động lực học của không khí, khi đó diều không những có thể cất cánh bay cao mà còn có thể tạo nên những động tác đẹp mắt trong không trung. 

Ví như diều con rết đòi hỏi sau khi thả lên trời đầu của chiếc diều phải ghếch lên; diều con bướm sau khi thả lên không trung phải chao liệng trên dưới trái phải; diều chim ưng thì phải xoay vòng quanh trên bầu trời; còn diều đại bản diêu thì sau khi thả lên trời lại phải đứng im như Thái Sơn.

Luyện binh - Thả diều

Diều có thể thả được do một hoặc hai người. Khi có hai người thì một người cầm diều, một người cầm cuộn dây. Khi thả đứng ngược chiều gió, hướng mũi diều lên trời chếch 45 độ. Khi có gió thả diều nhẹ nhàng cho thật cân, người cầm dây giật nhẹ để nâng diều lên và từ từ thả dây dài ra cho diều lên cao. 

Còn đối với diều một người thả, thường là diều nhỏ, thì cũng thực hiện như qui trình hai người nhưng người thả phải đảm nhiệm luôn nhiệm vụ cầm cuộn dây của người kia. Khi đó, chỉ cần thả một đoạn dây, diều gặp gió sẽ lên dần càng êm, tuôn dây cho đến khi diều đủ sức không đòi dây nữa. Người thả lâu sẽ rèn thông thạo được cách mượn gió khiển diều theo ý muốn.

So với các trò chơi dân gian khác như ô ăn quan, một trò chơi mang tính chiến thuật, giúp người chơi có khả năng quan sát và tính toán nhanh, hay kéo co là trò chơi đòi hỏi sức khỏe tốt và tinh thần đồng đội, thì thả diều lại là một trò chơi đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo để điều khiển được con diều bay cao, bay xa trên bầu thiên thanh. Chiếc diều phi cao, sáo diều vi vút từng hồi khiến chủ nhân lấy làm thống khoái.

Dụng binh - Thi diều, chọi diều

Chơi diều, đa phần là để tiêu khiển, để có những giây phút thả mình giữa không gian bao la gió lộng. Nhưng có lúc cái chơi bình bình lại không đủ kích thích lòng người nên sau vụ mùa nặng nhọc, dân gian lại tổ chức những cuộc thi với diều, đây là lúc người say diều tìm được sân chơi để dụng binh, và chơi diều cũng có thể thành nghề được vậy:

Cầm dây cho chắc
Lúc lắc cho đều
Để bố đâm diều
Kiếm gạo con ăn

Ca dao

Cuối xuân, khi Bắc Việt nhiều dần những trận gió Đông, làng Võ Vương Bắc Ninh lại tổ chức hội làng với trò thi diều vào chiều ngày 19 tháng hai âm lịch. Cuộc thi được tổ chức ở giữa đồng thênh thang. Ngay chỗ các gốc diều nơi người thi cầm dây đứng có một dãy câu liêm cắm thẳng hàng, chiếc nọ cách chiếc kia ước độ năm thước. Mỗi chiếc án ngữ một dây diều có độ dài ngang nhau, được chế tác từ những chất liệu cổ truyền, cấm dây thép.

Tùng! Tùng! Tùng! 

Ba hồi trống điểm thêm ba tiếng sau cùng là hiệu lệnh thả diều. Tiếng trống vừa dứt, những “binh” diều mượn gió lao nhanh vun vút. Con binh nào đảo nghiêng, đưa dây vào lưỡi câu liêm đứt phăng thì coi như chết trận. 

Diều đứt dây mất kiểm soát, tự do lao theo gió, chủ nhân chỉ còn ngước lao đầu chạy đuổi theo. Hẳn nhiên còn lại, những chiếc diều nào lên cao, thẳng, không lắc lư là những chiếc hy vọng được giải. Trong cuộc thi, mỗi chiếc diều đều đeo sáo, những cánh diều muôn hình vạn trạng hòa tấu giai điệu của gió trên thinh không, khiến người trẩy hội lấy làm vui tai thích mắt.

Tại tổng Hà Nam, Quảng Ninh, ngoài cuộc thi thả diều còn có tục chọi diều. Trái với những con diều cần lên thẳng vững vàng trong cuộc thả diều thi, những con diều chọi càng chao đảo càng tốt. Hai chiến binh diều tham gia cuộc chọi phải có kích thước ngang dọc đồng đều, được trang bị khí giới và dây thả như nhau và phải được phất bằng giấy thường, cốt để khí giới của địch thủ có thể đâm thủng. 

Những ứng cử viên cho trò này thường là diều cánh cắt hoặc cánh bầu, không đeo sáo cũng không đeo đuôi. Vì những binh diều ngang sức ngang tài, nên muốn phân thắng bại đòi hỏi người điều binh khiển tướng phải có những đòn độc.

Những miếng đòn triệt hạ diều địch có khi là giương Đông kích Tây, thình lình thu bớt dây diều, lựa khi diều địch sơ hở ở đúng bên trên thì bốc lên đâm một đòn. Nếu không tránh kịp, diều trên sẽ bị thủng một lỗ ngay bụng. Nhưng ngược lại, cũng có lúc nó lợi dụng thế thượng phong mà “thuận tay bắt dê” bổ nhào đâm thủng lưng đối phương bên dưới.

Người chơi cũng có thể kéo diều mình đi chếch chiều gió để cánh nhọn tạt ngang làm thủng cánh diều địch. Những lỗ rách rất tai hại cho diều khi gió luồng làm lỗ nhỏ loang to, rách nhiều khiến diều không thể căng gió và mất thăng bằng mà rơi xuống. Vậy nên đòn độc trong cuộc chọi diều không nhiều nhưng nếu biết áp dụng tài tình với những biến hóa khôn lường thì sẽ giúp diều tả đột hữu xông, tạo nên bao pha gay cấn hồi hộp. 

Trò chọi diều hàng năm kéo dài cho hết tháng Tư âm lịch, sang tháng nNăm, nhân gian tất bật lo vụ gặt chiêm, tạm cất diều để trở về mới củi gạo dầu muối mưu sinh. Diều lại đôi lúc được lôi ra như một thú tiêu khiển giải sầu. Ngước nhìn con diều tung hoành trời cao, tâm hồn khách chơi cùng hòa theo điệu sáo mà lâng lâng bay bổng.

Say mê diều, tao nhân mặc khách đi tìm những ý nghĩa và triết lý của thú chơi diều rồi đưa diều vào thi tứ đượm tình thắm ý. Còn người dân quê chơi diều đơn thuần chỉ để thư thả, lãng quên những nhọc nhằn của đồng án thường nhật. Và dẫu được thả trong tay ai, đọng lại hồn ai, thì diều vẫn luôn là một hình ảnh đẹp, kéo hồn người với tuổi thơ chôn nơi cố thổ:

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương - Đỗ Trung Quân
Chia sẻ câu chuyện này
Share