Càng tiến vào, con đường càng làm cho tôi mang cảm giác như nó sâu hun hút vậy. Tán cây càng lúc càng dày đặc. Lâu lâu một loài chim lạ nào đó bay ngang làm tôi hết sức thích thú. Phía rừng ngập nước là những gốc cây tràm to đến gần cả người ôm, gốc đen sì tua tủa những rễ hay cái gì đó của một cây khác. Nước hơi đen và có bọt váng. Các gốc cây nằm gần nhau, đan xen như một mê cung khổng lồ. Thỉnh thoảng, ẩn hiện sau những gốc cây tràm, tôi thấy có vật gì đấy nổi lên rồi lại chìm xuống, dài hơn mét rưỡi, đen và tròn, như kiểu bong bóng căng lên. Tôi nghĩ một là do cá, không thì cũng con vật nào chết rồi trương lên. Lạ cái là không có mùi hôi.
Phía rừng bên tay trái tôi, ngăn bởi con kênh nước ngọt, chừng vài chục mét thì có người bên đấy. Chắc là mấy ông bên kiểm lâm. Có lúc họ quay lưng với tôi, có lúc họ lại nhìn theo kiểu tò mò, có cả mấy đứa nhỏ nữa. Mà mấy ông kiểm lâm này ăn mặc khá đa dạng. Sơ vin có, bèo nhèo có. Họ chỉ đứng im đó thôi, kiểu như đứng đã lâu rồi vậy.
Vừa chạy xe vừa ngắm cảnh, bất chợt tôi phát hiện ra một điểm chung lặp đi lặp lại của khu rừng này. Cứ khoảng bốn năm cái cây lại thấy cột một miếng vải màu đỏ. Sâu trong rừng, thấp thoáng phía sau những miếng vải màu đỏ này là những sợi dây thừng treo lủng lẳng trên cành cây. Vì chạy xe rất chậm nên tôi có thể thấy rõ: những sợi dây thừng này bị cắt ngang chứ không hề đứt một cách tự nhiên. Thấy khá tò mò nhưng cũng không thể lý giải nên tôi chỉ biết nhún vai cho qua, tấp xe vào cái quán cóc làm ly cà phê sáng cái đã.
Quán cóc này có diện tích nhỏ vì nằm trong rừng. Được những cây tràm già nhất bao phủ nên chỉ cần nhìn thôi là đủ biết nó thoáng mát như thế nào. Quán có khoảng năm bộ bàn ghế. Tất cả đều làm từ những thanh gỗ trông khá mục nát, nhưng khi ngồi xuống thì tôi thấy độ rắn chắc không phải tầm thường. Cách chỗ tôi ngồi một bàn, có hai người độ ngoài bốn mươi đang ngồi nhậu. Mồi màng trên bàn đã cạn, chỉ còn chai rượu đế. Hai người họ đang huyên thuyên về chuyện trục vớt gì đó, nhưng vì tôi chưa có miếng cà phê nào trong người nên chỉ nghe chữ được chữ không.
Chủ quán là một bà lão. Không biết bà bao nhiêu tuổi, chỉ thấy nếp nhăn dường như đã chiếm gần hết khuôn mặt. Thị giác của bà, nếu còn tỏ, chắc chỉ thấy thế giới như một đường kẻ. Lưng bà khom gần tới đất, còn giọng nói thì đục như dòng kênh sau căn chòi. Nhận ly cà phê, tôi nói cám ơn nhưng dường như bà không nghe thấy. Tôi đốt điếu thuốc, hớp ngụm cà phê, rít một hơi thật sâu, để cho hương cà phê đi theo dòng khói chạy khắp cơ thể, trở thành loại thuốc tiên của những người chưa tỉnh ngủ. Mà, tôi đã thừa biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe.
Giờ tôi mới bắt đầu chú ý tới những lời hai người đàn ông kia nói với nhau. Chú lớn tuổi hơn có một nốt ruồi dưới cằm, mặc nhiên trên đó mọc ra những cọng râu trông như dòng thác. Tôi biết chú lớn hơn vì cách xưng hô thôi. Chú còn lại có đôi mắt xếch. Môi dưới khá dày chống đỡ cho cánh mũi cứ phập phồng. Chú lớn tuổi vừa nói, vừa vuốt mấy cọng râu:
– Ta nói, bữa nào lội mương mà không nghe mùi là bữa đó khỏe. Còn gặp như bữa hổm thì thôi thôi…
Chú Nhỏ cự:
– Tại anh hên thôi anh Tám ơi. Bên phía tui tuần này tính ra thôi là ba cái!
– Trên bờ hay dưới mương?
– Trên bờ hai, dưới mương một! Mà ngặt, cái dưới mương hết kéo lên được. Phải lấy chài lôi lên.
– Bị nó níu lại đó, lần đó tao cũng bị, hai cái dưới gốc tràm. Nó lôi vô tới đó luôn mày. Tao gỡ không ra. Tới khi cúng nó mới nhả ra đó!”
_Bởi vậy, thà là cắt mấy cái trên cây xuống nhẹ hơn dữ dằn…
– Đúng thiệt… Mô phật, mô phật!
Nói tới đó, hai người rót rượu đầy ly rồi cùng nhau cạn. Xong rồi mỗi người lại nhìn một hướng, vẻ mặt đăm chiêu thấy rõ.
Tôi thấy vậy cũng không để ý tới họ nữa. Đưa mắt nhìn một vòng, tự nhiên thấy tít ngoài sâu trong khu rừng, đối diện với chòi nước có thứ gì đó đang đong đưa. Nhìn kỹ thì thấy đó là một chiếc võng, dây nhợ thòng xuống cả đất, chắc đã bị thủng. Xung quanh nó là các cây rừng, mật độ cũng khá dày, cỏ không cao lắm nhưng nhìn âm u.
Chiếc võng này được mắc giữa hai thân cây nhỏ. Dưới đất, lá khô chất đống như đã lâu lắm không ai nằm để phải gạt cỏ ra. Tôi nghĩ chắc là có gió mạnh ngoài kia lắm, vì cái võng bị thổi nghiêng sang một bên. Sau đó dường như gió lặng nên nó lại rơi xuống, đong đưa qua lại. Rồi lại có gió, chiếc võng bị thổi, rồi gió lại tắt. Có nhịp điệu hẳn hoi. Nhìn cũng khá giống với việc có ai đó ngồi lên, lấy trớn, rồi thả ra cho võng lắc lư vậy. Mà cũng giống thật vì phần võng bành ra chứ không xếp lại như khi chẳng ai nằm.