Đây là câu chuyện kể lại vụ đại thảm sát chuột ở Hà Nội năm 1902, khi chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đang tìm cách diệt trừ dịch bệnh nhưng đã vô tình gây ra hỗn loạn.
Trong thời gian 5 năm giữ chức toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer rất chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thành phố lớn ở mảnh đất thuộc địa này. Ông ta rất hài lòng về việc chính quyền thực dân Pháp đã lắp đặt thành công khoảng 20km cống ngầm xả thải nước sinh hoạt ở Hà Nội, cơ bản giải quyết vấn đề vệ sinh cho khu vực nội thành.
Tuy nhiên, đến năm 1902, bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp kinh hoàng phát hiện ra rằng hệ thống cống thoát nước được thiết kế cẩn thận của họ – biểu tượng của thiên tài kỹ thuật châu Âu – đã trở thành thiên đường cho loài chuột. Không ít quan chức Pháp suýt ngất xỉu khi tận mắt nhìn thấy hàng đàn chuột nhung nhúc trong các cống ngầm dưới lòng đất. Nhiều người trong số họ ước ao số lượng các loài cây công nghiệp mà họ đang trồng ở Đông Dương với mục đích xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu cũng có thể phát triển nhanh như giống chuột Hà Thành (!).
Chuột không chỉ là loài gặm nhấm ăn tàn phá hại mà còn mang theo một mối đe dọa đáng sợ: bệnh dịch hạch. Các nhà khoa học mẫu quốc biết rõ, nếu không thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả, toàn cõi thuộc địa Đông Dương có thể sẽ phải đối đầu với một đại dịch kinh hoàng. Chính quyền thực dân Pháp lập tức xác định một điều: phải nhanh chóng tiêu diệt lũ chuột. Nhưng bằng cách nào? Và từ đây bắt đầu một trong những chương nực cười nhất trong lịch sử đô hộ của “giặc Tây”.
NGƯỜI PHÁP TUYÊN CHIẾN VỚI CHUỘT
Trong nỗ lực thể hiện quyền lực hành chính của mình, thực dân Pháp đã nghĩ ra kế hoạch tiêu diệt loài chuột. Chiến lược này có vẻ đơn giản (ít nhất họ nghĩ vậy): thuê người Việt bản địa bắt và tiêu diệt lũ chuột. Người trực tiếp diệt chuột sẽ nhận được một phần thưởng nhỏ, cụ thể là 1 xu cho mỗi chiếc đuôi chuột giao nộp. Còn có kế hoạch nào hoàn hảo hơn thế?!
Tuy nhiên, người Pháp đã không tính đến hai yếu tố quan trọng:
– Chuột sinh sôi nhanh hơn tốc độ tiêu diệt của loài người.
– Người dân Việt Nam không mấy thiện cảm với thực dân Pháp.
Được trang bị tinh thần lạc quan (và có lẽ hơi nhiều rượu cognac), người Pháp bắt đầu chương trình, tin tưởng rằng họ sẽ sớm thoát khỏi chuột bọ và dịch bệnh.
ĐUÔI CHUỘT MỌI LÚC MỌI NƠI
Được trang bị tinh thần lạc quan (và có lẽ hơi nhiều rượu cognac), người Pháp bắt đầu chương trình, tin tưởng rằng họ sẽ sớm thoát khỏi chuột bọ và dịch bệnh.
Ban đầu, kế hoạch có vẻ thành công. Hàng trăm, rồi hàng nghìn cái đuôi chuột bắt đầu được đưa tới điểm giao nộp. Phố phường Hà Nội đâu đâu cũng đầy đuôi chuột! Các quan chức Pháp vui vẻ tự chúc mừng, tưởng tượng tên tuổi của họ sẽ đi vào sử sách như những chiến binh diệt chuột vĩ đại ở Đông Nam Á. Khắp nơi tiếng cụng ly vang lên côm cốp.
Nhưng rồi xuất hiện một hiện tượng kỳ lạ: ngày càng có nhiều đuôi chuột được giao nộp nhưng bản thân lũ chuột không biến mất. Hơn nữa, số lượng chuột cộc đuôi bắt đầu tăng lên thấy rõ. Thì ra, bắt được chuột, người dân cắt lấy đuôi và thả chuột ra. Tội gì mà giết “con ngỗng đẻ trứng vàng”? Chuột cụt đuôi vẫn có thể giao phối tốt và sẽ sinh con đàn cháu đống để người dân bắt, lấy đuôi đem giao nộp lĩnh thưởng.
BÙNG NỔ KINH TẾ ĐUÔI CHUỘT
Nhưng bắt chuột, cắt đuôi đem giao nộp và thả chuột ra chỉ là bước khởi đầu của một mánh lới mới. Chẳng bao lâu sau, các khu trại ngầm xuất hiện, nơi chuột được nuôi nấng đặc biệt để “thu thập đuôi”. Chẳng khác gì ở Thung lũng Silicon sau này, nhưng ở Hà Nội ngày ấy, “các công ty khởi nghiệp” là chuột và “các nhà đầu tư” là những quan chức Pháp đang tuyệt vọng. Một số người nuôi chuột thậm chí còn đưa ra chương trình “khách hàng thân thiết”: “Mua 10 chiếc đuôi, tặng một chiếc!”. Một chiếc đuôi chuột mua của “nhà sản xuất” giá chỉ nửa xu, đem giao nộp cho các “quan lớn” mắt xanh mũi lõ lấy 1 xu, tuy không đạt mức “một vốn bốn lời” nhưng đạt “hai lời” là đã quá tốt.
Hãy tưởng tượng sự kinh hoàng của chính quyền Pháp khi họ nhận ra rằng thay vì tiêu diệt chuột, họ lại đang tài trợ cho toàn bộ ngành chăn nuôi loài gặm nhấm này. Đối với người Việt Nam, đây có lẽ là một công việc kinh doanh tuy buồn cười nhưng lại rất hời: nếu những kẻ thực dân ngây thơ đến mức vô tư trả tiền để làm cho vấn đề của bản thân trở nên tồi tệ hơn, tại sao ta lại không tận dụng tình huống?
KHI MỌI CHUYỆN VƯỢT RA NGOÀI TẦM KIỂM SOÁT
Các báo cáo về sự bùng phát bệnh dịch hạch ngày càng gia tăng và chuột ngày càng nhiều (tất nhiên là rất nhiều con trong số chúng không có đuôi). Trong cơn tuyệt vọng, người Pháp tìm cách tăng thưởng và thắt chặt luật lệ, nhưng không biện pháp nào có thể vượt qua được sự khéo léo của người dân, vốn đang dạt dào cảm hứng từ cơ hội làm ăn kinh tế và tâm thái hả hê trước thất bại của bọn thực dân đáng ghét.
Xuất hiện những bao tải đuôi chuột bị kéo lê khắp thành phố, nhân viên đổi đuôi như đổi thẻ, thậm chí có cả một băng đảng “mafia chuột” đang điều hành hệ thống chợ đen chuyên mặt hàng đuôi chuột. Rất nhiều quan chức Pháp vừa than thầm “C’est la vie!” (Đời là thế!), vừa rót cho mình một ly rượu nữa và ước gì mình đã ở lại Paris, không đi sang cái xứ sở Đông Dương chết tiệt này.
Chương trình cuối cùng đã bị đóng cửa. Kết quả là chuột không đuôi ngập tràn đường phố, dịch bệnh bùng phát và người Pháp phải công khai thừa nhận về sự thất bại của bộ máy hành chính Pháp tại một xứ thuộc địa xa xôi.
Rất có thể, người Pháp đã rút ra được một bài học: đừng bao giờ đánh giá thấp sự khéo léo của con người khi được kích thích bởi mùi tiền, đặc biệt nếu những người này ghét bạn.
HỆ QUẢ
Các nhà sử học coi vụ thảm sát chuột ở Hà Nội là một ví dụ điển hình về quy luật “hậu quả không lường trước được”. Câu chuyện này được nhắc đi nhắc lại như một lời cảnh báo chống lại sự kiêu ngạo của thực dân, những khuyến khích kinh tế sai lầm, nói thẳng ra là sai lầm ngớ ngẩn, vô lý nhất của con người.
Đối với người Việt Nam, đây có thể là một chiến thắng nhỏ nhưng ngọt ngào – một cơ hội để vượt qua bọn thực dân và đồng thời kiếm tiền. Đối với các quan chức thực dân, đó là lời nhắc nhở về việc ngay cả những kế hoạch được chuẩn bị tốt nhất cũng có thể diễn ra theo những cách ấm ớ, buồn cười nhất.
Thêm một kết luận nữa: Chuột là vĩnh cửu. Chúng đã sống sót sau bệnh dịch, cạm bẫy, thuốc bả và thậm chí cả nạn diệt chủng do Pháp bảo trợ. Khi ngày tận thế đến, chúng ta sẽ biết ai là chủ nhân ông của thế giới này.
Đồng thời, câu chuyện về những sai lầm quan liêu, những loài gặm nhấm táo bạo và sự tháo vát của người dân Hà Nội nhắc nhở chúng ta về sự khó đoán đáng kinh ngạc trong hành vi của con người (và cả của loài chuột nữa, hẳn nhiên rồi).
Sau chiến dịch “bài trừ loài gặm nhấm độc hại” bằng biện pháp thu mua đuôi chuột đầy tai tiếng này, vị toàn quyền Đông Dương khả kính Paul Doumer đã lên tàu trở về mẫu quốc và sau đó còn leo lên được chiếc ghế Tổng thống nước Pháp.